5.
Cái
tết năm đó qua đi nhanh chóng. Bây giờ, tôi chẳng mấy nhớ chuyện tết ngày ấy có
vui hay không. Bố tôi bảo, nước nhà có chiến tranh thì vui cái nỗi gì, theo
phong tục, tết đến thì cứ phải lo cho đủ lệ bộ vậy thôi. Những năm tháng ấy, mặc
dù đã sau chục năm hòa bình lập lại, xã hội có khá lên một chút, nhưng đất nước
lại bước vào cuộc chiến tranh mới. Sự kiện Vịnh Bắc bộ, thực ra là đế quốc Mỹ
đã chủ động gây hấn để buộc ta phải chấp nhận dấn vào một cuộc chiến không cân sức.
Về thực lực, Mỹ đang trên đà lớn mạnh, và đem so với Pháp thì còn mạnh và hiện
đại hơn nhiều.
Ở
nông thôn, tết quê vốn đã giản tiện, với nhà nghèo lại càng giản tiện hơn. Qua
một cái tết, đất nước có chiến tranh, rồi chẳng biết tết năm sau sẽ ra sao ? Mà
nhà tôi, khi ấy, đúng là nhà nghèo, vì ngay đến cái nhà còn phải đi ở nhờ, thì
nói gì đến chuyện miếng ăn. Thêm nữa, bố mẹ tôi chuẩn bị nghề làm bánh cuốn,
nên bao nhiêu vốn liếng phải cho hết vào việc mua sắm dụng cụ và nguyên liệu làm
nghề. Nghề này, tuy không cần máy móc gì, nhưng cũng phải bỏ tiền mua nồi, làm
phên tre, mua than cám, và nhất là phải đong thóc dự trữ. Mà thóc gạo cũng phải
là loại ngon, dẫu không giống tám thơm, hay gạo dự, thì cũng phải là loại hạt
trắng, có độ dẻo, độ mịn thì bánh mới ngon được, mẹ tôi bảo vậy. Nhà vốn chật
mà góc nhà phải quây một cái cót nhỏ để dự trữ thóc, nên càng them chật chội. Vất
vả nhất là khâu xay lúa, giã gạo làm nguyên liệu bánh. Cái khoản này là nặng nhọc
nhất, nên bố và các chị tôi phải đảm nhiệm, vì lúc đó, nhà nông chưa sẵn máy
xay xát gạo như sau này. Thỉnh thoảng, bố tôi còn cho tôi đứng thêm vào phía
trước cần cối giã gạo. Thằng bé bảy tuổi đầu lại thấp bé nhẹ cân như tôi có
thêm vào thì có thấm tháp gì, có lẽ ông muốn cho tôi biết lao động chân tay cơ
cực thế nào? Tôi đứng gá vào đấy, đạp chân theo nhịp, dẫu sao bố cũng thêm vui
và đỡ nặng nhọc chút ít. Những lúc như vậy, bố tôi thường thủng thẳng kể chuyện,
như Tây Du Ký, Tam Quốc, Thủy Hử, hoặc cổ tích An-đéc-xen, ngụ ngôn La-phông-ten... Tôi lắng nghe, như nuốt
lấy từng lời trong tiếng chày giã thì thụp. Thỉnh thoảng, lời kể bị đứt đoạn,
tôi nghe biết vậy, song đâu có hiểu, khi ấy là lúc bố tôi mệt đứt hơi... Rõ khổ
cho ông. Từ nhỏ, ông có phải làm việc nặng nhọc như thế này đâu, ngay cả khi
còn trai tráng mạnh khỏe. Vậy mà, đến lúc tuổi cao sức yếu, ngày ngày phải xay
lúa, giã gạo, thức khuya dậy sớm với những công việc nặng nhọc.
Bố
tôi được sinh ra trong một gia đình Nho giáo. Đến đời ông nội tôi thì gia đình
ít nhiều sa sút. Ông nội tôi lấy vợ nhà giàu, của hồi môn bà nội tôi mang về
nhà chồng cũng kha khá, nghe đâu gần mẫu ruộng và già nửa số đó thuộc diện nhất
đẳng điền, bờ xôi ao mật của làng. Bà nội tôi chỉ canh tác chân ruộng tốt, còn
ruộng xấu đồng xa thì phát canh thu tô. Nhờ thế, nhà dư thóc ăn, dẫu không đến
mức của ăn của để thì ông nội tôi cũng không biết mưa nắng là gì, chỉ ngày đêm
đèn sách chữ Nho, học đủ Ngũ kinh Tứ thư, chờ thi cử mà thôi. Ông nội tôi dạng
bạch diện thư sinh, thể chất yếu ớt, bù lại, bà nội tôi người thấp đậm, khỏe mạnh,
tuy con nhà giàu song thạo công việc nhà nông, kể cả lao động chân tay. Ông bà
sinh hạ hai người con, gái đầu, trai sau hơn nhau dăm tuổi. Chị gái bố tôi đến
tuổi cập kê đã lấy chồng gia đình khá giả ở xã bên và sinh hạ trai gái đến gần
chục người con.
Bố
tôi bảo, ông giống bà nội tôi, thể chất đậm đà khỏe mạnh. Vì ông tôi theo đòi
nghiệp khoa cử, bà nội tôi lại đồng áng đảm đang, nên ngày nhỏ, bố tôi không phải
lao động chân tay, không học công việc nhà nông, cùng lắm chỉ giúp bà việc vặt
chăm sóc cây cối vườn tược, chuyên tâm học chữ Nho, do ông nội tôi trực tiếp truyền
dạy. Ông nội tôi dùi mài kinh sử, vài lần dự khoa thi hương triều Nguyễn, song
chỉ đỗ khoa sinh, nên có phần chán nản. Ông cụ, vốn người yếu ớt, hay ốm đau,
nên viết chữ Nho, tay kém, nét chữ sạch sẽ dễ đọc đấy, nhưng thiếu sự quắc thước,
thần thái. Người đã yếu thì tinh thần cũng không sảng khoái, khoát đạt được,
nên khi làm bài thi cũng khó mà tới độ sáng sủa, tinh anh, vì thế không thể đỗ
đạt cao hơn, và sự nghiệp làm quan của ông nội tôi xem như thành mây khói. Chán
ngán, và chắc cảm thấy quá sức mình, ông nội tôi bỏ không thi nữa, mở lớp dạy học
chữ Nho tại nhà. Các lớp học trò thay nhau luôn có mươi đứa trẻ trong làng,
làng bên, xã bạn nghe tiếng theo học. Học phí khoán theo tháng, trả bằng tiền
hay quy ra thóc. Nhờ vậy, kinh tế thêm
dư dả. Ông nội tôi cũng dần quên nỗi buồn
thi cử, dốc lòng với nghiệp gõ đầu trẻ qua ngày…
Bố
tôi học chữ Nho với ông tôi. Xưa nay, bố tôi bảo, thường những người khoa cử, đỗ
đạt làm quan, chỉ quyên tâm lập công lập nghiệp, việc nước việc làng, chứ không
bỏ công sức vào việc dạy con học hành. Việc dạy con cái nối dõi tông đường, tiếp
nghiệp khoa cử, thường được ký gửi vào các ông thầy khác trong thiên hạ vốn nổi
tiếng hay chữ, tính tình nghiêm cẩn, khoan dung, đạo đức, không may mà thất bại
trong việc thi cử. Các cụ truyền rằng, dạy dỗ con cái thiên hạ thì được và có
thể thành đạt, chứ khó có thể dạy cho con cái mình thành đạt được, vì sợ rằng,
với con cái mình, dễ không nghiêm khắc, hoặc nếu nghiêm được, thì con cái thành
ra sợ hãi, học cũng khó vào. Người xưa chiêm nghiệm thế, hẳn là đúng. Ông nội
tôi cũng biết điều đó, nhưng cực chẳng đã, chẳng kiếm ai trong vùng có được những
điều kiện khả dĩ để gửi gắm việc dạy học cho bố tôi, nên ông đành chấp nhận việc
tự mình làm thầy dạy cho con. Song để khắc phục sự hạn chế của việc này, ông
tôi xếp bố tôi vào lớp chung, nghĩa là học cùng đám học trò trang lứa, cũng kiểm
tra bài, mắng mỏ, thậm chí đánh đòn như các học trò khác. Việc dạy dỗ chung là
thế. Riêng ra, ông nội tôi vốn tính nghiêm khắc, với bố tôi trong chuyện học
hành, chữ nghĩa, ông cụ cũng có mong muốn con mình hơn người, nên càng nghiêm
khắc hơn.
Ngày
ấy, giấy tờ bút lông mực Nho là của hiếm, đắt lắm, nên học trò khi học mặt chữ,
tập viết các nét và bộ chữ cơ bản, phải tập viết trên mặt sân gạch bằng than củi,
rồi bằng que tre vạch trên mặt sân đất; có khi còn phải rải cát xuống sân và
dùng bàn cào, loại dụng cụ chuyên trang thóc, để trang cát cho phẳng, đặng viết
chữ lên đó, viết đầy rồi lại trang đi, viết lại. Cứ thế ngày ngày, thuộc mặt chữ
rồi thì tập viết cho đẹp. Bố tôi là người sáng dạ, học chữ nhanh lắm, viết cũng
đẹp. Để rèn chữ, mỗi khi ông nội tôi có việc vắng nhà, trước khi đi, bao giờ
ông cũng gọi bố tôi, viết chữ son vào hai gan bàn chân, và ra bài tập để bố tôi
tập viết. Xong việc và nhà, ông gọi bố tôi lại, kiểm tra gan bàn chân, nếu chữ
son do ông viết nhòe nhiều, hoặc mất cả chữ, thì bị phạt đòn, bởi như vậy, tức
là bố tôi không học, chạy nhảy nhiều, hoặc trốn ra ngoài chơi. Nghiêm khắc là
thế, nhưng có lẽ vì vậy, sau này, chữ bố tôi đẹp lắm, không những chữ Nho, chữ
quốc ngữ và cả chữ Pháp cũng vậy. Tôi đã kiểm chứng việc này qua các loại văn bản
giấy tờ, hồ sơ, giao phả gia đình và dòng họ do bố tôi thủ bút đều rất đẹp, nét
chữ cứng cáp, khoáng đạt và có tính cách lắm.
Khi
dạy dỗ bố tôi, ông tôi thầm gửi gắm tâm nguyện và ước muốn đỗ đạt làm quan
không thành vào người con nối dõi của mình. Tuy nhiên, những năm đầu thế kỷ 20,
triều đình Nhà Nguyễn còn gắng tổ chức vài ba khoa thi, song chữ Hán có vẻ dần
thất thế, chữ quốc ngữ đang được truyền bá, và nhất là chữ Pháp đang thịnh
hành, nhất là các bậc trí thức, những người có học muốn đi làm công chức sở Tây
của chính phủ bảo hộ. Bậc túc Nho, nặng nề nghiệp khoa cử Hán học sống ở làng
quê như ông nội tôi, cũng nhận ra điều đó. Và chẳng hiểu trời xui, đất khiến thế
nào, ông nội tôi đã ra một quyết định dứt khoát là gửi bố tôi ra Hà Nội, ở một
nhà người họ hàng xa, đồng thời theo học chữ quốc ngữ, chữ Pháp và nghề kiến trúc,
xây dựng nhà cửa. Việc ấy, đã khiến bố tôi, cậu trẻ trai nhà quê ở độ tuổi chớm
lớn, nhanh chóng thay đổi thành chàng thanh niên tân thời,…
Và dĩ nhiên, bước ngoặt
đó thay đổi hẳn cuộc đời bố tôi … ( còn nữa )
Nhận xét
Đăng nhận xét