Tiểu thuyết Vô đề (XII)




12.
Ấy là chuyện cô Yêu.
Chuyện này, mấy chị em chúng tôi đã vài ba lần nghe bố tôi kể lại.
Kể rằng, ngay cổng vào thổ đất do các cụ đời trước để lại cho ông nội tôi, cũng có thể coi là đất hương hỏa, có một mô đât nhô cao hẳn lên so với cả lũy tre chạy dài mặt tiền giáp với đường làng, làm hàng rào. Bố tôi bảo, ông nội tôi được sinh ra ở đấy, và khi ông nội còn trẻ con thì đã thấy mô đất cao ấy rồi. Theo ngày tháng, trên đó, cây duối cổ còi cọc và lùm dứa dại, cùng đám mây leo và các loài cây thân bò quấn quýt thành lùm, thành búi rậm rịt. Đồn rằng, ở đấy có cô Yêu trú ngụ,...
Cô Yêu là ai? Lại phải giải thích.
Theo lời bố tôi, từ thời Bắc thuộc, nghĩa là từ hơn nghìn năm trước, trước khi Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trong chiến thắng Bạch Đằng lịch sử vào năm 938, xứ Giao Châu thuộc quyền cai trị của các triều đại Trung Hoa. Các quan lại Trung Hoa thay nhau giữ quyền cai quản từ chính quyền trung ương đến địa phương, tài sản vơ vét, tích trữ là vàng bạc châu báu. Khi được gọi về nước, hoặc bị điều đi cai trị nơi khác, khối tài sản ấy, họ không dám mang theo, mà tìm cách cất giấu ở bản địa. Để cất giấu, lại phải tìm đất, bí mật cho xây kho tàng ngầm, vẽ địa đồ. Nhưng thế vẫn chưa đủ, kho tàng thì phải có thủ kho, người trông coi bảo vệ nữa chứ. Các ông thầy pháp thuật Tàu đã nghĩ ra một cách, tạo ra người giữ kho bằng hình thức người cõi âm. Họ bày cho chủ nhà đi tìm các cô gái trẻ chưa chồng song phải thực sự đồng trinh, bỏ tiền ra mua về làm lẽ. Khi theo về nhà chồng, cô gái được chọn lựa ấy, không phải làm gì, kể cả nghĩa vụ làm vợ, vì thực ra chỉ là vợ hờ, được cho ăn uống béo tốt. Sau khi chọn được ngày giờ thích hợp, thường vào ban đêm, cô gái ấy được bí mật đưa đến địa điểm kho tàng bí mật, thực ra cũng là ngôi mộ, để thực hiện nghi thức phép thuật phù trú thần giữ của bằng cách chôn sống cô gái ấy. Thầy Tàu quan niệm, phải chôn sống mới thiêng, và ma nữ ghê gớm hơn ma nam. Cách thức là, cô gái được cố định vào một vị trí thích hợp trong mộ, cùng với vàng bạc châu báu của gia chủ được cất giấu trong các chum vại sành để ở đây. Cô gái được cho ngậm sâm quỹ, bị gắn miệng lại, trước mặt có 9 ngọn đèn tượng trưng cho 9 via của đàn bà. Thầy pháp cúng lễ, phù trú phép thuật vào cô gái, trong đó có truyền đạt câu thần trú gọi mở cửa kho tàng, đại khái như câu trú “Vừng ơi mở ra” trong chuyện cổ Ba Tư vậy, hay như mật khẩu trong tin học mạng ngày nay. Thầy Tàu thực hiện xong lễ pháp phù phép cho cô gái, của kho mộ được đóng lại, bịt kín, xóa dấu vết về không ai biết, trừ gia chủ có sẵn địa đồ. Tính toán của thầy Tàu, sâm quý giữ cho cô gái sau bảy bày bốn chín ngày mới chết và khi ấy các ngọn đèn via cũng tắt, hồn phách cô gái đó không siêu thoát, mà trở thành thần giữ của cho gia chủ, thực ra là một thứ ma quái siêu nhiên chỉ phục vụ riêng việc trông giữ kho của cho gia chủ mà thôi. Cô Yêu là vậy đó...
Cái tên gọi nghe có vẻ mỹ miều thế, thì có gì đáng sợ? Đã có lần tôi hỏi bố tôi như vậy. Ông cười tủm giái thích là, Yêu là yêu quái, nhưng lại là yêu quái nữ, thêm nữa khi làm người là gái đồng trinh và hẳn không kém phần xinh đẹp, nên thành ma thì cũng phải khác thường chứ. Ma nữ từng là gái đồng trinh xinh đẹp, bị chôn sống và phù trú thành ma giữ của, tính nết chắc có phần yểu điệu, đỏng đảnh đây.
 Vậy là cái gò cao ngay lối cồng chính đất hương hỏa nhà tôi là nơi trú ngụ của cô Yêu. Đồn vậy thôi, chứ phải có nằng cớ gì người ta mới tin chứ. Vì có cây trái và hoa dại nên trẻ con trong làng hay rur nhau leo trèo ở đấy vặt hoa chơi, vặt quả duối chín mà ăn. Nghe nói, lâu lâu lại có đứa trẻ làng bị cô Yêu vật cho thành ốm đau, thành mê sảng nói năng linh tinh. Thầy làng bắt mạch kê đơn chữa chả khỏi, nhưng nhà nào biết, sửa cái lễ mọn mang ra bày rồi thắp hương cúng lễ cầu xin cô Yêu tha cho, vậy là bệnh khỏi. Càng về sau, trẻ làng sợ, nên cây cối ở đây ngày thêm um tùm...
Bố tôi kể, thấy vậy, có lần ông nội tôi, chống gạy ba-toong ra đó, phán to rằng “Thần hay ma thì cũng chẳng ai lại đi bắt nạt trẻ con như thế. Nếu có thiếu thốn đói khát thì hiển linh cho biết, ta đây sẽ cho xây miếu, tuần rằm mồng một có lễ vật hương khói đàng hoàng”...
Ít lâu sau, vào một đêm hè gió nam hây hẩy, trời có trăng nhưng sáng mờ. Ông nội và bố tôi khi ấy con nhỏ tuổi năm ngủ trên bộ phản gỗ gụ trong nhà. Dưới nền nhà và ngoài hiên, đám học trò rải chiếu nằm ngủ ngổn ngang dưới đất. Bàn thờ, ngọn đèn dầu hãm hạt đỗ. Nửa đêm về sáng, đang ngủ, chợt ông nội tôi ngồi bật dậy, miệng ú ớ mãi không thành tiếng, tay chí ra phía sân nhà. Bố tôi và đám học trò cũng thức dậy ngơ ngác chả hiểu gì. Chỉ nghe ông tôi bảo “Kia kìa, cô Yêu... cô Yêu, ... chúng bay có nhìn thấy không?...”. Cả bố tôi và đám trẻ, đang ngủ say thị đột ngột bị đánh thức, hỏi làm sao nhìn thấy gì cơ chứ. Rồi mọi chuyện vãn hồi. Sáng ngày ra, ông nội tôi mới kể lại rằng, ông đang ngủ mơ màng thì chợt thấy như có ai đang nhìn mình. Định thần, thi ra có một người đàn bà trẻ đẹp, đứng ngay sát đầu giường, hai tay giang rộng chống vào đầu giường và từ từ cúi xuống nhìn chính diện mặt ông. Ông hốt hoảng kêu lên và ngội bật dậy. Cô gái thoắt lướt qua đám trẻ ngủ dưới đất, đi ra hiên và sân. Lúc này ông mới thấy góc dáng yểu điệu trong trang  phục áo mớ bảy mở ba, đầu đội nói thúng quai thao. Cô ngoảnh lại nhìn ông, cưới khanh khách, rồi lướt đi và mất hút vào gò cây ngoài cổng.
Giờ thì ông nội tôi tin là cô Yêu có thật. Ông còn bảo, cô Yêu này thời còn là gái đông trinh, chắc gốc vùng Kinh Bắc, nên trang phục kiểu cách chị Hai Quan họ làm vậy. Ông nội tôi cho gọi ngay thợ đến xây miếu ở đấy, tháng đôi lần, mồng một và rằm, đều đặn hương lễ đầy đủ...
Song cũng kể từ đấy, ông nội tôi dường như bị ám ảnh ít nhiều, sức khỏe cứ kém dần đi...

Nhận xét