Mùa nước nổi,...




        Vào dịp Quốc Khánh năm 2017, có đến ba cây cầu được nói đến, ấy là khánh thành cây cầu vượt biển Tân Vũ-Cát Hải (Hải Phòng) dài nhất Việt Nam, và trước đó, cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống ở đồng bằng sông Cửu Long cũng vưa hợp long. Cái tên Vàm Cống gợi lên trong tôi bao kỷ niệm từ gần bốn chục năm trước ùa về...
          Ngày ấy, mùa mưa lũ năm 1981, tôi-chàng kỹ sư nông nghiệp trẻ mới tốt nghiệp, nhận quyết định vào công tác ở An Giang. Cùng đi với tôi vào thành phố Hồ Chí Minh, có Hoàng Gia Trình, bạn cùng lớp và hai người nữa, một nam một nữ, học trước tôi một khóa. Ba người vào vào An Giang, riêng Hoàng Gia Trình vào Minh Hải (khi ấy nhập Bạc Liêu và Cà Mau). Lo ăn đường, mẹ tôi gói ít bánh chưng cho tôi và Trình mang theo. Dọc đường vào, gặp áp thấp gây mưa, ngập úng và sạt lở đèo Cù Mông (Nghĩa Bình) và đèo Cả (Phú Khánh). Hành khách đi tàu hỏa Thống Nhất phải dặt dẹo ngủ trên tàu, ngủ nhà ga, đi bộ, tăng-bo mấy đoạn, ngót một tuần mới vào được thành phố Hổ Chí Minh. Ai nấy, quần áo nhàu nát lấm lem, lại bị đám xe lam Sài Gòn lừa, loanh quanh mãi mới ra được bến xe Miền Tây.
          Xe rời thành phố từ mờ sương, lút vào miền Tây Nam bộ. Qua cửa kính xe, lần đầu tôi thấy đồng ruộng bao la đến thế, quanh cảnh mà tôi chưa từng thấy ở đồng bằng Bắc Bộ. Tôi nghĩ về cuốn sách của nhà báo Phan Quang viết về đồng bằng sông Cửu Long mà tôi mới đọc, thầm đồng tình với ông khi đưa ra nhận định, vùng đất này là vựa lúa khổng lồ của nước ta, nó không những thừa nuôi dân ta, còn dư để mang bán ra nước ngoài. Ngày ấy, nghĩ thế là đúng, song thực ra, không chỉ đơn giản là vậy?!...
          Xe đến Bắc Mỹ Thuận, xe nối đuôi rồng rắn, chờ xuống phà. Sông Hậu mênh mông nước ngầu đục vì đang mùa mưa, đôi bờ bên này thuộc Tiền Giang, bên kia là Vĩnh Long. Lần đầu thấy sông Hậu, lại biết thêm người Nam gọi Phà là Bắc. Những chiếc phà 2 tầng như tòa nhà di động, nghe nói được sử dụng từ thời Mỹ Ngụy, xen kẽ đưa thoi đôi bờ. Qua được Bắc Mỹ Thuận mất hơn tiếng đồng hồ. Quang cảnh đôi bờ tấp nập hàng quán ăn nhậu, những người bán hàng rong rao ời ợi đến sốt ruột; có một món hàng nghe đến quen tai vậy mà không luận ra được, mãi sau này tôi mới hiểu đúng là nem Lai Vung.



          Xe cứ chầm chậm miên man mãi như chẳng bao giờ tới đích. Đồng thì mênh mông, chủ những nước là nước, cỏ đồng năn nác ngập đầu, sen súng lênh bềnh, khiến con đường cảm giác như sợi dây thừng dải ngoằn ngoèo trên biển nước vô tận. Tôi nhẩm đọc các biển tên địa danh hai bên đường, thấy nôm na, ngồ ngộ, buồn cười. Tôi nhớ lắm, khi ấy, cái tên Lấp Vò như ám vào đầu, và tôi rẩm riu nghĩ mãi, tại sao người ta lại gọi tên như vậy? Rồi cũng chẳng hỏi ai, cứ tự mình xét đoán, cả những khi sau này, mỗi lần nghỉ phép ra Bắc, xe lên thành phố lại ngang qua Lấp Vò. Lại hình như có một thời gian người ta đổi tên thành Thanh Bình thì phải? Khi ấy, tôi chỉ nghĩ, cái tên mới này chữ nghĩa quá, chẳng ấn tượng bằng Lấp Vò được. May mà, đã trở lại với cái tên gốc.
          Trở lại chuyện cũ. Ngày ấy, sau một thời gian ngắn ở thị xã Long Xuyên, tôi được điều về Ban Nông Lâm nghiệp huyện Tri Tôn, đóng tại xã An Lạc, giáp ranh thị trấn huyện lỵ. Đây là vùng đất Bảy Núi cũ, được chia tách làm hai, Tri Tôn và Tịnh Biên. Đây cũng là vùng đất duy nhất ở miền Tây Nam bộ có đất cao, gò đồi. Những gò đồi lổn nhổn rải rác kéo sang Hồn Đất, Hà Tiên, Rạch Giá. Với địa thế đặc biệt, vùng đất này trở thành huyền thoại trong quá trình khai mở của các đời chúa Nguyễn trong mấy trăm năm qua. Trong số mấy người cùng tôi gồng gánh ba lô, hòm xiểng vào Nam ngày ấy, duy nhất một bạn nữ ở thị trấn Tịnh Biên (An Giang) lập gia đình với một sĩ quan biên phòng sở tại và định cư hằn ở đó, còn lại, tôi cùng anh bạn Hoàng Gia Trình và một người nữa, kẻ trước người sau trở lại Bắc cả. Sau ngót bảy năm lăn lộn ở Tri Tôn, tôi về Đài Tiếng nói Việt Nam làm báo chuyên nghiệp. Chính nhờ nghề làm báo, nên sau này tôi thường xuyên ytowr lại miền Tây Nam bộ, kể cả mảnh đất Tri Tôn, và khi ấy mới có thời gian để mà ngẫm nghĩ về lẽ thiệt hơn của hệ sinh thái ngập nước ở đây vốn tồn tại từ hàng ngang năm trước.
          Với người dân miền Tây Nam bộ, mùa nước nổi bao giờ cũng là nỗi mong chờ của người dân. Nước về mênh mang, rửa chua, thau phèn, và đặc biệt đem về một nguồn lợi thủy sản dồi dào, phong phú, không dám nói là vô tận. Sinh thái ngậm nước nhiều trăm năm nay đã là một đặc trưng phong thổ của cả vùng đất này. Ngưới dân Việt Miên sinh sống ở đây cũng đã dần thích nghi đến quen thuộc và trở thành tập quán, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống vật chất, tâm sinh lý và cộng đồng, xã hội. Cũng từ đây, các hình thức ca hát, diễn xướng dân gian, nghệ thuật mang đặc trưng thổ ngơi hình thành và phát triển. Những điệu lý, vọng cổ, cải lương ra đời và mãi lưu truyền, trở thành tài sản phi vật thể quý giá của vùng đất...
          Đã có một thời gian, chúng ta thiếu suy xét, cho xây dựng hàng loạt những nông trường bộ tại vùng đất phèn nặng của tứ giác Long Xuyên-Hà Tiên, dẫn đến thất bại, rồi tan rã. Kế đó, chúng ta lại ào ạt với chủ trương “vựa lúa khổng lồ”, làm thủy nông nội đồng, thoát nước biển Tây, miễn sao có được thật nhiều diện tích trồng lúa hai vụ, giống ngắn ngày, tăng năng suất. Công bằng mà nói, miền Tây Nam bộ đã thực sự trờ thành vựa lúa, không những dân ta đủ gạo ăn, còn dư thừa để xuất khẩu hạng nhất nhì thế giới.
Nhưng, khi đã no đủ rồi, lúc ấy mới ngẫm nghĩ, thấy tiêng tiếc nền tàng vật chất và xã hội xưa cũ, quen thuộc, ấy là sinh thái ngập nước. Càng ngẫm, càng thấy cái lý, cái cơ sở khoa học và lợi ích to lớn và toàn diện của hệ sinh thái này. Đó là sự cân bằng và sắp xếp của tự nhiên. Rồi nữa, lại nghĩ, giá như mình đừng nóng vội, bình tĩnh mà nhìn nhận, đánh giá, so sánh, để rồi chỉ quy hoạch vùng lúa đến mức nào đó, trên nền tảng của sinh thái ngập nước... thì có phải bây giờ, ta sẽ thế này, thế kia... lợi ích đôi đường ?...
Mấy năm gần đây, những năm ít mưa, thêm nạn thủy điện nơi thượng và trung lưu sông Mê-kông, dẫn đến mất mùa nước nổi, rồi nạn xâm mặn, sâu bọ, chuột phá v.v... lợi bất cập hại. Khi ấy, ta mới thấy tiếc, thấy thèm, thấy khao khát mùa sa mưa, nước nổi đến chừng nào !?...



Gần đây, trong một chuyến về Đồng Tháp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan, trong lúc làm việc và cả khi tiếp cơm đoàn công tác của Đài Tiếng nói Việt Nam, ông say sưa nói về chương trình, mỗi thôn ấp, mỗi vùng đất-một sản phẩm hàng hóa,... Để ý, tôi thấy ông luôn miệng nói về sinh thái ngập nước với những lợi ích của nó. Có một câu, hình như đã thành câu cửa miệng của ông “mình đã sai, thấy sai, thì mình sửa thôi”. Lê Minh Hoan cũng nổi tiếng là một người yêu sen. Loài hoa đặc trưng và nổi tiếng của vùng Đồng Tháp Mười.
Bữa cơm khách, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan chăm chút đến từng chi tiết, món ăn, như rượu dừa, các món chế biến từ sen và cá đồng, cá sông, loại chỉ có ở Đồng Tháp và miền Tây, rồi cả chuột đồng mà ông gọi chệch là sóc tràm; rồi nữa, tặng phẩm là khăn rằn làm bằng tay, khăn rằn chế thành ca-vát... Tôi bày tỏ sự đồng cảm với ông về sinh thái ngập nước, và sự cần thiết hồi phục hệ sinh thái này ở vùng đất Đồng Tháp, và hơn thế là cả vùng Tây Nam bộ, chỉ cần duy trì một diện tích vừa đủ để trồng lúa mà thôi.
Bằng hiểu biết của mình, có thể ít nhiều hạn hẹp, nhưng với cả tấm lòng, tôi yêu và tâm đắc hệ sinh thái ngập nước, cũng yêu và thèm khát mùa nước nổi !... Ở đó, có kỷ niệm về một thời gian khó nhưng giàu mơ ước; ở đó, có tình yêu, nỗi xa cách, cùng sự thất bại và nỗi thất vọng; ở đấy, còn có sự tìm tòi và tự nhận thức, để rồi đi đến sự minh triết !...


Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Đinh Dậu 2017. 

Nhận xét