Nỗi nhớ hoa đào,...




Viết cho người tri kỷ

          Với riêng tôi, có 3 loài hoa tôi yêu thích, mà mỗi khi thấy, trong lòng tôi lại dâng lên những xúc cảm sâu xa và mỹ cảm về cái đẹp. Ấy là, hoa đào (phải là đào phai rừng núi), hoa mai trắng (là mai quân tử, hàn mai) và hoa thủy tiên,... Tại sao lại như vậy? Thật khó giải thích ngọn ngành. Đơn giản, cứ coi như một sở thích tự nhiên, hay cũng có thể xem như một sự tập nhiễm, từ khi nào chẳng rõ ?...
          Nhưng hãy khoan, chưa vội bàn về ý thích loài mai trắng và thủy tiên, chỉ nói về hoa đào núi... trước hết, như một sự đền đáp cho người bạn thân của tôi ở phương Nam xa xôi, nơi không có hoa đào nở mỗi độ xuân về, Tết đến với nỗi nhớ hoa đào của người ấy,...
          Mùa xuân xứ Bắc, tết Nguyên đán, đã là sự mặc định từ xa xưa, bánh chưng xanh, câu đối đỏ và hoa đào. Thiếu một trong ba thứ ấy, tết là chưa đầy đủ, cả về vật chất và tinh thần.
          Còn với tôi, bản chất ham đọc sách, nghề nghiệp, công việc hay đi đây đó, cộng thêm chút lãng tử, lãng mạn thơ văn trong mình, nên tôi đặc biệt yêu thích hoa đào núi. Khác với loại hoa đào được trồng và chiết cành, chăm bón cầu kỳ nơi vườn tược, loài đào rừng núi vốn là đào ăn quả, cành lá tự nhiên, thân khỏe, sống trong điều kiện khí hậu địa chất khắc nghiệt, nên đậm chất hoang dại. Đấy chính là sự khác biệt, làm nên vẻ đẹp riêng có.


          Ở rừng núi phía Bắc, có 4 vùng đào núi nổi tiếng xưa nay, ấy là: Mộc Châu (Sơn La), Sa-pa, Y Tý (Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang) và Mẫu Sơn (Lạng Sơn). Cùng là đào núi, nên chúng có những đặc điểm tự nhiên giống nhau như thân cành chắc khỏe, sần sùi, thế cây đa dạng, mà chỉ khác nhau ở hoa, độ dày cánh và màu sắc thôi. Đào Mộc Châu, Mẫu Sơn  và Sa-pa là những vùng núi đất trộn đá, khí hậu lạnh ít nhiều giống nhau, cánh mỏng manh, khi nụ và chớm nở màu hồng, khi nở mãn thì sang màu trắng ngà, rồi trắng tinh. Còn đào Y Tý và Đồng Văn là những vùng núi đá, nên cánh hoa dày và bên hơn, lúc chớm hay mãn vẫn giữ màu hồng, chỉ đậm nhạt khác nhau mà thôi.
          Nhiều năm nay, mỗi dịp tết, cứ sau độ rằm tháng Chạp, tôi thường mua một cành đào nho nhỏ, giống đào Nhật Tân, nay được trồng ở các vùng lân cận, cằm bình, chơi tết sớm. Là để được hưởng bầu không khí tết trước, là thỏa mãn ít nhiều sở thích yêu hoa đào, và còn có ý chờ đợi một cành đào rừng núi chơi chính Tết.


          Bạn bè, người quen của tôi, nhiều người biết sở thích này, nên vào mỗi dịp xuân tết, bao giờ cũng gửi cho tôi đào núi, đủ chơi ở nhà và cả văn phòng công sở. Có những năm, nhân chuyến công tác miền núi, thậm chí, tôi rủ bạn tự đi đến một trong những vùng đào rừng nổi tiếng ấy, tự kiếm cho mình những cành đào ưng ý.
          Xuân Mậu Tuất này, một nữ phóng viên truyền hình đóng ở khu vực Tây Bắc, trong chuyến về Hà Nội họp tổng kết cuối năm, đã kỳ công rước một cành đào Mộc Châu tuyệt đẹp tặng tôi chơi Tết, kèm một lời nhắn “Hôm nào đào nở đẹp, anh nhớ chụp ảnh gửi qua mạng cho em xem với, cũng là để kiểm tra xem em chọn đào có chuẩn không, có hợp gu thẩm mỹ của anh không?”. Thật cảm động với thịnh tình đó.
          Nhưng có chút không may, trước Tết vài ngày, tôi gặp trục trặc về sức khỏe. Ngồi ru rú một chỗ với sự đau nhức của thân thể, lòng kém vui và không đủ độ hưng phấn để thưởng hết cái đẹp của cành đào núi từ lúc lác đác chớm nở đến độ mãn khai. Khách đến chúc tết nhà, ai cũng tấm tắc khen cành đào quá tuyệt, trong khi chủ nhà chỉ đủ sức nhếch mép cười và gật gù cho phải phép. Mấy ngày chính Tết, đào nở rộ, đẹp lắm, tôi cũng gắng chụp vài bức ảnh, chát hình lên, báo cáo cô phóng viên nọ, đặng tỏ lòng tri ân người tặng đào...


          Sau vài tuần nằm bệnh viện, khi xuất viện thì cành đào cũng đã bỏ đi rồi. Nó được chặt nhỏ thành cành, khúc để đủ bỏ vào xe rác. Người chưa khỏe nên có chút tiêng tiếc nhưng không đủ cảm xúc để viết gì.
          Nay, nhân được đọc một tản văn ngắn của người bạn thân nơi phương Nam xa xôi về hoa đào, người mà hình như, tết nào cùng dành những dòng viết về cái đẹp, cái mỏng manh, cái thời khắc, cái rụng rơi trôi chảy của cánh đào và nỗi nhớ hoa đào, tôi viết những dòng này, như một sự tri ân với người còn trân quý và say mê hoa đào hơn tôi nhiều!...
          Và tôi, cầu mong, người ấy hạnh ngộ và may mắn, hơn nàng Đại Ngọc của nhà văn Tào Tuyết Cần trong tác phẩm bất hủ “Hồng Lâu Mộng” chỉ biết khóc thương khi chôn hoa đào và ngậm ngùi nghĩ đến thân phận mình mai sau...
          Hạnh ngộ và may mắn nhé, người mang “nỗi nhớ hoa đào”!...








Nhận xét