Rong chơi với một chữ Tình (XIII):



Non xanh nguyên vẻ cũ,...

Đây là một câu thơ trong bài thơ Lâm Giang tiên của Dương Thận, một thi sĩ đời Minh ở Trung Quốc. Nếu chỉ có vậy, hẳn bài thơ này sẽ ít người biết, nhưng nó đã trở thành nổi tiếng, bởi bài thơ này đã được phổ nhạc, thành bài hát đầu phim Tam Quốc diễn nghĩa, một bộ phim truyền hình lịch sử được chiếu trên truyền hình Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác bấy lâu nay, làm say mê triệu triệu người xem. Xin không bàn đến tính âm nhạc hào hùng bi tráng của ca khúc này, mà chỉ bàn về phần lời mà thôi. Ấy là bài thơ Lâm Giang tiên của Dương Thận thi sĩ nọ...
Sở dĩ, tôi bàn về bài thơ này, là bởi, tôi cảm thấy hài lòng khi vừa sưu tầm được một bức thư pháp thể hiện Lâm Giang tiên do Nhà thư pháp Đỗ Tụ thủ bút.
臨江仙
滾滾長江東逝水,
浪花淘盡英雄。
是非成敗轉頭空。
青山依舊在,
幾度夕陽紅。
白髮漁樵江渚上,
慣看秋月春風。
一壺濁酒喜相逢。
古今多少事,
都付笑談中。

Lâm giang tiên

Cổn cổn Trường Giang đông thệ thuỷ,
Lãng hoa đào tận anh hùng.
Thị phi thành bại chuyển đầu không.
Thanh sơn y cựu tại,
Kỷ độ tịch dương hồng.
Bạch phát ngư tiều giang chử thượng,
Quán khan thu nguyệt xuân phong.
Nhất hồ trọc tửu hỉ tương phùng.
Cổ kim đa thiểu sự,
Đô phó tiếu đàm trung.

Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông
Sóng vùi dập hết anh hùng
Được, thua, phải, trái, thoắt thành không
Non xanh nguyên vẻ cũ
Mấy độ bóng tà hồng!
Bạn đầu bạc ngư tiều trên bãi
Đã quen nhìn thu nguyệt xuân phong
Một bầu rượu vui vẻ tương phùng.
Xưa nay bao nhiêu việc
Phó mặc nói cười suông
( Phan Kế Bính dịch )
Bài thơ giàu nhạc điệu, bi tráng và da diết làm sao, vừa khơi gợi mà lại an ủi, vỗ về nỗi đau của con người, Như một triết lý nhân sinh về chiến tranh, khiến người ta cảm hoài không thôi,... Thực lòng, khổ 2 bài thơ này, học giả Phan Kế Bính dịch chữ nghĩa quá. Tôi yêu cách dịch mộc như lời bài hát trong phim hơn "Bạn ngư tiều giãi giàu trên bãi/ Tính đã quen gió mát trăng trong/ Một bầu rượu cũ vui bầu bạn/ Chuyện đời tan trong chén rượu nồng".
Tôi có thói quen, cứ mỗi độ xuân tết, tôi hay lang lang ra Hồ Văn, Văn Miếu-Quốc tử giám, thưởng thức và trò chuyện với các ông Đồ thời nay, rồi sưu tầm nhừng bức thư pháp ưng ý. Tôi đặc biệt thích những thư pháp thể hiện cổ thi Hán Nôm, vì ngoài giá trị về hình thể thư pháp, mình còn được thưởng thức hàm ý chữ nghĩa cao thâm của triết học và thi ca. Thế nên, những bài thơ như: Xuân hiểu của Mạnh Hạo Nhiên, Tầm ẩn giả bất ngộ của Giả Đảo, Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế, Lương Châu từ của Vương Hàn, Tĩnh dạ tư của Lý Bạch,... hay Cáo tật thị chúng của Mãn Giác thiên sư, Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan,v.v... được thể hiện bằng thư pháp, tôi đều thích thú và cố gắng sưu tầm.
Năm nay, trước tết Nguyên đán, tôi rủ một người bạn học, tên Hoàng Gia Trình, cùng chơi hội chữ Hồ Văn. Bạn tôi là người từng học Trung Văn, lại là tín đồ của tiểu thuyết lịch sử Trung Hoa (Đông Chu liệt quốc, Tam Quốc diễn nghĩa, Tây Du ký, Thủy Hử truyện, Hồng Lâu mộng, Túy Đường diễn nghĩa, Kim Bình Mai, Thanh Cung mười ba triều v.v...) và truyện kiếm hiệp Kim Dung. Tôi và anh có thể hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm đàm thoại với nhau về sách vở loại này. Vậy nên, hai chúng tôi vừa thưởng ngoạn thư pháp vừa trò chuyện về lịch sử và các nhân vật... Rồi chúng tôi sà vào một thư quán của ông đồ có chòm râu dài bạc trắng, ấy là Đõ Tụ. Phong thái và chòm râu bạc của ông Đồ này đã ấn tượng, song mấy bức thư pháp ồng treo trên vách quán hấp dẫn chúng tôi hơn, đó là mấy bức chép Phong Kiều dạ bạc,Lâm Giang tiên và Cáo tật thị chúng. Nét chữ cứng cáp nhưng vẫn khoáng đạt, uyển chuyển với thể chữ Hành và Hành Thảo khiến chúng tôi thích thú. Vậy là hai chúng tôi cùng ông đồ Đỗ Tụ đàm đạo một hồi và kết quả là tôi có trong tay bức thư pháp Lâm Giang tiên trên giấy dó và Hoàng Gia Trình có Cáo tật thị chúng trên giấy điệp.
Trời mưa xuân rắc bụi nước mờ mịt làm khu Hồ Văn bỗng trở nên sương khói chiều muộn...

Nhận xét