Gặp Nick Út,...




Nick Út là một người nổi tiếng, ở Việt Nam, ở Mỹ, và cả báo giới quốc tế nói chung. Trước hết, ông nổi tiếng bởi nghề nghiệp, một phóng viên nhiếp ảnh, sớm thành danh bởi chính tác phẩm ảnh của mình, và cả đời theo đuổi sự nghiệp ảnh báo chí, giữ được đạo nghề cho đến lúc nghỉ hưu...
          Vì là người nổi tiếng, nên chúng ta không khó để tìm kiếm những thông tin về ông đầy trên mạng. Bởi vậy, khi viết về ông, tôi không muốn sa đà vào những điều người ta đã nói và viết, mà dành cho những ấn tượng và cảm quan của cá nhân tôi về ông. Tuy nhiên, thấy cũng cần nhắc lại một số thông tin cơ bản về nhân thân của Nick Út.
          “ Nick Út, tên thật Huỳnh Công Út, ( sinh ngày 29 tháng 3 năm 1951) là người Mỹ gốc Việt. Ông là phóng viên ảnh cho hãng tin Associated Press ( AP ), người chụp bức ảnh em bé Phan Thị Kim Phúc, thường được biết là "Vietnam Napalm Girl" - cô gái Việt Nam bị napalm, và những đứa trẻ khác bị bỏng do bom napalm của Mỹ tại Trảng Bàng- Tây Ninh, bức ảnh đã mang lại cho ông giải Pulitzer và ông trở nên nổi tiếng. Bức ảnh được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn ... Ông sinh tại Long An, là phóng viên ảnh cho hãng tin Associated Press (AP) từ năm 16 tuổi. Anh ruột của ông - Huỳnh Thanh Mỹ cũng là một phóng viên chiến trường làm việc cho AP - đã chết trong Chiến tranh Việt Nam, bản thân Nick Út cũng bị thương 3 lần trong Chiến tranh Việt Nam ”...
          Đấy là người ta tóm tắt về ông. Thiết nghĩ, cũng nên biết thêm một số thông tin khác gắn với Nick Út, như ông cũng có những thành công khác về sự nghiệp nhiếp ảnh sau bức “Em bé Na-pan”; việc ông vẫn thường xuyên liên lạc với Kim Phúc sau này (nhân vật trong bức ảnh, nay là Việt kiều định cư tại Canada); việc ông đã từng mở triển lãm ảnh tại Tp. Hồ Chí Minh cách đây chục năm nhưng không suôn sẻ. v.v...
          Giờ thì ông ngồi đây, trước mặt chúng tôi, các phóng viên, biên tập viên của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), những người yêu thích nhiếp ảnh, hoặc đơn giản là vì tò mò, muốn nhìn tận mắt cái nhà ông nhiếp ảnh nổi tiếng thế giới này đầu cua tai nheo ra sao.


          Đúng 9 giờ sáng ngày 05 tháng 5 năm 2017, ông có mặt tại phòng giao lưu, trụ sở 58 Quán Sứ, Hà Nội theo lời mời của Ban Quan hệ quốc tế nhà đài. Sau phần chào hỏi xã giao thông thường, ông bắt đầu cuộc giao lưu với việc giới thiệu tóm tắt sự nghiệp nhiếp ảnh báo chí của mình qua một clip lên màn ảnh lớn... Trong lúc, ông chăm chú theo dõi những hình ảnh của mình với sự chăm chú và ít nhiều xúc động qua việc lén chấm nước mắt, thì nhiều người lại nhăm nhăm chụp ảnh ông...
          Trong số những người vừa xem hình ảnh, vừa tìm góc máy để chụp ông, có tôi. Tôi có mặt trước giờ ông đến, với tư cách của người tổ chức buổi giao lưu, vừa là người yêu thích nhiếp ảnh, và có cả mong muốn thỏa mãn sự tò mò nữa...
          Sau khi những hình ảnh trong clip được chiếu hết, màn hình phông trở lại bức ảnh nền “Vietnam Napalm Girl", Nick Út cũng đã trở về với gương mặt kiên nghị và quắc thước vốn có, ông lặng lẽ chờ đợi những câu hỏi của mọi người. Khán phòng im lặng chốc lát, vì dường như, tất cả vẫn đắm chìm trong suy nghĩ về những bức ảnh vừa được trình chiếu, mà chưa sẵn sàng đặt câu hỏi, cho dến khi người dẫn chương trình lên tiếng. Và rồi, thay nhau, các câu hỏi liên tiếp được đặt ra cho ông, chủ yếu xung quanh công việc nhiếp ảnh thời sự của ông, gắn với cuộc đời, và hãng thông tấn AP mà ông làm việc từ ngày đầu vào nghề cho đến khi nghỉ hưu vào năm ngoái... Gì thì gì, trung tâm của buổi giao lưu, của mọi câu chuyện, vẫn là tác phẩm “ Em bé Na-pan “, mà ở đó, có mối quan hệ tay ba, đó là Nick Út ( tác giả ) – Tác phẩm ảnh – Nhân vật ảnh ( Kim Phúc ). Và từ đó, là hàng loạt những mối quan hệ ăn theo khác, như tác giả với Hãng AP và giới nhiếp ảnh quốc tế nói chung; tác phẩm ảnh được giải Pulitzer hết sức anh giá này đã khiến chính quyền, người Mỹ và cả thế giới nhìn nhận về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam ra sao; và bản thân Nick Út đã ứng xử với tác phẩm của mình và đồng nghiệp như thế nào sau sự kiện này ? v.v...
          Trở lại cuộc giao lưu, Nick Út tỏ ra khá thoải mái khi trả lời các câu hỏi, kể cả những tâm sự về nghề nghiệp, mà theo tôi, chắc hẳn ông  đã tham gia những cuộc giao lưu, phỏng vấn kiểu này nhiều rôi. Có một điều thú vị, các nhà báo nữ của VOV rất hào hứng việc đặt câu hỏi, nhiều hơn các nhà báo nam, có lẽ, do sức hút từ sự từng trải đầy nam tính ở nơi ông? Riêng tôi, tuy không trực tiếp hỏi, chỉ loanh quanh tìm những góc máy vì muốn khắc họa chân dung Nick Út, nhưng hầu hết những câu hỏi và trả lời, tôi không bỏ lọt tai. Tôi tin những điều ông nói, phải chăng, từ cách diễn đạt trực diện, từ ánh mắt nhìn, động thái hình thể, tất thảy, đều cho thấy sự thẳng thắn, chân thành và cầu thị toát ra từ con người ông...



          Nick Út ngồi đấy, đối diện với mọi người, và cũng là đối diện với quá khứ của mình, tôi nghĩ thế, say mê mà tỉnh táo, cứng cỏi mà thân thiện, giữ khoảng cách mà vẫn gần gũi. Trong rất nhiều câu chuyện, tôi nhận ra ở Nick Út mấy điều cơ bản làm nên con người và sự nghiệp của ông, từ quá khứ cho đến hiện tại, ấy là, những nguyên tắc cơ bản của nhiếp ảnh báo chí, tính trung thực của tác phẩm và sự chân thành, cùng  với lương tâm của người cầm máy, mà những điều ấy, thiết nghĩ, là những giá trị chính yếu của đạo nghề...
          Có một nữ phóng viên đã hỏi Nick Út rằng ông đã làm gì ngay sau khi chụp bức ảnh “ Em bé Na-pan “ ? Không ngần ngại, ông nói về những giây phút ấy, sau khi bấm máy, ông đã chạy đến, tìm cách cứu giúp cô bé, như tưới nước rửa trôi chất cháy bám trên thân thể cô bé; rằng khi đó, cô bé và những người khác đều hoảng loạn, kêu cứu thế nào; rồi ông đưa cô bé đi cấp cứu ra sao ... Nick Út bảo, ông biết và ý thức rõ, rất có thể, vì việc đưa cô bé đi cứu chữa, ảnh của ông gửi về Hãng sẽ chậm trễ, kể cả việc có ai đó cũng chụp được cảnh tượng tương tự như ông, cho đăng báo trước ông, song vì đạo nghề và đạo người, đã không cho phép ông bỏ rơi cô bé mà không cứu giúp...
Và ông đã đúng, khi nghĩ vậy và làm vậy. Mọi người đã biết, đánh giá, thậm chí so sánh, câu chuyện giữa Nick Út cùng tác phẩm “Em bé Na-pan“, với Kevin Carter cùng tác phẩm “Kền kền chờ đợi“ cùng khoảng cách 20 năm giữa hai sự kiện làm nên hai kiệt tác ảnh này. Chính vì hành xử đúng, nên Nick Út đã không trở thành nạn nhân bởi chính sự thành công của mình, như người đồng nghiệp Kevin Carter đã vấp phải, và đã hứng chịu búa rìu của dư luận, sự rằn vặt lương tâm, sự bế tắc tư tưởng, đến mức phải tim cái chết. Còn ông, không có gì phải ân hận, để rồi đủ niềm tin và ý chí, đặng vững bước trên con đường nhiếp ánh báo chí, mà nhờ đó, đã gặt hái thêm những thành quả khi theo đuổi ảnh báo chí về Hoolywood... Theo tôi, có lẽ còn cao hơn cả thành công của sự nghiệp cá nhân, sau tác phẩm Em bé Na-pan“, cùng dư luận thế giới về tác phẩm này, Nick Út đã thay đổi nhận thức về chiến tranh, đặc biệt chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, ý thức về độc lập tự do của dân tộc !...
Hơn thế, cho đến thời điềm hiện tại, ông đã nghỉ hưu của Hàng AP, song vẫn có thể tiếp tục công việc yêu thích, sự nghiệp nhiếp ảnh báo chí của mình với tư cách cộng tác viên, tham gia giảng dạy và nói chuyện về nghề ảnh báo chí của mình...
Hôm nay, ông-Nick Út, trước chúng tôi, những đồng nghiệp báo chí, với vẻ kiên nghị, đầy nhiệt huyết và sự chân thành, để nhìn thẳng và nói thẳng !...


Hà Nội, 05.5.2017

Nhận xét