Tủm tỉm Lê Đình Cánh ( I )



1.     Một chỗ trong chiếu thơ Lục bát.

           Ấy là cái chiếu thơ lục bát Việt Nam thời nay, mà tôi xin được trải ra, để mời mấy nhà thơ vào ngồi, mỗi người một góc, mà ở đó có nhà thơ Lê Đình Cánh.
          Trong bài viết Chính danh gọi Tễu, hay chân dung nhà thơ Phạm Công Trứ, tôi đã mạo muội, từ nhận định cá nhân, xin trải ra cái chiếu thơ lục bát hiện tại xứ ta và mời bốn nhà thơ vào ngồi, ấy là: Nguyễn Duy, Lê Đình Cánh, Phạm Công Trứ, Đồng Đức Bốn.
          Nếu định danh vậy, có nghĩa là, với Lê Đình Cánh, chí ít, phải thành danh với Thơ, mà cụ thể lại là Thơ lục bát
          Nói như vậy, cũng đồng nghĩa với việc, trong giới văn chương Việt Nam hiện đại, người ta biết đến tư cách nhà thơ của Lê Đình Cánh, mặc dù, theo liệt kê, đến nay, trong tổng số 11 tác phẩm in riêng, thì có 4 tập thơ, mà có tới 7 tập bút ký văn học; và tập thơ đầu tay Đất lành do NXB Thanh Niên ấn hành năm 1986, lại ra sau tập bút ký văn học Vùng đất sẽ có tên ( NXB Thanh Hóa, năm 1985 ).
          Với riêng tôi, biết đến tên tuổi nhà thơ Lê Đình Cánh, ấy là khi ông được giải thưởng cao cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ ( năm 1976 ) với 2 bài thơ “Mẹ ra Hà Nội“ và “Trên cao nguyên Tà Phình”. Câu thơ “Lên thang chẳng dám bước dài/ Vào khu tập thể gặp ai cũng chào“ (bài Mẹ ra Hà Nội) và câu “Nắng lành như mắt cừu non/ Long lanh sương sớm như còn ngậm trăng“ (bài Trên cao nguyên Tả Phình), ấy là những câu thơ hay, mà sau này, mỗi khi nói đến Lê Đình Cánh và thơ của ông, người ta đều nhớ... Thậm chí, trong vài cuộc trà dư tửu hậu, cao hứng văn thơ, có ai đó đã đưa ra nhận định, rằng đấy là những bài thơ, câu thơ đã đóng đinh nhà thơ Lê Đình Cánh vào nền thi ca Việt Nam hiện đại...
          Theo tôi, một khi xếp nhà thơ Lê Đình Cánh ngồi vào một góc chiếu thơ lục bát hiện tại xứ ta, thì có nghĩa, thơ thể lục bát của ông phải nhiều, phải nhuần nhuyễn, tài tình, chứ đâu riêng chỉ vài ba bài thơ, câu thơ ấy. Để đóng đinh được Lê Đình Cánh gắn chặt vào nền thi ca Việt Nam hiện đại, phải cần nhiều “đinh” hơn thế. Chẳng qua, mấy bài thơ,  câu thơ nọ, là dấu ấn đầu tiên khiến người ta bắt đầu nhận diện ra riêng một Lê Đình Cánh, trong số rất nhiều nhà thơ và người làm thơ ở xứ ta mà thôi.
          Vậy, cùng với “Mẹ ra Hà Nội“ và “Trên cao nguyên Tà Phình”, Lê Đình Cánh còn có những gì? Chắc chắn, ông còn có nhiều bài thơ khác, đặc biệt là thơ lục bát hay. Thực ra, nói rằng ông có một chỗ trong cái chiếu thơ lục bát thời nay, chỉ là một cách nói vui hình tượng, chứ từ lâu nay, Lê Đình Cánh đã thành danh với thơ lục bát. Người ta viết về ông với thể thơ này rất nhiều, những đánh giá, nhận định thê nọ, rồi trích dẫn thế kia, tất cả đều nhằm minh chứng một điều, ông đã thành công, đắc địa với thơ lục bát...
          Mặc dù không muốn nhắc lại bài này bài nọ, trích dẫn những câu thơ lục bát hay của ông mà nhiều người khác đã nhắc, song cũng không thể không làm cái việc ấy. Thôi thì, tôi xin nhặt nhạnh theo cái nhìn của mình vậy. Ngay như, trong bài thơ “Mẹ ra Hà Nội’, cùng với câu thơ mọi người đã nói, còn có các câu thơ khác hay không kém, như : “Khoác vai mẹ chiếc đãy nghèo/ Năm xưa thắt lại bao điều dắng cay” và “Sào tre đêm gõ nhịp gày/ Ba khoang đò dọc chở đầy ước mong”.
Tựu chung, có thể thấy, thơ ông luôn cấu tứ chặt chẽ, lập ý rõ ràng
Về tính chất, đầy sự hóm hỉnh, dí dỏm, cái tưng tửng, têu tếu, ít nhiều lạc quan, ở đây là sự lạc quan có trách nhiệm, kể cả những bài thơ gam buồn; không có cái buồn da diết, bi lụy.
Về hình thái, lục bát nhuyễn, cả ngôn từ và nhịp điệu, câu chữ chắt lọc, tinh tế, linh hoạt, hoán đổi ...
          Vậy là, khi mang những nhận định trên mà áp vào thơ ca nói chung, nhất là thơ lục bát của Lê Đình Cánh, sẽ thấy ông có khá nhiều bài thơ, câu thơ hay. Theo tôi, cùng với những bài thơ hay, từng được giải, lèm nên tên tuổi Lê Đình Cánh như: Mẹ ra Hà Nội, Trên cao nguyên Tà Phình, Một mình anh đi Trăng nở nụ cười,... còn có những bài thơ hay khác như: Quán Sứ bên này, Đền thờ hạt lúa, Em đi, Ai mua chổi rơm, Lời thề cỏ xanh, Chợ Mơ, Gọi đò, Chùa bà Đanh, Ga Vinh, Về hưu, Tiểu sành, Sông Cầu chày, Sương sa trắng đầu, Đêm sông Chùy, Cõi xưa,  Bến quê, Trở lại Ba Lòng, Rượu tăm, Một nửa, Nỗi oan Thị Màu, v.v...
          Cũng theo đó, người ta có thể tìm thấy rất nhiều những khổ thơ, những câu lục bát hay rải rác đâu đó ở các bài thơ, dọc quá trình sáng tạo thi ca của Lê Đình Cánh.
Xin được viện dẫn, như :
         
Mải lo cơm đủ áo lành
Còn đâu lúc rỗi để thành vọng phu
( Gió đất )
Ở rừng từng hát ru nhau
Lá trầu chị héo, quả cau em già
( Em đi )
Tình yêu như thể chơi đề
           Đợi con độc đắc lại về trắng tay
(  chợ tình  )
Chốn quê vẹo cột vênh kèo
Ốc cam phận ốc lại đèo kiếp rêu.
( Chợ người )
Đố ai hết nợ đàn bà
Để tôi cắt tóc bỏ nhà đi tu
( Chợ tình )
Xế tà tháp lặn vào mây
Vầng trăng chính sử hao gày hoàng hôn
( Lời xưa )
Sau già là cõi xa xăm
Nén hương đỏ lửa mỗi năm đôi lần.
( Hỏi đất )
Giếng làng mưa bão vẫn trong
Chợ quê rớt già vẫn đong đếm đầy
( Thú quê )
Đao đình cong nỗi phế hưng
Một thời lá rụng dửng dưng sân chùa
( Phận rùa )
Tuổi già như thể nắng hanh
Vừa long lanh sớm. Đã mong manh chiều
( Về hưu )
Ơi người áo mũ cân đai
Nắm xương có xếp vào hai tiểu sành
( Tiểu sành )
Nắm tay củ ấu vẫn tròn
Người ơi vẫn ngọt bồ hòn trên môi
( Chợ Mơ )
Giả vờ có ngủ được đâu
Nằm chong chong mắt lâu lâu lại ngồi
( Ngủ nhờ )
Ngày xưa xe lộn về Bần
Mấy phen tuột xích quãng gần Khoái Châu
( Về Phố Hiến )
Nẻo đường bồ bịch cong cong
Vừa lo thoát khỏi. Vừa mong nhảy vào...
( Nẻo đường cong cong )
Bắt chồng em có chọn anh
Như kim chọn chỉ vá lành áo nâu
Như là đồng đất chọn trâu
Nương cao cũng kéo ruộng sâu cũng cày
Chọn anh như cối chọn chày
Canh khuya giã sắn rạng ngày đâm ngô
( Bắt chồng )
Thân cò trở lại nghề nông
Rời cây súng biết tay không có gì
Mấy đồng hưu trí thấm chi
Cảnh nhà vơi bát lắm khi mụ người
( Anh lại đi cày )
Nứa mai thưng hở vách lều
Rừng khô xao xác nai kêu lẻ bầy
Mưa bay như thể sương dầy
Sàn khuya thương ngọn nến gày lắt lay
( Gặp ở Mường Tè )...
          


Vẫn còn khá nhiều những câu thơ, khổ thơ lục bát hay như thế. Và nếu chỉ nghĩ, nhà thơ Lê Đình Cánh có riêng “chiếc đũa thần“ mặc sức điều khiển thơ lục bát tài tình như vậy, thì không hẳn. Ở những bài thơ không phải lục bát, bắt gặp đó đây những bài thơ, câu thơ hay không kém. Vẫn chất suy tư thế sự, vẻ hóm hỉnh, tinh quái, ý thức trách nhiệm với đời, khiến người ta phải suy nghĩ, day dứt...
Chẳng hạn, như:
Thế cờ nghiêng về đâu
Pháo mã thành vô dụng
Sĩ tượng thành thất sủng
Tốt đen cười sang sông
( Nắng Hàm Tân )
Ai biết được ma nào ăn cỗ
Ai dại gì công bố chuyện đi đêm
( Vợ Ba )
Gặp bạn tình lòng đã thấy no
Rượu chưa nhắp lời đà có lửa
Trưa đứng nắng bồn chồn vó ngựa
Chợ lim rim một nửa sang chiều.
( Chợ Bắc Hà )
Đường một chiều cứ thế tôi đi
Tôi biết dại làm người nhụt chí
Cái đáng vứt lại cất làm của quý
Cái phải chôn đi lại để trưng bày
( Đường Bà Triệu )
Đâu đá lát lên đền Tam Tổng
Lạnh khói hương thông thốc giữa trời
Hai hộ pháp vẫn muôn đời gác cổng
Ông Ác cười! Ông Thiện toát mồ hôi...
... Tôi trở về tuổi trẻ chẳng về theo
Thời gian như nước ngầm băng hoại
Trái tim tôi càng sống càng nghèo
( Quê ngoại )
Mùa khô Đồng Văn trơ gió
Gió khê lời đá thở dài
Gió như tiền vào nhà khó
Một đời gió thổi trần ai
( Mùa khô Đồng Văn )
 v.v..
Khi bắt đầu sang thời đổi mới, nhiều giá trị phong tục, tập quán cũ dần mai một, mất đi, còn những giá trị mới hoặc chưa hình thành, hoặc đã manh nha song còn chưa được khẳng định, xã hội sinh nhiều chuyện nhiễu nhương, Lê Đình Cánh đã không bỏ qua. Vẫn bằng thể thơ lục bát từng khiến ông thành danh ngày nào, giờ ông lại dùng “chiếc đũa thần” của mình, khoắng một hồi, ra nhiều bài thơ hay về chủ đề mới này. Có thể kể tên các bài thơ sau đây: Toa máy lạnh, Hát Karaoke, Hồ Tây, Vàng xám, Qua cầu Long Biên, Phố Làng v.v...:
Ví như :
Đèn mờ nửa đỏ nửa xanh
Để êm đỡ trẻ. Để anh đỡ già
( Hát Karaoke )
Phố làng xóa sổ nông dân
Quán quê lai ghép công nhân nửa mùa
Lượn lờ chào bán gọi mua
Dật dờ chai cốc được thua với đề
( Phố Làng )
Mảnh bằng bán tận châu Phi
Tiền lương đếm lại nhiều khi mủi lòng
Ước mơ xé lẻ từng đồng
Thương con liệt sĩ lấy chồng thương binh,
Vết thương như kẻ vô tình
Tấy lên những lúc gia đình ăn vay.
( Vàng xám ) v.v...
Dù thời trước hay thời nay, dù mảng đề tài nào, thể thơ nào, thơ Lê Đình Cánh vẫn nguyên giá trị, những gì đã làm nên thơ ông, thành danh cùng với ông, theo cách nghĩ của tôi. Quan trọng là, ông đã có ít nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền thi ca Việt Nam hiện đại, nhất là thể thơ lục bát cổ truyền, riêng có của xứ ta !...

Hơn thế nữa, Lê Đình Cánh đâu chỉ có thơ...
( còn nữa ) 
5.2017

Nhận xét