Tiểu thuyết Vô đề ( VIII )



        

       8.
       Trở lại chuyện học hành ở quê của mấy chị em chúng tôi.
Khi từ Hà Nội về quê, chị Ngoan đang học dở lớp 6, còn chị Hạnh lớp 5 cùng trường Chu Văn An. Ngôi trường này tên cũ thời Tây là trường Bưởi, sau hòa bình lập lại năm 1954, nó được đổi tên thành Chu Văn An, một nhà Nho, một vị quan thanh liêm, giàu khí tiết, một nhà giáo dục tài năng đức độ cuối thời Trần. Trường có hai cấp học theo hệ phổ thông 10 năm, cấp 2 từ lớp 5 đến lớp 7, cấp 3 từ lớp 8 đến lớp 10. Còn tôi, khi ấy đang học Vỡ lòng, ở dốc phố Châu Long, tức là mới học chữ cái, ghép vần, chỉ cần thuộc mặt chữ, biết đọc biết viết, chứ chưa hề học Toán với bốn phép tính cơ bản. 
Về quê, hai chị tôi tiếp tục theo học đúng lớp của mình, riêng tôi, chẳng hiểu sao, bố mẹ tôi lại cho tôi vào học lớp 1. Mấy ngày đầu vào lớp, ngoài việc làm quen với đám trẻ quê cùng lớp, tôi phải còn chịu đựng sự chế nhạo trêu người các đủ kiểu của bọn chúng. Khi học Tập đọc thì không sao, nhưng hễ hôm nào học Toán là tôi ngôi chết trân, chẳng biết phải làm gì. Ngó nghiêng nhỉn vở mấy đứa cùng bàn, thấy chúng nó viết các con số, phép tính, rồi dùng ngón tay hay que tính bằng tre tính tính toán toán, riêng tôi đã học Toán đâu mà biết cách làm. Hết giờ, thầy giáo kiểm tra, vở tôi để trắng, bèn hỏi tại sao, thì tôi bảo là chưa được học nên không biết cách làm. Lúc ra chơi, chúng nó cứ nhằm đôi guốc gỗ tôi đi dưới chân mà ê ê, thậm chí có đứa còn xông vào lấy guốc của tôi ra xem, rồi ném cho nhau xem như đồ chơi. Chúng nó toàn đi chân đất, thấy đôi guốc gỗ của tôi xem như vật lạ lắm. Tôi muốn bỏ quách đôi guốc để chúng nó đỡ trêu, nhưng tôi không quen chân đất, sợ nhất là giẫm phải gai, sợ gạch dăm và sỏi cát cũng đau chân lắm. Tôi thật dở khóc dở mếu vì chuyện nàỳ, đến nỗi, giờ ra chơi thì tôi không dám ra ngoài sân, cứ ngồi lì trong lớp để tránh sự trêu chọc của bón chúng. Hai chị lớn tôi cũng bị đám bạn học cùng lớp trêu chọc vì đi guốc gỗ. Chị Ngoan thì lẳng lặng thây kệ, còn chị Hạnh bản tính mạnh bạo thì cãi lại, có khi còn cáu tiết xông vào giằng lại guốc, dùng guốc làm vũ khí chống lại bọn kia. 
Sau mươi ngày học thử lớp 1, thấy tôi không theo được vì chưa hề học môn Toán học, nhà trường đã nói với bố mẹ tôi cho tôi nghỉ ở nhà, chờ đợi năm học sau. Tôi cũng không theo lớp vỡ lòng ở quê, mà ở nhà, bố tôi dạy tôi tập đọc tập viết, ông cũng dạy tôi học Toán, cách làm các phép tính, nên năm học sau, niên khóa 1965-1966, khi bước vào học lớp 1, tôi không những đọc thông viết thạo, chữ khá đẹp, còn biết làm toán. Hai chị tôi, theo quyết định của bố mẹ, chị Hạnh đã hết lớp 6, tạm nghỉ ở nhà phụ giúp bố mẹ làm bánh cuốn, chị Ngoan theo học nốt lớp 7 dể có bằng tốt nghiệp cấp 2 rồi thôi luôn. Chị Hạnh ức lắm, tị nạnh với chị Ngoan, rồi ngầm trách bố mẹ tôi con yêu con ghét. Được cái, chị Ngoan rất thông minh, luôn đứng đầu lớp, mà về nhà vẫn dành thời gian để đỡ bớt công việc cho chị Hạnh, nên mọi việc đều ổn thỏa.
Còn tôi, bước vào lớp 1 là tôi đứng đầu lớp ngay. Ngày ấy, trường lớp ở quê còn thiếu, nên lớp 1 của tôi học ngay trong đình làng. Thầy dạy lớp tôi là tên là Sanh, là người trong làng, nhỏ người diện thấp bé nhẹ cân, một mắt bị dị tật. Nghe bố tôi bảo, thầy cùng họ với nhà tôi, nhưng ở chi khác, và xét họ hàng xa, thì thầy là vai chú tôi. Lớp học ở quê ngày ấy buồn cười lắm, thầy trò đều là người làng, họ hàng với nhau, nhiều đứa học trò xét về họ hàng ngang vai nhau, thậm chí có đứa vai trên, nên khi dạy và học khó lắm. Đã có chuyện, thầy cô phạt học trò, học trò cãi lại, văng tục bảo tao là chú, là anh mày, sao mày phạt tao. Lại có chuyện khôi hài cười ra nước mắt, ấy là khi lên lớp 2, có đứa cùng lớp với tôi, cô giáo cũng người làng dạy, khi bị cô phạt vì tội nói chuyện riêng, bắt đứng úp mặt vào tường, nó phá quấy không chịu, xin ra ngoài đi tiểu, bảo buồn tiểu quá, nếu không cho ra ngoài thì nó tè ngay ra lớp, cô vẫn không cho ra, nó vạch quần tè luôn ra lớp, cô bực quá đánh thước kẻ vào mông, nó khóc và chạy về nhà mách bố mẹ, bố nó liền đến lớp mắng té tát cô giáo,lại còn dọa mách bố mẹ cô giáo nữa. Thật chẳng ra sao cả,
Tôi học giỏi, nên ngay năm đầu lớp 1, trường đã chọn tôi đi dự kỳ thi học sinh giỏi môn Toán. Nơi tổ chức kỳ thi đó ở một xã khác trong huyện, nếu đi đường chính thì từ quê tôi đến đấy cũng gần chục cây số, còn như đi tắt, băng qua đồng cũng cỡ bảy cây số. Thầy Sanh nhận trách nhiệm đèo tôi bằng xe đạp đến nơi dự thi. Hôm đi thi, tôi dạy sớm ăn sáng, đợi thày Sanh đến đèo đi. Thầy thấp bé, lại chọn đường tắt băng đồng, nên thầy trò trầy trật, có lúc tưởng cả hai thầy trò ngã xuống mương cừ nước. Đường tắt, đi ngang qua một cổ quán, tức là quán nghỉ giữa đồng của một làng ven đường, quán này cũ kỹ rêu phong mái, cạnh quán có một cây si cổ um tùm lá, vời những chum rễ buông, rễ xoắn vào than cây, nhìn rất cổ quái. Khi thầy Sanh chở tôi ngang qua đấy, tôi nhìn vào sợ rúm người, tay bấu chặt vào mạng sườn thầy, khiến thầy đau kêu ai ái, tôi sợ đến mức thiếu nước nhảy khỏi booc-ba-ga xe bỏ chạy lên trước. Qua khỏi cổ quán một đoạn, khi chưa hoàn hồn thì đường đi lại băng ngang một khu nghĩa địa cũ, nhìn vào thấy nhấp nhô những gò đống mồ mả to nhỏ, xen kẽ những cây dứa dại cổ thụ. Tôi nín thở vì sợ, nhưng không sợ đến mức như sợ cái quán cổ vừa nãy. Cuối cùng rồi cũng đến được trường dự thi. 
Các học sinh từ khắp các trường cấp 1 trong huyện đã tề tựu. Đứa thì thầy cô của trường đưa đi, đứa thì cha mẹ đưa đến. Thầy Sanh dặn dò tôi mấy câu rồi tôi vào lớp thi. Đã quá lâu rồi, và khi ấy tôi mới bước vào 8 tuổi, nên chẳng còn nhớ về đề thi. Song tôi nhớ mang máng là các câu thi Toán ấy phần lớn là kiểu đố mẹo, đòi hỏi trí thông minh đặc biệt mới làm được, thế nên, tôi có học giỏi thì cũng chỉ là dạng con hát mẹ khen hay, làm bài thi, bài được bài không, câu được câu mất, kết quả, không được giải gì. 
Thi xong, làm không mấy tốt, tôi không vui chút nào, nhưng đấy chưa phải là tất cả. Tôi lo không biết khi thầy Sanh hỏi về kết quả làm bài, mình sẽ trả lời ra sao, chân bước ra cổng trường, thấy cảnh thầy trò, cha mẹ thiên hạ hỏi con xem thi cử ra sao, đầu óc nặng ý nghĩ tìm câu trả lời thầy. Nhưng ôi thôi, tôi đảo quanh tìm thầy Sanh mà chẳng thấy thầy đâu, tôi thoáng sợ, dáo dác tìm thầy. Tôi cứ loanh quanh, nhớn nhác hết cổng trường rồi mấy ngả đường dẫn vào trường mà tuyệt không thấy bóng dáng thầy Sanh. Một hồi, cổng trường vắng tanh, mọi người đưa đón nhau đã về hết, tôi sợ toát mồ hôi hột, sợ đến tè ra quần, mặt đầm đìa nước mắt. Chết lặng vì sợ giờ lâu, qua cơn tuyệt vọng, tôi nghĩ, chắc thầy Sanh đưa mình đến đây rồi thầy đi họp hành đâu đó, để mình tự về. Nhưng nếu vậy, sao ban sáng thầy không bảo mình trước. Một sự táo bạo lóe lên trong ý nghĩ, tôi quyết định nhớ lại, lần ngược đường ban sáng để về. Trước hết là xác định phương hướng, nhớ lại đường, theo đúng vệt lối cũ sáng đến đây lối nào, thì về đúng lối đó, cứ như theo vệt bánh xe đạp ban sang, chỉ có điều ngược lại thôi. 
Nỗi sợ cứ thế dần vơi, tôi nghĩ, chỉ cần không lạc đường sẽ về được nhà. Lại băng ngược qua nghĩa địa, rồi cổ quán. Tôi nhớ, ngày đó, đến cách cổ quản chừng chục thước, tôi dừng lại một chút nén nỗi sợ, mắt nhắm mắt mở, căm đầu chạy thục mạng băng ngàng cây si quán cổ, qua vài chục thước mới dám chậm lại. Tôi chạy đến mức chiếc cặp đeo trên vai xóc nảy lên như muốn văng ra khỏi vai tôi. Dừng lại chút để thở, xì ra mồm nỗi sợ hãi, tôi chỉ dám nghé đầu nhìn lại ngôi cổ quán, rồi theo đường cũ cắm cúi đi. Đến bìa xã quê tôi, tôi thở phào vì biết mình sẽ không lạc đường. Về đến nhà, gần 2 giờ chiều, áo đẫm mồ hôi, quần cỏ may găm đầy, đầu tóc bơ phờ, đói và khát đến lả người đi. Thấy bộ dạng tôi vậy, bố mẹ xoắn lấy hỏi han, lấy nước cho uống, cơm cho ăn. Vừa ăn, tôi vừa kể lại sự tình, nghe rồi, mẹ tôi than thở, sao lại thế nhỉ, còn bố tôi khá bực tức, ông bảo sẽ hỏi rõ thầy Sanh sao lại bỏ tôi như vậy. Vừa mừng, vừa sợ, vừa bực mình, nên bố mẹ tôi chẳng them quan tâm đến kết quả thi cử của tôi, bố tôi động viên, “Con về đến nhà là tốt rồi, làm bài thế nào cũng không sao, con ạ”. 
Hôm sau đi học, tôi định bụng và theo lời mẹ dặn, hỏi lại thầy Sanh sao lại để tôi như vậy. Thầy vào lớp, dạy bình thường, tuyệt không đả động gì đến chuyện thi cử của tôi hôm qua. Lúc ra chơi, tôi tìm thầy, chưa kịp nói gì thì thầy đã át tôi, bảo: “Đề thi chắc là khó lắm nhỉ. Không được giải cũng không sao, em ạ”. Rồi thầy đi làm việc khác, không hề nói đến chuyện thầy đi đâu, làm gì và sao lại không chờ đón đưa tôi về. 
Cho đến sau này, tôi không nói lại chuyện đó, và đến tận bây giờ, tôi cũng không biết vì sao hôm ấy thầy Sanh lại bỏ tôi như vậy. Lâu lâu về làng, tình cờ gặp thầy Sanh, đã là ông lão già lụ khụ ngoài tám chục tuổi, tôi chào thầy bằng chú, xưng hô theo kiểu họ hàng ở quê, thầy chào lại theo kiểu xã giao thôi. Ngày còn trẻ, đôi khi nhớ lại chuyện này, tôi có thoáng trách thầy thiếu trách nhiệm, nhưng thâm tâm, tôi lại biết ơn thầy Sanh về chuyện đó. Ấy là, sự việc đó, vô tình đã sớm khơi dậy trong tôi tính tự lực cánh sinh, không thể phụ thuộc và dựa đẫm vào ai, khó đến mấy cũng có cách giải quyết, những đạo lý cha mẹ tôi từng dạy, nhưng đấy là bài học thực hành đầu đời. 
Theo cách nói vừa hình tượng vừa thông dụng bây giờ, ấy là “hãy tự cứu mình, trước khi trời cứu”. 

Nhận xét