Ký sự nước Nga ( IV )



4. Nghĩa trang Danh nhân ở Moskva & những linh hồn bất tử.
         
Đấy là cách gọi dễ hiểu của Nghĩa trang Novodevichy. Nghĩa trang này nằm ngay bên cạnh Tu viện Novodevichy - Di sản thế giới được UNESCO công nhận. Đúng ra, ý tưởng về một nghĩa trang dành cho những người nổi tiếng bắt đầu từ những ngôi mộ của một số người nổi tiếng được chôn cất trong khuôn viên của Tu viện Novodevichy. Tu viện này được xem là nổi tiếng nhất của Moskva, bởi ngay nay vẫn giữ được sự nguyên trạng ban đầu từ thế kỷ 17. Sự nổi tiếng này kéo theo sự nổi tiếng cho nghĩa trang danh nhân.
          Khi đến thăm viếng nghĩa trang Danh nhân, tôi chưa mấy hiểu về nó, hoàn toàn theo sự chỉ dẫn của Điệp Anh, trường cơ quan VOV tại Nga. Cô vốn là một phóng viên thời sự lâu năm, học đại học chuyên ngành tiếng Nga, và tính tổng thời gian làm việc tại Nga được 8 năm, nên có sự hiểu biết kha khá về lịch sử và văn hóa Nga. Khi bước chân qua cổng chính, Điệp Anh đã lưu ý rằng, ở đây có phần mộ của một số danh nhân là chính khách, nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, và anh hùng Liên xô cũ, mà cô từng biết và cũng đã từng viếng mộ những lần trước. Với số lượng khoảng 27 nghìn ngôi mộ ở đây, nên không có sự chỉ dẫn thì chẳng biết đâu mà tìm, vậy chỉ có thể đi viếng một số ngôi mộ mà cô thông thạo thôi. Trước hết, chúng tôi tìm đến viếng mộ của cố tổng thống Nga B, Elsin ở ngay trung tâm. Ngôi mộ này được kiến trúc mang hình quốc kỳ Nga gợn nếp đang bay với ba màu đắp nổi. Tình cờ, ngay cạnh đó, có một đám đông tụ rập, có âm nhạc, có tiếng loa, và hình ành của nhà thơ-nhà văn-nhà soạn kich cách mạng lưu vong người Thổ Nhĩ Kỳ là Nazim Hikmete. Tôi đã từng đọc về thân thế sự nghiệp và thơ ca của ông từ hồi đi học nên biết. Ông này từng học tại Đại học Phương Đông tại Liên xô, sau đó về quê nhà sáng tác văn học và họa động xã hội, rồi bị trục xuất khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, sống lưu vong tại Liên xô cho đến khi mất vào ngày 03.6.1963, mà không bao giờ được trở về quê hương nữa. Hôm ấy, tình cờ đúng ngày 03.6, vậy tính ra là ngày giỗ lần thứ 54 của Nazim Hikmete, nên Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Nga đã tổ chức lễ tưởng niệm ông ngay tại phần mộ. Không ngờ, nhà thơ lưu vọng nổi tiếng, mình từng đọc từ ngày xưa, lại được chôn cất tại đây, và nay do tình cờ lại được chứng kiến lễ tưởng niệm ông... Sau đó, chúng tôi viếng mộ cố Thủ tướng Nga, ông Y.M. Primakov. Ông này mới mất năm 2015, và phần mộ cách mộ của B. Elsin mộ quãng ngắn. Thời kỳ cuối thế kỷ 20, khi Elsin cầm quyền với cương vị Tổng thống, nước Nga đã xảy ra tình trạng khủng hoảng lãnh đạo, trước khi Elsin tìm ra được một người đủ bản lình để cầm cương nước Nga mới thay mình là V. Putin, ông đã liên tục tìm kiếm và thay thế hàng loạt các chính trị gia ở cương vị Thủ tướng, trong đó có V. Chernomyrdin, Y. Primakov. Khi được Elsin lựa chọn vào cương vị thủ tướng, vị chính trị gia người gốc Ucraina này đang là Ngoại trưởng. Ngoài sự nghiệp chính trị, Primakov còn là một viện sĩ, nhà Đông phương học, nhà kinh tế tài ba.


          Theo sự chỉ dẫn của Điệp Anh, chúng tôi lần lượt đến viếng mộ các nhà khoa học và sáng chế như I.P.Pavlov, nhà tâm sinh lý học, viện sĩ, đoạt giải Nobel năm 1904; A.N. Tupolev, nhà chế tạo hàng không của dòng máy bay TU; anh hùng vũ trụ G.S. Titov... Đặc biệt là cụm 3 ngôi mộ của gia đình cố Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên xô một thời, Nikita Sergeyevich Khrushchyov, cùng vợ và cháu trai. Đây cũng là câu chuyện, là nỗi niềm một thời của riêng Đảng cộng sản Liên xô cũ và cả phe Xã hội chủ nghĩa nói chung. N.S. Khrushchyov là người thay thế Stalin làm Tổng Bí thư sau khi ông này mất vào năm 1953. Năm năm sau, Khrushchyov kiêm thêm chức Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên xô (tức Thủ tướng) và lãnh đạo Liên xô cho đến năm 1964, thì mất quyền lực bởi bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, và thay vào đó, L. Brezhnev làm Tổng Bí  thư  và A. Kosygin làm Thủ tưởng. Ông bị giám sát chặt chẽ bởi cơ quan an ninh tình báo, vì bị quy kết là người theo chủ nghĩa xét lại, cũng như trước đó, là người chủ trương chống lại việc Stalin hóa ỏ Liên xô cũ. Cùng được an táng bên cạnh mộ ông là phần mộ người vợ thứ hai, bà Nina Petrovna Kukharchuk, và người cháu, Nikita Khrushchyov, mới mất năm 2007. Đây cũng là điều hiếm thấy ở Nghĩa trang Danh nhân này. Khách viếng thăm nghĩa trang, hầu như ai cũng đến cụm mộ này, có phần vì sự kính trọng, phần vì thỏa lòng tò mò.
          Tiếp theo, chúng tôi tìm sang khu vực mộ của các văn nghệ sĩ. Điệp Anh cho biết, trước đây, có mộ của nhà văn Nga lỗi lạc, là Nikolai Gogol, nhưng gần đây bị di dời đến nơi khác. Thật tiếc thay. Tôi vốn kính trọng và yêu văn chương của Gogol với tác phẩm bất hủ là “Những linh hồn chết” và tiểu thuyết anh hùng ca “Ta-rat Bulba“. Ở đây, tôi chợt có một sự liên tưởng thú vị. Ấy là, tác phẩm xuất sắc làm nên tên tuổi N. Gogol ấy là tiểu thuyết “Những linh hồn chết”, kể chuyện về một thương lái (tên là Chichikov) đi khắp nước Nga chỉ để buôn những linh hồn chết của  nông nô từ các địa chủ, mang tính mộng mị và hài hước, song nó phản ánh một nước Nga lạc hậu, nghèo đói và mê muội, đòi hỏi phải có những thay đổi lớn lao về xã hội và quản lý xã hội, vậy nên nó mang tính dự báo; còn bản thân nhà văn N. Gogol và các danh nhân yên nghỉ nơi đây, thì linh hồn họ đều là bất tử !...
Chúng tôi tìm viếng mộ của N.A. Ostovsky, tác giả của tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” lẫy lững một thời khi được dịch sang tiếng Việt, và được xem là tấm gương để nhiều thế hệ thanh niên noi theo. Rồi đó là mộ của nhà văn-đạo diễn V. M. Sucsin. Vô tình, tôi còn phát hiện thấy bia mộ của nhà văn Alexander Fadeyev, cựu Chủ tịch Hội Nhà văn Liên xô, tác giả của các tiểu thuyết nối tiếng một thời là “Đội cận vệ thanh niên” và “Chiến bại”, được cho là đã tự sát bằng súng ngắn vào ngày 13/6/1956 tại căn nhà mình,... Vậy là cũng chỉ mười ngày nữa là đến ngày giỗ của ông... Rồi nữa, như một linh tính, tự dưng tôi nhớ và nhắc đến nhà văn Nga, nhà viết kịch và truyện ngắn xuất sắc là A. P. Tsekhov (1860 - 1904) cùng những nỗi khổ riêng tư với người vợ nghệ sĩ và bệnh tật của ông. Vậy mà, tôi đâu có biết, chính phần mộ của A. P. Tsekhov cũng nằm trong nghĩa trang này, và hơn nữa, vì có phần mộ của ông, cùng những người nổi tiếng khác, là cái cớ để nước Nga lấy nghĩa trang Tu viện Novodevichy làm nghĩa trang Danh nhân như bây giờ. Nếu biết trước, thế nào tôi cũng hỏi thăm để được kính cẩn cúi đầu trước anh linh nhà văn xuất sắc này, mà tôi vốn xem là đệ nhất nước Nga cổ kim!...


          Sau tìm hiểu thêm, tôi mới biết, ngay tại đây, còn có bia mộ của những con người không những nổi tiếng của nước Nga mà cả thế giới, ấy là khoa học Lev Landau (1908 - 1968)-Giải Nobel Vật lý và Pavel Alekseyevich Cherenkov (1904 - 1990)-Giải Nobel Vật lý; họa sĩ Isaac Levitan (1860 – 1900), tác giả của tác phẩm “Mùa thu vàng”; các nhà văn Aleksey Tolstoy (1882 - 1945), Ilya Ehrenburg (1891 - 1967), Mikhail Bulgakov (1881 - 1940); nhà thơ Vladimir Maiakovsky (1893 - 1930); nhà soạn nhạc Dmitri Shostakovich (1906 - 1975);  đạo diễn kiêm diễn viên điện ảnh Sergei Bondarchuk (1920 - 1994), v.v...  Ôi, thật đáng trách và đáng tiếc làm sao, mà chung quy là lỗi từ sự thiếu hiếu biết!...
          Lướt nhanh nghĩa trang Danh nhân Moskva, có cảm quan, đây không phải là một thế giới chết, thế giới của những linh hồn, trái ngược với cái chết, ấy là sự bất tử. Vâng, bất tử về mọi phương diện, ấy là giá trị của những con người tên tuổi trong quá khứ, là giá trị lưu truyền, là tiếng vọng lịch sử, là một bảo tàng sống động về nghệ thuật điêu khắc, bởi mỗi ngôi mộ đã là một công trình nghệ thuật điêu khắc, hội họa tuyệt mỹ.

Hơn thế, nó đầy sinh khí !...

( còn nữa ) 

Nhận xét