Rong chơi với một chữ Tình ( VII)

     

         7. Lắng nghe tiếng sáo, tiếng tiêu,...

          Ngày chủ nhật, tôi dạy sớm vì có chút công việc chuyên môn. Xong việc, mở cửa ngó ra ngoài, tiết trời đẹp, rét vừa và khô ráo, khác hẳn cả tuần rồi hết mưa tí tách dai dẳng lại mưa phùn lây nhây. Lòng hào hứng, muốn nhào ra đường đi chơi đây đó cho giãn gân cốt và được phóng tầm mắt. Nhưng bây giờ, đi đâu cũng phải có địa chỉ, chứ không thể như cánh trẻ, cứ đi rồi mới tìm cảm hứng được. Mở điện thoại, sau mấy cú phôn cho hội bạn già, bạn hưu, thì người ở quê, người đang đi thăm thú đâu đó, người lại gặp trục trặc về sức khỏe... Vậy thôi. Ăn sáng và cafe đủ rồi, đành ngồi vào máy, cập nhật tin tức trên mạng trước đã cho khỏi lạc hậu thông tin. Đường link dẫn vào Fb của người bạn đang sinh sống tại vùng Tây Bắc, thấy có clip sáo Mông, bèn nháy vào nghe thử. Thấy hay quá, nên cứ theo địa chỉ giới thiệu trên YouTube, nghe liền một loạt những bài sáo Mông, sáo trúc, các bản như Tình ca Tây bắc, Tiếng hát giữa rừng Bắc bó, Gặp nhau giữa rừng mơ, Đi học ... Lan man, tiếp sang một loạt bản hòa tấu sáo trúc của nghệ sĩ Hoàng Anh livestream từ New York, như Bèo dạt mây trôi, Trúc xinh, Trước ngày hội bắn, Trên đường chiến thắng, Ai ra xứ Huế, Mẹ yêu con v.v... Rồi nữa, các bản độc tấu của các nghệ sĩ sáo trúc hàng đầu của xứ mình như Đinh Linh, Ngọc Tú, Tương Nhuệ... Thật là một bữa tiệc âm nhạc tuyệt vời cho ngày nghỉ cuối tuần mà chẳng cần phải đi đâu xa.
Chưa hết, cứ theo đà, lan sang cả những bản nhạc tiêu Trung Hoa mà trước đây tôi mới nghe qua trong các phim cổ trang võ hiệp như Tây Du ký (Tây vương nữ quốc), Thủy Hử (Túy Hồng nhan), Xạ điêu anh hùng truyện (Bích Hải triều sinh khúc) chuyển thể từ tiểu thuyết chưởng Kim Dung, và một số bản khác như Họa tâm, Tuyết hoa thần kiếm v.v... Mỗi bản một sắc thái riêng và đều rất hay... 
        Tự nhiên, lại nhớ, ngày xưa, nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, nghệ sĩ sáo trúc Đinh Thìn biểu diễn, tâm hồn ngây ngất. Và hình như, những bản sáo trúc ngày ấy đã thấm vào lòng tôi từ bao giờ chẳng rõ, chỉ biết đã góp phần nuôi dưỡng và thúc đẩy hoài bão học hành, để được đi đây đó, và khát khao sáng tác văn thơ... Tôi biết ơn về những giai điệu sáo trúc ấy. Giờ nghe lại những giai điệu ấy, dù là người khác biểu diễn với bản phối hiện đại hơn cho phù hợp với thời cuộc, thì vẫn hấp dẫn tôi lắm. Nghe mà như an ủi, vỗ về và gột rửa tâm hồn mình vậy!... 
        Trong các nhạc cụ dân tộc, bộ gõ, đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc, nhị ... mỗi thứ một độc đáo, một hay riêng, song với tôi, thích nhất là nhị và sáo trúc. Cùng dân dã, gần gụi, đời thường, nhưng nhị có cái nỉ non, da diết, não lòng, còn sáo trúc thì bay bổng, mênh mông, thanh tao và trong sáng... 
        Tự thân, mình hiểu và biết ơn cuộc sống về những điều đơn giản ấy.

Nhận xét