Ký sự nước Nga,...( I )



1.     Bước đi trên đất nước Nga mênh mông,

          Mong ước mãi, thế rồi tôi cũng được đặt chân và bước đi trên đất nước Nga mênh mông, trong chuyến công tác theo thỏa thuận giữa Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) với Đài Nước Nga ngày nay (Russia Xergodnhia, hay Rossia Today). Mặc dù, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã tách ra, thì diện tích còn lại của nước Nga ngày nay vẫn rộng hơn 17 triệu cây số vuông, và nếu đem so sánh với nước ta, tính tròn 330 nghìn cây số vuông, tức là 0,33 triệu cây số vuông, sẽ hình dung thấy nước Nga mênh mông như thế nào...
          Song, trước khi nói đến cái cảm giác bâng lâng không thật chân khi bước chân trên đất nước Nga, trong thâm tâm và sự việc cụ thể, có vài sự băn khoăn, bực mình. Ấy là khi làm đoàn, bộ phận phụ trách Quan hệ quốc tế của cơ quan tôi, xếp lịch đi một tuần, khời hành ngày 01.6 và kết thúc ra về vào 07.6. Nhẩm lịch âm, ngày đi trùng mồng 7 và khi về 13 tháng 5. Nghĩ bụng, các cụ xưa dạy rằng “chớ đi ngày bảy, chở về ngày ba”, phàm đi đâu, làm công việc quan trọng gì thì chỉ trùng một cũng đã cảm thấy bất an, đằng này lại trùng cả đi lẫn về. Quan hệ quốc tế, quyết định ra rồi, đổi lại sao đây. Thôi thì kệ, ra sao thì ra. Tuy vậy, đoàn có bốn người, chỉ mình tôi nghĩ, chằng nói ra với ai, kẻo lại xôn xao, phiền lòng. Chuyến bay mang ký hiệu SU291 của Hãng Aeroflot, hàng không Nga cất cánh đúng giờ, sau 10 tiếng bay liền đã hạ cánh êm ru xuống đường băng sân bay Sheremetyevo-2. Thở phào nhẹ nhõm. Làm thủ tục nhập cảnh, mấy cửa an ninh dành cho khách Việt mang hộ chiếu phổ thông dài dằng dặc, mà cửa vẫn mang ký hiệu đỏ, tức là chưa có người làm. Trong lúc chờ, vài đồng nghiệp của tôi làm dáng chụp ảnh, ngay lập tức nhân viên an ninh sân bay đã xuất hiện bắt xóa hết các ảnh vừa chụp bởi quy định cấm quay phim, chụp ảnh tại đây. Ấy là phiền hà đầu tiên.


          Mấy người chúng tôi, tiếng Nga bập bõm, tiếng Anh cũng bồi, hỏi một hồi cũng tìm được sang của Diplomat. Tưởng là sẽ thuận lợi, không ngờ, dầy dà to. Mặc dù dùng hộ chiếu công vụ, song mấy người chúng tôi cứ phải thay nhau tiến lên lùi lại nhiều lần, còn nhân viên an ninh sân bay thì cứ gõ gõ nhập nhập, hết dùng kính soi hộ chiếu lại ngắm mặt nhận diện đối chiếu, khiến cả dòng người đợi phía sau bị ách tắc. Chán rồi cũng nhập cảnh xong. Lại thở phào vì được việc, nhưng cũng bực mình phiền toái không đáng có. Ngoài trời lạnh dưới 10 độ C, mọi người lục tục lôi áo rét ra mặc. Đã tiết đầu hạ mà vẫn rét vậy, trong khi ở Hà Nội, nóng đỉnh điểm lên đến 42 độ. Cây cối xanh rờn, bầu trời chiều nằng nặng mây xám, nghe lác đác hạt mưa... Mọi người, thi nhau tạo dáng chụp ảnh, lấy cái mái vòng chìa ra mang dáng vẻ lưng con kỳ đà làm phông nền. Tôi miên man với dòng suy nghĩ, ước ao từ thuở thiếu thời khi biết yêu văn học Nga, mong một ngày nào đó, được đến đất nước vĩ đại của Lê-nin, quê hương của cách mạng vô sản thế giới, được bước chân trên Quảng trường Đỏ, chiêm ngưỡng điện Kremli, được nghe bài hát “Chiều Moskva“ ngay tại xứ sở Bạch dương, và còn biết bao nhiêu thứ “được” nữa. Vậy mà, mãi đến tận nay, khi mái đầu đã ngả bạc, khi mình bước đến ngưỡng cửa tuổi nghỉ hưu, thì mới thấy đây. Mới mùa hè năm ngoái, trong chuyến công tác thăm và làm việc tại Hungary và Rumania, cả đi và về, tôi chỉ được transsit qua sân bay quốc tế Demodedovo của Nga, nghĩa là chưa được nhập cảnh vào đất Nga, nên chỉ ngó nghiêng, rồi tìm mua mấy món đồ lưu niệm tại quầy souvernir ở sân bay như búp-bê gỗ Matryoska, miếng dán tủ lạnh mang hình biểu tượng Nga, và chai rượu ẩn trong vỏ ngoài hình cuốn Kinh thánh v,v... để lấy cái cảm giác là đã từng được đến Nga rồi...


          Dòng suy tưởng bị cắt đứt, khi ai đó reo lên “Kìa, xe Điệp Anh đến đón đây rồi”. Và ngay đó, chiếc xe lán vào lề đường cạnh chỗ chúng tôi đứng chờ, và Điệp Anh, trưởng cơ quan thường trú của Đài tại Nga, tươi cười vẫy tay chào qua cửa kính xe còn chưa kịp mở. Một hồi hàn huyên, khi xe chuyển bánh, chúng tôi mới mang chuyện sân bay ra kể. Điệp Anh cười bảo, vậy là còn nhanh chán. Rồi ra, chúng tôi mới hiểu tại sao phiền toái như vậy, ấy là an ninh sân bay họ còn phải vào mạng do xem tên tuổi chúng tôi có trùng với ai đó thuộc diện Nga cấm nhập cảnh hay không. Khi xác định rõ, họ mới cho nhập cảnh. Là bởi, trong những năm qua, có khá nhiều người Việt mình nhập cảnh trái phép, mượn cớ đi du lịch, thăm thân rồi trốn ở lại làm ăn, và có cả những người phạm tội này nọ, thế nên mới ra nông nỗi này. Mà trong số những người thuộc diện bị cấm nhập cảnh vào Nga, có khá nhiều mang họ Nguyễn, cái họ được cho là phổ biến nhất ở Việt Nam. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, hậu quả này đều từ dân mình mà ra cả, chê trách chi họ đây.  Nghĩ mà buồn.
          Và rồi, một phiền toái nữa lại đến ngay đó, ấy là nạn ùn xe tắc đường xảy ra như cơm bữa ở Moskva, nhất là trên những đường vành đai, đường đi sân bay, hoặc đến những trung tâm thương mại lớn. Như Hà Nội và Sài Gòn vậy, nhưng khác ở chỗ, họ chỉ mỗi ô tô và vẫn quy củ, còn xứ ta thì hổ lốn về mọi phương diện. Đường rộng, mỗi bên 4 làn xe, ấy vậy mà cứ phải nhích từng chút. Điểm tập kết của chúng tôi là khách sạn Salut, khoảng cách còn những gần năm chục cây, vậy thì bao giờ mới đến. Ngoài trời, mưa bắt đầu nặng hạt, cái rét như tăng thêm...

( còn nữa )



Nhận xét