Hà Giang lang thang ký ( VIII )


8.
Hoa đào đá cao nguyên,
Nói hoa đào mùa xuân, ai cũng nghĩ ngay đến các xứ hoa đào nổi tiếng, ấy là Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Mộc Châu (Sơn La), Sa-pa và Y Tý (Lào Cai), chứ mấy ai nhắc đến Hà Giang đâu. Vậy mà, chuyến đo lên miền cao nguyên đá cuối xuân này, tôi thực sự lạc vào một miền hoa đào đẹp không tưởng. Song hãy khoan nói đến vội,...
Hành trình của chuyến đi này, là khánh thành cụm máy phát sóng FM tại Trạm Phát sóng phát thanh Quản Bạ. Khi đến, đây tiết trời còn mù sương sớm, tôi thực sự ngỡ ngàng trước hàng đào cổ thụ mới bắt đầu trổ hoa hé nụ dọc con dốc ngược lên Trạm Phát sóng, trong khi mây xứ hoa đào nổi tiếng kia mùa hoa đã đi qua. Sau khi làm thủ tục cắt băng khánh thành, có một số tiết mục văn nghệ do đội văn nghệ địa phương sở tại biểu diễn chào mừng, độc đáo và ấn tượng nhất là trích đoạn Lễ cấp sắc của người Dao. Đây chir là dấu hiệu ban đầu về sự thú vị của chuyến đi.
Gần trưa, chúng tôi xuống thung lũng gần đó vào một bản thăm mô hình di lịch cộng đồng (home stay). Những ngôi nhà trình tường (đất nện) của người Dao điển hình ở bản được dựng lên để đón khách du lịch, nhất là khách du lịch người nước ngoài. Họ rất thích được sống thử trong những ngôi nhà trình tường, vốn truyền thống của người Mông, Dao, Hà Nhì ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ở đây, hoa đào, hao lê đang nở rộ. Có cây đào, nguyên cả cây đầy mình hoa, rực rỡ và quyến rũ vô cùng,...
Sai bữa cơm trưa ăn tại bản, tuy vội nhưng vẫn có hơi men, đoàn công tác do Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh dẫn đầu, băng vượt dốc lên Yên Minh. Từ đây nước lên, dọc hai bên đường, chỗ thưa chỗ dày, đào nở hoa hồng, đỏ rạng rở, còn lê mận cũng trần mình hoa trắng tinh khôi. Đến Sủng Là và Phố Cáo thuộc đất Đồng Văn thì tuyệt diệu, cứ ngỡ mình đang vào chốn Bồng Lai tiên cảnh, bởi đào lê chen sắc mờ sương  chiều, thấp thoáng những ngôi nhà trình tường, những bờ rào đá miên man... Đẹp sửng sốt, nhưng xe theo đoàn, băng băng vượt lên. Nên chẳng thế dừng xe mà chụp ảnh hay quay phim. Chỉ còn biết ngẩn ngơ chép miệng mà tiếc, đành bấm vội mấy kiểu ảnh nhạt nhòa qua khung cửa kính xe chạy mà thôi....



Lên đến chân đỉnh cột cờ Lũng Cú, chiều đã muộn. Tiết cuối xuân mà trời rét căm căm. Dăm cây đào nơi chân bâc thang lên cột cờ cũng đầy mình hoa, chao rung bần bật trong gió mạnh. Trạm trưởng bộ đội biên phòng sở tại thực hiện nghi thức tặng cờ cho Đài Tiếng nói Việt Nam, Tông Giám đốc Đài đón nhận trong không gian thiêng liêng đầy cảm động của mọi người, và trong bầu không khí ấy, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Kỷ đọc thơ về Trường Sa, khiến mọi người lặng đi vì xúc động...
Sớm hôm sau, đoàn công tác lên đỉnh Mã Pì Lèng. Với tôi, đây là lần thứ năm lên đỉnh dốc này trên cung đường Hạnh phúc. Lần này, khác những lần trước. Nếu trước đây, dưới đáy vực thăm thắm kia, dòng sông Nho Quế len lõi giữa hai bên vách đá dựng đứng chất ngất tới trời mây, trông như sợi chỉ mỏng manh, thì nay, ngang dòng Nho Quế mảnh mai ấy, một con đập dựng cắt ngang của một nhà máy thủy điện đang dần hinh thành. Được biết, không những thế, trên những chi lưu là sông Gâm, sông Nhiệm, còn có nhiều thủy điện vừa và nhỏ đang được xây dựng. Theo cung đường, đoàn công tác thông sang Mèo Vạc, rồi vòng lại Yên Mình để về thành phố Hà Giang. Vì tiếc hoa đào đẹp, tôi và nhà báo Kim Trung, hai người đi chung một xe, thầm rủ nhau tách đoàn, trở lại theo lối cũ. Thế là chúng tôi thoải lòng...
Đi chậm, gặp hoa đào đẹp thì dừng xe, tìm góc máy. Dọc đường từ thị trấn Đồng Văn xuôi xuống, cơ man những đào, lê, mận nở rộ, hồng xen trắng miên man. Cung đường vòng vèo, ven đường cỏ dại đương xuân mơn mởn, những bờ rào đá, cổng ra vào có mái, những nếp nhà Mông... tất thảy hòa quện vào nhau, làm nên một khung cảnh như cổ tích, hay xa xưa đâu đó từ nhiều thế kỷ trước hiển hiện... Tôi và nhà báo Kim Trung say sưa, loanh quanh tìm góc máy... Chụp, rồi chụp, mãi mà không no mắt nhỉn, không chán tay bấm máy. Cậu lái xe cũng rất mê ảnh, giở máy và ống kín xin ra chụp, thậm chí còn hăng hơn cả hai chúng tôi...
Cứ thế, hết Phó Cáo, xuôi Sùng Là, vẫn miên man những đào lê mận. Nhưng vì sợ không theo kịp đoàn về hội quân ở thành phố Hà Giang, nên chúng tôi đành bỏ qua nhiều cảnh hoa đào đẹp. Lúc ấy, Kim Trung mới tiết lộ cho biết, rằng dân Hải Phòng quê anh, không thích chơi đào tết Sa-pa, hay Mộc Châu, Lạng Sơn như dân Hà Nội, mà chỉ chuộng thứ đào đá xứ Hà Giang này. Theo họ, giống đào đá Hà Giang hoa màu không rực rỡ tươi tắn, mà có màu hồng trầm, cánh dày hơn và rất bền hoa. Triết lý là, cây gì, hao gì, con vật gì, kể cả con người, sinh tồn trên cáo nguyên đá này, đều phồn thực và có sức sống mãnh liệt, có sự dẻo dai, bền bỉ phi thường !?...
Cứ cho là như thế đi.


Xe chúng tôi đi miên man như lạc vào xứ đào lê, cho đến khi nắt gặp màu ban trắng tía chớp chới nơi bìa thành phố Hà Giang...

( còn nữa )

Nhận xét