Hà Giang lang thang ký ( IX )



9.
Hành trình Chiêu Lầu Thi,
Theo tiếng Dao, Chiêu Lầu Thichín tầng thang, chín bậc thang, chính xác hơn là chín tảng đá bậc thang. Đây là một địa danh, chỉ đỉnh núi cao, có độ cao hơn 2.500 m so với mực nước biển, thuộc hành trình từ Hồ Thầu vượt sang Nàng Đôn ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.
Hãy khoan nói về hành trình đầy gian nan, mạo hiểm lên đỉnh Chiêu Lầu Thi của chúng tôi, để nêu lý do, tại sao chúng tôi lại dò dẫm lên đỉnh cao này làm gì ?...
Số là, sau chuyến công tác của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) do Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Kỷ dẫn đầu lên lem việc với tỉnh Hà Giang dioj cuối xuân Đinh Dậu, tại trụ sở lịch sử 58 Quán Sứ, Hà Nội, VOV và tỉnh Hà Giang thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa hai bên. Theo biên bản hợp tác đôi bên, có một nội dung cụ thể, ấy là việc VOV sẽ xây dựng một trạm phát sóng phát thanh trên địa bàn huyện Hoàng Su Phi, thuộc vùng núi đất phía Tây của tỉnh Hà Giang. Theo Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh, khu vực giáp ranh giữa hai huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần, có rất nhiều đỉnh cao, thuận lợi cho việc chọn độ cao để nâng tầm phủ sóng. Ví như, đỉnh Tây Côn Lĩnh (độ cao 2.427m trên mực nước biển), nhưng để chinh phục đỉnh cao rất vô cùng gian khó, tuy nhiên, cùng thuộc dãy núi Tây Côn Lĩnh, còn có đỉnh cao thứ hai, ấy là Chiêu Lầu Thi, có độ cao kém chút, 2.402 m. Vậy là chọn đỉnh Chiêu Lầu Thi, vì ở đây đã có đường lên, từ Hồ Thầu sang Nàng Đen, về mùa khô hanh, xe ô tô có thể lên được.
Việc tiếp theo, là lập đoàn khảo sát thực địa Chiêu Lầu Thi. Lịch khảo sát hoãn đi hoãn lại nhiều lần, bởi người này người kia mắc việc; nữa là, mưa gió liên miên cả tháng trời hoành hành tàn phá các tỉnh miền núi phía Bắc, Hà Giang tuy không bị nặng như Yên Bái, Sơn La, song đường sá bị phá hỏng, nguy cơ lũ ống lũ quét, sạt lở đất đá cao... Rồi thì đoàn cũng lên đường, không thể trì hoãn mãi.


Từ thị trấn Việt Quang của huyện Bắc Quang, đoàn khảo sát của VOV có thêm sự tham gia dẫn đường của các cán bộ Ủy ban nhân dân tỉnh do Phó Chủ tịch Trần Đức Quý phụ trách, cùng lãnh đạo và một số phóng viên của Đài Phát thanh truyền hình Hà Giang. Đến Thông Nguyên, cổng Trời núi đất phía Tây, đoàn dừng chân, chuyển bị tinh thần cho chuyến “phượt“ chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi. Càng vào sâu đường càng vòng vèo và hẹp dần, cho đến điểm tập kết thuộc xã Hồ Thầu, chân dốc đường lên Chiêu Lầu Thi. Cả đoàn khảo sát tập kết tại một quán lá sát chân núi. Ở đấy đã có mấy cán bộ của huyện Hoàng Su Phì và xã Hồ Thầu. Đặc biệt, có gần hai chục nam thanh niên người dân tộc Dao với ngần ấy chiếc xe máy, đa phần nhãn hiệu Win Tàu. Từ đây, lên đỉnh Chiêu Lầu Thi, mỗi thành viên đoàn khảo sát sẽ được đèo bằng xe máy, bởi đây là phương tiện duy nhất có thể lên đỉnh được. Nghe nói, để lên tới đỉnh, phải vượt qua chặng đường ngược dốc dài hơn chục cây số. THeo thông tin của cán bộ huyện xã, thì sau 49 ngày mưa liên tục, con đường đất sỏi đá này vốn có thể đi bằng ô tô vào mùa hanh khô, nay thành bãi chiến trường dằng dặc đất đá ngổn ngang như sau những trận bom B52. Tôi ngước mắt nhìn lên, chợt nhớ Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh là người Dao, quê đây, và đã có lần, anh khoe rằng từng chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh lên độ cao tuyệt đối là 2.427 m trên mực nước biển (cũng có ý kiến cho là 2.443m), để lấy lại dũng khí, xốc lại tinh thần, đặng vượt núi chinh phục  đỉnh Chiêu Lầu Thi...
Không một ai có mũ bảo hiểm, không một công cụ hỗ trợ gì, tôi ngồi lên yên sau chiếc Win Tàu của một thanh niên người Dao trẻ măng và khá nhỏ con. Cứ thế, từng chiếc, hai người một xe, cả đoàn rồ máy bắt đầu vượt dốc.  Càng lên cao, đường càng khó đi. Mưa lũ xẻ nứt toát con đường, nhiều đoạn bị sạt lở, đất đá bị kéo trôi tuột xuống vực sâu đến hai phần ba mặt đường. Mưa cũng làm trôi đất cát, làm mặt đường trồi trơ những đá lổng chổng làm xe nhảy lồm chồm, xóc như bật tung cả người khỏi yên xe. Tôi ôm chặt lấy bụng cậu thanh niên Dao để khỏi bị bung ra. Nhiều chỗ đường đất cát lún thành rãnh sâu, bánh xe quay tít không nhính lên nổi. Tôi xuống xe, leo bộ cho yên tâm. Khi đã quen dần với đường, tôi dần dà hỏi chuyện cậu tài xế xe ôm. Cậu ta cho biết, tên Triệu Tà Sơn, mới đôi mươi, đã lấy vợ và có một con trai mới 6 tháng tuổi. Hôm nay, cậu cùng mọi người được xã huy động tập trung để chở đoàn khảo sát. Bình thường, thi thoảng cũng chở khách du lịch thuê lên đỉnh Chiêu Lầu Thi, hoặc sang thẳng Nàng Đen ở sườn bên của dãy núi Tây Côn Lĩnh này; rằng nhà cậu ta cũng có chút nương rãy trồng thảo quả. Vài ngày một, cậu lại chạy xe lên chăm rãy thảo quả, kết hợp kiếm rau về chăn nuôi lợn; rằng con đường này được làm dăm năm nay, bình thường ô tô vẫn chạy được, nhưng năm nay mưa quá nhiều và liên tục nên đường mới bị phá hỏng nặng nề như thế này... Cậu ta nói tiêng Kinh không thật sõi,  song chắp nối những lời kể đứt đoạn, tôi hiểu, người dân Hồ Thầu đây vẫn còn nghèo lắm, làm lụng vất vả quanh năm mà thu nhập chẳng được bao nhiêu...và cậu mong ước một ngày nào đó đời sống người dân khấm khá và đỡ vất vẻ hơn. Có lẽ, đấy cũng là mơ ước của Bí thư Triệu Tài Vinh, người con của mảnh đất Hồ Thầu này...
Lần lượt, các xe cũng tập kết ở điểm có độ cao 2.235m. Ở đây, có mấy ngôi nhà, nghe nói của Công ty Bình Minh xây dựng. Tuy nhiên, nghe nói, công ta này cũng chưa làm ăn gì được, nên huyện và tỉnh có ý đinh thu hồi để giao cho Công ty TH True Mill. Đoàn khảo sát quyết định lên cao thêm. Lại ngược dốc mà lên, hồi lâu cũng đến được điểm cao 2.402 m của Chiêu Lầu Thi. Hầu như cả đoàn, ai cũng ưng chọn mặt bằng của điểm cao này để dựng trạm và cột phát sóng.
Tôi lặng nhìn lại con đường mình vừa vượt qua, lại ngắm khúc quanh trườn sang sườn núi bên kia xa nữa là Nàng Đen heo hút trong sương mùa dày đặc. Mây đen đang ùn ùn dâng ngay đầu núi. Lác đác giọt nước chạm mơ hồ trên tóc, không rõ mưa hay sương núi. Mọi người nhắc nhau xuống núi gấp vì chiều đã muộn và đổ mưa thì chặng xuống sẽ vất vả khôn lường...


Lại cắm đầu xuống dốc. Với dân đi núi chuyên nghiệp, xuống núi khó và nguy hiểm hơn lên núi. Các tay lái tắt máy thả trôi xe và chỉ nổ máy về số khi cần thiết để ghìm xe lại mà thôi. Biết vậy, song giờ đã phần nào quen đường nên tôi bớt đi cảm giác lo ngại. Thậm chí, dăm ba chỗ thấy cảnh đẹp và hùng vĩ, tôi còn bảo cậu tài xế cho xuống để lựa góc lây mấy kiểu ảnh. Xuống chân dốc, mới hú via hoàn hồn. Mọi người đùa bảo nhau, vừa qua một chuyến du lịch mạo hiểm...
Tối ấy, đoàn khảo sát chúng tôi nghỉ ở nhà khách của huyện Hoàng Su Phì tại thị trấn Vinh Quang. Cơm chiêu đãi đặc món dân tộc, dăm chén rượu bản nồng cay. Đêm nằm nghe mưa. Những trận mưa rừng lúc mau lúc thưa, ru rín cả đêm. Gần sáng chợt tỉnh, Lắng tiếng mưa mà nghĩ lại, vậy là mình đã chinh phục được đỉnh Chiêu Lầu Thi, và thiếu chút nữa, lên được đỉnh Tây Côn Lĩnh.

Ngẫm nghĩ, lại nhớ đến câu thơ của Cụ Hồ ngày xưa, khi Cụ còn gian nan trên bước đường cứu nước: “Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh/ Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa“... 

Nhận xét