Chuyện dọc đường xứ sở Mặt trời (V)



5. Cổ thành Osaka,

Chuyến công cán Nhật Bản này, lịch trình của chúng tôi ít nhiều trùng với chuyến đi sang thăm thú xứ sở Phù Tang của nhà văn Nguyễn Trọng Huân, một đồng nghiệp ở VOV của tôi. Vợ chồng anh được con gái mời sang dự lễ tốt nghiệp, cháu theo học một chuyên ngành về xã hội của Trường đại học Thái Bình Dương đóng ở thành phố Bepbu (Biệt phủ), cách Osaka không xa. Vợ chồng anh bay trước chúng tôi một ngày. Nguyễn Trọng Huân là người chịu khó cập nhật trang cá nhân của mình trên Facebook, nên ở nhà, tôi đã nhìn thấy những hình ảnh và nhận xét ngắn của Nguyễn Trọng Huân, khi anh đi thăm thành cổ Osaka. Anh nhận xét rằng, ở ta, khi thành Tây Giai (thành Nhà Hồ), được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, ta đã thấy oai rồi, nhưng nay thăm thành cổ Osaka mới thấy nó quy mô hơn thành Tây Giai nhiều.
Quảng bá của Nguyễn Trọng Huân khiến tôi ít nhiều háo hức, nên ngay sau khi xong việc chính, chúng tôi liền đi thăm thành cổ Osaka. Trên đường từ khách sạn Nikko đi thành cổ, Thảo, một phiên dịch viên tiếng Nhật đồng thời cũng là hướng dẫn viên cho chúng tôi, đã mau miệng giới thiệu tóm tắt về lịch sử hình thành và hiện trạng của thành cổ này. Cô đặc biệt nhấn mạnh đến cuộc chiến dằng co nhằm đánh chiếm thành Osaka của một vị lãnh chúa có tên Tokugawa Ieyasu với vị lãnh chúa Toyotomi Hideyori, vốn là chủ nhân của tòa thành này, mà ở đó, vai trò phòng thủ thể hiện sự lợi hại ở hệ thống thành cao hào sâu...


Thú thật, sau khi đi thăm thú, được tận mắt thấy nhiều công trình kiến trúc trong khu vực thành cổ rộng đến 60 nghìn mét vuông, và được nghe giới thiệu này nọ, khi về tôi có tra cứu thêm tài liệu để có những hiểu biết sâu hơn về thành cổ này...
Thành cổ Osaka, có tên gốc là Ozakajo, nay gọi là Ōsaka-jō, tức Đại Phản Thành. Nó được Toyotomi Hideyoshi cho khởi công xây dựng từ năm 1583, trên nền chùa Ishiyama Hongan-ji của các nhà sư-chiến binh Ikkō-ikki. Năm 1598 khi hoàn thành thì vị lãnh chúa này chết, nhường ngôi vị cho con trai mình là Toyotomi Hideyori. Tuy làm chủ thành trì kiên cố, song xét về tương quan, Toyotomi Hideyori yếu thế hơn so với Tokugawa Ieyasu khi mà vào năm 1600, Toyotomi Hideyori đã bị thua trận đối phương trong trận chiến Sekigahara,  và sau đó Tokugawa Ieyasu thiết lập chế độ Mạc phủ của mình ở Edo (tức Tokyo-Đông Kinh ngày nay). Cuộc vây hãm thành Osaka bắt đầu từ mùa đông năm 1614 đến mùa hè năm 1625, thì thành Osaka thất thủ, Tokugawa Ieyasu chiếm được thành, Toyotomi Hideyori thất bại dẫn đến gia tộc Toyotomi bị diệt vong, còn người thắng trận, Tokugawa Ieyasu lên làm Shogun. Cho đến năm 1620, vị shogun mới là Tokugawa Hidetada cho gia cố và xây dựng thêm thành, đồng thời tăng cường vũ trang cho thành và lâu đài Osaka. Ngoài tòa tháp chính cao, gồm 5 tầng ngoài và 8 tầng bên trong, tường thành mới là điều quan trọng. Chúng được xây dựng từ những năm 1620 bằng chất liệu là những khối đá granite xếp khớp chặt vào nhau mà không cần dùng đến một loại vữa nào để liên kết, và cho đến ngày nay vẫn còn đứng vững. Rất nhiều tảng đá được mang đến từ mỏ đá ở biển kín Seto, và được khắc gia huy của nhiều gia tộc tham gia xây dựng tường thành.
Chuyện sử sách ghi chép lại là vậy. Trở lại việc tham quan thành cổ của chúng tôi. Quả thật, có tận mắt nhìn những khối đá khổng lồ vuông vức được chồng xếp lên nhau tạo thành tường thành cao ngất dày dặn và vững chãi mới khâm phục người dân xứ sở này. Từ hơn 4 trăm năm trước, kỹ thuật thời đó còn lạc hậu, vậy mà không hiểu bằng cách nào để họ vận chuyển, nâng cao, xếp đặt, chồng khít những khối đá hoa cương lớn như vậy? Xét về lịch sử, thành này xây sau thành Nhà Hổ của xứ ta gần hai thể kỷ (Thành Nhà Hồ được xây năm 1397), song về cấp độ vững chái, quy mô rộng lớn và diện mạo thì thành này hơn nhiều. Nghe nói, ngày ấy, họ sử dụng công sức và trí tuệ của tầng lớp samurai rất nhiều. Còn so về việc trùng tu, bảo tồn và khai thác vào du lịch thog họ cũng tốt hơn ta rất nhiều. Khách tham quan tới đây, có nhiều chỗ, nhiều thứ để xem, để tìm hiều, nhất là họ đã sử dụng công nghệ 3D vào việc tái hiện các cuộc chiến tranh xưa giữa những lãnh chúa liên quan đến lịch sử cổ thành Osaka, kể cả việc khai thác kinh doanh mua bán những mặt hàng souvenir...


Từ tầng 8 của tòa lâu đài, trung tâm của thành cổ, quan sát bốn phía, thấy những công trình kiến trúc, cao ốc mọc lên san sát ngoài xa mà liên tưởng, sâu chuỗi lịch sử-hiện tại-tương lai.... mà cảm hoài !...
Lại nhìn những tán cây đang dần ngả sắc vàng, sắc đỏ tiết chớm thu che phủ khắp khu thành mà lòng bâng khuâng lạ !...


Nhận xét