Tiểu thuyết Vô đề ( XI )




11.
 Làng Khê Thủy quê tôi là một làng lớn thuộc xã Hương Linh. Nghe nói, ngày xưa, thuở lập làng từ triều đại nào thì không rõ, nhưng căn cứ theo lịch sử hình thành của ngôi chùa cổ Thái Linh thì vùng đất này có cư dân sinh sống sớm nhất phải trước thời Lý.
Xã Hương Linh từ xa xưa đã phân chia thành hai làng. Làng Khê Thủy nằm bám bờ một con sông nhỏ, là chi lưu của sông Cái, nên có tên chữ là Khê Thủy. Làng kia, tên làng được lấy làm tên xã là Hương Linh, chỉ bám bờ sông một đoạn ngắn  rồi phát triển theo chiều vuông góc với bờ sông, và gồm có ba xóm, ấy là xóm Tự, nơi chùa Thái Linh tọa lạc và giáp với làng Khê Thủy; tiếp đến là xóm Trì vì ở đây có liền một dãy ao lớn; rồi nữa là xóm Lộ, gọi vậy là do xóm này bám theo rìa con đường cái quan liên tổng liên huyện.
Làng Khê Thủy, tên chữ là vậy, nhưng do địa thế trườn mình theo bờ sông uốn khúc nên hình dáng giống con rắn đang bò, nên làng có tên tục là làng Xà, và thời nào cũng có kẻ bụng dạ tiểu nhân, gian ngoan. Về hình dáng làng liên quan đến tính cách hay thân phận con người, xưa nay cũng có nhiều cách nhìn nhận khác nhau. Có ý kiến bảo, từ xa nhìn bao quát thấy giống cánh cung đang giương căng dây, nên đàn ông thường tính khí nóng nảy. Lại cũng có ý khác, bảo hình dáng làng hao hao con cò đứng ở bờ sông ngoảnh cổ lại, nên người làng có hanh thông quan lộ bao nhiêu hay làm ăn phát đạt đâu xa, đến khi về già, cũng mong hồi hương... Đại khái thế, điều này thì cũng vài ba lần tôi nghe bố tôi bảo vậy.
Làng Khê Thủy, tộc họ Nguyễn là lớn nhất. Trong làng cũng có vài ba họ khác như họ Lê, họ Hồ, họ Phạm, họ Đoàn, nhưng rất nhỏ. Ngày xưa, việc họ to là quan trọng lắm, từ lý trưởng trong làng, đến chánh tổng hàng tổng cũng phải nể nang mấy phần, vì thế những nhà họ nhỏ bị lép vế, nên từng có nhà tự nguyện cải họ xin vào họ lớn để được núp bóng, hòa đồng. Tộc họ Nguyễn nhà tôi cũng có mấy nhà từ họ khác xin gia nhập và được chấp thuận. Tộc họ Nguyễn làng Khê Thủy phân nhánh thành ba chi lưu, chi nhánh nhà tôi là chi giữa. Các cụ tổ trực hệ nhà tôi là trưởng chi lưu, và cứ thế, ông nội tồi, rồi bố tôi thay nhau thủ vai trưởng chi họ. Nếu sống ở quê, việc ấy cũng có vẻ oai tí chút, song phiền hà cũng lắm. Riêng với nhà tôi, từ ông nội tôi đổ vê trước, loanh quanh đều sống ở quê, nên mọi công việc họ hàng vai trưởng cũng dễ bề lo liệu. Nhưng đến bố tôi, ông ra thành phố học hành và lập nghiệp, tuy ở quê nhà, bà nội tôi lúc còn sống đã giúp giập, cáng đáng đỡ phần nào, đến khi bà mất, bố tôi phải gánh vác hết, đã gặp không ít phiền toái, mất lòng. Đương nhiên, khó tránh khỏi, khi bố tôi sống ở Hà Nội, ngày giỗ tổ chi họ hằng năm, năm nào trùng vào chủ nhật thì vất vả đường sá, tàu xe là mấy thì bố tôi đều cố gắng về dự. Còn như, vào ngày đi làm, thì chịu chết, làm sao nói thác với cơ quan là xin nghỉ làm để về quê làm giỗ tổ cơ chứ. Vậy nên, thường mấy năm liền, bố tôi vắng mặt, việc giỗ chạp ở quê đều cập nhờ váo mấy ông chú họ cao niên và chú Giảng, cùng nhánh trưởng  với nhà tôi, nhưng liền khúc ruột cũng từ mấy đời trước. Ở nhà, với vai đóng thế, được coi là Phó trưởng họ, chú Giảng chăm chỉ lắm, song phái cái tội ăn nói lắp bắp, kém cỏi nên toàn bị các ông chú, ông em khích bác này nọ. Mỗi lần, bố tôi có việc về quê, chú Giảng đây đẩy chối từ: “ Em ... là em nhất định trả lại bác, ... em không giúp bác được đâu... Với lại, em chỉ là cái thứ trưởng giả thôi, chứ trưởng gì cái ngữ nhà em,...”. Mỗi lần như vậy, bố tôi lại phải nói khó, an uỉ, dỗ dành mãi chú mới nguôi nguôi chịu nhận giúp cho những khi bố tôi không về được.
Ngày xưa, ông nội tôi được các cụ để lại cho đất hương hỏa ngót nghét hai sao đất thổ cư ngay giữa làng, liền với đường trục chính. Còn việc họ, đồ lễ bái, ăn uống của các suất đinh ngày giỗ tổ trông cả vào mấy sào ruộng chung của chi họ. Như vậy, không ai phải đóng tiền, theo suất đinh, tức là chỉ tính con trai, thứ tự theo ngày tháng năm sinh mà chứa họ trước sau. Mâm cỗ cúng được mang đến nhà Trưởng chi họ, bàn thờ có bài vị cụ Tổ chi, hương khói khấn khứa ở đấy cả. Cúng xong, mâm cỗ cúng lại được bê về nhà chứa giỗ tổ họ năm ấy, để các cụ cao vai, cao niên và người Trưởng chi ngồi chung mâm thụ lộc. Nhà chứa giỗ họ chỉ phải lo rau dưa, mắm muối, củi lửa, mâm bát, bù lại được hưởng một mâm cỗ gọi là mâm nhập gia. Cứ theo phong tục, lề thói ấy đã mấy trăm năm, vài chục đời kế tiếp. Bố tôi kể, ông nội tôi có người có chữ cao nhất chi họ, lại là Trưởng chi, nên mọi người trong họ, trong làng nể trọng lắm. Dẫu không đỗ ông Nghè như cụ Quan Huy ngày xưa, thì ông nội tôi cũng là người còn dám lều chõng vác mặt đi thi mà không thấy hổ thẹn vì vốn chữ nghĩa kha khá của mình. Ngày ấy, cả hàng xã, hàng tổng liệu có mấy người được như vậy đâu. Tuy nhiên, do chỉ đỗ khóa sinh của kỳ thi Hương, không được thi Hội, ông nội tôi chán chường nghiệp khoa bảng, chỉ chuyên dạy chữ Nho tại gia. Tưởng rồi, đời nối đời ở đấy thì đã xảy ra chuyện ma quái trêu ngươi, quậy phá trên thổ đất hương hỏa ấy, khiến ông nội tôi vốn hay ốm yếu, lại sinh nghĩ ngợi, ám ảnh mà thành bệnh trọng, mà mất khi mới ngoài bốn chục tuổi. Sau này, nguyên do đó cũng là một phần, để bố tôi quyết định đánh đổi thổ phần hương hỏa nhiều đời của nhà mình lấy mảnh đất bên cạnh nhỏ hơn.
Chuyện ma quái ấy như thế nào mà ông tôi lại bị ám ảnh làm vậy?

Nhận xét