Tủm tỉm Lê Đình Cánh ( II )



2.Nhà thơ, khỏe viết văn xuôi.

Lê Đình Cánh được bạn đọc cả nước biết đến qua Thơ, đặc biệt Thơ lục bát; bản thân ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với tư cánh nhà thơ; còn công việc cơ quan, ông có nhiều năm là Trưởng phòng, Phòng Văn học Thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), song thể loại sung sức nhất của ông lại là bút ký-ký sự-tản văn. Bằng chứng, kể từ tập văn xuôi đầu tiên, Vùng đất sẽ có tên được NXB Thanh Hóa ấn hành năm 1985, cho đến nay, tập văn xuôi mới nhất, Miền chầu văn do NXB Hội Nhà văn xuất bản cuối năm 2015, con số đã là 7.
Không rõ, Lê Đình Cánh đã từng có ý định viết dài, như tiểu thuyết, hay hồi ký hay chưa, song với văn xuôi ngắn, ông đẻ sòn sòn, cứ vài ba năm một tập? Mặc dù, làm việc ở một đơn vị chuyên về văn học nghệ thuật, nhưng lại thuộc cơ quan báo chí lớn của quốc gia, nên tự thân Lê Đình Cánh, với tư cánh là một người cầm bút, thì dù đi viết bài như một phóng viên, ở nhà làm biên tập viên, và cả khi chịu trách nhiệm xuất bản trong tư cách người quản lý ( ở đây là chữ ký phát sóng ), thì ông luôn ý thức về tính thời sự vốn có của báo chí. Có lẽ vậy, để đáp ứng các yêu cầu này, ông đã lựa chọn cách viết ngắn? Và như thế, cùng với Thơ, loại hình văn học đã ám vào con người ông để thành nghiệp, ông sáng tác bút ký, ký sự văn học và tản văn. Mà viết khỏe, lại đa dạng...
Mạo muội, tôi lần theo các trang văn xuôi của ông. Dù chỉ có trong tay 3 tập: Đường xuân ( NXB Quân đội nhân dân, 2003 ), Nắng Nghi Sơn ( NXB QĐND, 2013 ) và Miền chầu văn ( NXB Hội Nhà văn, 2015 ), và khi đọc, cái kỹ, cái lướt, song tôi nghĩ, chí ít cũng có thể khái quát để nhận diện một văn xuôi Lê Đình Cánh.
Thực ra, trong nhiều năm qua, Lê Đình Cánh viết bút ký, ký sự, tản văn rải rác, đều tay, cả khi ông còn làm việc hay khi đã nghỉ hưu. Đa phần, các tác phẩm văn xuôi của ông đều được đọc, phát sóng trên các Chương trình phát thanh Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam, hoặc trước hoặc sau, các tác phẩm này được đăng trên Báo Văn nghệ, các báo và tạp chí văn học khác ở trung ương và địa phương. Vậy nên, cơ bản là tôi đã đọc, nghe các tác phẩm văn xuôi của Lê Đình Cánh. Sở dĩ, hầu hết các tác phẩm văn xuôi của ông được sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tờ báo và tạp chí chuyên ngành, trước hết, là do chất lượng và tính thời sự của chúng; thêm nữa, uy tín của chính tác giả cũng góp phần vào. Mấy chục năm qua, phải chăng, không riêng gì tôi, nhiều bạn yêu văn học nghệ thuật, cũng có thể nhận ra, cùng với lục bát thơ Lê Đình Cánh, còn có bút ký Lê Đình Cánh? Vậy nên, ông đã ít nhiều thành công ở lĩnh vực văn xuôi thể loại này!...
Theo đó, tôi thử định dạng văn xuôi Lê Đình Cánh.


Thứ nhất, chiếm phần lớn trong các tập văn xuôi của ông, ấy là bút ký, ký sự từ những chuyến đi. Lại nói, những chuyến đi của Lê Đình Cánh. Thường là, phóng viên nhà Đài, đi công tác theo sự phân công của cơ quan, hoặc theo lời mời của các cơ quan, ban ngành, tổ chức, đơn vị nào đó, hoặc phối hợp từng nhóm phóng viên từ các cơ quan báo khác nhau, hoặc đi ngẫu hứng theo ý thích, ý đồ riêng. Với Lê Đình Cánh, ông  từng đi theo tất cả cách thức vậy, nhưng phần lớn là theo lời mời trân trọng từ phía các cơ quan, đơn vị bên ngoài, bởi uy tín riêng ông có. Nếu là phóng viên thời sự, hay chuyên đề khác, sau chuyến đi, sản phẩm sẽ là tin, là phóng sự thu thanh, là phỏng vấn, còn ông, là bút ký, ký sự. Và một khi đã vậy, gì thì gì, khó tránh khỏi sự minh họa chiều lòng nhau trong quan hệ chủ-khách. Lê Đình Cánh không phải là ngoại lệ, tuy nhiên, ông luôn biết cách, mà theo lối nói chữ là “phản chủ vi khách“, ấy là biến chủ thành khách, còn mình từ khách thành chủ, ở đây, nên hiểu là sự chủ động trong thông tin, viết bài theo ý mình, tránh sự nể nang, lệ thuộc vào chủ nhà, không mô tả cứng nhắc như báo cáo, không nói một chiều ... Đọc một loạt các bài viết kiểu này, thấy được, Lê Đình Cánh đã khá khôn khéo, biết thoát khỏi tính báo chí thông thường để gia tăng hàm lượng văn chương cho bài biết, hay nói cách khác, là ông biết đã mềm hóa bài viết bằng những thông tin bên lề, từ sự lao động quá khứ, từ kiến thức của mình về thiên nhiên, địa lý và lịch sử phát triển của vùng đất... làm phong phú cho bài viết... Ấy, cũng là sự khác biệt của ông với nhiều cây bút chuyên ký sự khác cùng thời...
Thứ hai, Lê Đình Cánh hay chọn cách thể hiện quan điểm, kiến thức, kiến văn của mình thông qua các tản văn, tạp bút, luận bàn mang tính khảo cứu, nhân một sự kiện hay hiện tượng nào đó, nhân dư luận xã hội này nọ, hoặc nhân câu chuyện đời sống xảy ra thường ngày... Ta có thể kể tên một số bài viết dạng này, khá thành công, như: Hoa sen, Miền chầu văn, Vầng trăng Lũng Nhai, Thị xã núi Thúy sông Vân, Ngàn Nưa, Nắng gió Kênh Than, Vài cách đến, Có một thể thơ , v.v...
Ở dạng này, Lê Đình Cánh cho thấy kiến thức uyên thâm của mình trong nhiều lĩnh vực, bộ môn khoa học tự nhiên và xã hội; lập luận vấn đề logic và khá linh hoạt. Thật khó khi muôn tranh luận hoặc bắt bẻ ông điều gì đó. Thêm nữa, ngôn từ rất hoạt, cùng sự hóm hỉnh, dí dỏm trong cách chọn chi tiết, trong hội thoại, trong vận dụng vốn dân gian như ca dao, tục ngữ, phương ngữ, thành ngữ... đặng tạo ra diện mạo riêng cho các sáng tác của mình. Theo tôi, chính những bài viết kiểu này, cơ bản làm nên một Lê Đình Cánh văn xuôi !...
Thứ ba, theo cách nói vui cửa miệng của giới trẻ bây giờ, ấy là: Thích thì viết thôi. Lê Đình Cánh có khá nhiều tản văn, tạp bút được viết với ý muốn và tâm thế như vậy. Với ông, quả là, quan tâm thì viết, thích thì viết. Vậy thôi. Có thể, viết ra để cho ai đó, cũng có khi, chỉ để trải lòng mình, để nói ra bằng chữ nghĩa những điều mình nghĩ, mình hiểu. Với sự thôi thúc vậy, nên trong các bài viết ở dạng này, tuy vẫn bời bời thông tin, kiến thức, song giọng văn lại không tung tảy như vốn dĩ, mà cẩn trọng, có gì đó như ngầm phô diễn sự hiểu biết, nửa lặng thầm chứa đựng ý thức trách nhiệm với đời, cứ như ông tự nhủ lòng mình vậy. Điểm qua, thấy nhiều bài hay, như : Nụ tầm xuân, Cây núc nác, Cò lửa, Rau má ruộng, Chim rẻ quạt, Chuối hột, Bèo ong, Củ mài, v.v...

Và như thế, dù sáng tác văn xuôi ở dạng nào, nhà thơ Lê Đình Cánh đã có những đóng góp đáng kể cho văn xuôi Việt Nam hiện đại ở thể loại bút ký, ký sự văn học !...

( còn nữa )- 2017

Nhận xét