Đi lễ chùa đầu năm,





         Đầu năm đi lễ chùa, từ xa xưa, đã trở thành một phong tục của người Việt. Và cả một số nước phương Đông chịu ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo.
          Đã là phong tục, lại phong tục đẹp, thì tồn tại là chuyện đương nhiên.
          Người phương Đông quan niệm, “ tứ thời xuân tại thủ “, bốn mùa trong năm thì mùa xuân là đứng đầu. Mùa xuân, bắt đầu của năm mới, mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở. Sau một năm làm ăn cật lực, con người ta có thể gặp cả các chuyện không may, những điều may mắn. Năm cũ qua đi, năm mới đến, tiết đoạn thời gian được phân định bởi thời khắc giao thừa, con người ta mong muốn, sang năm mới, bản thân và những người thân trong gia đình trong năm tới có sức khỏe tốt, công việc hanh thông, gặp nhiều may mắn...; còn rộng ra, với thiên nhiên và xã hội, là yên bình, là mưa thuận gió hòa, không thiên tai, địch họa, không dịch bệnh...
          Những mong ước ấy là chính đáng. Nhưng niềm tin phải đặt vào nơi đâu? Lẽ dĩ nhiên, niềm tin trước hết phải đặt vào chính con người rồi. Song chưa đủ, con người ta còn đặt niềm tin vào các lực lượng siêu nhiên, ấy là niềm tin tôn giáo rồi.
          Đầu năm, đi lễ chùa, là văn hóa tâm linh với ý nghĩa như vậy. Người ta đi lễ chùa với đầy đủ lễ nghi, và cầu xin cụ thể; cũng có không ít người, đầu năm đi vãn cảnh chùa, có thể không cầu xin gì, bỏ chút tiền công đức ( gọi là tiền giọt dầu, thẻ hương ), nói là để yên lòng người cho cả một năm, song không nằm ngoài ý nghĩa ấy. Ở đây, tôi chưa đề cập hiện tượng sa đà, chùa chiền, lễ lạt liên miên, làm văn hóa tâm linh méo mó, đang dần trở thành phổ biến trong xã hội ngày nay.
          Tôi là một người, đầu năm thường đi vãn cảnh chùa, xa gần có cả. Năm nay, mấy ngày tết, cũng loanh quanh đôi chùa phủ trong nội thành, thứ bảy rồi, mới đi xa hơn, thăm vãn chùa Tây Phương ( thuộc huyện Thạch Thất, Hà Tây cũ ).



          Đây là một ngôi chùa nổi tiếng xứ Bắc. thuộc đất thôn Yên, xã Thạch Xá. Tương truyền, bắt đầu được xây dựng từ thế kỷ thứ 6-7, và trải qua rất nhiều lần trùng tu. Tuy nhiên, dấu ấn được ghi chép về quy mô, kiến trúc của chùa thì mãi đến vào thế đầu kỷ 17 thời nhà Mạc, với tên chữ là Sùng Phúc tự . Kế đó, là vào năm 1632, dưới triều vua Lê Thần Tôn, chùa được xây dựng với quy mô 3 gian thượng điện, cùng hậu cung, hành lang tới 20 gian. Tiếp nữa, là vào các năm 1657-1682, chúa Trịnh Tạc cho phá bỏ chùa cũ, xây chùa mới cùng tam quan. Và cuối cùng, là dưới triều Tây Sơn, năm 1794, chùa được đại tu, đổi tên thành Tây Phương cổ tự, và dáng dấp kiến trúc còn giữ đến ngày nay.
          Thong thả từng bậc đá ong ướt át trong làn mưa phùn mùa xuân, qua 239 bậc mới tới được cổng chùa. Cổng chính, tấm biển chữ Hán Tây Phương cổ tự , mở ra bên trong một không gian chùa, với kiến trúc được đánh giá là tiêu biểu cho kiến trúc tôn giáo mỹ thuật thời Hậu Lê. Lần lần, tiền điện đến hậu điện, được thấy các pho tượng Phật cổ bằng chất liệu gỗ mít sơn thếp từ mấy thế kỷ trước, đặc biệt là các vị La Hán, đã đi vào thơ ca Việt qua bài thơ Các vị La Hán chùa Tây Phương của nhà thơ Huy Cận từ năm 1960.
                   Các vị La Hán chùa Tây Phương
                   Tôi đến thăm về lòng vấn vương
                   Há chẳng phải đây là xứ Phật,
                   Mà sao ai nấy mặt đau thương ?
                     ........
                    Cha ông yêu mến thời xưa cũ
                    Trần trụi đau thương bỗng hóa gần
                   Những bước mất đi trong thớ gỗ
                    Về đây tươi vạn dặm đường xuân


         
Xung quanh chùa, những ngôi nhà dân chênh vênh bên sườn núi, những lối mòn tre trúc quạnh hiu, mùi khói bếp quện mùi hương trầm, tất cả làm nên một không gian thanh tịnh và ấm cúng.
Tôi tách khỏi nhóm người, một mình theo bậc thang dần xuống, tha thẩn ngắm nhìn, hỏi chuyện các bà cụ bán hàng rong hai bên. Những đồ lưu niệm mây tre đan, những con châu chấu, chuồn chuồn tre, lặt vặt...cùng đó là những lời mời chào chân quê . Nhìn các bà, các cụ đầu bạc khăn vấn đen, môi quết trầu, vừa mời chào bán hàng vừa gẫu chuyện xóm mạc, như thấy bóng dáng mẹ ta, dáng dì ta ngày nào. Có gì đó thân thương, chân chất, mộc mạc...
Thì ra, cõi Phật và cõi đời gần gụi nhau biết mấy !...


Nhận xét