Rong chơi với một chữ Tình ( X)


          

          10. Nghĩ & Viết,
         Đúng ra, tôi đã có thể có một cuốn sách riêng về phê bình văn học từ chục năm trước. Giờ thì tôi phải kỳ cạch viết lại. Thật theo đúng nghĩa đen. Tôi đã sớm có ý định viết tiểu luận và phê bình văn học từ lâu rồi, khi mình còn sung sức, hăng hái, và còn dành thời gian để đọc nhiều... (như lời khuyên của một nhà văn-nhà phê bình văn học đàn anh, người đã từng hơn một lần khuyên tôi nên dành nhiều công sức cho mảng phê bình văn học, bởi ông nhận ra, tôi có khả năng làm việc ấy).
        Số là, tôi đã viết tiểu luận hàng ngày, xếp mục theo số và đã có 34 đề mục đã được viết ra, thế  mà chỉ một động tác sai trên máy vi tính, bỗng chớp mắt thành công cốc, toàn bộ mất tăm. Ngày ấy, trình độ IT của tôi ú ớ lằm, mà cả đám người quanh tôi cũng gà mờ nốt, nên chẳng một ai biết cách, bày cho tôi hoặc giúp tôi lấy lại những bài viết đã vô tình xóa đi (delete). Giờ thì việc ấy ngon ơ. Ôi, mặt trái của hiện đại hay là sự ngu dốt của cá nhân ? Cả hai … 
Khi ấy, tôi tiếc ngẩn ngơ. Biết là khó lấy lại được, tôi còn duy tâm, nhẩm cộng con số 34 mục ấy thành con số 7 ( 3+4= 7), mà 7 là thất, và thất còn là mất. Thảo nào, sao nó không mất ngay từ mấy mục đầu cơ chứ?  thấy tôi than thở tiếc rẻ, một cậu trẻ tuổi, người đã loay hoay toát mồ hôi mà chẳng lấy lại được gì giúp tôi, vừa giấu dốt vừa tìm cách an ủi tôi, bảo :"Thôi đành anh ạ, nhưng mà anh lại có điều kiện để sáng tác lại, biết đâu đấy, còn hay hơn". Đúng vậy chăng ? Thôi thì đấy cách duy nhất… Viết lại, có thể không bằng, song biết đâu lại hay hơn thật chăng ?…  
          Viết. 
          Đúng là một nghề cực khó. 
         Tại sao lại chọn nghề này nhỉ? Số phận đưa đảy. Mặc dù từ nhỏ tôi đã mê đọc sách và trở thành một con mọt sách, song cũng chẳng bao giờ nghĩ đến gắn đời mình vào chuyện viết lách. Có lẽ manh nha từ cái ngày tôi học lớp 8 Trường cấp 3 Văn Lâm. Ngày ấy, thày giáo dạy văn là thầy Lê Thường, người Hà Nội. Thấy tôi học khá văn và chữ viết đẹp nên thầy hay nhờ tôi chép lại một số bài tập làm văn khá của học sinh do thày chọn lựa làm tư liệu giảng dạy riêng. Rồi thêm, những câu chuyện về anh em nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa (Trần Nhuận Minh và Trần Đăng Khoa) cùng một số bài thơ của cu cậu này, mà nhiều buổi lên lớp thầy Lê Thường hay mang ra nói chuyện, đã phần nào nhen nhóm đốm lửa nhỏ về văn chương trong lòng tôi. Và cái đốm lửa nhỏ xíu ấy dù có ấp ủ đến nhường nào cũng chẳng cháy lên thành tia lửa được nếu như không có một chuyện tình cờ khác. Ấy là vào mùa xuân năm 1975, tôi tham dự kỳ thi học sinh giỏi văn lớp 10 cấp tỉnh và trúng tuyển vào đội tuyển của tỉnh tham dự kỳ thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, được triệu tập về bồi dưỡng 3 tháng ở trường cấp 3 Hồng Quang, thị xã Hải Dương. Ở đấy, trong 21 thành viên, có Trần Đăng Khoa và Trịnh Bá Ninh, đấy là những người sau đó ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống, nghề nghiệp và chuyện theo nghề viết của tôi sau này. Và thế là đốm lửa đã thành tia lửa. Lẽ dĩ nhiên, con đường nghề nghiệp, văn chương đã và sẽ còn là con đường gian truân, song bước đầu là thế … 
          Tôi nhớ, hơn một lần Trần Đăng Khoa nói rằng, về cái việc viết phê bình, bình luận văn học thì dân viết chuyên nghiệp (ý nói những người chỉ chuyên về lý luận và phê bình văn học) còn khuya mới bằng được dân viết văn một khi họ nhúng tay vào làm việc này. Trần Đăng Khoa còn viện dẫn đến nhà văn Nguyễn Tuân, người đã từng nói thế và làm thế. Thêm một bằng chứng là chính bản thân Trần Đăng Khoa, khi viết phê bình cũng đặc sắc và nhanh chóng nổi tiếng chẳng kém gì sáng tác thơ xưa kia, khi còn nhỏ. Và quả là, so với một số nhà lý luận phê bình của Việt Nam được đánh giá là xuất sắc hiện nay thì rõ ràng Trần Đăng Khoa không hề thua kém gì, nếu không muốn nói là còn nhỉnh hơn nhiều nhà lý l;uận, phê bình văn học chuyên nghiệp. 
          Nêu ra ý này, là tôi muốn nhắm đến một hiện tượng xuất sắc khác là phê bình Nguyễn Huy Thiệp. Với tập Giăng lưới bắt chim, anh sớm thuộc vào hàng những người viết phê bình và tiểu luận văn học xuất sắc, chí ít theo ý tôi là vậy!

Nhận xét