Người đi giữa thực và mơ ( III )




3. Còn đâu là cõi thực?:

Đi tìm cõi thực của Nguyễn Vĩnh Tuyền quả không dễ chút nào. Nó chẳng khác gì việc đãi đất sỏi để tìm ra được mươi hạt thóc, hạt gạo, và những gì có thể xơi được. Nói vậy quả không ngoa. Trước khi tìm nhặt những câu thơ thể hiện cõi thật của Nguyễn Vĩnh Tuyền, thiết tưởng phải chuyện phiếm đôi chút về nhà thơ. Vốn tuổi Dậu (Ất Dậu, 1945), cầm tinh con Gà, anh em bạn bè thân tình mà đùa yêu rằng, quanh năm suốt tháng anh như con gà trống, chỉ có vài ba viên sỏi, cứ mổ lên mổ xuống, cục ta cục tác lượn lờ mà dụ lũ gà mái và cả bàn dân thiên hạ “thóc thật, thóc thật”, khi bày gà xúm vào thì đâu phải là thóc thật, chỉ là thóc ảo mà thôi… Thơ Nguyễn Vĩnh Tuyền là vậy, thực ảo lẫn lộn, những câu thơ ảo, thậm chí ảo diệu thì nhiều lắm, song khi thực, anh lại thực quá, đến mức độ trúc trắc ngôn từ, đọc lên thành tiếng cho thuận miệng cũng khó. Đấy là xét về khía cạnh nghệ thuật, và theo cách nói dân gian, ấy là “thật thà hư”…
Còn đây là cõi thực của Nguyễn Vình Tuyền, thực mà vẫn  rất thơ:

Tôi ra đời giữa mùa chết chóc
Lại là đứa trẻ cuối cùng sống sót đẻ trong tháng Hai,
Nên no-nê, ấm áp suốt một đời dạc-dài cơm-áo.

Tháng ba mùa hoa xoan rắc đầy lối ngõ
          Muỗi như trấu bay chàn chạt lưỡi nia
          Ngồi học trong màn khói đen, muội đỏ
          Bóng tóc đuôi gà ngấp nghé mãi ngoài kia,
          Quên rồi sao,
Ngọn đèn dầu leo lét phía hoang mơ,…

Con theo cha học cách giơ cao vồ lem nện xuống
từng gộc tre đực lún theo mỗi nhát vung
chắc nịch,
chính xác, thật tay,
ta-luy cao dần bờ đất thó đen
lung người, lung bờ
mặt đất, mặt người phờ phạc…
Cha từng qua bao vụ mùa thất bát
tháng Tám ngày Ba, ruột dài mơ miếng để, miếng ăn…

quốc lộ Một - Chiều ấy, Zil-130 long nhong chốt một đầu rơ-moóc,
quốc lộ Hai – Đêm ấy, Ifa-W50 lẵng nhẵng, ì ạch chốt hai đầu rơ-moóc,
Hụt hơi, tương lai là vô định ra vào,
vào ra nhằm ăn theo tài-xế
ngày mai là hối hả
cuộn guồng theo vòng bánh xe lăn,
Nhọc nhằn…

Hơi thở ngọt mềm
và cánh tay em trên ngực mình
yên tĩnh một ban mai
đưa anh về thực tại…
Anh hôn vầng trán em sáng trong
Tạ ơn những ca nước thơm hương vi mật ong
tạ ơn những bình nóng linh chi, con gái mua về từ Hàn Quốc
những cặp lồng cơm.
những bữa tối ngon lành…

Em bao dung đến tận cùng nhân cách,
dành dụm cho ta bao năm ngọt, tháng ngào,
gánh thay ta một đời chia xa, buồn nhớ
neo cuộc bơi mệt nhoài bằng bao nhiêu tóc rụng…
          Cho buồn khổ không còn nơi trú ngụ
          Cho ta quay về bổn phận đàn ông…


Con người Nguyễn Vĩnh Tuyền là thế đấy. Anh thành thật với quá khứ tuổi thơ vất vả, cơ hàn cùng song thân nơi quê hương bản quán; thành thật với những năm tháng quân ngũ suốt thời chiến tranh khói lửa ác liệt, đầy gian khổ hy sinh; thành thật với gia đình mình, ấy là người vợ tần tảo, đảm đang và đầy bao dung, những đứa con giỏi giang và hiếu thảo… Đó thực sự là những chiếc phao cứu sinh, những cọc neo chắc chắn, đặng níu giữ con thuyền mộng của nhà thơ khỏi dạt trôi về bến mơ không tưởng … Chẳng những vậy, Nguyễn Vĩnh Tuyền còn rất thành thật với những cơn mưa bóng mây chốc nhát, những cơn say nắng tình cờ, những bóng hồng và cuộc tình ngắn ngủi ngang qua đời anh… Có lẽ, vì biết ơn nên thành thật, nhưng anh không hề hối lỗi, đơn giản, bởi Nguyễn Vĩnh Tuyền xem đấy là những chất men say cho cảm xúc thi ca mà trời đất ban tặng cho mình. Hơn nữa, anh chưa bao giờ quá đáng với Nàng Thơ, mà còn biết nâng niu, trân trọng:

Mình yêu nhau từ mùa Thơ năm ấy,
Chết trong nhau từ lần gặp đầu tiên,

dạn dĩ tháng Tư-ngắn ngủi cuộc tình,
hoa gạo rực trời hai chục ngày
 rồi bỗng đâu lụi tắt
trái ớt chỉ thiên cay sè bốn mắt
cơn cớ gì bẫy đặt hai ta,

Muốn nhớ lại mau quên
nên chăng cùng xanh ngắt
đôi mắt nào nắng lửa
buồn đời day dứt mưa,

Em ở lại với Bãi Dâu, Gành Hào ngợp nắng
vắng bóng nhau thật rồi,
Sài gòn đường về có còn thuận lối?...
Thôi cứ khép hờ cả Người và Thơ
cơ hội những chuyến đi màu nhân duyên Trời định
cả hương vị thời gian dường như Đất tính
nhung nhớ tháng Mười
một khúc thăng hoa…

Mong mỏi ngày mai,
yêu nhớ lắm ngày qua,
như lần đầu yêu, lâng lâng hồi hộp
như lần đầu bay trên trời mây trắng xốp.
Chợt nhớ câu thơ:
“Bàn chân ta lội xuống trời
Hát bông nắng cũ ru lời em xanh”…

Có một điều, tôi không thích trong thơ Nguyễn Vĩnh Tuyền, ấy là sự lan man và hay lạm dụng ngôn từ. Phàm người làm thơ, kỵ nhất là nhắc đến từ Thơ hay Tứ thơ trong thơ mình vì sợ nhàm và lộ, cũng như người đang yêu ngại nhất nhắc đến từ Yêu vì e là thô… Riêng với Nguyễn Vĩnh Tuyền thì ngược lại, trong thơ anh nhan nhản những từ này. Đã hơn một lần, tôi bàn luận với anh điều đó, anh có vẻ nghe ra và bày tỏ sự đồng tình. Nhưng rồi, đâu vẫn đấy, chẳng rõ, theo thói quen, vô tình hay hữu ý?

Và đấy, mới thật đúng là người và thơ Nguyễn Vĩnh Tuyền !?... 

Nhận xét