Chuyện cũ hâm lại, hình như, chẳng để làm gì,...



Cuối xuân năm nay ( Đinh Dậu 2017 ), đầu tháng ba âm lịch, khi hoa gạo đã chớp chới đỏ nơi thôn dã, trên những triền thung vắng, sườn non miền Tây Bắc, Việt Bắc, báo hiệu hạ chớm sang, rét nàng Bân đã về đúng hẹn. Không những thế, suốt tháng ba, cứ dăm bữa, nửa tháng, lại một đợt gió mùa đông bắc tràn về. Lạnh vừa, song cũng đủ làm lòng người xao xuyến, nhất là sau những đợt nắng nóng xen kẽ. Tưởng hè đã sang hẳn, thì ngày đầu của tháng tư âm lịch, gió mùa đông bắc lại vê, chẳng hiểu đã là chót hay chưa? Có người đùa bảo, nàng Bân giờ khác xưa rồi, chẳng mấy thương chồng, mà cũng đâu có thèm đan áo, vậy mà cứ trở đi trở lại nhiều thế, là sao? Câu nói vui thôi, nhưng ngẫm nghĩ, tự thấy, hình như, đã có những biến đổi gì đó, lệch với quy luật thuần túy hình thành bao ngàn năm rồi, cả về tính chất thiên nhiên và ý thức xã hội nữa ?...
Trước hết, là những thay đổi, lệch chuẩn, thậm chí cực đoan về khí hậu thời tiết... Hai mươi bốn tiểu tiết theo âm lịch nay không mấy đúng, chúng chỉ hiển hiện trong các quyển lịch treo tường mà thôi. Sự phát triển quá nóng của các quốc gia mới nổi, khó kiểm soát, đã làm ô nhiễm mặt đất, các dòng sông, cả đại dương bao la và bầu khí quyển bao bọc quanh trái đất. Tất cả làm tự nhiên bị dồn nén và nổi giận. Mà một khi thiên nhiên nổi giận thì hậu họa khôn lường... Rét muộn, rét tháng ba, rét nàng Bân theo cách gọi dân gian, chỉ là một biểu hiện cụ thể của thời tiết tự nhiên mang tính quy luật thôi. Nó ổn định, tức tự nhiên ổn định, chưa có gì phải lo, nó bất thường là tự nhiên bất thường...
Còn ngẫm về khía cạnh xã hội, từng ngày, ngấm ngầm, nhiều giá trị, quy chuẩn, đạo đức xã hội cũ đang dần mai một, trong khi những giá trị, quy chuẩn mới chưa kịp hình thành, hoặc còn chưa được công nhận, và mặc nhiên, hàng ngày, chúng tác động vào mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng ... tạo ra những hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến các mối quan hệ gia đình, xã hội, nhiều khi theo chiều hướng tiêu cực. Câu chuyện Nàng Bân xưa và nay khác nhau xa, thực ra chỉ là một cách nói, một biểu đạt của quan hệ đôi lứa, gia đình trong bối cảnh xã hội đa chiều, đang thay đổi nhanh chóng. Nếu trước đây, mối quan hệ này là sự tương tác trực tiếp, nếu ai đó muốn can thiệp vào, thì nay, mọi việc trở nên đơn giản, dễ dàng hơn, trước hết và gián tiếp, bởi sự phát triển chóng mặt của khoa học công nghệ, với sự hình thành của mạng xã hội. Giờ đây, giữa hai cá nhân ở xa cách cả một đại dương, cả nửa vòng trái đất, lại có thể tương tác với nhau trong nháy qua một cú chạm mà thôi,...
Bỗng nhiên, tôi nhớ lại ngày xưa, khi mình còn thơ bé. Tôi đã từng hỏi mẹ, khi thấy người lẩm bẩm cấu cửa miệng " rét tháng ba, bà già chết cống", lúc thời tiết tưởng đã sang hè, trời nóng bức là thế, lại đột ngột chuyển mưa rét. Ngày ấy, tôi nghĩ, rét tháng ba chắc phải rét lắm, rét đậm, rét căm căm thì bà già mới chết cóng chứ. Nghe mẹ tôi cắt nghĩa rồi, tôi mới hiểu, thực ra, rét tháng ba âm lịch ( tức Rét Nàng Bân ), cùng với đó là câu chuyện về nàng Bân thương chồng đan áo rét muộn, khi hạ đã sang, bèn cầu xin Ngọc Hoàng Thượng đế cho trời làm rét để chồng nàng được mặc áo rét nàng đan ấy, chỉ là huyền thoại mà con người tưởng tượng ra, để chỉ một tiết đoạn thời gian, một quy luận của thời tiết. Và thường nó đến đột ngột, khi người ta chủ quan, hoặc đã cất kỹ quần áo mùa đông, hoặc có đi đâu xa hay quyên mang phòng quần áo rét...
Nhân đợt rét muộn đầu tháng tư âm lịch này, mang chuyện cũ ra hâm lại. Hình như, cũng chẳng để làm gì !...


Đợt rét nàng Bân chót, 28.4.2017

Nhận xét