Ký sự nước Nga (II),



2.     Đi dạo trên Phố Arbat,
          Đây là một trong số mấy địa điểm mà bất cứ ai, lần đầu đến thủ đô Moskva, không thể không tìm đến.
          Phố Arbat là một phố đi bộ nổi tiếng ở Moskva. Nó nổi tiếng bởi nhiều nhẽ. Trước hết, con phố dài chừng cây số này có nguồn gốc lâu đời, từ cuối thế kỷ 15, vốn dĩ là nơi tập trung sinh sống của những thợ thủ công tài hoa từ khắp nước Nga dồn về, họ chuyến làm nghề phục vụ cho giới quý tộc. Trải qua hơn năm trăm năm hình thành, phố Arbat mang đậm phong cách kiến trúc và màu sắc văn hóa Nga cổ truyền, cho đến tận nay. Hiện đi dạo trên con phố này, du khách có thể bắt gặp những hiệu sách, những quầy bán hàng lưu niệm như đồ sứ Nga, búp-bê gỗ Matrioshka, ấm Samovar, tranh ảnh v.v... Các nghệ sĩ dân gian đường phố cũng thường xuyên tụ tập trình diễn âm nhạc, dân ca, dân vũ Nga cổ truyền... Phố Arbat còn nổi tiếng bởi ở đó có ngôi nhà mà đại thi hào thế giới-mặt trời thi ca Nga-A.X. Pushkin sinh sống một thời gian ngay sau khi kết hôn với Natalia Goncharova. Ngôi nhà này ngày nay trờ thành nhà lưu niệm về Pushkin, được sơn màu xanh ngọc, hình như là màu yêu thích ở Nga vì một số công trình kiến trúc quan trọng ở Nga ( chẳng hạn, Cung điện Mùa Đông-bảo tàng Ermitage ở Saint Petersburg ).
          Hôm ấy, tranh thủ thời gian ngắn trước giờ làm việc với Đài Nước Nga ngày nay, chúng tôi đổ bộ xuống phố Arbat ngay gần đó. Bầu trời nặng mây, rồi mưa lắc rắc, khiến cái lạnh tăng thêm. Khách bộ hành thì che ô mà đi, còn chúng tôi thì cứ đầu trần. Lần đầu đến đây, và biết rằng khó có thể quay lại, nên cứ đi được đến đâu thì đi. Vì trời mưa, lại đầu buổi sáng, nên con phố còn vắng. Tôi chọn góc máy chụp ảnh, cảm giác buồn buồn len lỏi trong mình, Ngắm ngôi nhà Pushkin rồi nhẩm đọc những câu thơ của ông còn trong trí nhớ: “Tôi yêu em đến nay chừng có thể/ Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;/ Nhưng không để em bận lòng thêm chút nữa,/ Hay hồn em phải gợn sóng u hoài... Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,/ Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em.”. Từ cuộc hôn nhân với tiểu thư quý tộc Natalia Goncharova, đã như một sự báo trước cho cái chết của nhà thơ ở tuổi 38 sau cuộc đấu súng nhằm bảo vệ danh dự với viên sĩ quan kỵ binh người Pháp là D’ Anthes, người được cho là dan díu với vợ ông, trong một âm mưu đã định nào đó?!


          Và một điều nữa, ấy là cuốn tiểu thuyết “Những đứa trẻ phố Arbat” giàu chất tự chuyện của nhà văn Anatoli Rybakov, một người con của phố Arbat. Tác phẩm này, cùng với một số tác phẩm khác của ông đã được dịch ra hơn 50 thứ tiếng trên thế giới, nó đã khiến con phố này vốn đã nổi tiếng lại càng nổi tiếng hơn. Bản thân tác giả, nhà văn Rybakov, cùng cuốn tiểu thuyết của ông đều chung số phận long đong, lận đận. Rybakov phải lang thang kiếm sống, rồi bị tù đày bị tội “tuyên truyền phản cách mạng”, còn cuốn tiều thuyết thì được viết từ đầu những năm sáu mươi nhưng phải đến cuối những năm tám mươi mới được xuất bản. Tuy nhiên, số phận cũng đã mỉm cười với Rybakov, cuốn tiểu thuyết này khi xuất bản, đã được xem như quả bom tấn trên diễn đàn văn học Nga thời hiện đại, nó đã góp phần vinh danh tên tuổi Rybakov. Sau này, cuốn tiểu thuyết còn được chuyển thể thành phim truyền hình nhiều tập, nên phố Arbat lại nối riếng hơn.  

          Trời mỗi lúc mưa thêm nặng hạt, thời gian lại không có, đành nhìn con phố hun hút buổi sáng còn thưa thớt người qua lại, nhìn ngôi nhà màu xanh ngọc xưa của Pushkin lặng buồn trong mưa và thầm mong, một ngày nào đó được quay trở lại, để khám phá thêm về con phố nổi tiếng này ...    

Nhận xét