Ký sự nước Nga ( V )



5. Điền trang Yasnaia Poliana, trăm năm & một ngày,
Đi Tula, thăm điền trang của gia đình đại văn hào Lev Tolstoi là lịch trình đã được vạch sẵn của đoàn công tác trước khi sang Nga. Sau một ngày bận rộn từ sớm đến khuya trong cái lạnh dưới 10 độ C, nào thăm viếng Nghĩa trang Danh nhân, thăm Quảng trường Đỏ, viếng Lăng Lenin và xem ballet Hồ Thiên Nga... hôm sau, chúng tôi ra ngoại ô và thẳng tiến hướng tỉnh lỵ Tula.
Tula có ranh giới với thủ đô Moskva, về phía Nam và cách chừng gần hai trăm cây số. Thoát khỏi khu vực đường vành đai 3 luôn ở trong tình trạng ùn tắc xe, chúng tôi bắt đầu tăng tốc, chạy với tốc độ 120km/h. Thành Phương, phóng viên VOV tại Nga cầm lái, anh có hơn 5 năm ở Nga, là người dẫn đường, kiêm việc phiên dịch cho chúng tôi trong chuyến thăm Tula này. Đường tốt, thưa xe, băng ngang cánh đồng Nga. Nhìn bên ngoài, cỏ xuân xanh mướt mát, và trên thảm cỏ xanh mênh mông như tới tận chân trời ấy, là thảm hoa màu vàng, chỗ thưa, chỗ mau, thoạt nhìn ngỡ một loài cúc dại, nhung hỏi ra là bồ công anh. Tự nhiên, giai điệu bài hát “ Cánh đồng Nga( Russkoie pole ) của Ia. Phrenken và I. Goph,  mà từng nghe từ thời viên, với giai điệu trầm bổng da diết ại âm vang trong đầu... “Mượt mà những cánh đồng lúa nước Nga, đẹp sao những lúc trăng lên cao, tuyết nhẹ rơi...Ơi nước Nga mến yêu, lòng tôi mãi bên người, dù trong hạnh phúc hay gian lao, cùng người đi tới, nước Nga đẹp tuyệt vời... Những cánh đồng lúa nước Nga, là niềm kiêu hãnh, là ước mơ của chính tôi, đồng xanh ngát một màu, niềm kiêu hãnh của mình, lòng tôi mãi mãi không xa rời những cánh đồng... dù đại ngàn hay biển khơi, đẹp sao bằng những cánh đồng Nga... “... Giai điệu bài ca mãi âm vang trong ý nghĩ, lại chợt nhớ đến nhận định của một người bạn đồng nghiêp báo chí, sau chuyến công tác sang Nga của anh cách đây vài năm, rằng nông nhân Nga bây giờ lười biếng, chẳng chịu làm, để đất bỏ hoang. Nay hỏi ra, mới biết, không hẳn nông dân Nga lười nhác, ấy là, vì nước Nga quá rộng lớn, nên nông dân có thói quen, trên mỗi diện tích đất nông nghiệp, chỉ canh tác một năm, năm sau cho đất nghỉ và xem đó là khoa học, là cách làm nông nghiệp sạch và bền vững. Cũng nghe nói, có một thời gian, nước Nga thụ động vào hàng hóa của châu Âu, nông dân đua nhau ra thành phố, đến khi Nga bị Mỹ và Châu Âu cấm vận, tổng thồng V. Putin đã kêu gọi tinh thần tự lục tự cường dân tộc, nông dân Nga đã hăng hái sản xuất, và ngay đó, nông sản lại dồi dào...
Chẳng mấy chốc, nóc các công trình cao của tỉnh lỵ Tula đã hiện ra trước mặt. Thành phố cũ kỹ, xe chúng tôi theo tâm trục thành phố, ngang qua trung tâm phổ cổ với quảng trường và nhà thờ. Chẳng hiểu nó mấy khác với sinh thời của Lev Tolstoi ? Xe chay ngang qua khu bảo tàng Vũ khí. Nghe nói, ngày trước Tula là trung tâm sản xuất ấm Samovar, và nay có bải tàng về lại ấm nước đặc trưng Nga này. Theo biển chỉ dẫn, chúng tôi rẽ theo hướng vào điền trang Yasnaia Poliana.


Bãi để xe ngoài công điền trang hầu như chật kín, không phải ngày nghỉ cuối tuần mà khách tham qua khá đông, khách châu Âu và các đoàn tua du lịch Trung Quốc. Qua cổng vào bên trong, khung cảnh đã tuyệt vời, với hổ nước, cây xanh những phong và sồi, những mái nhà xanh ngọc ẩn hiện, những lối mòn nhỏ len hun hút giữa hàng bạch dương, nên thơ và khơi gợi sự bí ẩn, tò mò cho du khách. Chúng tôi mua vé tham quan có hướng dẫn viên người bản địa, nên đi theo sự chỉ dẫn. Không ngờ, toàn bộ khu điền trang hiện tại rộng tới 412 hecta (nghe nói, kể cả ruộng đất, ngày trước rộng gấp ba lần hiện tại), và ngày ấy từng thuộc 5 chủ đất. Gia đình Lev Tolstoi đã mua trường để có được diện tích rộng và diện mạo như ngày nay ta thấy. Hiện những hàng rào ranh giới đất cũ thuộc các chủ khác vẫn được giữ nhằm tái hiện diện mạo xưa, phục vụ cho du lịch. Điền trang rộng vậy, nên tùy theo thời gian và nhu cầu của du khách, người ta bố trí 3 điểm chính, ấy là ngôi nhà khách của người cha Tolstoi, nay được trung bày thành bảo tàng về thân thế sự nghiệp, đặc biệt sự chuyển biến về tư tưởng của Tolstoi;  thứ hai, là ngôi nhà Lev Tolstoi sinh sống và viết văn; và cuối cùng là ngôi mộ nhà văn ẩn sâu nơi rừng xanh kín đáo của điền trang. Theo quy định, quang cảnh bên ngoài, du khách được thỏa mái chụp ảnh, quay phim, nhưng khi vào bên trong mỗi tòa nhà trưng bày thì cấm tuyết đối. Do sơ ý không quan sát thấy biển cấm bên ngoài, nên khi bước vào trong ngôi nhà mà Tolstoi sinh sống, tôi đã vô tình bấm máy một kiểu, và ngay lập tức phải sorry. Xem lại, giờ lại thấy vui vì chí ít có một kiểu ảnh bên trong. Ngôi nhà này, về cơ bản vẫn giữ nguyên kết cấu 2 tầng, cầu thang gỗ, nhiều phòng nhỏ hẹp, thông nhau chạy vòng quanh phía trước sau ôm lấy trung tâm là phòng khách lớn. Ở phòng này, bày các hiện vật nhằm tái hiện cuộc sống của nhà văn từ hơn một trăm năm trước ( Tolstoi qua đời ngày 20.11.1910 ) tại quê nhà, sau khi ông bỏ nhà ra đi, kết thúc chuỗi năm tháng dài bất đồng với vợ về nhiều thứ, trong đó có quan điểm về việc giải phóng nông nô, và ông bị ốm nặng rồi qua đời ở nhà ga xe lửa Astapovo (nay là thị xã mang tên Tolstoi) cách điền trang không xa. Tường phòng treo đầy tranh chân dung nhà văn, cùng vợ và con gái ông, được vẽ bởi họa sĩ Nga nổi tiếng là Kramxkoi và các họa sĩ nổi tiếng cùng thời của châu Âu... Đặc biệt là phòng ngủ, phòng đọc sách và phòng ông ngồi viết văn, mà ở đó có trưng bày những trang tiểu thuyết của F. Dostoievsky khi vừa mới được xuất bản đã được Tolstoi tìm đọc ngay và tỏ lời khen ngợi, rồi đó là sách về triết học cổ Trung Hoa là Lão Tử, Khổng Tử. Sinh thời, Lev Tolstoi cũng là con mọt sách. Ở đây, còn có căn phòng, nơi nhà văn ngôi viết những chương đầu tiên của bộ tiểu thuyết bất hủ “Chiến tranh và hòa bình”. Ngày ấy, đây chỉ là một cái kho chứa đồ, để tranh bị quấy rầy, Tolstoi đã trốn biệt vào đây, khời thảo cuốn tiểu thuyết này... Và cũng căn nhà này, còn có chiếc đồng hồ cổ vẫn chạy từ gần hai trăm năm nay, có chiếc ghế sô-fa, nơi mấy đời nhà Tolstoi ra đời trên đó, rồi góc riêng dành cho người anh trai yểu mệnh, Nikolai, mà ngày nhỏ rất gắn bó và được Tolstoi vô cùng yêu quý, người đã phát hiện ra một bí mật gia đình-ấy là mảnh đất đầy yếu tố hoang đường là Hang Đặt Cũ và khe Xói, que Xanh, cùng quan niệm về hạnh phúc toàn gia “anh em nhà kiến“, người hướng dẫn đã giới thiệu vậy.



Ở ngôi nhà, ngày xưa, cha thân sinh ra nhà văn chuyên sử dụng làm nhà khách, nay là bảo tàng trừng bày hiện vật, tranh ảnh liên quan đến một thời gian dài, bắt đầu từ thời kỳ Tolstoi nhập ngũ. Có một khoảnh đất trống khá rộng, nối giữa hai ngôi nhà này bằng một lối đi, còn chút dấu tích, nghe nói, cha của nhà văn đã định cho xây thêm một dinh thự nữa để ở thì khi mới chuẩn bị, ông mang bệnh rồi mất, khi ấy Tolstoi mới lên 9 tuổi. Trở lại với ngôi nhà khách xưa, trong đó có tranh ảnh Tolstoi trong trang phục lính ở Kavkaz và Sevastopol, nhà văn với các người bạn văn chương như I. Turgeniev, nhà văn với đám trẻ con nghèo rách rưới-con của những nông nô trong vùng ở trường học-ngôi trường mà chính nhà văn cho mở; rồi nữa, là nhà văn cùng người vợ của mình, cả bút tích bức thư nhà văn tỏ tình với tiểu thư Sofia Andreyevna Behrs, khi nàng mới 18 tuổi (còn Lev Tolstoi, 34)... Và rồi, nàng tiểu thư ve như vô lo vô nghĩ, kém chồng 16 tuổi ấy, đã sinh liền một mạch cho nhà văn những 13 người con (chỉ 9 người sống đến trường thành), trở thành thiếu phụ giỏi giang trong quản lý điền trang, phục vụ chồng, nuôi con khôn lớn, đem lại những hạnh phúc gia đình cho nhà văn, khiến ông an tâm đọc sách và viết truyện. Theo năm tháng, sự bất hòa giữa hai vợ chồng nhà văn nảy sinh, Tolstoi là người nhân văn, chủ trưởng giải phóng nông nô, còn vợ ông, chỉ quan tâm quyền lợi tài sản của gia đình và chống đối việc giải phóng nông nô... Cứ vậy, cho đến một ngày, khi đó đã ở tuổi 82, cùng với người bác sĩ của gia đình, Tolstoi bỏ nhà, vô định, lên tàu từ nhà ga gần điền trang nhà mình giữa thời tiết tuyết rơi lạnh giá, rồi thọ bệnh mà mất tại nhà viên trưởng ga nhà ga xe lửa Astapovo...
Theo lối đi, chúng tôi như lút vào rừng sâu, hai bên là những căn nhà gỗ, những chuồng nuôi gia súc tái hiện thời nhà văn còn sống, những hàng sồi cổ thụ, những cây phong, bạch dương và ngân hạnh. Nghe nói, có những cây sồi đã mấy trăm năm tuổi, nghĩa là từ thời ấy, nhà văn đã từng miêu tác trong các tác phẩm văn học của mình. Vườn xa xa toàn những táo và lê. Năm nay, tiết muộn, một số cây táo còn lác đác trổ hoa trắng. Được biết, năm nay có thể mất mùa táo, bởi trước đó, thời tiết nước Nga, khu vực thủ đô Moskva và vùng lân cận, trong đó có Tula, trời đổ bão tuyết bất thường, rồi sau đó còn có giông lốc rất mạnh, gây sập nhà, gẫy đổ cây cối, và đương nhiên, làm hoa táo rụng gần hết.
Ngôi mộ của nhà văn hiện ra thật bất ngờ. Thực lòng, khi tìm viếng mộ Lev Tolstoi, tôi vẫn mường tượng, nó sẽ như một ngôi mộ nào đó của các nhà văn mà tôi từng thấy ở nghĩa trang Danh nhân Moskva. Vậy mà, chỉ là “một nấm cỏ khâu xanh rì” như câu thơ Nguyễn Du đã viết. Đại văn hào năm đó, đã già một thế kỷ trôi qua, nấm đất dài, dày cỏ xanh, không bia mộ, và khuôn viên ngôi mộ cũng cỏ xanh mướt. Nghe nói, đây chính là nơi xưa kia, người anh Nokolai đã phát hiện ra, và câu chuyện “que xanh”-khe Xói-Hang Đặt cũ, mãi ám ảnh nhà văn cho đến cuối đời. Và hình như, khu vực ấy, ngày xưa là khu nghĩa địa của các nông nô. Yên ngủ ngàn thu nơi đây, hẳn nhà văn toại nguyện, như những gì ông từng mong ước...



Khi mọi người đã quay trở ra, riêng tôi vẫn nán lại, một mình, lặng ngắm quang cảnh xung quanh, chỉ thuần rừng xanh, cây cỏ. Chợt một chàng tiếng chim của loài chim nào đó mà tôi không rõ vang lên trong vòm cây cao xanh, quanh quất nhìn chẳng rõ tiếng hót từ đâu. Và, mấy câu thơ của bài thơ “Thăm điền trang Yasnaia Poliana” đã manh nha  nảy sinh trong tôi “... Hương hoa gì xa đưa/ Giấc ngàn thu Người mộng/ Vòm cây nào khẽ động/Tiếng chim hót ru Người,..”,
Trên đường trở ra, tôi còn bắt gặp một lễ hội dân gian của người dân quanh vùng, ở một thung lũng đầy những sồi và cây lê, táo. Họ múa hát, ai cũng đội trên đầu hoặc quàng cổ một vòng hoa như nguyệt quế...
Đã ngả chiều, chúng tôi ăn tạm ở một quán ăn ngay cổng chính của điền trang. Quán ăn thiết kế toàn bằng gỗ sồi, nhỏ xinh và sạch sẽ, món ăn cũng đơn giản. Cùng với món súp cá và bánh mì, Thành Phương gọi một món ăn truyền thống, ấy là món bánh làm từ bột mì trộn sữa bò, mật ong, có chút nhân nho khô trên mặt. Nghe nói, người dân vùng này, trong lễ Tiễn mùa đông, bao giờ cũng phải có món bánh đó.
Về đến Moskva, chiều cũng đã muộn, thời điểm này, đến 9 giờ đêm trời vẫn sáng, thậm chí còn thấy mặt trời. Tối nay, chúng tôi còn phải ra ga tàu hỏa, đi Saint Petersburg...

Với tôi, điền trang Yasnaia Poliana của nhà văn Lev Tolstoi, đã trăm năm và chỉ một ngày !... 

( còn nữa )

Nhận xét