Rong chơi với một chữ Tình (III):


   


       3. Hóng chuyện, rồi bàn...
       
         Vừa mới đây, tình cờ tôi xem một chương trình trên kênh truyền hình nọ, loáng thoáng thấy đưa tin, một chàng ca sĩ trẻ tuổi nhưng khá nổi tiếng, của làng giải trí Hàn Quốc, K-pop, tự tử chết vì trầm cảm. Nghe vậy, thấy cũng chẳng có gì lạ, bởi mấy năm gần đây, nhiều ngôi sao ca nhạc, điện ảnh của Hàn Quốc, rồi Ấn Độ và Mỹ thi nhau tự tử, phần lớn vì áp lực công việc và xã hội, phần nữa, vì tự thân sa đọa trong cờ bạc, sex và nghiệp ngập, dẫn đến bế tắc, và kết quả là tìm đến cái chết để giải thoát cho mình… 
        Như thế đã là cũ rồi, bởi xưa hơn, thi hào trẻ tuổi tài năng của nước Nga, đã từng thốt lên câu thơ vĩnh biệt: “Trên đời này, chết là điều chẳng mới/ Nhưng sống, thật tình cũng chẳng mới gì hơn”. Hai câu kết bài thơ "Thôi chào nhé, bạn ơi, chào nhé” của C.A. Exenin (S.A. Yesenin) qua bản dịch của nhà thơ Anh Ngọc, bấy lâu nay đã được các nhà phê bình văn học, các nhà nghiên cứu về tâm lý xã hội mang ra phân tích, bàn luận, và chẳng có hồi kết. Song chắc chắn, nguyên nhân khiến một ai đó quên sinh, không thể nằm ngoài yếu tố tự thân trong điều kiện xã hội nhất định…
        Tôi cho rằng, triết lý này, chắc là có từ xa xưa, chẳng qua đến Exenin, nhà thơ này diễn đạt bằng thơ mà thôi. Và ngay ở Việt Nam, nửa đầu thế kỷ 20, phong trào Thơ Mới, nhà thơ xứ ta, Xuân Diệu trong bài thơ “Giục giã” đã kêu lên: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” là gì. Lẽ chăng, triết lý ấy, to tát hơn là tư tưởng ấy, đã tác động đến xã hội nói chung, và trở nên ám ảnh với một số cá nhân đặc biệt nào đó ? … 
       Trở lại chuyện về chàng ca sĩ trẻ tuổi của làng K-pop tự vẫn, thì vẫn kênh truyền hình nọ đưa tin, đã có tới 8 người hâm mộ anh chàng này (fan hâm mộ, fan cuồng), bắt chước thần tượng của mình, tự vẫn chết theo. Đương nhiên, một ai đó lấy cái chết cho sự tự giải thoát, họ có lý do của mình, nhưng một khi, đã trở thành hiện tượng, trào lưu xã hội, thì chuyện ấy đã trở thành không bình thường rồi. Có gì quai quái ở hiện tượng này nhỉ? 
       Từ việc tự vẫn của chàng ca sĩ K-pop là Kim Jong-hyun của nhóm nhạc đình đám Shinee, khi mới 27 tuổi; cùng với đó, người ta cũng nói đến cái câu lạc bộ quái gở có tên là CLB 27, nghĩa là câu lạc bộ của những người nổi tiếng, chết ở tuổi 27, do tự tử; và nữa, là rất nhiều fan cuồng tự tử chết theo, cho thấy một xu hướng bất thường và quái đản đang thành hình trong làng giải trí trẻ ở qui mô thế giới nói chung. 
         Thử nhìn nhận hiện tượng quái gở này từ một vài góc độ gia đình và xã hội, xem sao?
Một thế giới phân cực, chiến tranh đây đó liên miên, không một quốc gia, dân tộc, tôn giáo nào được yên ổn, ngay cả những quốc gia hùng mạnh, từng lãnh đạo và chi phối thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc, EU thì cũng vậy. IS, tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng với sự cực đoan lên đỉnh điểm, đã kích động các cá nhân cực đoan sẵn sàng mang mạng sống của mình ra để đánh đổi lấy sự phong thánh hoặc danh dự hão huyền, thử hỏi, có sự ảnh hưởng đến con người hay không?
Một thế giới với sự làm giàu, tranh đoạt bằng mọi giá, cùng đó là mọi hình thức vui chơi giải trí nhằm thỏa mãn sự bung xả của con người, dễ xô đảy người ta đến bế tắc, tuyệt vọng, và việc tìm đến cái chết để giải thoát là đương nhiên.
        Thời đại của gia đình truyền thống bị phá vỡ, quyền con người bị lạm dụng, được đẩy lên thành sự vị kỷ, nhất là ở các quốc gia Phương Đông như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, há chẳng phải là một nguyên nhân hay sao?
        Những giá trị đạo đức, và văn hóa truyền thống đang bị băng hoại, tan giã, thậm chí còn bị mang ra để bông phèng, nhạo báng,… trong khi các giá trị mới chưa kịp hình thành, hoặc còn manh nha nhưng chưa được khẳng định. Và như vậy, sự bế tắc về mặt xã hội là không thể tránh khỏi?
       Sự ra đời của internet và sự phát triển thần tốc của công nghệ thông tin dẫn đến sự ra đời của nhiều mạng xã hội, với sự tiện lợi của chúng, khiến con người ta khép mình trong phòng kín, giảm tiếp xúc và hoạt động xã hội, sống với thế giới ảo, từ đó gây nên một số hội chứng về thần kinh. Mạng xã hội cũng làm cho người ta vốn cách xa về địa lý và không hề quen biết trong đời sống thật, chốc lát trở nên thân thiết, chia sẻ với nhau, và như vậy, việc truyền bá suy nghĩ, ý tưởng mang tính biệt lập của cá nhân đến số đông một cách dễ dàng, nhanh chóng tức thì, để rồi, người ta, hoặc lôi kéo, hoặc có thể phỉ báng, nhục mạ người khác theo kiểu <i>hội chứng đám đông</i> … Và đây, chính là mảnh đất màu mỡ cho việc truyền bá các tư tưởng, ý nghĩ cực đoan, bệnh hoạn, đầu độc con người, xã hội v.v…
        Sẽ còn có những nguyên nhân khác nữa chưa thật rõ ràng, song chắc chắn, hiện tượng xã hội này đã khiến con người ta không còn được yên ổn, trong khi, những nhà tâm lý và quản lý xã hội lại tỏ ra lúng túng, chỉ biết đối diện, nhưng chưa biết phải giải quyết ra sao !?... 

Nhận xét