Ngõ Trúc,




       Tiếng là Ngõ Trúc mà chẳng thấy cây trúc nào. Một con đường đá ngắn tũn, nối từ phố chính sát đường bờ đê, đổ dông dốc xuống rồi chẽ đôi, một đầu dẫn đến ngôi đình cổ, còn đầu kia vòng ngược lại phố chính, gần kề với một bãi chiếu bóng ngoài trời. Mặt ngõ là những chiếc cổng, có bậc gạch sâu hun hút dẫn xuống các ngôi nhà trải dần sát ra tận mép nước hồ, như hang động Ali Baba vậy.             Giữa các ngôi nhà đều có tường bao trên mặt chạt mảnh thủy tinh, nhưng bù lại là những cửa thông nhau, và mỗi căn đều có chút vườn xanh bóng nhãn, bóng roi và ngọc lan.  Ngày xưa. Lại ngày xưa. Có năm đứa trẻ, hai gái, ba trai, sống ở trong đó, chơi thân với nhau, tuổi hơn kém nhau tý chút, và như vô tình, cùng mang tên vần H. - Hà, Huyền, Hùng, Hảo, Hậu, và thêm một bà già độc thân đứng ra bầu chủ cho chúng. Người trong ngõ quen gọi bà là bà Đò, vì bà có chiếc đò gỗ nhỏ, chuyên dùng chèo ra trông coi ngôi đền nhỏ mang tên Cẩu Nhi chơi vơi ngoài lòng hồ. Những trò chơi thường ngày là thả thuyền giấy, chọi gà bằng nhụy hoa phượng, trận giả bắn nhau bằng cọng đu đủ thổi quả cơm nguội, và cả những bữa tiệc giả đám cưới bầy toàn hoa quả chín nẫu, lộc Thần Thánh bà Đò cho, để rồi chấm dứt bằng giận dỗi vì ghép đôi thừa ra một đứa …   
        Chuyện giận dỗi có lần đến tai bà Đò. Bà hòa giải, gọi cả bọn vào nhà, cho quà, xoa đầu từng đứa, bảo : " Ôi, đúng là trẻ con… Thừa ra một thì có sao đâu ! Như bà đây này, từ trẻ đến già, thừa ra một mình …". Năm đứa trẻ đần mặt. Nhưng mà : " Ứ phải. Bà sống với thần phật. Thế cái ông gì to tướng ở trong đền kia ? ". Bà cụ cười, nhe hàm răng toàn những lợi trở trỏng, măt nhòe ướt : "  Ờ nhỉ ! Bà quên mất …"…
        Bà quên mất. Cả năm đứa trẻ cũng quên nốt. Hay đúng ra, là khi ấy, chúng chưa đủ ý thức để hiểu, chúng không thể cứ mãi mãi là những đứa trẻ, để chơi đùa, một miếng cắn đôi, cắn năm, để ghép đôi thừa ra một đứa. 
        Già non nửa thế kỷ túc tắc. Ngõ Trúc hôm nay vẫn chẳng có cây trúc nào. Không ai trồng trúc, bởi người ta đều nghĩ, tên Ngõ Trúc thì đơn thuần chỉ là tên, không nhất thiết cứ phải có trúc, như bao nhiêu thứ ở trên đời này mà người ta vẫn tưởng là có, là được, mà rồi cũng chẳng có thật nữa là. Và còn bởi, dẫu trúc có thân ngay đốt thẳng, thì vẫn tốn đất, trong khi giá thị trường, tấc đất những mấy tấc vàng kia. Người xưa từng bảo " dâu bể " thì nay ở đây lại là " rác hồ ". Thoạt tiên, là rác, là xỉ than xả xuống mép nước. Ngày một ngày hai thành thổ, rồi căn nhà nứa lá, giấy dầu mọc lên, mấy bữa thành nhà lầu…Giấc mơ hồ cho " trâu vàng " vùng vẫy mấy mà thành ác mộng ao tù? Rồi bỗng một ngày, con đường quanh hồ được mở. Những căn nhà giấy dầu lấn hồ ngày nào thành khách sạn mi-ni, thành cửa hàng, siêu thị mặt phố… Quả là giấc mơ trâu vàng của người xưa cũng chẳng thể sánh bằng ?! 
        Tự thân cuộc sống chẳng để thừa một ai. Chẳng nỡ hất ai ra bên lề!...Mỗi người đều tự tìm ra lối đi cho riêng mình, Ngày ấy, khi chiến tranh gào thét, là ngày năm đứa trẻ vần H. ở Ngõ Trúc nghỉ học, chia tay nhau về quê tránh bom đạn. Có hẳn cả buổi lễ chia ly long trọng và bí mật, có lời ước hẹn trở về Ngõ Trúc, nhưng rồi sự trở về ấy thì chẳng một ai giống ai !... 
        Bước chầm chậm. Ồ cái biển tên ngõ, là biển mới thay kiểu chữ. Con đường đá dông dốc xưa giờ đã lát nhựa. Đây rồi, ngã ba, rẽ trái, là lối đi đến ngôi đình cổ, rẽ phải, đi thêm, ngày xưa là đúng ba mươi bước, bây giờ chỉ còn hai mươi nhăm bước rưỡi. Thỉ ra, bước người lớn gấp rưỡi bước trẻ con. Cái cổng gỗ, bậc xi măng long lở được lát lại. Ngôi nhà cổ đồ sộ ngày trước như vẫn vậy, nơi lũ trẻ đã mường tượng thành xứ sở diệu kỳ của A-li-xơ, thì nay, lút đi bởi những biệt thự mới tinh khôi bủa vây, mà đáng lý ra, phải là  "thủy tọa ", vì ngày trước còn là lòng hồ. Chân nhẩn nhà mà lòng dạ sao bổi hổi bồi hồi. Chỗ này, góc kia, xưa bọn trẻ từng…Gặp toàn những gương mặt lạ lẫm. Không ai biết, chẳng ai quen. Hỏi ra, bà Đò đã chết từ tám hoánh, và có lẽ, thần phật rước bà đi, bởi lẽ xưa, hằng ngày, bà đều hương khói thần phật. Còn bốn đứa vần H, kia ? Lại dò hỏi. Hùng sang Tây buôn vặt, phất lên mở công ty, nghe đâu cũng thành tướng thành soái gì đấy; Hà lấy chồng, chuyển vào Sài Gòn, có sạp vải trong chợ Bến Thành; Huyền lấy Hảo, có hai con, vẫn sống trong Ngõ Trúc, nghe đâu chuyện vợ chồng chủng chẳng suốt, cô con gái đầu của họ lấy chồng rồi bỏ, có một đứa con bé tí, dính vào buôn bán ma túy phải ngồi tù, thảy con cho mẹ nuôi…  
        Bác ấy kìa!...-  Theo tay chỉ, bước lại, người đàn bà nạ dòng đang hát ru cháu trong cơn gắt ngủ khê nồng " À ơi… Trúc xinh trúc mọc đầu đình…ơ ơ…Em xinh, em đứng một mình….a à …cũng xinh…à ơi…". Ừ mà ngày ấy, Huyền đâu có được ghép với Hảo, chẳng trách là…!... Dấn thêm vài bước nữa… Bốn mắt gặp nhau…" Xin lỗi, bác là ai ? Hỏi tôi ạ …" . Lưỡng lự giây lát : " À…Xin lỗi… Có lẽ tôi nhầm nhà…".  
        Vội quay người bỏ đi, như chạy, còn nghe lời rủa theo : " Rõ hẫm hỡ… Hay là…quân lừa đảo!". Đúng như cái tên đã mang, bao giờ cũng chậm trễ, bao giờ cũng sau cùng. Bước đi, như kẻ lạc loài, ngơ ngác trong Ngõ Trúc vắng hiu !

Nhận xét