Chuyện dọc đường xứ sở Mặt trời ( II )


2. Đi ăn thịt bò Kobe.



Thịt bò Kobe nổi tiếng khắp thế giới. Điều này không cần bàn cãi gì cả. Nổi tiếng tới mức, dân Việt mình, giới sành ăn, khá nhiều người biết đến. Đúng ra là nói đến, chứ thưởng thức thật hư thế nào chưa rõ. 
Với riêng tôi, cũng đã từng đến ăn một số quán Tây, Tàu, Nga, Nhật, Hàn Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn, nhưng chưa bao giờ dám gọi món thịt bò Kobe. Chưa dám gọi, phần vì nó quá đắt, thứ nữa, thâm tâm không tin là có thịt bò Kobe chuẩn xác. Có chăng, chỉ là thịt bò Nhật hay một sỗ nước khác chăn nuôi theo kiểu bò Kobe, hoặc thịt bò nào khác giả thịt bò Kobe. 
Vậy nên, trong chuyến đi Nhật bản lần này, hôm đoàn công tác đến Kyoto, được mời ăn bữa tối ở một quán chuyên thịt bò Kobe, mọi người háo hức lắm. 
Vẫn nghe nói, thịt bò chuẩn Kobe 100 % ít và hiếm lắm. Số lượng nuôi có hạn, nên thịt bò chuẩn Kobe đương nhiên còn ít hơn so với lượng dự tính, bởi không phải tất cả bò sống chăn nuôi theo đúng quy trình cũng không thể thỏa mãn đầy đủ các tiêu chí để đạt yêu cầu sản phẩm thịt bò Kobe chuẩn. Nghĩ vậy, song đây là quán chuyên thịt bò Kobe lại ở ngay trên vùng đất thuộc đảo Honshu, quê hương của bò Kobe, nên cứ tin thứ thịt bò Kobe mình sắp ăn đây là “zin”. 
Quán nằm trên một đường phố trung tâm cố đô Kyoto, quanh đấy là những cửa hàng bán đồ hiệu, nên khá đông đúc. Tuy nhiên, nếu không có sự chỉ dẫn của người thông thạo thì cũng không dễ tìm. Quán Kobe steak Misonơ được thành lập từ năm 1945, như vậy là đã có lịch sử 72 năm tuổi đời rồi. Chưa phải là dạng “đồ cổ“ cho lắm, song như thế cũng thuộc diện hiếm có rồi. 
Quán này kín đáo lắm, đi thang máy lên cao tít, rồi ở đó, quán chỉ thuê một phần mặt bằng thuộc tầng đó thôi, Quan sát quanh quất, thấy bố trí thành những phòng riêng với các kích cỡ khác nhau. Đồ rằng, có kín cả chỗ thì cũng chỉ được dăm chục thực khách thôi. Ngoài cái biển quán, và tủ cấp đông kính trưng bày mấy tảng thịt bò ra, hầu như quán không cần quảng cáo gì nhiều. Thực ra, đã nổi tiếng thì có cui vào xó xỉnh nào, thực khách cùng mò tìm được.


An vị tại phòng ăn đã đặt chỗ trước, thấy một chiếc bàn dài, mặt kim loại, hai đầu bàn xếp ghế, còn lại ghế xếp hẳn sang một bên, và những chỗ có xếp ghế ngồi, rìa bàn là chất gỗ. Sau khi gọi món chính, món khai vị được dọn ra. Đồ uống, chúng tôi chọn loại vang đỏ Chile. Rồi hai đầu bếp xuất hiện. Thực phẩm, ngoài những tảng thịt bò tiêu chuẩn A5, A4 đã chọn, có mấy thứ phụ như cải xanh, nấm, tỏi và chút hải sản loại phù hợp với thực đơn. Hai đầu bếp bắt đầu thực hiện việc chế biến món ăn ngay trên mặt bàn kim loại, giờ đây nó đã trở thành chiếc chảo nướng. Tất thảy, từ rau cải, nấm, tỏi đến hải sản, thịt bò đều được nướng, rán, chao dầu đều trên cái mặt bàn đó. Tươi sốt, chân thực ngay trước mắt mình, và với thực khách thì có thể thưởng thức món ăn bằng các giác quan, mắt nhìn, mũi ngưởi, miệng lưỡi nếm đồ. Thật là thú vị. 
Mỗi thứ ngon một kiểu, song quả là thịt bò Kobe, đặc biệt loại A5 thì tuyệt vời. Miếng thịt chưa cần nhai mà như tan chảy trong miệng mình, mềm ngậy, ngọt bùi, thơm phức... Tóm lại là không thể nào tả xiết được cái ngon, cái thú vị của bữa ăn. 
Nhân chuyện ẩm thực, tôi thật sự nể nền ẩm thực của đất nước này. Sạch sẽ, tinh tế và đa dạng. Không phải món nào cũng phù hợp với khẩu vị của tôi, cũng như số đông người Việt ta, song nhìn chung, cái nền tảng văn hóa dân tộc Nhật nó ẩn chứa trong ẩm thực của họ. Nó hòa quện và tinh tế, đặc biệt, nâng tầm lên cao hơn cái ăn, cái uống thông tục. Cái cần cầu kỳ thì cầu kỳ, cái cần đơn giản thì đơn giản, tóm lại là ở đó có sự hợp lý đến từng chi tiết. Ngay như chuyện người phục vụ, phù hợp với công việc, tiện lợi và đẹp. Các cô hầu bàn, mặc trang phục cải tiến từ bộ kimono truyền thống, nhìn rất gợi những cũng khá kín đáo. Thêm nữa, thái độ phục vụ của họ chu đáo, lễ phép, tận tụy. Câu cửa miệng của họ là simasen (có nghĩa là: xin lỗi, ...) luôn trên miệng; rồi nữa, cái chào gập người với câu “chào mừng quý khách đến ...," hay đồng thanh chào tiễn khách “cảm ơn quý khách đã dùng bữa ...”, tất thảy tạo được sự cảm thông và vui lòng nơi thực khách. Điều này, ta cần phải học họ...  


( còn nữa )

Nhận xét