Ký sự nước Nga ( III )



3. Một ngày ở Quảng trường Đỏ.  
           Đây cũng là một địa danh nổi tiếng, mà chỉ cần chụp ảnh mình ở đấy, là ghi nhận mình đã đến nước Nga, đến Moskva.  
          Hôm ấy là cuối tuần, trời lại rét dưới 10 độ C, ấy vậy mà quảng trường đông nghịt người. Chúng tôi phải gửi ô tô khá xa rồi đi bộ vào khu vực quảng trường. Khách du lịch, người Nga hay người nước ngoài thì hầu như ai cũng phải làm vài ba kiểu ảnh, lấy phông nền nhà những chóp nhà thờ Chính thống giáo Nga hình củ hành được dát vàng, và bức tường màu nâu đỏ. Chương trình của chúng tôi là dành cả một ngày cho địa điểm này với mấy việc cụ thể, đó là: vào lăng viếng Lê-nin và thăm thú các hoạt động nghệ thuật ngoài trời ở khu vực Kremli, tiếp đó là đến điểm sổ O của nước Nga, kiểu như point zero ở Paris, và sau cùng là xem vở ballet Hồ Thiên Nga của Tchaikovsky tại Cung đại hội ngay trong khu vực  Quảng trường Đỏ,
          Những năm gần đây, những biến cố chính trị ở nước Nga và thế giới, đưa nước Nga vào diện có hoạt động khủng bố nên chính quyền Nga tăng cường việc kiểm soát an ninh nội địa. Để vào được khu vực phía trong, tất cả mọi du khách phải qua cửa kiểm soát an ninh, máy soi chiếu đồ đạc mang theo, thậm chí cảnh sát còn bắt mọi người phải mở túi đồ, để họ bằng khám tay, mới được vào. Lại tiếp tục rồng rắn xếp hàng để đến khu vực tường đỏ và nơi có Lăng Lê-nin...
          Mất khá nhiều thời gian xếp hàng, nhích từng bước một. Đây cũng là thời gian để tôi quan sát quang cảnh xung quanh khu vực và thả bổng ý nghĩ về lịch sử nước Nga. Phần đông du khách nước ngoài, lần đầu đến đây, nếu không nghiên cứu trước, hoặc được giới thiệu trước, thì dẽ hình dung và lầm tưởng Quảng trường Đỏ-Điện Kremli na ná như kiểu Quảng trường Thiên An môn-Tử Cấm thành Bắc Kinh (Trung Quốc). Thực ra, không phải vậy. Ở Tử Cấm thành Bắc Kinh, đấy là khu vực được bao bọc kín bởi tường thành cao, hào nước sâu bên ngoài, với các cửa thành ở bốn mặt, và từ quảng trường Thiên An môn sau khi qua cửa thành vào bên trong, là quần thể các cung điện và công trình kiến trúc đồ sộ, tráng lệ, là nơi tổ chức các hoạt động trọng đại của quốc gia, nơi thiết triều của nhà vua và nơi sinh sống và hoạt động của đại gia đình hoàng gia. Còn như, Quảng trường Đỏ-Điện Kremli (thuật ngữ kremli là chỉ một dạng thức thành quách Nga nói chung, vì vậy, ở một số thành phố cổ khác của nước Nga cũng có kremli) lại là một quần thể bao gồm tường thành, pháo đài, cung điện, nhà thờ (cụ thể, Nhà thờ chính thống giáo Thánh Basil và Nhà thờ Đức Mẹ Kazan), các đài phun nước, và sau này thêm Lăng Lê-nin, Bách hóa tổng hợp (GUM), tượng đài (nguyên soái Jukov), Mộ chiến sĩ vô danh-Ngọn lửa vĩnh cửu...
          Để vào lăng viếng trước thi hài Lê-nin, lại phải tiếp tục qua thêm cửa soi chiếu an ninh nữa, rồi tiếp tục theo chân tường thành đến khu vực Lăng. Cho đến khi đứng trước lối vào của lăng, nhìn những khách thăm viếng tranh thủ chụp ảnh lưu niệm với nhau, với những người lính gác lăng, tôi mới thực tin là mình đã đến được đây. Lặng lẽ theo dòng người vào lăng viếng Lê-nin, khi người lính gác nhắc nhở, tôi mới biết mình đã quên là vẫn còn đội chiếc mũ bê-rê chống lạnh trên đầu, bèn tạ lỗi bỏ xuống. Về cấu trúc bên trong, giống như lăng Bác Hồ ở ta, hay đúng hơn là chuyên gia Liên Xô cũ giúp ta xây dựng lăng Bác nên cấu trúc tương đồng. Lê-nin nằm đó trong quan tài kính, kể từ khi Người mất, đã gần một trăm năm trôi qua, và lịch sử đã đi những bước dài, mà bản thân nước Nga cũng có những thay đổi lớn lao... Lắng nghe lòng mình, không có sự xúc động như lần đầu vào lăng viếng Bác Hồ. Phải chăng, vì quá xa về khoảng cách địa lý, xa về thời gian, sự khác biệt về văn hóa Đông-Tây, thêm nữa, có lẽ vì xã hội đã biến đổi nhiều, nên với bậc vĩ nhân như Lê-nin, vẫn đầy lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ, nhưng không có được sự xúc động rưng rưng kiểu “liền thịt liền xương, máu đỏ da vàng” như với Bác Hồ. Tự thâm tâm, tôi hiểu, ý nghĩa và giá trị vô cùng lớn lao của Cách mạng tháng Mười Nga, cùng  với vai trò là người khởi xướng và thuyền trưởng chèo lái con thuyền cách mạng Nga đến thành công, kế đó là sự ảnh hưởng to lớn đến phong trào cách mạng vô sản thế giới nói chung, và Cách mạng tháng Tám của Việt Nam nói riêng, đến ngày nay...


          Đang mùa du lịch, Quảng trường Đỏ có nhiều hoạt động mang tính cộng đồng nhữ triển lãm sách và văn hóa đọc, biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng v.v... Ngắm nhìn rồi chụp ảnh lấy phông nền là tháp chuông đồng hồ điện Kremli, biểu tượng của Liên Xô cũ và nước Nga ngày nay, có lịch sử lâu đời những hơn sáu trăn năm; rồi trong đầu tôi như tái hiện những tình tiết vở kịch nói Chuông đồng hồ điện Kremli, do Nhà hát Kịch Việt Nam dựng (cũ là Đoàn Kịch nói trung ương), khởi đầu do nhà hoạt động sân khấu Thế Lữ đạo diễn. Đây là một trong số bộ ba vở kịch cách mạng của Pogodin, nhà soạn kịch nổi tiếng của Liên Xô cũ, mà ở đó lãnh tụ cách mạng tháng Mười Nga- V.I. Lenin là nhân vật chính. Cho đến nay, vở kịch này vẫn được liệt vào dạng kinh điển sân khấu kịch nghệ ở Nga, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và nhiều nước thuộc phe CNXH cũ, trong đó có Việt Nam... Lượt nhanh khu vực quảng trường, tôi tìm đến Điểm cây số Không ( O ), ở đây cũng đông nghịt khách. Ai ai cũng muốn một lần đứng vào vòng tâm, kể cả việc tung đồng xu, mong rơi trúng và nằm lại trong vòng tâm ấy và hy vọng tìm sự may mắn cho mình, theo lời người ta vẫn đồn vậy,...
          Thời gian có hạn, chẳng dám tìm chỗ ăn uống chút gì vì sắp dến giờ xem ballet Hồ Thiên Nga. Ngang qua khu vực có Ngọn lửa vĩnh cửu cháy lên và tỏa sáng từ Mộ chiến sĩ vô danh, chúng tôi dừng chốc lát, chụp vài kiểu anh lưu niệm mình đã đến nơi đây. Thời gian chúng tôi cúi đầu trước Mộ chiến sĩ vô danh & Ngọn lửa vĩnh cửu thì chỉ  giây lát, song câu chuyện về nó lại rất dài. Xuất phát điểm của biểu tượng Mộ chiến sĩ vô danh bắt đầu từ năm 1920, khi người Pháp cho lập ở Paris để nhớ công trạng và tưởng niệm những người lính quân đội Pháp đã hi sinh trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất, sau đó, ở Liên Xô cũ, nhằm tưởng nhớ các binh sĩ đã chết trong các cuộc cách mạng Nga và thời kỳ nội chiến, mộ chiến sĩ vô danh được thiết lập ở nhiều nơi. Đến năm 1966, kỷ niệm 25 năm ngày chiến tằng Phát-xit Đức, Mộ chiến sĩ vô danh bắt đầu được đặt tại khu vườn Aleksandr dưới chân tường điện Kremli, và một năm sau đó, ngày 08.5.1967, biểu tượng Ngọn lửa vĩnh cửu- được lập ngay trên mặt Mộ chiến sĩ vô danh, từ tâm ngôi sao năm cánh đắp nổi trên mộ, và chính thức khánh thành cụm kiến trúc công trình biểu tượng này, cùng đó là dòng chữ khắc trên nền đá hoa cương “Anh là chiến sĩ vô danh, nhưng chiến công của anh là bất tử”, cho đến ngày nay... Vâng, chỉ giây lát thôi, nhưng biết bao câu chuyện, bao tình tiết từ những cuốn tiểu thuyết, những bộ phim Liên Xô mà tôi đã từng đọc, từng xem suốt một thời tuổi trẻ, đi học, lập thân lập nghiệp xưa cũ, như hiện vể tất cả...
          Lại một hồi vất vả, xếp hàng, soi chiếu an ninh, rồi chúng tôi cũng an vị trong lô ghế của mình của tầng trên Cung Đại hội trong khu vực Quảng trường Đỏ, chờ đến giờ thưởng thức vở ballet Hồ Thiên Nga. Đây là một món quà bất ngờ không có trong chương trình định trước khi đoàn công tác sang Nga, mà Điệp Anh, trưởng cơ quan thường trú VOV tại Moskva dành cho chúng tôi. Bất ngờ mà đúng mong ước, nên quý lại càng quý. Hơn nghìn chỗ ngồi của cung chật kín không một chỗ trống. Rồi những âm thanh đầu tiên của vở diễn bắt đầu vang lên, lập tức mọi người như mê đi và dần chìm đắm vào những vũ điệu ballet, từng tình tiết của vở diễn và đặc biệt là âm nhạc của Tchaikovsky. Chỉ biết là tuyệt vời về mọi phương diện, cho đến khi kết thúc, các vũ công ra chào, tiếng vỗ tay biểu thị niềm vui của khán giả kéo dài mãi không ngớt, khiến các diễn viên phải chào nhiều lần...
          Cuối ngày, đói mệt, nhưng vui, chúng tôi được cơ quan thường trú tại Nga chiêu đãi bữa tối tại một quán ăn thịt cừu nổi tiếng ở trung tâm phố cũ Moskva. Một ngày tuyệt vời ở Quảng trường Đỏ là thế !... 

( còn nữa )

Nhận xét