Tiểu thuyết Vô đề ( VII )


7.
Cứ theo tính cách của hai người chị tôi, chị Ngoan và chị Hạnh, thì hẳn ai cũng nghĩ là chị Ngoan vừa học giỏi, lại hiền ngoan, chăm chỉ hơn, còn chị Hạnh ngang bướng và học hành lại bình thường. Dĩ nhiên là vậy, nhưng đấy là cái tính trẻ con thế thôi, chứ khi lớn lên, sẽ thay đổi nhiều. Mà ngay khi còn là trẻ con, thì cũng chưa hẳn là vậy.
         Ngày trước, nhà tôi sống ở số ... ngõ Trúc Lạc, mặt chính thông ra phố Phó Đức Chính, mặt trong giáp với bờ hồ Trúc Bạch. Đây là dinh cơ của đại gia đình cụ Nguyễn Trọng, một nhà thầu nổi tiếng thời Pháp thuộc, từ cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20. Vì sao nhà tôi lại sống ở dinh cư này, là có nguyên do khá dài dòng.
Cụ Nguyễn Trọng thuộc dòng họ lớn, gốc làng Trúc Lạc. Nghe nói, làng này xưa kia, vốn là nơi sinh sống của dân ngụ cư tứ xứ kéo ra kinh thành Thăng Long lập nghiệp, sinh sống bằng nghề thợ thủ công, trong đó có dân nghề đúc đồng quê gốc Hưng Yên, Nam Định chi đấy. Cụ Nguyễn Trọng thì khởi nghiệp từ nghề xây dựng, và nghe đâu, cụ đã thông đồng với một số quan chức xứ ta làm việc cho chính quyền bảo hộ nên trúng được nhiều gói thầu béo bở mà phất lên nhanh chóng. Cụ này đông con lắm, trong số mấy con trai của cụ, lại có người lấy vợ là người làng Chuôm quê tôi. Gia đình người vợ cũng là một gia đình bề thế ở quê, vừa có họ xa, vừa có người từng theo học chữ Nho với ông nội tôi. Cứ dây mơ dễ má vậy, nên mới có chuyện, khi hiểu được chữ Nho dần thất thế, ông nội tôi đã nhờ cậy gia đình này nói khó để họ nhận bố tôi theo học nghề kiến trúc với cụ Nguyễn Trọng. Bố tôi bỏ chữ Nho ra Hà Nội trọ học là thế, và ông ở trọ ngay trong nhà thầy Nguyễn Trọng, cùng một lúc theo học quốc ngữ, học tiếng Pháp và nghề kiến trúc. Bố tôi vốn thông minh, nhanh trí nên theo được. Dinh cơ rộng lớn này, có một ngôi biệt thự lớn trung tâm liền với mặt ngõ, trong khuôn viên còn có mấy dãy nhà gạch, chuyên dành cho các thành viên của đại gia đình, người làm công và các học trò ở. Bố tôi kể rằng, cụ Nguyễn Trọng là một người rất nghiêm khắc. Sáng nào cũng vậy, dù mùa đông hay mùa hè, cụ đều dậy sớm, cắt đặt công việc cho mọi người. Hễ ai, dậy muộn, lười biếng không có mặt kịp giờ cụ giao việc là cụ đi kiểm tra ngay. Mùa đông rét mướt là thế, hễ thấy ai còn chui chăn ngủ, bất kể con cái hay người ở, học trò, là cụ hắt ngay cả chậu nước lạnh cho ướt hết chăn chiếu, quần áo, để lần sau nhớ mà chừa. Bố tôi khi kể lại chuyện này, ông như còn ám ảnh chuyện hắt nước ấy.
Sau cải cách ruộng đất, mẹ và hai chị tôi thoát được từ quê ra, về cùng sống với bố tôi tại một căn trong dãy nhà gạch đó, và ở chính nơi này, đã hoài thai rồi sinh tôi. Ngày ấy, cụ Nguyễn Trọng đã mất lâu rồi, cả dinh cơ ấy chỉ còn dăm gia đình sinh sống, đó là nhà ông Sâm, con trai thứ cụ Nguyễn Trọng, đứa cháu gái ngoại của cụ, và gia đình ông Đàm, nguyên là cán bộ kháng chiến về làm ngành giáo dục, ở chung trong ngôi biệt thự tây. Còn dãy nhà gạch thì có gia đình tôi, gia đình một người cháu gái, vài phòng chung cho mấy người độc thân hoặc có vợ con ở quê, và một căn nữa dành cho bà Đò, một người con dâu cụ Nguyễn Trọng. Tôi không rõ, tại sao đám con cái cụ Nguyễn Trọng đông đúc là thế mà chỉ có mấy nhà ấy sống ở dinh cơ chính, nơi khởi phát của cụ? Láng máng qua lời kể của bố tôi, hình như, cụ Nguyễn Trọng còn có nhiều dinh cơ khác nữa, ở quanh đấy và trên phố, nhưng sau này cụ phân chia cho các con khác, và họ sống ở những nơi ấy, hoặc có người được chia nhà cửa quanh đó, vì phá sản mà phải bán đi mất.
          Với ngần ấy gia đình, nên số trẻ con sống trong khu này cỡ vài chục đứa, cộng thêm đám trẻ con dăm đứa nữa ở khu nhà bên cạnh, vừa là hàng xóm vừa là dây mơ với nhà cụ Nguyễn Trọng, khiến số trẻ con đông lắm. Đám trẻ, lại chia ra thành mấy tốp. Tốp đầu, khi ấy đang học cuối ấp hai hoặc đầu cấp ba, gồm vài đứa con lớn nhà ông Sâm và con lớn nhà ông Đàm, vị cán bộ ngành giáo dục. Tốp hai, có mấy đứa  giữa con ông Sâm, ông Đàm và hai người chị tôi. Còn tốp bét, đứng đầu là cậu út nhà ông Sâm, vài đứa nhỏ nhà ông Đàm, tôi, thêm mấy nhóc của khu nhà bên cạnh. Đây là một xã hội thu nhỏ khá sinh động, tôi sẽ kể những câu chuyện của chúng sau...
Trẻ con đông đúc là thế, lại dều học trò, hay nghịch ngợm, mà người lớn thì bận đi làm cả ngày, có ai trông nom quán xuyên chi đâu. Trẻ con chơi đùa, nảy sinh va chạm, đánh nhau,là chuyện thường, nhưng giải hòa không khéo là từ chuyện trẻ con thành chuyện người lớn ngay.
Ngày đó, tôi cũng không nhớ vì sao mà mấy đứa út nhà ông Đàm lại hay bắt nạt tôi. Một lần, sinh chuyện, đứa lớn nhà ông Đàm bênh em nó, còn chị Ngoan bênh tôi, hai bên cãi vã. Bố mẹ tôi đi làm vắng, bà Quýnh, vợ ông Đàm thì nội trợ ở nhà, thấy đám trẻ con cãi nhau, đáng lý là người lớn phải đứng ra can ngăn, hòa giải, thì bà Quýnh lại bênh con mình, mắng chị Ngoan, chị Ngoan tức quá, cãi lại. Chuyện tưởng như vậy rồi thôi. Ai ngờ, chiều muộn mẹ tôi đi làm về, vừa thấy bóng dáng mẹ tôi là bà Quýnh xồ ra, nói xa xả, mách mẹ tôi rằng chị Ngoan hư, lại dám cãi nhau tay đôi với bà. Không những thế, bà Quýnh nghe hơi nồi chõ từ đâu, lại cạnh khóe rằng nhà tôi thuộc diện thành phần xấu, rằng bố tôi làm kiến trúc xây dựng cho tư nhân nhưng thực ra là làm cho giặc Tây, rằng bà tôi ở quê thì là địa chủ bóc lột nông dân, còn nhà bà thuộc thành phần cách mạng kháng chiến. Mẹ tôi bực lắm, bèn gọi riêng chị Ngoan ra hỏi chuyện. Khi nghe rõ đầu đuôi câu chuyện xích mích, mẹ tôi bảo với bà Quýnh là “Tôi đã dạy cháu rồi. Nó gây ra chuyện gì thì để cháu nó tự biết phải làm thế nào“. Thực ra, mẹ tôi có ý ngầm để một mình chị Ngoan tự ứng xử, còn chị lại nhất định không nhận mình có lỗi. Thế là cuộc chiến nổ ra, một mình chị Ngoan khẩu chiến với bà Quýnh cùng mấy đứa con nhà ấy. Bên nào đứng cửa nhà nấy, cách nhau một quãng sân, ứng khẩu, nhát một. Chị Ngoan hiền là thế, nhưng khi cần thì cũng cứng rắn, ghê gớm lắm thay. Cãi vã một hồi, bà Quýnh chu chéo méo giật: “Ới  bà Lụa kia, bà dạy con bà thế nào mà để con bà cãi nhau với tôi thế à? Còn con bé kia, tên mày là Ngoan là mày chả ngoan tí nào, mày hư lắm, dám cãi nhau với người lớn à…”. Mẹ tôi lầm bầm “Rõ người lớn già mồm, đi cãi nhau với trẻ ranh, dại chưa. Lần sau thì chừa nhé !?”.

Chán chê, rồi cuộc khẩu chiến ấy cũng kết thúc. Khi bố tôi và ông Đàm đi làm về thì cuộc chiến đã lặng. Trong nhà tôi, tôi thì trẻ con ngơ ngác, mẹ tôi có ý ngầm của mình, chị Ngoan hăng hái khẩu chiến, riêng chị Hạnh chỉ lặng quan sát cuộc khẩu chiến như người vô sự. Thực ra, chị Hạnh cũng muốn bênh chị và em mình, nhưng xét về phân cấp tốp trẻ trong ngõ, chị Hạnh đang là thủ lĩnh của tốp giữa, mà đám lâu la dưới trướng chị lại là mấy đứa con nhà Đàm- Quýnh. Tốp này, với sự cầm đầu của chị Hạnh, sau còn bày nhiều trò vè, quậy phá nhiều chuyện không tưởng …
( còn nữa )

Nhận xét