Tiểu thuyết Vô đề (X)



10.

Cuộc đời con người ta là vậy,

Sự nghiệp và tài sản là mấy thứ quan trọng của mỗi cuộc đời con người ta, nhất là với người đàn ông. Bố tôi, may mắn sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho gia, bậc trung, gần mẫu ruộng đất với thổ cư vài sào, thêm nữa, ông nội tôi gõ đầu trẻ, dạy chữ Nho nên ít nhiều có thu nhập ngoài canh tác. Bố tôi, ngày nhỏ, chỉ mỗi việc học hành, không phải chân lấm tay bùn bao giờ. Bao việc đồng áng đều một tay bà nội và bác gái tôi lo toan. Đến khi bác gái đi lấy chồng thì một tay bà nội tôi đảm đương. Ngạch trưởng nhà tôi hiếm trai, đến bố tôi là đời thứ tư độc đinh, nghĩa là đã liền bốn đời, mỗi đời chỉ có mỗi một con trai nối dõi tông đường. Ông nội tôi bạch diện thư sinh,thể trạng yếu ớt, may bà nôi tôi thấp đậm khỏe mạnh kéo lại, nên cả hai chị em của bố tôi ai cũng thừa hưởng sự khỏe mạnh từ mẹ. Vì yếu người, lo không thọ, lại trách nhiệm trưởng chi, cần sớm có cháu đích tôn nối dõi tông đường, nên ông nội tôi bàn với bà, sớm tính chuyện gia thất cho bố tôi...
Mai mối thế nào, ông bà chấm cô Nhu, người làng Trâu, nơi con gái lớn của ông bà về làm dâu. Gia đình cô Nhu thuộc diện giàu có của làng ấy, nghe đâu cũng có tới ngót chục mẫu ruộng tốt. Cô Nhu lại khỏe mạnh, bằng tuối bố tôi, dáng người lợi cho đường sinh nở. Bà Lợi, em ruột bà nội tôi, một người mau mắn, mồm mép, thạo chuyện buôn vặt chợ nọ chợ kia, đảm nhận việc đưa bố tôi đến đánh tiếng với nhà ấy và xem mặt cô Nhu. Khi hai dì cháu đang ngồi uống nước tại tràng kỷ với ông bà nhà thì cô Nhu đi làm đồng về, từ trong nhà nhìn ra, gần ban trưa, hai dì cháu nhìn dáng người có vẻ hài lòng, nên đánh tiếng nhờ bố mẹ cô Nhu gọi cô ra chào khách. Xem mặt rồi, thấy cũng dễ coi, nên bố tôi ưng thuận. Bố tôi kể, dì Lợi rất thạo việc mai mối, xem mặt, nên ông bà nội tôi tin tưởng lắm. Chuyện này phải cẩn thận, bởi đã có chuyện nực cười có thật xảy ra ở làng bên, ấy là nhà nọ, hỏi vợ cho con; hôm đi xem mặt, đến vào buổi chiều, cô dâu tương lai đi làm đồng vắng, chập choạng tối mới về, cô này đi ngang qua sân, đầu choàng khăn kín mít, chú rể tương lại nhìn dáng người thấy thích nên ưng ngay, chẳng cần xem mặt; đến hôm cưới, cô dâu đón về hóa ra không phải người ấy, thì chuyện đã rồi, đành ngậm ngùi chấp nhận mà thôi; số là nhà gái có hai cô con gái, Tý chị hình thức kém chút, còn Tý em trẻ đẹp hơn và cũng đã có mối nhắm rồi, nhà nọ đánh tiếng xem mặt, bị nhà gái xảo thuật cho xem người cô em, vì chủ quan nên nhà trai không nói rõ ngọn ngành và tỏ mặt cô dâu, nên mới ra chuyện, đi hỏi Tý em lại cưới về Tý chị. Với cô Nhu, như thế là cẩn thận, yêm tâm rồi. 
Không những thế, trước khi xem mặt, bố tôi đã biết cô Nhu. Ông kể là, trước đấy một thời gian, có lần, ông theo đám trẻ làng đi hôi cá ở ao làng sau khi tát ao cuối năm. Đám trẻ đang lục sục quấy bùn, mò mẫm thì trên đường làng xuất hiện hai cô gái, một cô áo cánh nâu nhỏ người hơn, cô kia áo cánh trắng hé lộ mông vú nở nang dưới làn áo mỏng. Khi ngang qua ao làng, hai cô gái lạ sợ sệt khép nép đi, không dám nhìn xuống nơi có đám người đang hôi cá. Dẫu vậy thì các cô cũng không tránh khỏi sự trêu chọc của đám trai làng. Đám trai mới lớn nhìn hau háu vào hai cô gái, rồi ê ê và vốc bùn ao ném tứ tung vào các cô. Các cô ríu nhau bỏ chạy ra xa khỏi tầm ném mới dám dừng lại, cô áo cánh trắng gạt bùn trên má, rồi làm cử chỉ dọa và chọc lại đám trai làng, còn cô áo cánh nâu thì lôi tay gàn cô áo trắng. Bọn trai làng thích chí cười ầm ĩ. Một cậu trai làng lớn hơn bố tôi vài tuổi tỏ ra thông thạo, bảo rằng, con bé áo cánh trắng tên là Nhu, người làng Trâu, con ông nọi bà kia, nhà nó giàu nhất nhì làng, rồi cậu ta còn khoe là, thích cái Nhu lắm, nhưng hiềm vì nhà nó nghèo, sợ nhà kia chê không môn đăng hộ đối nên không dám đánh tiếng hỏi. Bố tôi bảo, khi ấy chỉ ậm ờ cho qua chuyện, nhưng cũng cảm thấy thinh thích cô Nhu rồi. 
Duyên gặp gỡ là vậy, giờ thì thành duyện phận với nhau rồi, đành phải chiều thôi. Khi ấy, bố tôi đã ra trọ học ở nhà cụ Nguyễn Trọng làng Trúc Lạc rồi, nên đám cưới cũng nhanh chóng được thu xếp ổn thỏa. Sau đám cưới khá to, ăn uống đến vài trăm mâm cỗ, cô Nhu về làm dâu ông bà nội tôi, với của hồi môn 5 sào ruộng. Hết tuần trăng mật, bố tôi ra lại Hà Nội ăn học tiếp. Tưởng yên bề gia thất, yêm tâm học hành thành tài, thỏa chí lập nghiệp, thì có chuyện xảy ra. Đước mấy tháng, bà nội tôi cho người nhà ra gọi bố tôi về giải quyêt chuyện nhà. Vẫn chuyện muôn thuở, mẹ chồng con dâu mâu thuẫn. Bà nội tôi, kể tội con dâu với bố tôi, việc nhà thì không khéo, việc đồng không thạo, cãi miếng một với mẹ chồng... Những tội ấy có thể tha được và dạy bảo dần, song tội coi thường nhà chồng thì không thể bỏ qua. Bố tôi gặng hỏi mấy lần, bà nội tôi mới kể, rằng cô Nhu đã vai ba lần, lên mặt nhà mình giàu, chê nhà chồng là nhà Nho nghèo, chữ không mài ra mà ăn thay cơm được. Ông nội tôi bị xúc phạm, ức trong lòng những trả lời con dâu, chỉ giao việc ấy cho bà nội tôi xử. Thực lòng, bố tôi không muốn cuộc hôn nhân đổ vỡ, nhưng bên cha mẹ thì phải hiếu đễ, còn bên vợ thì phải cảm thông, tha thứ, nên chằng dám quyết gì. Cô Nhu cũng là người đáo để, nhất quyết không một lời xin lỗi, nên chuyện chẳng đi dến đâu cả. Bố tôi ra Hà Nội, được dăm bữa nửa tháng thì người nhà lại ra tìm báo tin, cô Nhu mượn cớ xin về thăm cha mẹ và ăn giỗ cụ, rồi ở lại nhà cha mẹ đẻ, không chịu về nhà chồng nữa. Bố tôi phiền lòng lắm, vì cuộc hôn nhân đầu, còn chưa kịp bén duyên đã có nguy cơ sẽ tan thành mây khói mất...

Nhận xét