Ký sự nước Nga, ( VI )



6. Saint Petersburg, cách mạng & tình yêu,

Khi chuyến tàu loại hai tầng có giường nằm bắt đầu chuyển bánh rời Moskva đi Saint Petersburg, mọi người vui vẻ hàn huyên đủ các thứ chuyện, song trong tôi, ý nghĩ và sự ám ảnh về vụ nổ bom xảy ra lúc 14g40 giờ địa phương ngày 03.4.2017 đoạn giữa hai ga tàu điện ngầm Sennaya PloshchadTekhnologichesky Institut, thuộc St. Petersburg làm 14 người chết và 49 người bị thương. Và sau đó, giới chức Nga xác nhận kẻ đánh bom là Akbarzhon Dzhalilov, một công dân Nga, 22 tuổi đến từ nước cộng hòa Trung Á-Kyrgyzstan, người này còn được coi là thủ phạm đặt quả bom thứ hai tại ga tàu Ploshchad Vosstaniya trong thành phố nhưng đã bị vô hiệu hóa, chưa đủ để người ta yên lòng về một sự bình yên. Nghĩ ngợi sinh khó ngủ, nhưng rồi sự mệt mỏi sau hành trinh liên miên cũng làm cho tôi thiếp đi...
Tỉnh ngủ, mặc dù mới 6 giờ sáng, nhưng trời đã sáng bạch từ bao giờ. Mùa này, gần sát tháng đêm trắngSaint Petersburg, đêm chỉ buông lờ mờ một vài tiếng chi đó mà thôi.
Xuống ga, chúng tôi nhập vào dòng du khách đông đúc và ai cũng đầy ý thức cảnh giác về nạn móc túi, trộm cắp vặt ở thành phố này mà Điệp Anh đã cảnh báo. Chiếc xe chúng tôi thuê đã đợi sẵn. Xe chuyển bánh, Điệp Anh chỉ ngay vào một ngôi nhà có kiến trúc hình tháp tròn, bảo đấy là nhà ga Ploshchad Vosstaniya, nơi đã tìm thấy vật liệu nổ và được vô hiệu hóa, chung với vụ đánh bom khủng bố ngày 03.4 nọ. Tự nhiên cảm thấy rờn rợn, song thôi, kệ.
Sau khi ăn sáng và cafe nhanh ở một quán quen, chúng tôi ra bờ sông Neva để tham quan pháo đài Petropavlov và chiến hạm Rạng Đông. Trước hết, về Pháo đài, nó còn có tên gọi Pháo đài Thánh Phêrô và Phaolô , hoặc  Pháo đài thánh Pyotr và Pavlov theo cách gọi của người Nga. Đi loanh quanh trong thành phố, hầu như góc nào cũng thấy cái chóp tháp cao của nó, nghe đâu, ngày trước, không một công trình kiến trúc nào ở đây được phép bằng hoặc cao hơn. Pháo đài này được xây dựng từ đầu thế kỷ 18, theo lệnh của Nga hoàng Pyotr Đại Đế. Nơi đây, có đại giáo đường thánh Thánh Phêrô và Phaolô, sau còn là nơi an táng của mấy đời Nga hoàng. Pháo đài này nằm trên một đào nhỏ giữa dòng Neva, nên phải qua một cây cầu, chúng tôi mới sang được khu vực Pháo đài. Tiếc là giờ mở cửa khá muộn nên chúng tôi không thể chờ để vào tham quan bên trong được, vì hành trình trong này còn dài...


Ngay gần đấy, là Chiến hạm Rạng Đông. Trong số chúng tôi, hồi đi học, môn lịch sử thế giới, nhất là về cuộc cách mạng tháng Mười Nga, hầu như ai cùng biết, chiến hạm Rạng Đông đã nổ phát súng đầu tiên, vào ngày 07.11.1917, báo hiệu cho cuộc tấn công cuối cùng vào Cung điện Mùa Đông, dinh lũy cuối cùng của Chính phủ cách mạng tư sản Nga tại thành phố Saint Petersburg (khi đó mang tên là  Petrograd), khi chính vị thuyền trưởng lúc ấy là Aleksandr Belyshev, và hầu hết thủy thủ đoàn đã tham gia đảng Bolshevik. Cuộc cách mạng tháng Mười Nga đã đi vào lịch sử thế giới cận và hiện đại, gây ảnh hưởng và hiệu ứng lớn như thế nào với phong trào cách mạng vô sản và đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức trên phạm vi toàn thế giới, thì người ta đều biết cả. Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ đây. Thế nên, chiến hạm Rạng Đông lại có ý nghĩa mang tính biểu tượng cao. Sau này, tìm hiểu kỹ, tôi mới biết thêm là, chiếm hạm Rạng Đông này nguyên là một tuần dương hạm thuộc hải đội Viễn Đông, và nó cũng có một lịch sử , số phận khá ly kỳ và lý thú...
Giờ đây, chiến hạm Rạng Đông hiền lành neo đậu sát bờ, ngày đêm nghe sóng nước Neva ru ngủ, với tư cách là một bảo tàng sống động, và hơn nữa, nó vẫn được trei cờ hiệu của Hải Quân Nga, bởi vẫn được phiên chế một đơn vị hải quân quản lý, sử dụng... Tuy hình dáng bên ngoài không mấy khác, song nhiều bộ phận để cả phần thân tàu chìm dưới nước đã được đại tu, thay thế. Bên kia bờ sông Neva, là Cung điện Mùa Đông xưa, được sơn màu xanh ngọc-trắng, nay là Bảo tàng Ermitage nổi tiếng thế giới. Ngắm sông nước Neva dạt dào, lại nhớ cuộc đối thoại thơ đã trở thành huyền thoại giữa Olga Berggoltz và Berssonov, mà thời sinh viên mới biết yêu, ai cùng từng biết, từng đọc những câu thơ tình da diết của Bài thơ cuộc đời : “ Em nhớ lại chuyện ngày quá khứ/ Khúc hát say mê một thời thiếu nữ/ Ngôi sao sáng bừng trên sông Neva/ Và tiếng chim kêu mỗi buổi chiều tà/ Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọ ngào/ Em mới hiểu bấy giờ anh có lý/ Chuyện cũ qua rồi, anh cũng xa cách thế/ Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa/ Lũ trẻ lớn lên tiếp bước theo ta/ Lại nhấp vị ngọt ngào thuở trước/ Vẫn sông Neva những chiều sóng nước/ Nghĩ cho cùng, họ có lỗi đâu anh...”. Mấy chúng tôi cùng đọc, thay nhau đọc, người câu trước, người câu sau, hết cả bài thơ.


Dù sau này, có người tìm hiểu, khảo cứu, cho rằng cuộc tình và đối thoại thơ này không có thật trong đời, và Bài thơ cuộc đời là Olga Berggoltz viết tặng chồng mình, một nhà thơ Nga- Boris Kornilov (1907-1938) nguyên có tên Chuyện mười năm trước, thì cũng chẳng ai buồn tin mà làm gì. Đơn giản, bởi huyền thoại kia đã quá đẹp, đã hằn sâu vào trái tim và ký ức thời tuổi trẻ đầy yêu đương và thất vọng trong tình yêu đôi lứa, của mỗi người rồi.
Với riêng tôi, cũng là vậy đó!
Chẳng hơi đâu truy tìm, để mà tin hay không.
Bởi điều đó có ý nghĩa gì đâu.

Và hơn thế, giờ đây, tôi đang đi bên sóng nước Neva !... 

( còn nữa )

Nhận xét