Tiểu thuyết Vô đề ( VI )




           6.
          Qua tết, nhà tôi chuẩn bị đồ nghề cho việc làm bán cuốn, loại bánh quà phổ biến ở xứ ta, hầu như vùng quê nào cũng có, với các tên gọi khác như bánh tráng, bánh mướt. Ngày trước, gia đình tôi sống ở ngõ Trúc Lạc, bên bờ hồ Trúc Bạch, tháng vài ba lần, thường là vào chủ nhật, mẹ tôi mua quà sáng, món bánh cuốn Thanh Trì. Bánh cuốn Thanh Trì là loại bánh không có nhân, tráng lớp mỏng, chỉ phết qua chút hành chưng mỡ rồi xếp thành nếp với nhau, ăn với loại nước mắm pha, sang hơn thì nước chấm có cà cuống. Bố mẹ tôi, gốc nông thôn nhưng cả hai đều không biết nghề làm ruộng. Bố tôi thì học hành chữ nghĩa là vậy, còn mẹ tôi lại theo nghề làm hàng quà và buôn bán từ nhỏ, tuy bên ông bà ngoại tôi cũng có vài mẫu ruộng ở quê, nhưng mẹ tôi không mấy thạo nghề nông.
          Về quê, đương nhiên là phải vào hợp tác xã nông nghiệp, gần như bắt buộc vậy, song bố mẹ tôi phải nuôi ba chị em tôi còn nhỏ, chị Ngoan đang lớp 6, chị Hạnh lớp 5, tôi đang học dở vỡ lòng, nếu chỉ trông vào thóc lúa HTX thì lấy gì mà sống. Ông bà tbàn nhau, sẽ làm thêm nghề tráng bánh cuốn. Thuận vợ  thuận chồng tát bể Đông cũng cạn kia mà, bố tôi bỏ công cả tuần tìm đến mấy làng chuyên nghề bánh cuốn ở Thanh Trì học nghề. Chẳng biết ông học thật, học lỏm ra sao, chỉ biết ông rất tự tin mở nghề này ở quê. Quả thật, ở quê tôi khi ấy, làm bún, làm đậu phụ thì có, chứ tráng bánh cuốn thì chưa có ai. Vậy là thuận lợi quá rồi.
          Xuân mới, đợi qua rằm tháng Giêng, các cụ ta bảo, lễ tết cả năm không bằng rằm tháng Giêng là gì, nên cứ phải qua  ngày lễ trọng này, rồi muốn  khai mở gì thì mới bắt đầu. Tuy là ngày mười sáu mới làm mẻ hàng đầu tiên, nhưng trước đầy, mẹ tôi đã tráng thử vài mẻ, để xem độ loãng đặc, dày mỏng, độ chín tới của bánh, rồi tập trang bánh cho quen tay đến mỏng đều là được … Buối đầu tráng mẻ ít, bán quanh xóm quanh làng, nhà họ hàng người quen, người mua chưa có tiền trả thì cho chịu, nên đến trưa thì cũng hết hàng, chị Ngoãn xung phong bê thúng bánh đi bán, xong việc về vui lắm. Mẹ tôi cũng phấn khởi ra mặt, riêng bố tôi thì vẫn trầm ngâm. Dường như, ông lường trước được những khó khắn sắp tới…
          Chỉ thương cho chị Ngoan, đang học dở dang lớp 6 trường Chu Văn An, một ngôi  trường danh tiếng ở Hà Nội, vốn cũ là trường Bưởi, trưởng trung cấp bảo hộ từ thời Tây, thì phải bỏ, theo gia đình về quê học trường làng. Qua tết, đã vào học kỳ 2, vậy mà chị vẫn phải tranh thủ buổi không học, bê thúng bánh đi bán dạo khắp xóm làng. Khi đó, chị Hạnh đang học dở lớp 5, nhỏ tuổi hơn, lại tính bướng bình, nhất định không chịu mang bánh cuốn đi bán. Ép lắm, thì chị cũng chỉ bê thúng bánh đi loanh quanh xóm, không chịu rao, ai biết mua thì mua, một hồi rồi mang về, bảo là không bán được và nhất định không chịu đi nữa. Những lúc như vậy, chị Ngoan thương em, thương bố mẹ tôi, lẳng lặng đội thúng bánh đi rao thêm vài vòng nữa, bán hết hàng mới chịu về. Mẹ tôi thương các con đến trào nước mắt.
          Có một lần, vào ngày nghỉ học, chị Ngoãn mạnh dạn mang bánh xuống tận làng Trâu bán hàng. Đây là một làng thuộc xã khác, nhưng có cánh đồng liền với cánh đồng làng tôi, xa chừng vài cây số. Từ làng tôi đến làng Trâu, phải băng qua mấy cánh đồng, đường đi toàn bờ mương, bở máng, bờ dộc, bờ đầm, khó đi là thế,  lại nguy hiểm vào mùa mưa bão nước đầy. Làng Trâu thuộc vùng chiêm trũng, ruộng đất chua phèn, quanh năm ngập nước, canh tác thì cấy chay bừa chùi, khi cày bừa trâu lội ngập bụng nước, khi gặt lúa phải dùng lưỡi hái ngoặc ngọn lúa lên mà cắt, vậy nên, mang tên gọi làng Trâu. Thế mà, chị Ngoan lặn lội, hết cắp nách  lại đội đầu thúng bánh vừa đi vừa dò đường, đến tận nơi. Mẹ tôi phải dậy sớm tráng bánh, để chị Ngoan còn kịp mang đi. Chị đi, đến quá trưa sang chiều thì về đến nhà. Đói và mệt, mặt trắng bệch ra, nhưng vui lắm vì bán hết cả thúng bánh. Chẳng rõ chị bán ra sao, theo lời chị kể, lúc đầu thì ít người mua lắm, nhưng khi chị tua quanh làng lần sau thì mọi người gọi nhau í ới, rồi bảo nhau mua, chỉ nghe người ta rì rầm bảo nhau, con gái ông Ký Chữ đấy, mua hàng cho cháu nó mừng, nhờ thế mà hết bánh.
          Sau này, nhà tôi mới biết, sở dĩ hôm ấy, chị Ngoan bán hết cả thúng bánh đầy, là bởi, người làng Trâu tò mò, gia thế nhà ông Ký Chữ nổi tiếng một thời là vậy, mà giờ lại thất thế, đến nỗi con cái phải đi bán hàng rong thiên hạ; phần nữa, chị ruột bố tôi lấy chồng làng này, bà đông con nhiều cháu, gia tôc lớn ở làng Trâu, khi biết tin con của người em ruột mình đến đây bán bánh, bà lén huy động đám con cháu trong nhà, ra mua hết hàng. Ngày ấy, chị Ngoãn không biết chuyện gì, nên cứ hàng tuần, vào ngày nghỉ, chị lại cất công mang bánh cuốn xuống làng Trâu bán hàng vô tư.
          Chị Ngoan cứ thế, vừa học vừa giúp bố mẹ bán bánh cuốn, cho đến khi học hết lớp 7, tức là tốt nghiệp cấp 2 thì nghỉ hẳn, ở nhà làm ruộng mà không học lên cao hơn, mặc fud chị học rất giỏi. Chị Ngoan slà người thông minh, học đâu nhớ đấy, nhất là mấy môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa. Thông minh, nên tuy không có thời gian học bài ở nhà, bởi còn phụ giúp việc bán hàng, nhưng chị Ngoan vẫn học giỏi, luôn đứng đầu lớp, đầu khối học, đặc biệt môn toán. Hổi gia đình tôi còn ở Hà Nội, chị học cấp 1 ở trường Mạc Đĩnh Chi, và đứng đầu trường. Chẳng thế mà, chị đã hai lần được giới thiệu và lựa chọn vào đoàn học sinh thiếu nhi xuất sắc của Thủ đô, diện sơ-mi trắng, zíp xanh, thắt khăn quàng đỏ, đội mũ ca-nô, lên lễ đài tặng hoa và chúc mừng nguyên thủ Trung Quốc là Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, và Tổng thống Indonesia là ông Su-các-nô, trong lễ đón chính thức khi các vị này sang thăm Việt Nam. Từ một học sinh thành phố như vậy, chị Ngoan nhanh chóng chấp nhận cuộc sống của học sinh nông thôn, lao động chân tay lam lũ, chăm chỉ, mà không một lời phàn nàn, oán trách gì bố mẹ. Bố mẹ tôi đã phải ra một quyết định thất khó, ấy là, chị Ngoan còn một năm nữa là hết cấp 2 nên được tiếp tục học nốt, còn chị Hạnh thì học hết lớp 5, tạm nghỉ để khi chị Ngoan học xong cấp 2 rồi thôi học, khi đó, chị Hạnh sẽ lại đi học tiếp. Còn tôi, con trai út, nhỏ tuổi, chưa giúp nhà được việc gì thì cứ học hành từ bình thường. Ngày ấy, biết mình phải tạm nghỉ, chị Hạnh đã khóc, giận bố mẹ tôi lắm, chị càu nhàu trách cứ là bố mẹ tôi không thương chị, mà chỉ thương chị Ngoan và tôi…
          Ôi, nỗi hờn giận trẻ thơ, đáng thương hơn là đáng trách. Đang tuổi ăn tuổi ngủ, tuổi học tuổi chơi, ấy vậy mà phải nghỉ học, thức khuya dậy sớm, lao động chân tay như người lớn vậy, thì bảo sao không hờn giận cơ chứ!

          Sau này, chị Hạnh khi đã thành đạt, thường cười tự giễu mình, mỗi khi nhà có việc đông vui, mấy anh chị em cũng nhau ôn nghèo kể khổ chuyện xưa cũ. Ngày ấy, dẫu có nằm mơ, thì chị Hạnh cũng chẳng bao giờ mơ thấy, một ngày nào đó, mình lại trở thành tiến sĩ khoa học,… Giờ đây, chị Hạnh là người có học vị cao nhất trong các chị em đại gia đình nội ngoại chúng tôi, là chuyên gia trong một vài lĩnh vực, và thường xuyên làm việc với các nhà khoa học nước ngoài, từng tham gia nhiều hội nghị khoa học chuyên ngành quốc tế ...  Nghỉ hưu nhà nước rồi, chị lại làm việc cho các tổ chức khoa học quốc tế ở ta…

( còn nữa )

Nhận xét