3.
Tủm tỉm Lê Đình Cánh.
Dẫu biết đến tên tuổi nhà thơ Lê
Đình Cánh đã lâu, nhưng cho đến khi về đầu quân cho nhà Đài (VOV), tôi mới giáp mặt ông. Khi ấy, đơn vị
biên tập của tôi ở chung, gần nơi làm việc của Ban Văn học nghệ thuật tại trụ sở 58 Quán Sứ. Tôi về Đài Tiếng nói
Việt Nam từ mùa thu năm 1987, song phảI hàng năm sau, khi làm thân với nhà thơ
Trương Hữu Lợi, tôi mới bén mảng đến Phòng Văn học thiếu nhi, mà lúc ấy, nhà
thơ Lê Đình Cánh làm Trưởng phòng (còn
Trương Hữu Lợi làm Phó trưởng phòng). Hồi đó, có thể nói, Ban Văn học nghệ thuật Đài TNVN, cùng
với Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn VN), Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Tạp chí Văn học (Viện Văn học Việt Nam) tạo
thành tứ trụ vững chắc cho cả nền văn
học nước nhà. Vì thế, ai đó theo nghiệp văn chương, đều mơ ước được làm việc
tại bốn cơ quan này. Với tôi, mới tập tọng văn chương thơ phú, tuy cùng cơ
quan, nơi làm việc lại gần nhau là thế, nhưng đến khi theo nhà thơ Trương Hữu
Lợi bước chân vào Phòng Văn học thiếu nhi,
tôi vẫn khép nép lắm. Song ngay từ lần gặp đầu tiên, thái độ cởi mở và cách nói
năng hóm hỉnh của Lê Đình Cánh, nhanh chóng làm tôi cảm thấy thoải mái, tự tin
hơn. Tôi nhớ, lúc ấy, biết tên tôi, ông còn phân biệt tôi với Lê Cảnh Nhạc, người trùng tên, một cây
bút trẻ về văn học thiếu nhi mới nổi. Ông còn bảo tôi, nếu có sáng tác gì về
văn học thiếu nhi thì hãy đưa ông và anh chị em trong Phòng xem, đặng sử dụng
phát sóng nếu đạt yêu cầu. Được lời như cởi tấm lòng, nên sau đó, tôi đã có một
số tản văn, tạp bút, truyện ngắn cho thiếu nhi được phát sóng, để sau này, tôi đủ
để tập hợp thành một tập sách có tên “Công
cống mùa thu”, được NXB Kim Đồng ấn hành năm 1999.
Đấy là những gì Lê Đình Cánh dành cho
tôi từ buổi ban đầu. Sau này, khi tôi có nhiều truyện ngắn được đăng trên Báo Văn nghệ, Báo Người Hà Nội, Văn nghệ
Tp.Hồ Chí Minh và một số báo khác, và cả khi tôi có vài ba tập truyện được
xuất bản, thì với Lê Đình Cánh, ông vẫn xem tôi là một cây bút có nhiều sáng
tác cho thiếu nhi. Ông khuyên tôi, dù có thế nào đi chăng nữa, cũng đừng quên,
đừng bỏ viết cho thiếu nhi, bởi đây là đối tượng đặc biệt đáng cần văn học dẫn
dắt, như cái cách sau này, nhà thơ Phạm Hổ-ông trùm của văn học thiếu nhi nước
nhà đã khuyên nhủ tôi. Cũng chính nhà thơ Lê Đình Cánh đã lựa chọn, bảo lãnh giới
thiệu và động viên tôi tham dự một Trại sáng tác văn học thiếu nhi của Hội Nhà
văn Việt Nam .
Và nhờ tham gia Trại viết đó, tôi được gặp gỡ, làm quen với một số cây bút
trong lĩnh vực này như Thai Sắc, Thái Vĩnh Linh, Hoài Khánh, Lê Minh Hoài và
Phong Điệp khi đó còn rất trẻ... Hơn thế, tôi còn được tiếp xúc, được nghe nói
chuyện, và trao đổi với các nhà văn mà tôi vốn kính nể là Nguyên Ngọc, Ma Văn
Kháng, Phạm Hổ, v.v... Tôi đã viết về chuyện này trong chân dung văn học “Phạm Hổ, người thắp lửa”, nên không nhắc
lại ở đây. Thành thật, tất cả những gì mà nhà thơ Lê Đình Cánh từng ưu ái dành
cho tôi, ngày ấy, bây giờ, tự thâm tâm, tôi biết ơn ông về hết thẩy!...
Như tôi đã định tính, ấy là cái sự “tủm tỉm” của nhà thơ Lê Đình Cánh. Có
thể nói, Lê Đình Cánh là người lạc quan, và biết cách làm lạc quan cho người
khác, kể cả trong văn chương lẫn cuộc sống thường ngày. Có cảm giác, với ông,
trong công việc và đời sồng, chẳng có gì là khó khăn đến mức không thể làm nổ,
việc khó đến mấy, rồi ra cũng có cách giải quyết của nó. Thế nên, không việc gì
phải khổ sở, bi lụy cả. Tiếp xúc với ông và đọc văn thơ ông, người ta thấy, sự
lạc quan thường trực nơi ông, qua cái cười tủm tỉm. Ngay cả trong khung cảnh
thật vui, chung và riêng, chẳng mấy khi, nếu không muốn nói là chẳng bao giờ,
thấy ông phá lên, cười ha hả, khoái trá... Lê Đình Cánh tư chất thông minh, bản
thân học chuyên Vật lý, rồi tham gia cuộc chiến tranh thống nhất đất nước, thạo
tiếng Anh, thêm tu nghiệp báo chí, nên kiến văn phong phú, đa dạng. Trong công
việc và cuộc sống, tự thân, ông là người cẩn trọng, chu đáo, nhưng với người khác
lại dễ cảm thông, chia sẻ, nên chẳng bao giờ ông đao to búa lớn, mà giải quyết
mọi việc đều nhẹ nhàng, tinh tế, dễ chịu... Người sao, văn vậy, cứ cảm giác như
Lê Đình Cánh tủm tỉm cười trong mỗi bài thơ, câu thơ, câu văn, kể cả khi bài thơ,
tản văn ấy thuộc gam buồn đi chăng nữa. Vậy thôi, song khó lắm thay. Người hóm
hỉnh, hài hước như ông, trước hết là người thông minh, có phông văn hóa cao, và
nữa, biết cách không quan trọng hóa vấn đề. Đàm luận hoặc chuyện phiếm với Lê
Đình Cánh thật thích. Ông đọc nhiều, cộng thêm trí nhớ tuyệt vời, nên khi đàm
thoại, ông có thể viện dẫn “thiên kinh vạn quyển”. Có cảm giác ông như một cái
kho chứa đựng bao nhiêu thứ, khi cần thứ gì, cứ rút các ngăn kiến thức, vốn
sống mà ra cả ... Lê Đình Cánh biệt tài về thiên văn địa lý, lịch sử và vốn văn
hóa dân gian. Cùng với đí, chịu đi và đi
nhiều, chịu khó tìm tòi từ cuộc sống, nên ông rất thực tế, chứ không phải chỉ
sách vớ lý thuyết suông. Ông có thể kể vanh vách quy trình này, cách thức nọ để
tạo nên, làm ra các thứ... Ông có thể khiến người đối thoại với mình từ ngạc
nhiên này sang ngạc nhiên khác về sự am tường của ông. Tôi cứ rẩm riu nghĩ, Lê
Đình Cánh vốn cùng quê với Cống Quỳnh (người
được đồng hóa, gán với nhân vật Trạng
Quỳnh trong giai thoại dân gian), nên cảm giác, ông phảng chất Trạng Quỳnh trong người. Đặc biệt,
Lê Đình Cánh khi đàm thoại, ông hùng biện một cách hóm hỉnh, lập luận một cách
minh triết, ứng biến linh hoạt, diễn đạt mạch lạc, đầy sức lôi cuốn và có tính
thuyết phục cao. Ấy vậy, một khi đã đàm thoại cùng Lê Đình Cánh, thật khó mà
dứt ra được ... Người ta bảo, thường ở đời, được cái này thì hỏng cái kia, và
hình như trong văn chương cùng vậy; từng thấy nhiều người nói năng thì ậm ừ
song khi viết lại đầy ma lực, lại có người, tài nói năng khư khướu nhưng viết
ra thì nhạt toẹt,... Riêng với Lê Đình Cánh thì được cả đôi, ông đã mang được
cái duyên nói năng ngoài đời vào văn thơ của mình...
Vào một sáng cuối tuần cuối xuân Đinh
Dậu, tôi đến thăm ông, tại nhà riêng ở số 168 Đường Trường Chinh, Hà Nội. Từ nhiều
năm nay, gia đình ông sống tại biệt thự kiến trúc Pháp cổ này, ngôi nhà do Nhà
nước cấp cho ông nhạc (bố vợ) Lê Đình
Cánh, đại tá Đặng Tính, một sĩ quan cao cấp của Quân đội, huyền thoại một thời
gắn với Đường Trường Sơn, Đường 9 trong cuộc chiến tranh chống Mỹ giải phóng
dân tộc thống nhất non sông. Vài ba năm nay, gặp lại ông, thấy ông gày đi và
tuổi tác thêm một chút, song vẻ tinh anh trong ánh mắt nhìn, cùng nụ cười nửa
miệng thì vẫn đấy....
Sau những xã giao thông thường, bập
vào chuyện văn chương, thời thế, lại thấy ngay một Lê Đình Cánh ngày nào, như
khi ông còn làm việc sung sức. Và cũng ngay đó, tôi như lạc vào mê trận mà ông
giăng mắc trong những câu chuyện đời sống xã hội và văn chương, giữa hiện thực
và hoài niệm, giữa cái chung và cái riêng, giữa tôi và ông, và... Trí nhớ ông
vẫn tốt, minh mẫn và khúc chiết, cảm giác như ông chẳng quên một thứ gì. Quan
sát cách bài trí, nhìn ngắm những bức thư pháp đẹp do nhà thư pháp Lê Xuân Hòa,
vốn đồng hương, đồng họ, thủ bút tặng ông, rồi đó là chiếc xe đạp hiệu
Pha-vô-rít, chiếc xe máy Honda DD đỏ ngày nào ông dùng để đi làm, được xếp gọn
gàng phủ bụi thời gian để chung nơi cất giữ các vật lưu niệm khác từ thời là
người của nhà Đài (VOV), cho thấy, ông vẫn đang sống với quá khứ. Còn hiện tại,
ở tuổi 76, ông sống chung với các con. Thêm nữa, những phương tiện hiện đại như
truyền hình cáp, vi tính nối mạng đã giúp ông cập nhật thế giới hàng ngày.
Chuyện trò, vẫn thấy ở ông vẻ hóm hỉnh xưa. Biết là,
mấy năm gần đây, dần tuổi cao bệnh tật, thêm nỗi ưu tư, cùng những lo lắng về
sự biến động ngoài xã hội, có lạc quan đến mấy thì cũng là sự gắng gỏi tinh
thần thôi. Phảng phất đâu đó trong cái nhìn xa xôi và nụ cười mỉm, cảm nhận nơi
thẳm sâu tâm can ông, nỗi buồn ẩn chứa, ý thức trách nhiệm với văn chương, với gia
đình, với cuộc đời này !...
Ra về, tôi tự hỏi, mình sẽ viết về ông sao đây ?...
Nhận xét
Đăng nhận xét