Ký sự nước Nga ( VIII )


8. Chuyện Hoàng thôn & nhà thơ A. Pushkin.

Quả thật, hầu như các thế hệ tuổi trẻ ở Việt Nam, nhất là ở miền Bắc, suốt nửa thế kỷ qua, ai đã từng đi học, học đại học, đến tuổi ngấp nghé yêu đương, không biết đến tên tuổi Pushkin. Đơn giản, bởi không riêng nước Nga, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đều coi nhà thơ A. Pushkin là “mặt trời thi ca Nga”.
Không những biết đến tên tuổi, còn thuộc thơ, nhiều dăm ba bài, chí ít, một vài câu thơ say đắm tình yêu của ông. Với cánh nhà báo nói chung, và riêng tôi, cũng vậy. Cùng với sự nghiệp thi ca, văn chương, cái chết vì đấu súng nhằm bảo vệ danh dự tình yêu, đã khiến thiên hạ nâng tầm Pushkin lên đỉnh cao huyền thoại của văn chương nước Nga và nhân loại. Vậy nên, khi được biết, cung điện Mùa Thu (cung Ekaterina)-điểm tham quan thuộc thị trấn Pushkin, tôi càng thêm háo hức. Dọc đường đi, trời mây sầm sì, lắc cắc mưa, xe chạy đều trong hơi men ly rượu vang của bữa ăn trưa, những câu thơ của Pushkin tái hiện trong giấc ngủ chập chờn “Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu/ Trước mắt anh em bỗng hiện lên,/ Như hư ảnh mong manh vụt biến,/ Như thiên thần sắc đẹp trắng trong./Trong day dứt sầu đau tuyệt vọng,/ Giữa ồn ào xáo động buồn lo/ Tiếng em nói bên tai anh văng vẳng,/Bóng dáng em anh gặp lại trong mơ ... Quả tim lại rộn ràng náo nức,/ Vì trái tim sống dậy đủ điều:/ Cả thiên thần, cả nguồn cảm xúc,/ Cả đời, cả lệ, cả tình yêu.”.( “Gửi K”, Thúy Toàn dịch )...  


Hòa vào dòng du khách, chúng tôi tiến sâu vào thị trấn Pushkin, qua hàng loạt những quầy lưu niệm, tôi chọn cho riêng mình một bức tượng đồng chân dung bán thân A. Pushkin. Điểm tập kết của hầu hết các toán du khách, trước khi vào Cung điện Ekaterina, là vườn hoa nơi có chân dung nhà thơ. Khác với nhiều chân dung khác của ông, bức tượng này tạc toàn thân Pushkin trong tư thế ngồi nghiêng với vẻ mặt đầy tư lự. Ngắm và tự hỏi, không biết nhà thơ suy tư điều gì ? Ngay đấy, có một nghệ nhân dân gian chuyên vẽ chân dung và chép lại thơ Pushkin siêu nhỏ trên cuốn sách mi-ni. Tôi cũng chọn mua cho mình một cuốn sách min-ni cùng lời đề tặng của nghệ nhân với giá trăm rúp. Cách đấy một chút là trường Lyceé, nơi ngày xưa Pushkin cùng nhiều con em hoàng gia, quý tộc Nga theo học. Nghe nói, chính tại nơi đây, tư tưởng cách mạng đã này sinh trong nhà thơ và những bài thơ đầu tiên đã được Pushkin sáng tác.
Tsarskoe selo (Hoàng Thôn), nguyên được Hoàng hậu Ekaterina (sau lên ngôi Nữ hoàng-Ekaterina) tìm chọn để xây cung điện Mùa Thu, mà ngày ấy, bà gọi là “ngôi nhà thôn dã” dành tặng đấng quân vương của mình-Pyoth Đại Đế. Về sau, được Nữ hoàng Elizabeth, và nhất là Nữ hoàng Ekaterina II cho mở mang, xây dựng nguy nga tráng lệ, trên diện tích ba trăm hecta, đặc biệt là phòng Hổ phách do hoàng đế nước Phổ tặng thuộc diện có một không hai trên trái đất này. Trong thế chiến thứ 2, quân đội Phát-xit Đức của Hitler tàn phá cung điện, cây cối nơi đây, và khi rút đi chúng đã gỡ bỏ mang đi mất tích phòng Hổ phách. Sau này, nước Nga đã bỏ công và bao nhiêu tiền của tái tạo căn phòng theo nguyên trạng, để mang diện mạo ngày nay. Tsarskoe selo cũng mang tên mới, thị trấn Pushkin, thì dấu ấn về Mặt trời thi ca Nga-A. Pushkin, đã góp phần làm cho Quần thể cung điện Mùa Thu vốn đã nổi tiếng lại càng nổi tiếng hơn. Và như vậy, cùng với những tên tuổi lỗi lạc là Pyoth Đại Đế, Nữ hoàng Ekaterina I, Nữ hoàng Elizabet, Nữ hoàng Ekaterina II và nữa, thi hào A.Pushkin được khắc ghi vào lòng người dân Nga mãi mãi...


Buổi chiều đến thị trấn Pushkin, nhằm ngày mồng 5 tháng 6. Vô tư thăm thú phong cảnh tuyệt sắc, kể cả việc chụp ảnh trước tượng nhà thơ Pushkin, mà đâu có nhớ, chỉ ngày hôm sau thôi, mồng 6 tháng 6, đúng vào ngày kỷ niệm 318 năm ngày sinh của A. Pushkin (ông sinh 06.6.1799). Sở dĩ chúng tôi nhớ ngày này, là vi khi chúng tôi đi thăm thú Cung điện Mùa Đông, tuyến đường metro lại qua nhà ga mang tên Pushkin. Vừa lúc chúng tôi đến đây thì bắt gặp nhóm phóng viên của một Đài Truyền hình Nga đang ghi hình, phỏng vấn, tường thuật từ nhà ga này nhân kỷ niệm ngày sinh của A. Pushkin. Mặt trời thi ca Nga đã lặn từ năm 1737, nghĩa là đã 280 năm trôi qua, những vần thơ, những sáng tác thi ca, văn chương của Người vẫn được người đời lưu giữ nguyên vẹn, không những thế, thời gian càng trôi qua, giá trị văn học ấy lại càng gia tăng và trở thành di sản vô giá của nước Nga và nhân loại !... 

( còn nữa )

Nhận xét