9.
Khởi đầu nghề làm bánh cuốn, có chật vật thật đấy, nhưng rồi nhà tôi cũng tạm có một nguồn thu nhập, chủ yếu lấy công làm lãi. Sợ nhất, dăm bữa nửa tháng, không may hôm nào ế hàng, bánh cuốn thừa ra, cả nhà mang ăn thay cơm bữa.
Ngày ấy, món này là hàng quà loại sang, thế nhưng ăn thay cơm một bữa, hai bữa thì còn thấy ngon miệng, nuốt được, chứ đến bữa thứ ba, thì ôi thôi, miếng bánh đưa lên miệng, cứ ở đầu lưỡi mãi không thèm trôi xuống họng. Ấy là phần vì ngán theo đúng nghĩa đen, phần nghẹn họng vì chua chát của cái nghề, của gia cảnh. Đã có thời, cả nhà, trừ bố tôi vẫn làm ra bình thản, chứ mẹ và mấy chị em chúng tôi, hễ cứ ngửi thấy mùi hành phi mỡ, mùi nước mắm pha loãng chua chua để chấm bánh là ngán đến nỗi đầy hơi từ dạ dày xông lên ngang họng.
Có một chuyện trọng đại, ấy là mua đất làm nhà. Khi từ Hà Nội về, gia đình tôi nhờ tạm ở cái nhà ngang của gia đình bà cụ Thi. Đã là ăn nhờ ở đậu thì sao mà yên lòng được. Người đời bảo, có an cư thì mới lạc nghiệp là gì. Vậy nên, việc kiếm được mảnh đất để cất nhà là việc bố tôi nghĩ đến đầu tiên, khi ông quyết định đưa cả gia đình về quê nội. Như tôi đã kể, khi còn đi làm cho cơ quan nhà nước ở Hà Nội, bố tôi được mua phân phối một chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô, để làm phương tiện đến công sở hàng ngày. Về quê, không cần xe nữa, bố tôi quyết định bán đi, được giá 150 đồng tiền lúc bấy giờ, cộng thêm được chu cấp một năm tiền lương, làm lưng vốn. Nhờ cậy, bố tôi mua được miếng đất vườn bỏ không của ông Bàng, người làng Chiền, giáp với làng tôi. Nghe nói, trước đây, ông Bàng mua mảnh đất này, rộng gần sào rưỡi định dành cho người vợ bé của ông làm nhà ở riêng, nhưng bà này bỏ làng đi đâu mất, nên đất bỏ không. Ông Bàng tiếc đất, có cấy lúa dăm ba vụ, nhưng ruộng ở trong làng, bóng cây cớm nắng nên thóc lép, chẳng thu được bao nhiêu. May mà ông tốt bụng, tiền bán đất chỉ lấy trước 100 đồng, số còn lại cho chịu đến năm sau, nên nhà tôi mới có thể lo liệu việc dựng một ngôi nhà tường đất mái rạ, đặng có chỗ chui ra chui vào.
Mảnh đất này thuộc dải đất đầu làng tôi, giáp khít và như hình đầu chiếc chày thọc sâu vào làng Chiền, lại ngay trục đường chính của cả hai làng, nên địa thế khá đẹp. Vườn có lũy tre thành tường rào, và một rãnh ao nhỏ, mấy cây lưu niên như ổi, nhãn, mít. Nhà tôi bỏ chút công san lấp, rồi thuê thợ đào đất từ rãnh ao lên, nhất cử lưỡng tiện, vừa thành ao hình chữ nhật, lại có đất đắp tường. Bố tôi bỏ tiền mua xoan và tre ngâm để làm cột kèo, xà ngang và đòn tay nhà, số thiếu còn lại, chi họ nội nhà tôi hô hào nhau, mỗi nhà mang đến đóng góp ít nhất một cây tre, một bó rạ để có vật liệu thưng vách rơm bùn và lợp mái nhà. Mỗi nhà cũng góp một vài ngày công giúp giập thêm. Thế nên, ngôi nhà rộng ba gian hai chái nhanh chóng thành hình hài. Khung nhà vừa dựng lên là lợp mái ngay, bố tôi kê luôn tấm phản ngựa cũ vào nhà mới và mỗi tối, hai bố con tôi ngủ đêm ở đây để giữ nhà. Nhà chống chếnh, tường sau đắp cao mới lưng lửng đầu, vách trước còn chưa thưng, đêm ngủ dù mùa hè mà cứ thấy lành lạnh, sờ sợ làm sao. Có lẽ lạnh bởi màn đêm và những ngọn gió quê hoang hoải, bởi sự thiếu thốn của gia cảnh, và sự hoang mang của lòng người.
Vào một đêm như thế, tôi còn sợ rúm người bởi tiếng kèn trống của đám ma từ nhà hàng xóm kế bên. Cụ ông nhà này vừa mất, theo phong tục ở quê, phường bát âm được thuê đến thổi kèn giải. Kèn, trống, nhị nỉ non điệu lâm khốc suốt từ chiều tối đến quá nửa đêm, rồi tiếng người thân thở than, rên rỉ, chẳng hiểu khóc vờ hay khóc thật, chốc chốc lại rống lên thì ngủ sao nổi cơ chứ. Chui trong màn, nằm cạnh bố tôi, tôi không tài nào ngủ được, vì kinh động, và sợ hãi, đầu óc cứ ong ong những âm thanh não nề, rồi những hình ảnh ma quái lạnh lẽo lẩn khuất. Bố tôi nhắm mắt đấy, nhưng tôi biết ông cũng khó ngủ, một tay choàng qua giữ vai tôi cho tôi đỡ sợ, một tay ông gác ngang trán, lâu lâu lại thở dài...
Biết tôi không ngủ được, bố tôi bèn kể chuyện. Ông giảng giải, rằng tại sao gia đình tôi lại không còn đất ở quê, mà khi về quê phải đi mua lại. Chuyện rằng ngày trước, ông bà nội tôi có miếng đất ở ngay giữa làng rộng vài sào, do các cụ từ đời trước để lại, đấy là ngôi nhà vườn mà khi bố tôi còn nhỏ ở quê, ông nội tôi đã mở lớp dạy chữ Nho. Sau này, ông nội tôi mất, bố tôi làm nghề kiến trúc nhà cửa ở Hà Nội, khi có tiền, đã đổi miếng đất ấy lấy mảnh đất bên cạnh, rồi bỏ tiền mua trương của mấy nhà hàng xóm, thành một thửa đất lớn, rộng đến 6 sào Bắc bộ. Lúc có nhiều tiền hơn, bố tôi cho xây dựng một ngôi biệt thự Tây, kiến trúc kiểu Pháp, bốn mái, tường dày đến gần nửa thước. Để đủ gạch xây, đã phải đốt những hai chục lò gạch to, tương đương với hai mươi vạn gạch, rồi thêm các vật liệu gỗ, sỏi cát khác, mất 4 năm mới cơ bản hoàn thành. Ấy vậy mà, ngôi biệt thự nhà vườn hoành tráng ấy lại chỉ tồn tại không đầy 4 năm sau khi xây xong. Số là, khi ấy, thực dân Pháp lo ngại lực lượng cách mạng kháng chiến theo chính phủ cụ Hồ ngày càng lan rộng, nên đã xua quân đi càn quét, vùng quê tôi nằm giữa đường số 5 và đường sắt nối Hà Nội với cảng Hải Phòng cũng bị quân Pháp chiếm đóng. Bố tôi đưa cả nhà đi lánh nạn như nhiều dân làng. Quân Pháp chiếm căn biệt thự của gia đình tôi khi đó bỏ không làm căn cứ đóng quân của chúng. Vài tháng sau, khi quân Pháp rút đi, chúng chôn mỗi góc nhà một khối thuốc nổ và cho nổ tung. Thế là bao nhiêu tiền của công sức của bố tôi đổ vào ngôi biệt thự, bỗng chốc thành đống gạch vụn.
Sau này, khi từ nơi tản cư trở về, bố tôi cho dọn dẹp, nhặt nhạnh từ đống đổ nát ấy, cho xây lại một ngôi nhà ngói 5 gian theo lối nhà đại khoa ngay trên thổ đất này. Nhưng rồi, khi cải cách ruộng đất, bà nội tôi bị quy địa chủ, cả ngôi nhà đại khoa, cùng của cải, phương tiện, vật dụng ở quê bị đội cải cách tích thu hết, đem chia cho dân nghèo. Thửa đất vườn rộng 6 sào ấy, được chia đều ra làm tám phần, nhà tôi được trả lại một mảnh rộng 8 thước, bảy phần đất còn lại chia cho các nhà nghèo trong làng. Nhà tôi không ở quê nữa, mà sống ở ngõ phố Trúc Lạc, nên bố tôi đem mảnh đất ấy cho chị Nguyên, là chị gái lớn con của mẹ già tôi. Chị Nguyên đi lấy chồng xã khác, lại mang bán phần đất đó đi, lấy tiền mang về nhà chồng.
Nguyên do vậy, gia đình tôi từ ruộng đất, nhà cửa giàu có hạng nhất nhì trong vùng, thành tay trắng, không mảnh đất cắm dùi... Lời bố kể thì thầm trong đêm đã ru tôi vào giấc ngủ, cho tôi thoát khỏi những tiếng nỉ non lâm khốc của nhạc bát âm đám ma, trong căn nhà gianh vách đất còn dở dang, trống huếch trống hoác, đầy những tiếng gió lùa và tiếng ếch nhái cầm chừng...
Nhận xét
Đăng nhận xét