Tiểu thuyết Vô đề ( IV )



4.
Giáp tết, họ hàng cho nhà tôi chung một phần tám con lợn, cả xương xẩu được chừng dăm cân, khéo chế biến, có nhân gói bánh chưng, rồi cũng có giò nạc, giò mỡ, xương dành nấu măng nấu miến… Chiếc nồi đồng to tướng mẹ mua ở chợ Nôm trước tết được mở hàng đem dùng luộc bánh chưng.
Sau bữa cơm trưa ba mươi Tết, chiều gió mùa đông bắc về từ đêm trước, trời mưa chút ít, gió thổi hun hút them lạnh buốt. Lâu rồi, mới bố tôi mới nhấp vài chén rượu, chẳng hiểu phấn khích hay giải buồn, ông ngà ngà say, chùm chăn kín đầu ngủ, tiếng ngáy không đều như có gì đó phấp phỏng lo lắng. Chiều muộn, mẹ và các chị tôi bận rộn việc dọn dẹp nhà cửa. Hai chị lục lọi đống họa báo Liên Xô, Trung Quốc mang về từ Hà Nội, tìm xem những trang có ảnh đẹp, gỡ ra, hì hụi dán lên tường nhà trang trí đón xuân.
Tôi không có việc gì làm, tha thẩn ra bờ ao, ngồi bên mép cầu gạch, hết nhìn ngắm những đám cá cờ quẫy tranh nhau đớp mồi vẩn trong nước ao, lại nhìn những cụm bèo cuối đông gia khô xác dần, chán mắt lại hóng mắt sang lũy tre bờ áo bên kia, thấp thoáng là cánh đồng làng, lệch chút là gò ông Tướng. Đây là một gò cao, nghe nói mấy trăm năm trước là cơ ngơi dinh thự của ông Tướng. giờ bỏ hoang dại, dặt những loại cây dây leo, và dứa dại mọc um tùm, ở đó là nghĩa địa chôn cất toàn trẻ con chết trẻ. Tôi đã vài lần được đám trẻ trâu trong xóm dẫn ra đấy chơi, những gò mả, cái mới cái cũ hình tròn cao thấp. bọn chúng dọa ma, hô lên rồi cả bọn bỏ chạy tán loạn. Tôi khiếp vía, chạy thục mạng, nhảy bừa qua lùm cây dại, chân vướng gai, chảy máu, sau khiếp vía, chẳng dám bén mảng ra gò ông Tướng. Nghe nói, vào dịp cuối năm, những chiều tối gió bấc mưa dầm, người ta thấy bóng dáng đám trẻ con đội mồ chui lên, dìu dắt nhau lang thang trên đồng, ghé cả về chân tre bìa làng, xin ăn hay kếu oan gì đó. Trời sẫm dần, nền mây xám xịt, tôi rung mình sợ, khong dám đưa mắt về phía gò ông Tướng nữa, rời bờ ao, trở vào nhà. Các chị tôi đã dán xong những tờ họa báo trang hoàng tường nhà, bắt đầu quay quanh mẹ tôi xem gói bánh chưng. Chị Ngoan lớn nhưng chỉ chầu chực chờ mẹ sai vặt thôi, còn chị Hạnh, nhỏ tuổi hơn, lại mạnh bạo hơn, chờ mẹ tôi gói xong những chiếc bánh chưng to, năn nỉ để mẹ bớt lại chút gạo và những lá rong rách nhỏ cho chị tập gói  bánh chưng con…Và rồi, sau hồi lâu hì hụi, chị Hạnh đã gói thành ba cái bánh chưng con để mẹ tôi xếp lên trên cùng, dành cho ba chị em tôi mỗi người một chiếc. Chi Hạnh khéo tay, làm cái gì cũng đẹp, từ việc bọc sách vở, đến việc làm thủ công, hay giúp mẹ gập quần áo. Chỉ phải cái tính bướng bỉnh, khó sai vặt, khác  hẳn chị Ngoan hiền lành dễ bảo, cái gì thích thì làm bằng được, không thích thì bỏ ngoài tai, lần chần không chịu làm, nên hay bị mắng, thậm chí bị đánh đòn…
Chợt đâu đó, hơi lửa thoảng trong không gian và những tiếng nổ lép bép, khiến bầu không ấm hẳn lên. Tôi hiếu kỳ, nhảy ra ngoài sân, ngó nghiêng xem sao. Loanh quanh tìm kiếm một hồi, rồi cũng phát hiện, thì ra bà cụ Thi vun caanhf lá khô quét tước vệ sinh sân vườn đón giao thừa, vun rác lá thành một đống to ngoài cổng ngõ, châm lửa đốt. Quanh đống lửa rác, cả đám trẻ con cháu cụ Thi gần chục đứa vây quanh, tôi hòa vào đám trẻ, chuyện trò liên thuyên, vui lắm. Có đứa ti toe khoe têtt có áo quần mới, coa đứa lén bỏ khoái lang, sắn vào đống lửa nướng ăn, có đứa lại khoe, sang theo mẹ đi chợ phiên cuối năm tha hồ xem hàng tết…

 Sau này, tôi mới biết là người ta đốt đống rấm chiều cuối năm theo phong tục ở quê. Và hơi lửa đống rấm ngày đầu ấy cứ ám ảnh tôi, theo tôi đến mãi sau này khi đã trưởng thành, đi đấy đó khắp thế gian… Và cứ vào chiều ba mươi tết, dù là ở phương Nam nắng gió nóng bức mùa khô, hay ở thành phố, thì tôi vẫn có cảm giác thèm thuồng hơi lửa đống rấm, thèm cái không khí háo hức đón tết đầy chất trẻ con … Có lẽ, hơi lửa và không khí đống rấm chiều quê ba mươi tết ấy đã nhen nhóm trong lòng tôi ngọn lửa khao khát học hành,vươn xa, đi xa… 

( còn nữa )

Nhận xét