Chuyện dọc đường xứ sở Mặt trời ( IV)



4. Đền vạn cổng ở Kyoto.

Trước khi nói về ngôi đền này, tôi phải lý giải đôi điều về Cổng Torii , một biểu tượng điển hình của Shinto (Thần đạo Nhật bản).
Mấy lần đến Nhật trước, tôi đã nhiều lần bắt gặp Cổng Torii ở đó đây khi thăm thú các đền chùa của xứ Phù Tang, song trong các phóng sự của mình, tôi đã bỏ quên không nhắc gì đến nó. Nói đúng ra là chưa có cơ hội để nói sâu về nó. Nhưng lần này thì không thể không nói và viết về Cổng Torii, bởi nó là một dấu hiệu đặc biệt, một biểu tượng điển hình để nhận  biết Thần Đạo Nhật bản. Và hơn thế, lần này tôi và các đồng nghiệp đã dành thời gian để thăm viếng  Fushimi Inari-taisha  ở Kyoto.
Khi dẫn đoàn chúng tôi đi thăm thú một số điểm du lịch, Thảo-hướng dẫn viên của chúng tôi, cũng đã đôi lần lý giải về nguôn gốc của cổng Torri trong Thần đạo Nhật Bản. Dịch theo âm Hán Việt, đó là Điểu cư, hiểu nghĩa cụ thể hơn, nôm na là nơi cho chim đậu. Nguồn gốc sâu xa hơn, theo quan niệm tâm linh của một số nước ở Đông bắc Á, loài chim liên quan đến người chết, linh hồn hóa thành chim, và chim gắn với yếu tỗ ma thuật v.v... Vậy nên, nay ta hiểu một cách ngắn gọn, cổng Torri mô phỏng cây sào làm nơi cho chim đậu, hay nói cách khác là nơi cho những linh hồn trú ngụ, và nó được hiểu như là ranh giới giữa phàm trần với chốn linh thiêng. Từ quan niệm đó, cổng Torri được dựng nhiều hay ít ở nơi cửa Đền hoặc Chùa ( vì Nhật Bản kết hợp Thần đạo gốc bản địa với Phật giáo du nhập )...
Lần đến Kyoto vào năm 2014, tôi chỉ đủ thời gian viếng thăm chùa Vàng, chùa Bạc và chùa Thanh Thủy, cùng chút dạo phố cổ ban đêm, nên bỏ qua Fushimi Inari-taisha  ( gọi nôm na là Đền vạn cổng ). Nay thì kiểu gì cũng phải bớt chút thời gian mà ghé đây,...


Trời hôm ấy mưa đầu thu, lắc cắc cả ngày, lúc mau lúc thưa, nên phải che ô. Tiết trời vậy mà khách viếng thăm đền vẫn chen chúc. Người ô va quệt nhau liên tục, nhưng ai cũng thông cảm cho nhau, không một lời to tiếng. Người Nhật vốn vậy, vả lại ở chốn linh thiêng. Cách ứng xử văn hóa như vậy vẫn thiếu ở xứ ta. 
Về lịch sử xa xưa, đền Fushimi Inari-taisha là đền thờ thần Inari, vì thần của lúa gạo và rượu sa-ke, dưới dạng của loài Cáo trắng. Đây là những yếu tố cơ bản, gốc rễ của văn hóa và thương mại của xứ sở mặt trời. Nghe nói, nó được xây dựng từ thế kỷ thứ 8 ở trên núi, rồi đến thế kỷ thứ 10 thì dời xuống chân núi định vị đến ngày nay. Ngoài chính điện sơn màu đỏ, điểm đặc biệt của ngôi đền này là ngàn vạn chiếc cổng torri sơn màu đỏ đều được viết chữ trên thân cột, dụng nối tiếp liền nhau san sát theo lối đi từ cổng đến chính điện, quanh co dài những 4 cây số. Sở dĩ số lượng cổng torri nhiều đến hang vạn chiếc đến nay là do sự cống tiến của mọi người. Đồn rằng, thần Inari rất linh nghiệm, mấy trăm năm nay, nhiều người đến đền lễ thần, cầu xin này nọ và được phù hộ thành ra linh nghiệm, nên sau đó họ trả lễ thần bằng cách mang đến cúng tiến một cổng torri, nhiều trăm năm nên hiện trạng như ngày nay.


Hôm ấy trơi mưa, vậy mà có rất nhiều cặp đôi đến quay phim, chụp ảnh, diễn show dưới hàng cổng torri. Tiếc là vội, nên chúng tôi không thăm thú được nhiều, che ô mà chạy như ngựa vía, bởi còn kịp ăn trưa và đáp tàu shinkansen về Tokyo cho đúng lịch trình,
Dẫu vậy, kiến thức và sự hiểu biết về cố đô Kyoto của tôi dày thêm. Một cái tiếc nữa, ấy là cả hai lần đến Kyoto, tôi vẫn chưa đến được Nara, một cố đô nữa của Nhật Bản, còn cổ xưa hơn Kyoto. Xét về cấp độ cổ, Nara tương tự như cố đô Hoa Lư của xứ ta. Đợt ấy, mưa nhiều, một số khu vực của Nara bị ngập úng, nên dù chỉ cách Kyoto chừng dăm chục cây số, mà đành bỏ qua.

Không hiểu bao giờ mình mới có dịp trở lại xứ sở mặt trời này và có cơ hội thăm cố đô Nara đây ?... 

Nhận xét