Ngày xưa, tôi yêu bóng đá,



          1.
         Tôi viết bài này, ngay sau khi Real Madrid vừa thua Atletico Madrid, câu lạc bộ cùng thành phố, 1-2, song vẫn thắng chung cuộc với tổng tỷ số 4-2 (lượt đi 3-0) để vào chung kết Champion Legue (CL) với Juventus (Italia) mùa bóng 2016-2017. Và cũng, khi U20 Việt Nam vừa thua U20 Argentina với tỷ số 1-4, một cuộc tập rượt, thử sức cần thiết, trước khi sang Hàn Quốc tham dự VCK Giải U20 thế giới.
          Nói như vậy, để thấy, tuy không còn yêu bóng đá nhiều như ngày xưa nữa, song tôi vẫn theo dõi, cập nhật khá đầy đủ những thông tin về bóng đá trong nước và quốc tế ...
          Tôi yêu bóng đá từ khi nào thì tôi không nhớ, song chắc chắn từ khi còn nhỏ, ấy là cái hồi học tiểu học cơ.
          Tôi nhớ, gia đình tôi mới chuyển từ Hà Nội về quê Hưng Yên sinh sống, sau khi cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ Ngụy ra miền Bắc bắt đầu nổ ra năm 1964. Ở vào thời điểm ấy, vùng quê Văn Lâm (Hưng Yên) của tôi cách thủ đô hơn hai chục cây số, nên có nhiều trường Đại học ở Hà Nội sơ tán về. Đầu năm học lớp 3 (1967), lớp học của tôi đón hai bạn mới về, ấy là Minh và Dung. Họ là hai anh em ruột, con một gia đình là cán bộ của Trưởng Đại học Tổng hợp Hà Nội theo nhà trường sơ tán. Minh được bố mua cho quả bóng đá bằng cao su màu đỏ. Chiều chiều, Minh mang bóng ra sân kho Hợp tác xã và rủ chúng tôi cùng đá. Lũ trẻ con chúng tôi thích lắm, chia quân làm đôi, xếp cọc gôn bằng gạch, quần nhau, vừa đá vừa cãi nhau chí chóe. Không đứa nào chịu làm thủ môn cả, chỉ thích đá ở trên để ghi bàn thắng. Có buổi, cậu rm út của Minh tên là Tuấn, mới học lớp 1, bé quá nên không được đá, nó đứng ngoài khóc và dọa Minh mách bố chúng rằng Minh chưa học bài đã mang bóng đi đá. Minh tức lắm, vừa dỗ vừa dọa cu Tuấn nhưng không ăn thua, đành thu bóng mang về khiến chúng tôi chưng hửng. Cũng có buổi, chú Mẫn, bố của Minh ra xem, và còn làm trọng tài cho chúng tôi. Tôi vẫn nhớ, ngày ấy, chú Mẫn đã điều hành trận đấu của đám trẻ con chúng tôi bằng những thuật ngữ bóng đá nước ngoài, như corner (phạt góc), penalty (phạt đền, phạt 11m),... mà mãi sau này lớn lên, tìm hiểu tôi mới biết. Bóng cao su, đá sân gạch, nên chỉ sau một tuần, đến mươi ngày là cùng, bóng bị rách, hoặc thủng châm kim đâu đó, xi hơi, mềm ra, không còn nảy, đá chán lắm. Bóng hỏng, song chúng tôi không kìm nén được khát thèm đá bóng, bèn nghĩ cách tự tạo bóng. Chúng tôi lấy rơm khô, hoặc sợi đay quấn tròn lại, bọc bên ngoài bằng bao sợi gai thành bóng, nhưng đá một hồi, dây tuột, phòi bùi nhùi, không đá được nữa. Chán chê, lại thay bằng bóng bưởi. Quả bưởi nhỡ, lấy trộm làm bóng đá, để bưởi không cứng, bớt đau chân, phải mang hơ lửa cho héo bớt, mềm đi mới đá được. Là thiếu bóng thì mới phải vậy, chứ đâu có hay ho gì. Nhà chú Mẫn, dù có thương và chiều con lắm, thì ngày ấy tiền bạc khó khăn, mua một quả bóng cao su cũng phải tỉnh toán, thêm nữa, cũng phải đợi hàng tháng, chú ra Hà Nội về thì mới có bóng mới. Những lần như thê, thật vui. Đấy, tuổi thơ yêu bóng đá của tôi là vậy... Đến khi vào cấp 2, gia đình chú Mẫn ra lại Hà Nội, Minh, Dung, Tuấn cũng theo gia đình. Lũ trẻ chúng tôi không còn bóng cao su để đá nữa, phong trào chơi bóng sân kho cũng tan dần. Sau này, tôi còn gặp lại mấy anh chị em trong gia đình chú Mẫn, và có có những chuyện thú vị xảy ra...
          Lớn lên chút nữa, tự tìm hiểu để có thêm chút kiến thức về bóng đá, tuy nhiên, mọi thứ vẫn khó khăn lắm, nữa là bóng đá. Ấy vậy mà, khi còn phân miền Bắc- Nam, riêng miền Bắc có rất nhiều các đội bóng đá (ngày đó chưa dùng cách gọi chuyên nghiệp là Câu lạc bộ, mà đơn thuần gọi là đội bóng, và cách tổ chức tập luyện, thi đấu vẫn ít nhiều mang tính phong trào). Nổi tiếng nhất là Thể Công và Công an Hà Nội. Còn có các đội khác, là Phòng Không không quân, Than Quảng Ninh, Công an Hải Phòng, Xây dựng Hà Nội, Dệt Nam Định... Sau năm 1975, thống nhất Bắc Nam, có thêm các đội là Công an Tp. Hồ Chí Minh, Hải Quan, Cảng Sài Gòn; rồi nữa, là các đội Công nhân Nghĩa Bình, Công nghiệp Hà Nam Ninh... Theo thời gian, các đội bóng, hoặc giữ nguyên, hoặc giải thể, tách nhập, đổi tên, và tóm lại, hoạt động của tất cả các đội đều mang tính bao cấp, bởi các ngành, hoặc địa phương xây dựng, quản lý. Với cách này, phải nói, đã có nhiều đội bóng tên tuổi, có thành tích cao, đóng góp nhiều cầu thủ giói cho đội tuyển quốc gia và bóng đá nước nhà trong các giải đấu khu vực và các nước thuộc phe XHCN cũ...
          Với riêng tôi, ngày nhỏ đâu được xem trực tiếp trận đấu tại sân vận động, có chăng, nghe tường thuật qua sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, là hạnh phúc lắm rồi. Tôi nhớ, mình bắt đầu biết đến bóng đá thế giới, ấy là Giải vô địch bóng đá thế giới năm 1974 tại Tây Đức (tức Cộng hòa liên bang Đức, khi nước Đức còn chia cắt thành Đông-Tây). Giải đó, Tây Đức vô địch, song khi ấy bóng đá phe XHCN lấy làm tự hào, bởi ở vòng đấu loại, đội tuyển Đông Đức đã thắng đội tuyển Tây Đức với tỉ số 1-0, còn đội tuyển Ba Lan thì giành giải Ba chung cuộc, khi mà họ lần đầu trình làng túc cầu thế giới dàn cầu thủ trẻ đầy tài năng và triển vọng mà sau đó trở thành những tên tuổi lớn, như: Lato, Boniek, Tomaszewsky, Deyna, Szarmach... Ngày đó, những thông tin về bóng đá nói chung, chủ yếu là qua các bài bình luận trên báo viết và sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, với các chương trình bình luận
          Tiếp đến Vòng chung kết Giải bóng đá thế giới năm 1978 do Argentina đăng cai, lần đầu tiên, người hâm mộ và khán giả cả nước được xem tường thuật trên truyền hình. Thời ấy, tôi đang là sinh viên của Đại học Nông nghiệp Hô-xê Mác-ti (nay là Học Viện Nông nghiệp Việt Nam) đóng tại Châu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội. Mỗi chiều tối, cánh sinh viên nam yêu bóng đá chúng tôi rồng rắn kéo nhau lên khu tập thể cán bộ Nhà trường xem nhờ tivi của các gia đình cán bộ giảng viên. Nhà ai có tivi cũng phải mở toang cửa chính, cửa sổ cho mọi người xếp hàng, đứng ngời lố nhố bên ngoài nghiêng ngó. Hồi đó, tivi tuyền đen trắng, chưa có màu như bây giờ, kiểu loại cũ kỹ như Nep-tuyn, và các loại mua đồ cũ từ miền Nam mang ra, hoặc đồ Nhật cũ như Shapp, Sanyo... buôn từ đường thủy tàu viễn dương.
Cho dù thế nào, được tận mắt xem các đội bóng lớn với nhiều cầu thủ hàng đầu thế giới tranh tài đã là sung sướng lắm rồi !...


2.
May mắn là năm 1987, từ một kỹ sư nông nghiệp công tác ở miền Tây Nam bộ, viết báo nghiệp dư, tôi được chuyển về làm báo chuyên nghiệp tại Đài Tiếng nói Việt Nam, cơ quan báo chí hàng đầu của nước ta. Rồi đó, năm 1994, sau vài vị trí công việc, tôi chuyển về làm biên tập viên của Ban Văn hóa xã hội nhà Đài. Đây là một ban biên tập lớn, thích thú  hơn vì đây là nơi chuyên làm các chương trình phát thanh về thể thao nói chung và bóng đá nói riêng...
Ngày nhỏ, ham mê bóng đá là vậy, đến lúc học đại học, nhà trường có sân vận động khá tốt, nên sinh viên chúng tôi hay chơi bóng đá, song chủ yếu là gôn tôm. Do hạn chế về thể chất, thuộc dạng thấp bé nhẹ cân, nên sau này đi làm, tôi không chơi bóng đá nữa, song sự hâm mộ thì không hề giảm, trái lại còn cao hơn. Vậy nên, khi được làm việc trong môi trường có thể thao, bóng đá, tôi chuyển hết sự hâm mộ của mình vào công việc tổ chức sản xuất, bình luận bóng đá qua phương tiện báo chí của nhà Đài. Ở thời điểm này, cặp bình luận và tường thuật bóng đá trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam là Đình Khải, Hoài Sơn. Bình luận viên Đình Khải là người nhà Đài, còn bình luận viên Hoài Sơn là cộng tác viên. Có thể nói, đây là cặp bài trùng bình luận phát thanh trực tiếp bóng đá nổi tiếng một thời. Người được giao tổ chức sản xuất và phụ giúp thêm phần tường thuật là biên tập viên Xuân Bách (anh là con trai ông Nguyễn Văn Thu, biệt danh Thu Râu, người tường thuật bóng đá đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam).
Thấy được khả năng bình luận bóng đá của tôi, lúc ấy, do thiếu người, phần muốn tăng cường thêm nhân sự tường thuật trực tiếp các trận đấu, lãnh đạo Ban biên tập đã yêu cầu tôi, tham gia cùng tổ sản xuất chương trình bình luận bóng đá trực tiếp, với việc xem và nghe nhóm tường thuật làm việc, đặng học hỏi kinh nghiệm, chuẩn bị cho việc bổ sung làm bình luận viên trực tiếp. Theo đó, tôi đã có một số buổi tham gia công việc cùng tổ bình luận.
Khi ra sân Hàng Đẫy, tôi ngồi bên cạnh các bình luận viên, học cách họ quan sát các tình huống và diễn biến trên sân rồi chuyển thành ngôn ngữ tường thuật và bình luận. Được cái, tôi có trí nhớ tốt, khá thuộc tên cầu thủ, cái khó là cách quan sát số áo mặc để chuyển thành tên cầu thủ một cách nhanh và chính xác sao cho kịp tình huống bóng lăn,... Song khó nhất, vẫn là cách đọc trận đấu, ấy là nhìn ra cách các đội bố trí theo sơ đồ chiến thuận nào, rồi vận hành ra sao, chẳng hạn như: đội hình 4-4-2, hoặc 3-5-2, hoặc nữa, 4-3-3, rồi có thể biến thiên thành 4-3-2-1 .v.v... Để có thể thành thục hơn, có buổi, tôi không ra sân, ở nhà, xem qua tivi, ngồi trước màn hình tập tường thuật một mình... Cho đến lúc, tự cảm thấy, mình có thể giúp việc cho tổ bình luận, hoặc tham gia bình luận một chốc một nhát cho tổ bình luận, thì có chuyện xảy ra, khiến tôi từ bỏ hẳn ý dịnh trở thành bình luận viên trực tiếp tường thuật bóng đá...
Số là, trong số các đồng nghiệp, có ai đó, hình như không muốn tôi tham gia việc này, đã có lời ra tiếng vào, gián tiếp cạnh khóe này nọ. Vậy là tôi thối chí, vì tự ái, vì bực bội, và vì gì gì nữa cũng chẳng rõ ...
Tôi đã không trở thành một bình luận viên bóng đá, tường thuật trực tiếp các trận đấu cũng đơn giản vậy thôi. Cho đến giờ, tôi cũng chẳng truy xét quyết định ấy là đúng hay sai nữa. Mỗi khi nghĩ đến, bật cười, rồi thử hình dung, nếu mình thành bình luận viên bóng đá thì sẽ thế nào nhỉ? Cuộc đời, chẳng ai có thể làm mãi một việc, kể cả công việc mình yêu thích và việc nó giúp mình thành danh . Đã có vài lứa bình luận viên bóng đá thay nhau làm công việc này. Riêng mình, tôi chuyển sang công tác quản lý ở cơ quan, và việc này, đã giúp cho tôi có cái nhìn bao quát hơn, mà cũng cụ thể hơn, để hiểu được những gì mình đã trải qua trong nghề nghiệp. Hiểu để trải lòng mình, để bao dung hơn với người khác, để bớt đi sự thiển cận, để tổ chức công việc tốt hơn, ... Nói vui, tôi không trở thành bình luận viên trực tiếp tường thuật bóng đá thì trái đất vẫn không ngừng quay!...
Và hơn thế, không tham gia công việc ấy, nhưng quan trọng là, tình yêu bóng đá vẫn còn trong mình, thì mình thiếu gì cách để tiếp tục công việc ấy dưới những trạng thái khác cơ chứ ?....


3.
Có một thuận lợi, Ban biên tập của tôi, một phần công việc là các chuyên mục thể thao. Khi ở cương vị Phó trưởng ban biên tập, tôi được Trưởng ban giao phụ trách một số mảng, trong đó có thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Bóng đá được xem là môn thể thao vua, hay nói chữ nghĩa, là Túc cầu giáo, đúng trên phạm vi toàn thế giới, ngay cả nước Mỹ, vốn ưa chuộng bóng chày, bóng bầu dục, bóng rổ, thì cũng không thể thờ ơ với bóng đá được.
Hễ nói đến bóng đá, không thể nào tách rời người hâm mộ bóng đá được. Hay nói một cách khác, thiếu người hâm mộ, bóng đá không còn là bóng đá nữa. Ở quy mô toàn cầu, Giải vô địch bóng đá thế giới tổ chức 4 năm/lần, và Giải vô địch bóng đá châu Âu cũng tổ chức 4 năm/lần, xen kẽ nhau, thế nên, cứ 2 năm, người hâm mộ lại được thỏa mãn tình yêu bóng đá của mình. Còn về cấp độ hằng năm, đã từng có 3 loại Cúp châu Âu, ấy là, C1 - dành cho các đội vô địch quốc gia, C2 - dành cho các đội đoạt cúp quốc gia của mình, và C3 - dành cho các đội xếp thứ hạng cao ở mỗi giải vô địch quốc gia mà không thuộc diện các cúp C1, C2. Sau này, Liên đoàn bóng đá thế giới ( FIFA ) đã sắp xếp lại, đổi tên cúp C1 thành Champion League, và sáp nhập cúp C2, C3 thành Europa League. Ngoài ra, còn có các cúp Libertadoress của Nam Mỹ, Cúp các đội vô địch các châu lục (Confederation Cup), v.v... Dân hâm mộ tha hồ mà xem, trực tiếp trên tivi, khi các đài  truyền hình đua nhau mua bản quyền trực tiếp.
Nhiều quá, hóa nhàm. Điều này cũng lại đúng, chí ít với riêng tôi. Song hãy khoan nói đến cái sự nhàm ấy, để nói về lòng hâm mộ và tình yêu dành cho bóng đá trước đã.
Ban biên tập của tôi, cứ mỗi mùa bóng đá, ngoài việc cùng tham tổ chức bình luận trực tiếp, còn phải thông tin kết quả thì đấu và viết các bình luận ngắn về bóng đá và tất thảy những gì liên quan đến giải đấu. Vậy nên, cứ mỗi mùa, mỗi giải như thế, Ban biên tập lại thành lập ra một nhớm các biên tập viên của mình, chủ yếu nam giới, để thực hiện công việc này. Lắm việc thêm bận rộn, mệt và vui. Và một khi đã là bóng đá, lúc xem trực tiếp hay khi bình luận, nhất là những trận đấu vào giờ ban đêm, thường bao giờ cũng kèm theo đồ nhậu lai rai, và cá độ trong nhóm bình luận với nhau,... Cá độ, được thua không phải là tiền bạc, chỉ là chầu bia hơi, cũng là để tăng cường sự hưng phấn, hăng hái cho công việc tiếp theo mà thôi... Riêng tôi, dân hâm mộ bóng đá trong ban biên tập suy tôn là sư phụ trong việc dự đoán kết quả các trận đấu thuộc cúp C1. Tự thân, tôi cũng không thật rõ là tại sao tôi lại dự đoán kết quả thi đấu ở cup này chính xác đến vậy. Có lẽ, do tìm hiểu kỹ các đội và tương quan giữa các đội với nhau, mà cũng chưa hẳn vậy, nhiều khi đúng lại là do cảm tính cũng nên. 
Mỗi cá nhân, ai cũng là fan của một đội tuyển quốc gia, một Câu lạc bộ nào đấy, và như vậy, không tranh khỏi chuyện khích bác lẫn nhau khi xem thi đấu và cả khi bình luận. Thế mới vui, mới cay cú, mới là bóng đá chứ. Riêng mình, tôi yêu thích đội tuyển Áo thanh thiên-Italia (Azzurri ) với lối đá giàu trí tuệ, thiên về chiến thuật, khi đó các cầu thủ nổi tiếng đẹp trai và tài hoa còn xỏ giày như P. Mandini, R. Donadoni, M. Tassotti, F. Baresi, A. Costacurta v.v...; còn ở cấp độ câu lạc bộ, tôi mê mẩn AC Milan ( Italia ) từ thời có bộ ba Hà Lan bay gồm: F. Rijkaard, R. Gullit, M. Van Basten làm mưa làm gió sân cỏ châu Âu... Và đã là tình yêu, là fan hâm mộ, thì sau này, dù đội tuyển Italia và CLB AC Milan có sa sút, hoặc phong độ trồi sụt thế nào đi chăng nữa thì tình yêu ấy cũng không thay đổi là bao...
Với bóng đá trong nước, ngày xưa tôi yêu mến đội Thể Công, mà một khi tình cảm đã nghiêng về một đội bóng, thì như một lẽ đương nhiên, đội kình địch với đội bóng mình yêu thích sẽ bị xem thường, thậm chí ghét bỏ. Với tôi, quy luật đó không phải là ngoại lệ, tôi không ưa Đội bóng Công an Hà Nội, bởi nó là kình địch, thậm chí là khắc tinh của Thể Công. Các đội bóng phía Nam, tôi có chút tình cảm với Cảng Sài Gòn... Sau này, xã hội hóa bóng đá, các đội bóng xứ ta bị xóa tên, đổi chủ, sáp nhập, giải thể, thành lập mới, bản sắc các đội cũng vì thế mà mất đi. Có bói cũng chẳng tìm đâu thấy bóng dáng tài hoa, tài tử xưa. Đơn giản, bóng đá là tiền bạc, các ông chủ bỏ tiền nuôi đội bóng thì họ phải thu về cái gì chứ. Giờ chỉ còn những cái tên gắn với những cụm từ nghe mà thấy ghê người như “chém đinh chặt sắt”  với các đội Sông Lam Nghệ An, Hài Phòng... May ra còn sót lại chút phong cách tấn công hào hoa ở đội Hoàng Anh Gia Lai, nhưng hiệu quả thi đấu lại yếu...
Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, đương nhiên, mọi thời kỳ, tôi luôn đứng về Đội tuyển bóng đá Việt Nam, nhưng rồi thường thất vọng về phong độ và kết quả thi đấu kém cỏi của nó....
Thêm nữa, nạn cá độ bóng đá và liên kết bóng đá hoành hoành ở xứ ta khiến một số đội tụt hạng oan, rồi đó là một số đội buộc phải giải thể, nhiều cầu thủ bị cấm thi đấu, thậm chí ngồi tù vì tham gia dàn xếp tỉ số, vì ăn tiền cá độ v.... Chẳng riêng gì xứ ta, bóng đá Đông Nam Á cũng vậy. Các ông trùm cá độ ở khu vực này đã vươn những chiếc vòi bạch tuộc luồn lách khắp sân cỏ châu Á, thậm chí châu Âu, châu Mỹ.
Gần đây, cơ quan tôi ( VOV ) có phối hợp với Liên đoàn bóng đá Việt Nam và vài nhà tài trợ tổ chức Giải bóng đá trong nhà ( Futsal ) liền 3 mùa giải. Tôi có tham gia ban tổ chức giải đấu này, vì thế có điều kiện tiếp xúc và làm việc cùng một số quan chức cao cấp nhất của Liên đoàn. Trong những lúc trà sư tửu hậu, có vị giải thích với tôi, rằng, ngoài mục đích tài chính và thương mại, bóng đá còn đem lại giá trị về mặt chính trị, nhất là ở các quốc gia tư bản. Các chính khách, các nhà tài phiệt tham gia họa động bóng đá, mỗi khi có bầu cử, họ thu được khá nhiều phiếu bầu cho mình từ phía người hâm mộ. Vậy đấy!...
Thêm nữa, công việc quá bận rộn, những trận đấu hấp dẫn mấy nhưng về đêm cũng chẳng thức trắng để xem, nhằm bảo vệ sức khỏe; rồi đó, mạng xã hội đưa đến cho ta sự tiện lợi, sự quảng giao và bao lý thú khác, lẽ nhiên, niền say mê bóng đá cũng chị chiếm mất chỗ. Thích thì vẫn thích đấy, song còn như xưa nữa!...
Tôi kết thúc bài viết này, cũng là lúc bóng đá xứ ta vừa chấm dứt sự phiêu lưu lãng mạn của mình tại sân chơi tầm thế giới, ấy là đội tuyển U20 bị loại ở vòng đấu bảng của Giải vô địch bóng đá thế giới U20, sau 3 trận, với kết quả 01 điểm, 01 trận hòa, 02 trận thua, đứng chót bảng, không ghi được bàn thắng nào, mà thủng lưới những 6 bàn. Kết quả vậy, không vui là đương nhiên, song cũng chẳng vì thế mà buồn, bởi nó phản ánh đúng sức ta, thực lực ta chỉ đến thế thôi!...

Thôi thì, vẫn cứ dành tình yêu cho bóng đá dù đã bớt đi niềm đam mê và sự cay cú được thua, xem như một niềm vui riêng mình, lại như một sự khích lệ chung cho bóng đá nước nhà !...

Nhận xét