Ký sự nước Nga, ( VII )


7. Cung điện, thú ăn chơi của Sa hoàng xưa,
Lịch sử nước Nga cho thấy, nửa cuối thế ký 18 và cả thế kỷ 19, nước Nga bị châu Âu xem thường và bỏ lại phía sau, bởi sự lạc hậu, trị trệ  và nghèo đói xác xơ. Ấy là nhìn về khía cạnh xã hội và đời sống dân chúng. Tuy nhiên, trong lòng một nước Nga nghèo đói và lạc hậu ấy, nước Nga lại có mấy thứ mà châu Âu không thể xem thường được, thậm chí còn phải ngưỡng mộ, ấy là sự ăn chơi xa hoa bậc nhất của các Sa hoàng (Hoàng đế Nga) và sự nảy sinh ra các văn nghệ sĩ tài hoa cũng vào cỡ bậc nhất thế giới. Điều này ta có thể thấy rõ trong những tác phẩm văn học của các nhà văn Nga nổi tiếng như N. Gogol, I. Turgeniev, A.Tsekhov, V. Korolenko, L Tolstoi... Hãy khoan nói về các tài danh nghệ sĩ Nga, để nói về sự ăn chơi tột đỉnh của các Sa hoàng...
Ấy là các công trình kiến trúc, cung điện, vườn hoa, đài phun nước... do các Sa hoàng cho xây dựng ở nhiều nơi, nhất là Siant Petersburg và Moskva. Trước chuyến sang Nga chừng mươi ngày, tình cờ tôi được xem một phim tài liệu giới thiệu về các cung điện, công trình kiến trúc cổ ở Saint Petersburg, như cung điện Mùa hè, cung điện Mùa thu, cung điện Mùa đông... Nay thì tận mắt mục sở thị.
Trên đường từ trung tâm Saint Petersburg đi thăm Cung điện Mùa Hè, chúng tôi ngang qua ngôi biệt điện cổ, nghe nói nay trưng dụng làm nơi ở và làm việc của Tổng thống Nga, V. Putin mỗi khi ông này rời Moskva về Saint Petersburg, và dĩ nhiên, vì lý do an ninh, nên để chiêm ngưỡng nó, chúng tôi đành cho xe chạy chầm chậm, hạ kính, chụp ảnh mà thôi. Ít phút sau, đã đến Cung điện Mùa Hè.


Đây là cách gọi thông dụng theo mục đích sử dụng của cung điện này. Tên của nó là Peterhof, và nghe nói là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất nước Nga. Vậy thi  Peterhof phải có những giá trị gì chứ? Được biết, cung điện này được khởi công xây dựng từ năm 1714 dưới thời cai trị của Sa hoàng Tzar Peter Romanov (1672-1725), sau khi vị vua này thăm nước Pháp, muốn nước Nga cũng có một Cung Versailles của Nga, vậy nên đã vời đến các kiến trúc sư và điêu khắc gia từ khắp châu Âu đến thiết kế và thi công. Địa thế cung điện rất đẹp, rộng hơn nghìn hecta, nằm bên dòng Neva, kề ngay vịnh Phần Lan. Mênh mông như thế, với 7 công viên, gần hai chục lâu đài và hàng trăm suối và cụm đài phun nước, nên khách du lịch khó mà ngắm hết được. Đầu hè mà trời rét tê, nhất là mỗi khi gió thổi mạnh từ vịnh Phần Lan vào, mấy gã đàn ông chúng tôi mò tìm quán quanh đấy để kiếm tách cafe cho đỡ thèm...
Ôi thôi, thỏa mãn cái này thì mất cái khác. Mải nhâm nhi ly cafe nóng, chúng tôi quên mất cái hẹn lúc 11g vào khu bên trong để được thưởng thức màn nhạc-nước. Ấy là, cứ đúng 11 giờ trưa, bản nhạc thủy xướng thánh ca của  Reinhold Glieres vang lên thì cũng là lúc hàng trăm tháp nước cùng phun trào trắng xóa. Khi Điệp Anh, phóng viên VOV Nga lôi được mấy gã chúng tôi vào thì bản nhạc đã hết, giờ thì chỉ còn được thưởng thức các tháp nước phun trào mà thôi. Quả là đáng tiếc. Theo lối đi, chúng tôi lần dần ra vịnh Phần Lan, tha thẩn tìm mua cho mình mấy món đồ souvenir, như khăn quàng cổ hand-made địa phương màu sắc, hoa văn phong phú đẹp mắt, rồi búp-bê Nga matryoshka và biểu tượng Saint Petersburg...
Thú vị nhất là theo các lối đi men theo mép vịnh Phần Lan, rồi len lỏi giữa những khoảnh rừng thưa toàn bạch dương, sồi và ngân hạnh trên nền cỏ xanh như mơ điểm xuyết màu vàng hoa bồ công anh, những ngòi nước nhỏ chảy ngoằn ngoèo với những chú vịt cỏ bơi lội, còn trên bở là những chú chim tha thẩn kiếm mồi, những chú sóc nhỏ tung tăng. Thật mà như trong cổ tích...
Rời cung điện Mùa Hè, chúng tôi tiếp đến Cung điện Mùa Thu, cách đó không mấy xa. Đây cũng là cách gọi thông dụng của Cung điện Ekaterina. Tên gọi này được đặt là để ghi nhận công lao của người cho xây dựng cung điện, ấy là Hoàng hậu Ekaterina của Sa hoàng Pyoth Đại Đế, và sau này là Nữ hoàng Ekaterina ( Catherine )-nữ hoàng đầu tiên của nước Nga hùng cường.


Có lẽ, phải nói thêm đôi chút. Trước hết, tên tuổi của Pyoth Đại Đế thì nhiều người biết, ấy là vị Sa hoàng đã có công lao đưa một nước Nga lạc hậu ở vào thời điểm cuối thế kỷ 17 thành một nước Nga vĩ đại và hùng cường, sau khi vị vua này tìm hiểu học hỏi từ các nước Tây Âu để thực hiện một loạt cải cách và chiến tranh mở mang bờ cõi. Đây cũng là vị vua cho xây dựng Saint Petersburg từ một vùng đầm lầy ven vịnh Phần Lan thành thành phố nguy nga tráng lệ, nơi mở cửa nhìn sang châu Âu. Sau này, người ta dựng tượng Pyoth Đại Đế ngự trên mình chiến mã ngay tại thành phố này, và dân gian quen gọi là “Kỵ sĩ đồng”. Sinh thời, đại thi hào A. Pushkin đã sáng tác một truyện thơ có tên “Kỵ sĩ đồng“ lấy cảm hứng từ đây.
Kế theo, là chuyện về Nữ hoàng Ekaterina (nguyên là Hoàng hậu của Sa hoàng Pyoth Đại Đế). Bà xuất thân là một nông nô gốc Latvia, do xinh đẹp và thông minh, đã trở thành người tình, rồi hoàng hậu của Sa hoàng. Bà là người đã có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến cuộc đời và sự nghiệp của nhà vua, trong việc cải cách đất nước và chiến tranh mở mang bờ cõi. Trong thời gian Pyoth Đại Đế mải chinh chiến xa nhà, bà đã tìm đất và cho xây dựng cung điện này, mà theo cách nói duyên dáng và hài hước của bà khi mời Sa hoàng lần đầu diện kiến, ấy là “Đây là ngôi nhà thôn dã mà thiếp đã xây cho hoàng đế của thiếp"Lẽ dĩ nhiên, ngôi nhà thôn dã ngay ấy đã được tiếp tục mở mang, xây dựng để có diện mạo Cung điện Ekaterina ngày nay. Trung tâm và cũng là điểm nhấn quan trọng nhất, ấy là Phòng Hổ phách. Đây vốn là quà tặng của nhà vua Phổ tặng cho Sa hoàng Pyoth Đại Đế. Nghe nói, nó được thiết kế trang hoàng từ 6 tấn hổ phách tốt nhất của vùng Baltic cùng thêm nhiều vang ròng. Tiếc thay, trong Thế chiến thứ II, quân đội phát-xit Đức khi chiếm Saint Petersburg, theo lệnh của Hitler đã tháo dỡ Phòng Hổ phách và đưa đi đâu mất cho đến tận bây giờ vẫn không dấu tích. Sau này, Phòng Hổ phách được tái thiết theo nguyên trạng. Khách tham quan đến đây ai cũng muốn được chiêm ngưỡng, vì thế xếp hàng dài dặng dặc đợi vào xem. Vậy nên, chúng tôi đành ngậm ngùi mà bỏ qua vì không có thời gian, để ngắm nhìn quanh cảnh khác. May mắn, trước chuyến đi Nga chừng mươi ngày, tình cờ tôi được xem một phim tài liệu nói về các công trình di tích nổi tiếng ở Saint Petersburg và ở đó đặc biệt nói về Phòng Hổ phách của Cung diện Ekaterina... Với tôi, đấy cũng là chút an ủi.


Lang thang đây đó trong khuôn viên cung điện mênh mông, những cung điện, phòng ốc, tượng đài, cây cối, hồ nước trong màn mưa bụi mờ kiểu như mưa phùn xứ ta cũng đã thỏa mãn rồi. Đặc biệt, với tôi, vẫn là thảm cỏ xanh rờn thảm chân rừng thưa với những bức tượng đơn lẻ và màu hoa vàng điểm xuyết, cùng những chiếc ghế dài sơn màu trắng toát. Vẫn một cảm giác nửa thực nửa mơ...
Nơi đây, ngày xưa, từng có tên là Hoàng thôn (Tsarskoe selo), nơi nhà thơ A. Pushkin từng sống những năm tuổi thơ đi học và bắt đầu biết yêu, bắt đầu làm thơ, bắt đầu lập chí, ...

Vậy là có chuyện để nói rồi !... 

( còn nữa )

Nhận xét