Tiểu thuyết Vô đề ( XIII )




13.
 Dù sức khỏe yếu, song ông nội tôi vẫn cố gắng duy trì lớp học chữ Hán, đặng có thêm nguồn thu cho gia đình. Ngoài việc dạy học ra, ông nội tôi chằng biết làm việc gì. Việc nông tang không thạo, việc vặt trong nhà vừa không xứng vừa không biết. Bao nhiêu việc dồn hết vào bà nội và người chị lớn của bố tôi. Ngay như, bố tôi thể trạng tốt nhưng cũng không phải làm gì. Các cụ bảo, làm lụng hỏng tay, viết chữ thế nào được nữa. Bố tôi kể, có lần, ngày mùa, sân nhà phơi thóc bà nội tôi đi làm đồng, trời nổi giông đổ mưa đột ngột. Ông nội tôi mặc kệ mưa ướt thóc. Mưa to quá, sợ nước chảy trôi thóc theo, bần cùng, ông nội tôi lấy rơm ra đút nút lỗ cống lại. Còn váy áo của bà nội tôi phơi dây, ông không đụng tay vào, mà lấy cây gậy kều vào. Chuyện đại loại vậy.
Cũng vì sức khỏe yếu, nên ông nội tôi quyết định rất nhanh mấy việc trọng đại trong vòng có vài năm, ấy là việc gửi bố tôi ra Hà Nội học, và sau nữa là cưới vợ cho bố tôi. Việc học hành của bố tôi thì thành công tấn tới, nhưng việc tậu dâu thì lại hỏng, con dâu về nhà chồng được vai ba tháng đã tự ý bỏ về nhà mẹ đẻ, điều này làm ông nội tôi phiền não lắm. Vốn thể trạng yếu lại thêm bệnh ở tâm, nên dù có thuốc thang này nọ nhưng không khá hơn lên. Năm ấy, sau kỳ nghỉ ở quê ăn tết, ra lại Hà Nội học tiếp, mới được hơn tháng đã có người từ nhà quê ra tìm, triệu hồi về quê gấp. Về đến nhà, ông nội tôi đã yếu lắm rồi. Bố tôi ở nhà chăm sóc, cha con bên nhau, chẳng hiểu có dạy dỗ dặn dò gì thêm hay không. Rồi ông nội tôi mất sau đó ít ngày. Nghe nói, hôm lễ mai táng ông nội tôi, chỗ chôn đất là một gò đất cao giáp ranh cánh đồng làng tôi với làng Trâu, cô Nhu có ra đấy xin được chịu tang. Tang lễ xong, cô Nhu vẫn không theo về bên nhà tôi mà về lại nhà cha mẹ đẻ. Thế là, cuộc hôn nhân có thể xem là tan vỡ rồi, khó bề vãn hồi được nữa. Vậy mà, gần bảy năm sau, hôn thú mới được cắt bỏ.
Chuyện về cô Yêu và lịch sử làng quê dằng dịt vào nhau, được bố tôi thủng thẳng kể lại qua những tháng ngày gian khó vất vả khi nhà tôi về ở hẳn quê. Chẳng hiểu mấy chị gái tôi có nhớ gì không, chứ riêng tôi thì như in vào đầu vậy. Tự nhiên, cho tôi một biệt tài, ấy là trí nhớ những gì thuộc về lịch sử, địa, lý ngay từ khi con nhỏ. Ngày ấy, cùng những câu chuyện làng quê, thì những câu chuyện về Phong Thần, Đông Chu liệt quốc, Tây Du ký, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng, và nhiều tiểu thuyết kiếm hiệp ly kỳ, tôi nghe như nuốt lấy từng lời và nhớ nằm lòng luôn.
Những chuyện kia thì mãi đẩu đâu, xa xôi huyền ảo, chứ chuyện làng quê mình thì có đâu xa. Giờ mình đang sống trên mảnh đất quê, hàng ngày đi lại ngang chỗ ở của cô Yêu nên cũng thấy sờ sợ thế nào ấy. Khi biết tôi sợ cô Yêu, bố tôi lại bảo: “Ui dào, sợ gì. Miếu thờ không còn. Giờ thời chiến tranh súng đạn, chắc cô Yêu cũng sợ mà dạt đi đâu đó rồi. Với lại, cô Yêu chỉ bắt nạt những ai yếu bóng vía thôi, chứ như bố đây, bố đâu có sợ”.
Rồi bố tôi kể chuyện, rằng lúc còn trai trẻ, lại cũng từng chứng kiến việc cô Yêu trêu chọc ông nội tôi, nhưng bố tôi thì không sợ. Có lần, vào ban đêm trăng mờ, bố tôi đi một mình trên đường làng, đến gần chỗ trú ngụ của cô Yêu thì thấy một cây tre từ lũy tre bên đường ngả rạp xuống chắn ngang tầm thắt lưng. Định tìm cách chui qua thì thân tre rạp hẳn xuống, không thể chui được, còn khi tìm cách đè tre xuống để quai chân bước qua thì thân tre lại nâng lên khiến không bước qua được. Cứ thế, người và tre dằng co với nhau. Bố tôi bực quá, nói gì đó một hồi, bỗng thân tre dâng bổng lên thẳng vào trong bụi, để bố tôi đi qua. Kể xong, bố tôi cười khà khà ra chiều sảng khoái lăm.
Chuyện vậy, lúc đầu thì tôi tin, nhưng rồi nghĩ lại, hẳn là bố đã bịa chuyện ra làm vậy để trấn an mấy chị em chúng tôi thôi. Thực hư thế nào chẳng rõ, chứ sợ thì vẫn sợ. Ban ngày thì không sao, còn khi đêm tôi thì ghê lắm. Khi đi cùng mấy chị thì bớt sợ, còn một mình thì ôi thôi. Tôi có hai cách để ban tối đi qua đây một mình, ấy là khi gần đến nơi, dừng lại chút, nín thở rồi cắm đầu chạy ngang qua thật nhanh; hoặc là tay cầm đèn dầu cố nén sợ đi bình thường ngang qua một chút, khi ấy mới cắm đầu chạy, có lần gió thổi tắt cả đèn.
Sợ là thế, phiễn nỗi, nhiều khi có việc vẫn phải đi vào ban đêm. Sân kho hợp tác xã nông nghiệp ngày ấy cách nơi ấy không xa, mà từ nhà tôi đến sân kho thì kiểu gì cũng phải ngang qua đấy. Thế có khổ cho tôi không ?

Nhận xét