Rong chơi với một chữ Tình (XXI ) - Bênh viện ký sự 7/




7.
          Bà cụ hơn tám mươi, mẹ của T sau dăm ngày điều trị không hiệu quả, người ta khuyên chuyển sang khoa khác thì hợp hơn. T đi, Q bớt một người bạn hay chuyện. Nhưng nghe đâu, họ vẫn gặp nhau ở ngoài quán ăn, cụng với nhau vài cốc bia cho đỡ nhạt mồm. Không có T, Q tỏ ra buồn, chỉ thỉnh thoảng chuyện với y và bác H mà thôi. Được cái, Q tỏ ra quan tâm đến mọi người, ai nhờ việc gì cũng giúp, như đi gọi điều dưỡng viên, đi lấy kết quả chiếu chụp hộ người này, người nọ, chẳng nề hà việc gì, nhiều khi đi lo giúp việc người, lúc vợ cần gọi lại không thấy đâu. Những lúc như vậy, Th-vợ Q lại rền rĩ, khiến y phải nói đỡ hộ Q,  khen ngợi Q tốt bụng lấy phúc này nọ, Th mới thôi, nhưng vẻ mặt vẫn ra chiều  rầu rĩ lắm.


Trong số các bệnh nhân tại phòng này, ai cũng có người nhà đi kèm, chăm sóc cả ngày lẫn đêm, duy chỉ có y và bác H là đêm không có ai chăm cả. Đơn giản, bởi chỉ có hai người là chân khỏe, đi lại bình thường, tay cũng làm được việc vặt, tránh việc nặng thôi . Vì thế, không những ngày, ban đêm, Q hay giúp y và bác H nhiều việc vặt.
Sau hôm mổ ổ ep-xe xong, ông bà bên thông gia với y biết tin vào thăm. Y hăng hái kể lể chuyện bệnh tật cả tiếng đồng hồ, lúc khách về, vợ y mang cơm tối vào, phát hiện túi đụng chất dịch dẫn lưu không chỉ có dịch mà căng đầy những hơi, sợ quá bèn gọi điều dưỡng vào, xử lý xì hơi đi. Vợ y về rồi, thì có một điều dưỡng vào hỏi y có thấy khó thở không. Y ngạc nhiên vì thấy mình bình thường, nhưng nhân viên này yêu cầu y phải đi chụp X quang ngay lập tức, vì bác sĩ trực ca lo rằng chân ống dẫn lưu đặt sâu quá có thể chọc thủng màng phổi nên mới sinh hơi, khí nhiều như vậy. Thấy thế, Q bào sẽ đưa y đi chụp. Y định tự đi thì họ yêu cầu phải ngồi xe đẩy vì sợ khi đi, có thể chân ống dẫn lưu sẽ phá rách màng phổi thì gay go to. Nghe họ phán vậy y đang đi phăm phăm, bỗng thấy lo lo. Ừ thôi, cứ nghe họ, bác sĩ có chuyên môn, họ phán vậy có lý, ngộ nhỡ ra,... có hối cũng muộn... Thế là, Q lại hì hụi mượn xe lăn, đẩy y đi chụp X quang. Đêm ấy, y thấy lo nên khó ngủ, chụp rồi nhưng chẳng biết thế nào, cả tối thì phấp phỏng chờ xem có sao không, nhưng không thấy nhân viên nào trờ lại nên y nghĩ là sau khi xem phim chụp, họ thấy ổn nên thôi... Lo chán, y cũng thiếp đi, cho đến khi tiếng rao “Các bác ơi, đổi nước”, y mới giật mình tỉnh dậy.
Về cái ống dẫn lưu, cái vòi bạch tuộc cắm từ ngực y, xem ra cũng phức tạp. Mấy ngày đầu, dịch dẫn lưu tràn ra 200 li, rồi 300 li, y cứ giữ nguyên như thế, vì nghĩ để bác sĩ điều trị biết, định lượng, ‘đong đếm” về khía cạnh chuyên môn... Sau mấy ngày, bác sĩ thăm khám, chẳng thấy ai nói gì, cũng không ai bảo y trút cái của nợ ấy đi, nên y cứ cam tâm giữ nguyên mấy trăm li dịch ấy trong cái túi đựng dịch. Cho đến khi, thấy cô nhân viên điều dưỡng mở chốt xì bớt khí nội sinh đề phòng căng quá mà vỡ túi, nhưng cũng không đổ dịch đi, nên y càng tin là phải giữ nguyên. Song đeo đẳng cái bịch non một nửa ”chất quý” ấy cũng khốn khổ cho y lắm cơ. Mặc dù y khá sáng dạ, nhưng chỉ nghĩ ra cái mẹo, mỗi khi ra khỏi giường bệnh, y đút cái bịch dịch của quý ấy vào chiếc túi áo bệnh nhân rộng thùng thình, nom đỡ chướng mắt thôi. Ngẫm nghĩ, thấy chẳng nhân viên y tế nào có ý định “đong đếm” cái bịch của quý ấy, y bèn loay hoay thử tháo chốt cái bịch nhưng không tài nào được, nên đành phải nhờ anh chàng Q với bàn tay sắt của lính trợ giúp, cuối cùng cũng mở được cái chốt ở đáy bịch, đặng trút hết thứ nặng nợ ấy vào toa-lét. Thấy nhờ vả thế cũng không tiện, rồi y cũng học được cách tự tay tháo chốt thải dịch, cho đỡ phiền hà ...
Chưa hết, một chiều, cô bác sĩ trẻ ngày ngày vẫn thăm bệnh cho y dắt theo một chàng bác sĩ, nghe đâu bên khoa Ngoại, cái nơi đã mổ chich khối ép-xe của y, vào thăm bệnh y. Sau chút ngắm nghía cái bịch và dây dẫn lưu lòng thòng, chàng ta xì một cái, rồi dẫn cô bác sĩ ra ngoài, chốc lát trở lại. Chàng bác sĩ tự tay thị phạm, vừa làm vứa hướng dẫn nàng bác sĩ, vứt bỏ cái bịch đựng và cả mớ dây dẫn lưu lòng thòng ấy đi, thay vào đó là một xi-lanh nhựa to, được tạo áp lục âm, kiểu như người ta rút thuốc vào ống kim tiêm ấy. Thế là từ đấy, y chỉ phải mang cái xi-lanh áp lực âm ấy, được nối với phần gốc ống dẫn lưu, và mỗi khi đi đâu, y chỉ việc cho nó vào túi áo bệnh nhân rộng, thật gọn gàng và kín đáo. Cũng kể từ đấy, y mạnh dạn đi đây đó, xa hơn cái phòng bệnh và toa-lét, kể cả việc sáng dậy đi bách bộ thể dục, hoặc ra ngoài ăn sáng hay chuồn về nhà gội đầu và kiếm bữa cơm gia đình buổi chiều.
Như trút được gánh nặng...

Nhận xét