Rong chơi với một chữ Tình ( XII )


         


          12. Phỏng vấn nhà văn Võ Huy Tâm.

Trong hành trình làm báo của mình, gặp gỡ, hỏi chuyện các nhà văn, nhà thơ hoặc các văn nghệ sĩ khác, để phục vụ cho nghiệp vụ báo chí của mình hay đơn thuần thỏa chí tò mò, bao giờ cũng có cái ký thú riêng. Với tôi, trong tư cách của người làm báo chuyên nghiệp, hoặc tư cách của một người sáng tác văn thơ, tôi đã từng gặp một số vị nổi tiếng trong làng văn chương xứ ta, như Văn Cao, Anh Thơ, Nguyễn Thành Long, Nguyên Ngọc, Tào Mạt, Ma Văn Kháng, Phạm Hổ, Võ Huy Tâm, Phùng Quán, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Huy Thiệp v.v... song có lẽ, cuộc gặp gỡ và phỏng vấn nhà văn Võ Huy Tâm là cho tôi ấn tượng mạnh và thú vị nhất.
Số là, năm 1995, nhằm kỷ niệm 50 cách mạng Tháng Tám thành công, tôi làm chủ biên, cùng hai đồng nghiệp là nhà báo Nguyễn Huấn và Trần Nhật Minh, được Ban biên tập Văn hóa Xã hội của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) giao thực hiện một chương trình Tạp chí truyền thanh với thời lượng 45 phút, về chủ đề này. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, chúng tôi quyết định chọn cái tứ của Tạp chí, ấy là so sánh sự thay đổi về đời sống ở thời điểm trước năm 1945 với thời điểm hiện tại của hai thành phần cốt cán là nông dân và công nhân. Và để thể hiện điều này, chúng tôi chọn sự biểu hiện thông qua các tác phẩm văn học hiện thực ở thời điểm trước năm 1945, của hai nhà văn tiêu biểu là Ngô Tất Tố ( với Tắt đèn, Việc làng ) và Võ Huy Tâm ( với Vùng Mỏ ). Với mảng nông dân, vì nhà văn Ngô Tất Tố đã mất từ lâu, nên chúng tôi tìm đến quê hương của nhà văn Ngô Tất Tố ở Mai Lâm, Đông Anh (Hà Nội) để gặp gỡ người thân của ông và bà con nông dân trong vùng,... Xin phép không kể ở đây. Còn mảng công nhân, có vẻ thuận lợi hơn, khi nhà văn Võ Huy Tâm đang sống ở Cẩm Phả, Quảng Ninh. May mắn, ở thời điểm ấy, Võ Huy Tâm sau một thời gian dài sống trong ngôi nhà tạm trong vùng núi để dạy chữ cho đám trẻ thất học, đã về lại phố, ở ngôi nhà tầng mới khang trang do các công ty Than trợ giúp dựng tặng...
Để gặp được nhà văn Võ Huy Tâm, chúng tôi phải bắt đầu và nhờ cậy nhà văn Dương Hướng, khi đó đang làm việc ở Hải Quan Quảng Ninh và đã trở thành nổi tiếng bởi tiểu thuyết Bến không chồng rồi. Dương Hướng vui vẻ nhận lời, nhưng anh bảo cũng không rõ địa chỉ cụ thể nhà của Võ Huy Tâm, nên chỉ dẫn chúng tôi đến nhà của nhà thơ Trần Ngọc Tảo, hy vọng nhà thơ biết rõ. Khi đến nhà Trần Ngọc Tảo thì vợ ông cho biết là ông vắng nhà, cũng vừa ra khỏi nhà thôi, nghe đâu như đến nhà của nhà văn Tô Ngọc Hiến, rồi rủ thêm ai nữa đi rượu thịt cầy. Nguyễn Huấn nửa cười nửa mếu, bảo: "Trời mưa gió thế này, các bố nhà mình đi rượu thịt chó là nhất trần đời, còn gì bằng nữa, trong khi các con đang khổ ái thế này đây, mấy bố ơi". Tôi thì ngao ngán thật sự. Đận ấy, không hiểu áp thấp nhiệt đới chi đó mà trời Đông bắc mưa tầm tã. Đã gần trưa rồi mà vẫn chưa được việc gì, trong khi công việc gấp, kiểu gì đêm tối cũng phải về đến Hà Nội. Lúc ấy, chưa có điện thoại di động như bây giờ, đành kéo về phòng làm việc của nhà văn Dương Hướng. Lại điện thoại một hồi, rồi Dương Hướng cũng hỏi được địa chỉ nhà riêng của Võ Huy Tâm.
Tạm biệt Dương Hướng, xe chúng tôi nhằm hướng Cẩm Phả trong trời mưa không dứt, lúc thưa lúc mau, qua Cọc 6, rồi thị xã Cẩm Phả cũng hiện ra trong màn mưa. Đường phố ngập sũng, nhiều lúc mưa mau kính gạt nước không xuể, lại dò dẫm hỏi đường một hồi, cuối cùng cũng tìm đúng nhà của ông. Bà vợ ông ra mở cửa, lúc ấy đã quá ngọ.
Vừa mời khách, bà vừa gọi ớ lên gác: "Ông ơi, có các nhà báo của Đài Tiếng nói Việt nam, từ Hà Nội xuống, muốn gặp ông đây này". Nghe tiếng ông í ới trên gác mà mùng. Ông xuống cầu thang, miệng nói oang oang, nhưng chân loạng choạng, tay bám thành cầu thang mà xuống. Sau một hồi giao đãi, tôi hiểu ông đã ngà ngà say. Mà ông cũng tự nhận là vừa cơm trưa xong, có làm dăm ba chén, vừa mới lên gác ngủ trưa thì chúng tôi ập đến. Tôi trực tiếp phỏng vấn, Trần Nhật Minh thì chuẩn bị máy và bấm máy thu, còn Nguyễn Huấn lăng xăng vòng ngoài, chủ yếu lựa góc chụp ảnh bằng cái máy ảnh nhãn hiệu Pratica cũ kỹ của mình. Tuy vẫn chủ động đặt câu hỏi, song tôi mặc cho ông nói thoải mái, chủ yếu là những gì liên quan đến thực tế và quá trình ông viết tiểu thuyết Vùng Mỏ. Ông cao hứng, nói rộng ra nhiều chuyện, đặc biệt ông còn nhớ hết một bài vè dài mô tả đời sống thợ thuyền ở vùng than thời Pháp thuộc. Buồn cười nhất, vì ông đang ngà ngà, lại quá cao hứng, nên tôi liên tục phải điều chỉnh khoảng cách hợp lý từ chiếc micro đến miệng ông sao cho âm lượng thu thanh vừa đủ, không quá to, quá nhỏ. Thấy vậy, hình như ông cũng ý thức được điều này, nên đang cao hứng ông lại hạ giọng như thì thầm, hoặc im bặt giây lát,... Tôi chỉnh chiếc mic gần miệng ông thì ông lại ngả người ngửa đầu ra phía sau, cứ như ông sợ, hay né tránh chiếc mic vậy. Thấy tôi như đánh vật với chiếc mic, Nguyễn Huấn và Trần Nhật Minh bụm miệng cười.
Ngộ nhất, đang trả lời phòng vấn, chợt Võ Huy Tâm nhớ ra, và à lên, gọi vợ: "Bà nó, lên gác lấy cái chai rượu của tôi đang uống dở, chạy ù ra phố, mua thêm rượu về đây để tôi đãi các chú nhà báo ở Đài Tiếng nói Việt nam". Vợ ông thần người ra ngần ngại, phần vì ông đã say mèm, phần vì ngoài trời mưa gió là thế, nhưng hiếu khách thì không thể không đi, nên khi bà lên gác lấy chai, chúng tôi đã can bằng được ông và nhất quyết từ chối, lấy cớ xong việc phải về Hà Nội gấp cho việc dàn dựng chương trình này. Vậy ông mới thôi.
Xong việc, ông khoe là dạo này có làm thơ, rồi tự mình lên gác lấy xuống mươi bài thơ của ông được đánh máy trên giấy xấu, tặng cho tôi và anh em trong đoàn công tác dọc chơi. Những bài thơ ấy, tôi đã đọc kỹ, viết giới thiệu trên đài báo, "Võ Huy Tâm, một chút thơ để lại đời", và sau này, tôi có cho in trong tập sách chân dung văn học của tôi (Trời đất thu hay lòng ta thu-NXB Dân trí, 2016). Tôi cũng không rõ, những bài thơ ấy, ông đã in ở báo chí hay tập sách nào chưa?
Rời nhà Võ Huy Tâm, trời đã sang chiều, mưa cũng đã ngớt dần, đường phố Cẩm Phả vẫn ngập chìm trong nước. Lúc ấy, ai cũng cảm thấy đói meo, bảo nhau tìm một quán ăn nào ăn tạm cho đỡ đói. Tuy đói mệt là vậy, nhưng ai cũng vui vì được việc, vì sự thú vị hài hước từ cuộc gặp gỡ và phỏng vấn nhà văn...

Đây cùng là một kỷ niệm đầy ấn tượng và đáng nhớ trong hành trình làm báo của riêng tôi !...

Nhận xét