Bâng lâng dạo bước vườn Bùi,



Không hiểu sao, sau hơn ba mươi năm làm báo chuyên nghiệp, thêm nữa, tự thân học đòi theo nghiệp văn chương thơ phú, vậy mà cho đến tận bây giờ, tôi mới tìm về thăm Vườn Bùi, một địa chỉ văn chương nổi tiếng xứ Bắc ?...
          Đúng ra, phải gọi là Từ đường của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Tiếng tăm về Vườn Bùi, tôi đã nghe từ lâu. Lại cũng đã từng đọc một số bài viết, mà ở đó, có lý giải việc tại sao lại gọi từ đường này là Vườn Bùi, kể cả việc tranh luận cắt nghĩa bức đại tự đắp nổi trên cổng vào Vườn BùiMôn Tử Môn. Rằng, cụ Nguyễn Khuyến vốn gốc gác Can Lộc (Hà Tĩnh), di cư ra Yên Đổ (Bình Lục, Hà Nam) trước đó cả trăm năm, và người xứ Nghệ -Tĩnh gọi cây vối là Bùi, nên cụ Nguyễn Khuyến lấy gốc vối già trong vườn nhà mình, gọi tên Vườn Bùi, nhằm nhắc nhở con cháu sau này không được quên gốc rễ mình từ đâu mà ra; Nữa là, việc cắt nghĩa bức đại tự trên cổng vào Vườn Bùi, rằng đó là nhằm ám chỉ và có ý nhắc nhở các học trò, từng học chữ nghĩa của Thày (ở đây là Nguyễn Khuyến), sau này, nếu có đỗ đạt, làm quan to, làm nên công trạng gì thì cũng không được quên công ơn Thày dạy dỗ và khi vào viếng thăm từ đường của Thày thì cũng phải xuống ngựa, bỏ võng lọng, chui cổng mà vào... Đại loại thâm ý là như vậy.
          Thực lòng, đích chuyến đi này của tôi và bạn đồng nghiệp-nhà văn Nguyễn Trọng Huân là miền Tây xứ Thanh. Khi khởi hành, mấy cậu nhà báo trẻ tháp từng mới cho biết, rằng trên đường vào, sẽ ghé Bình Lục thăm tử đường nhà cụ Nguyễn Khuyến. Nghe vậy, lòng mừng khấp khởi. Từ Phủ Lý, một người quen, làm công tác bảo tồn di tích, di sản văn hóa của tỉnh Hà Nam đón và dẫn đường cho chúng tôi.
          Bắt gặp cổng làng Vị Hạ, rồi đình làng cổ mới được tu bổ, cho thấy công việc bảo tồn bảo tàng di sản văn hóa ở đây khá bài bản. Đường làng, ngõ gạch quanh co dẫn lối vào, với tấm biển chỉ nhà thờ dòng họ Nguyễn Tông. Đến cổng vào từ đường, thấy một tốp thợ đang chuẩn bị gạch, cát, sỏi, hình như đang có việc tu sửa từ đường thì phải. Theo cổng Môn Tử Môn mà vào, lại ngẫm nghĩ về thâm ý nhắc nhở học trò của cụ Nguyễn Khuyến xưa. Vì được hẹn trước, ông Nguyễn Thanh Tùng, người hiện đang trông coi Vườn Bùi, đón tiếp và hướng dẫn chúng tôi tham quan. Ông tự giới thiệu, rằng mình là hậu duệ đời thứ 5 của cụ Tam nguyên Yên Đổ. Khi thuyết minh, ông Tùng tỏ ra thông thạo và nói khá nhanh, nhưng không quên nhắc các nhà báo chúng tôi, rằng việc này việc kia, chỗ này chỗ nọ bị hiểu nhầm, viết nhầm, nên chúng tôi cần biết và viết cho đúng, đặng cải chính việc bị hiểu sai, viết sai...
          Theo chân ông Tùng, nghe ông nói, mà người tôi cứ bâng lâng, mỗi ngắm nhìn nơi này, chỗ nọ, lòng tự hỏi và tưởng tượng ra hình bóng cụ lưu dấu nơi đây từ hơn trăm năm trước...
          Truyền thống khoa cử của dòng họ cụ Tam nguyên trên đất Yên Đổ là bắt nguồn từ cụ Nguyễn Tông Mại. Trong thuyết minh của mình, ông Nguyễn Thanh Tùng hay nhắc đến cụ tổ khời nghiệp khoa cử của dòng họ mình là Nguyễn Mại. Tôi xin nhấn mạnh ở đây, người đó tên húy đầy đủ là Nguyễn Tông Mại. Sách Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919 của nhóm biên soạn Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi (NXB Văn học, 2006) có chép về khoa thi Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu 2 (1736), đại ý là:  Nguyễn Tông Mại, sinh năm 1708, không rõ năm mất, quê Yên Đổ, Bình Lục, Hà Nam, 29 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Bính Thìn, niên  hiệu Vĩnh Hựu 2 (1736) , đời Lê Ý Tông, làm quan đến Hàn lâm viện Đãi chế. Sở dĩ phải nói cụ thể như vậy, để phân biệt Nguyễn Tông Mại (cũng được gọi là Nguyễn Mại) với một Nguyễn Mại khác có thật trong lịch sử ( Ấy là: Nguyễn Mại, sinh năm 1655, không rõ năm mất, quê Ninh Xá, Chí Linh, Hải Dương, đỗ Hoàng giáp năm 1691, văn hay võ giỏi, từng làm Đốc trấn Cao Bằng, rồi Trấn thủ Sơn Tây, khi mất được phong Lễ Bộ Thượng thư, tước Quận công... –theo sách Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam do Đinh Xuân Lâm và Trương Hữu Quýnh chủ biên).
          Trong hậu cung Từ đường, có tượng cụ Nguyễn Khuyến tay cầm gậy trúc và được giải thích rằng, đương thời, Nguyễn Hoan, con trai cụ Nguyễn Khuyến, khi đi thi cử, dọc đường gặp một ông cụ tặng cho cây gậy chống và nói rằng, biết Nguyễn Hoan có cha già nên bảo ông nhận về cho cha mình chống. Chuyện kể là giai thoại và ít nhiều mang yếu tố huyền bí. Về Nguyễn Hoan, con trai cụ Nguyễn Khuyến cùng là người khoa bảng, sách Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919 có ghi chép việc đỗ đạt và làm quan của Nguyễn Hoan, như sau: “ Nguyễn Hoan, 1858- ?, người xã Yên Đổ, huyện Bình Lục... nay là thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Con Nguyễn Khuyến, cháu huyền tôn Nguyễn Mại. Sinh năm Mậu Ngọ, cử nhân khoa Giáp Thân (1884), 32 tuổi đỗ Phó bảng khoa Kỷ Sửu Thành Thái 1 (1889). Tri phủ Lý Nhân, sau cáo quan về nghỉ “.



          Như vậy, truyền thống khoa cử của dòng họ Nguyễn Tông trên đất Yên Đổ, Bình Lục kéo dài gần một trăm năn mươi năm, bắt đầu từ Nguyễn Tông Mại (1736) đến Nguyễn Hoan (1889). Nguyễn Khuyến là khúc giữa, và đỗ đạt cao nhất.
          Tha thẩn theo chân ông Nguyễn Thanh Tùng, biết thêm, hiểu thêm đôi câu đối do nhà khoa bảng yêu nước Nguyễn Thượng Hiền tặng cụ Nguyến Khuyến, rồi hàm ý sâu xa những đôi câu đối chính tay cụ Tam Nguyến thủ bút nơi hậu đường; rồi nữa là tấm biển mà vua Tự Đức ban tặng “Ân tứ vinh quy”, “Nhị giáp tiến sĩ”, và chiếc bình hương thờ cúng... Vườn ngoài, ao thu với kết cấu hai phần, ao dẫn (hình bút lông), ao chính (hình nghiên mực) theo thuyết phong thủy trấn trạch cho chủ nhân mệnh Hỏa... Ông Nguyễn Thanh Tùng cũng rất thông thạo, khi bàn về chữ nghĩa trong ba bài thơ Thu của cụ Tam Nguyên, theo ông, ví như: tựa gối ôm cần lâu chẳng được, thay vị tựa gối buông cần lâu chẳng được, và nữa, lá vàng trước ngõ sẽ đưa vèo, thay vì lá vàng trước ngõ khẽ đưa vèo... Loanh quanh, nơi này góc nọ, cảm giác như Ông cụ phảng phất đâu đây ngay bên mình vậy. Trời mưa nhiều, cây cối hoa lá tốt tươi. Nắng lên, tia sáng lỗ đỗ, lối gạch rêu xanh rờn trơn trượt. Ngẩn ngơ dừng trước tấm bia đá, nhẩm đọc bài Thu điếu được khắc hai mặt bằng tiếng Việt và tiếng Anh, càng thêm khâm phục cụ Tam Nguyến tinh tế trong quan sát và điêu luyện trong dùng từ...
          Dùng dằng chẳng muốn rời chân, nhưng không thể nấn ná, vì lịch trình còn dài. Khi tạm biệt, ông Nguyễn Thanh Tùng vẫn không quên lưu ý chúng tôi những gì âm tâm đắc.
          Lại quanh co đường làng, mà nhớ câu thơ cụ Tam nguyên “Lối trúc quanh co khách vắng teo”. Ao đình nước trong veo, mấy khóm hoa súng nở trên đám lá dập dềnh, như đưa ta về lại cảnh sắc nơi đây hơn trăm năm trước, khi cụ Tam nguyên dạo gót, ngâm vịnh ...


Tháng 8.2017.

Nhận xét

  1. Nặc danh21:40 2/9/17

    Em chào nhà báo,

    Nhờ anh có chuyến đi thú vị mà em cũng được biết thêm về Vườn Bùi. Em cũng mong có dịp được đến viếng vườn cụ một lần, nhưng e Phủ Lý xa xôi quá...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nạc danh.
      Cảm ơn bạn nhiều. Giá bạn cho biết thêm danh tính thì hay bao nhiêu.

      Xóa

Đăng nhận xét