Tiểu thuyết Vô đề ( III )



3. Điều lo lắng nhất là gia đình tôi sẽ sống bằng gì, rồi ra cũng có cách giải quyết. Ngoài việc được hỗ trợ một năm tiền lương của bố tôi, ông còn bán đi chiếc xe đạp loại dành cho thiếu nhi Liên Xô vốn vẫn làm phương tiện đi làm công sở ở Hà Nội, được cả thẩy 150 đồng. Số tiền bán xe đạp vừa đủ để mua một miếng đất thổ cư giữa làng rộng hơn một sào Bắc Bộ, song người chủ đất cho chịu 50 đồng sau một năm mới phải trả nốt. Vậy là gia đình tôi đã có miếng đất cắm rùi.
Có đất cắm rùi, nhưng rồi lấy tiền đâu ra để làm nhà ? Dù có nhà tranh vách đất thì cũng tốn kém ít nhiều. Song đấy là chuyện tính sau, trước mắt, miếng ăn cho vào miệng hàng ngày mới là đáng kể. Các cụ nhà mình xưa đã dạy “miệng ăn núi lở“ là gì. Miếng ăn rỉ rả ngày ngày đến núi còn lở, huống hồ trông vào khoản trợ cấp một lần. Hợp tác xã người ta có ưu tiên cấp cho chút ruộng 5 phần trăm thì cũng con phải cấy hái chờ đến mùa màng chứ. Lo miếng ăn chưa xong thì cái tết sầm sập đến...
Cái tết năm 1964 sang 1965, mùa đông tháng chạp ấy sao mà rét. Ở thành phố, nhà cửa san sát chật hẹp nên cái lạnh dường như bớt đi. Căn nhà ngang gia đình tôi ở nhờ nhà bà cụ Thi, đầu hồi nhà kề ngay bờ ao, hướng Bắc. Mấy cái ao liên tiếp nhau, điểm xuyết đôi bà cụm tre là đến ngay cánh đồng. Gió mùa đông bắc hun hút thổi. Những ngày gió mùa về, rét ơi là rét. Có bao nhiêu quần áo rét mang ra mặc hết vào người.
Giáp tết năm ấy, chẳng thấy nhà mình sắm sửa tết nhất gì cả. Khác hẳn mọi năm khi còn ở thành phố, dù cài gì cũng mua theo tem phiếu song đủ cả, nhất là đám trẻ con mấy chị em chúng tôi còn được sắm quần áo mới. Mấy ngày giáp tết, trẻ con được nghỉ học. Ở nhà, lẩn quẩn chân mẹ, chẳng thấy sắm sanh gì. Tôi lại hồi tưởng đến những tết trước. Dịp này, năm ngoài, tôi còn được mẹ cho đi chơi chợ hoa Hàng Lược. Thật khó tả cái niềm vui trẻ thơ khi lạc vào chợ hoa tết. Cơ man là hoa đào, lay ơn, thược dược. Như xứ sở thần tiên mà tôi đã từng được xem trên phim ở bãi chiếu bóng ngoài trời dốc Yên Phụ. Tuyệt nhất là mấy chị em chúng tôi, cùng chúng bạn trong cái ngõ Trúc Lạc, trốn nhà, rủ nhau lên tận Quảng Bá xem đánh cờ người. Những hình tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt trong bộ Tam cúc vẫn chơi hàng ngày, nay là những con người cụ thể diện trang phục xanh đỏ tím vàng, y hệt quân bài, tay cầm biển chữ, di chuyển theo sự điều khiển của người chơi cờ. Chúng tôi xem mê ly, quên cả đói bụng, cho đến khi trời ngả sang chiều mới rủ nhau về, trong sự lo âu của bố mẹ.
Giờ thì xa rồi. Tôi có nằm mơ cũng chẳng được thế nữa. Đám trẻ con trong cái ngõ Trúc Lạc ấy, theo cha mẹ tứ tán cả. Chẳng biết mấy đứa còn ở lại, tết này có lên Quảng Bá xem cờ người không ?...
          Thấy đám trẻ chúng tôi buồn thiu mà không dám ho he thắc mắc gì, lựa lúc bố tôi vắng nhà, mẹ tôi bảo: “ Giờ nhà mình về hẳn quê rồi. Chẳng còn được mua sắm tết theo tem phiếu như ở Hà Nội nữa đâu. Tết năm nay, thiếu thốn nhiều, các con ạ...”. Mẹ tôi bỏ dở chừng câu nói, giọng như nghẹn đi, mắt ầng ậc nước. Tôi biết bà cố nén để không bật lên tiếng nấc.
Chị Ngoan, là chị lớn trong ba chị em chúng tôi, khi đó đang học dở lớp 6, cố làm ra vẻ người lớn, an ủi : “ Đâu có gì, mẹ ơi. Chúng con cùng lớn rồi mà. Tết nhất, nhà có gì ăn nấy... Với lại, quần áo mẹ mua tết năm ngoái vẫn còn mới tinh, diện vào vẫn đẹp lắm ...”. Nói an ủi cho mẹ yên lòng, mà giọng chị Nguyên cũng có nước mắt... Mẹ tôi cố làm ra cười, bảo: “ Thế nào... thì cũng có bánh chưng, các con ạ “.
Phiên chợ giáp tết, mẹ tôi ghé cùng mấy người làng lần mò đi chợ Nôm, nghe nói là khá xa. Đây là cái chợ đặc biệt, mà mãi sau này tôi mới rõ, cái câu dân gian cửa miệng rằng “Đồng nát thì về Cầu Nôm, con gái nỏ mồm về ở với cha “, là nói đến cái chợ Nôm này. Mẹ đi chợ tết, còn bố tôi ở nhà, hì hục lấy đất thịt, nhào thật nhuyễn với trấu thóc, đắp một cái bếp lò to tướng ngay trong góc nhà. Tôi xem bố đắp bếp, mấy lần hỏi mà bố tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Quá trưa ấy, mẹ tôi đi chợ về, trong quang thúng, ngoài những thứ hàng sắm tết, còn có một chiếc nồi đồng to tướng. Tôi lăng xăng giúp mẹ bỏ những thứ hàng tết, tò mò hỏi :” Sao nhà mình lại thổi cơm vào cái nồi to thế hả mẹ ? “. Mẹ ngần ngừ giây lát, rồi ấn ngón tay chỏ vào trán tôi, bào : “ Sau tết, nhà mình sẽ tráng bánh cuốn, để mang bán cho mọi người lấy tiền mà nuôi các cơn chứ “.
Tôi reo lên thích thú: “ Ôi, thích thế mẹ. Tha hồ được ăn bánh rồi “. Là lúc ấy, chỉ nghĩ đến món bánh cuốn Thanh Trì, tháng vài ba lần mẹ mua cho ăn sang khi nhà tôi còn đang ở ngõ Trúc Lạc. Món bánh trắng mướt, bên trong có quết hành chưng thơm lừng, chấm với nước chấm pha mằn mặn ngòn ngọt, hôm nào sang có thểm mấy lát chả quế thì ngon ơi là ngon.
Nhưng tôi đã nhầm. Thực ra, tôi còn quá nhỏ để chưa thể hiểu gì...

Ấy, bắt đầu cho một nỗi cơ cực, tủi hờn !... 

Nhận xét