Rong chơi với một chữ Tình ( XVI): Bệnh viện ký sự 2/


          

           
2.
          Mệt mởi và đau nhức, nhưng y cũng thiếp đi, cho đến khi ngoài hành lang, tiếng ai đó cất lên “Đổi nước đi các bác ơi”. Đèn phòng bệnh bật sáng, mọi người mắt nhắm mắt mở xách phích cũ ra đổi lấy phích mới. Y ngồi dậy, liếc điện thoại, mới có 5 rưỡi. Sao sớm thế nhỉ. Lại lục đục xếp hàng chờ đi vệ sinh. Khốn nạn, vệ sinh nam có hai cái để tiểu tiện thì tắc hỏng mất một. Lộn xộn, nữ tràn sang cả phòng nam, nhưng vì cái sự cấp bách, nên hầu như chẳng thấy ai ngượng cả, cứ thản nhiên như có mỗi mình vậy...
          Các cụ ta xưa dạy cấm có sai câu nào, “sểnh nhà ra thất nghiệp”. vào đây, sáng dậy đánh răng rửa mặt và đi tè một cái cũng nhục. Sau mươi năm cuộc đời, từ thuở cha sinh mẹ đẻ y ra đến giờ, cũng nhiều lúc nhức đầu xổ mũi, ốm cảm xì xằng, đau chỗ này yếu chỗ nọ, toàn mua thuốc tự chữa, chưa bao giờ y phải vào viện một lần, một ngày. Quả là, nhiều lần y vào viện này viện nọ, nhưng mà để thăm người quen, đồng nghiệp ốm đau thôi. Trước đây, cơ quan y ở gần 3 cái bệnh viện trung ương to đùng (VĐ, C và K), khi nghỉ hưu đi làm thêm ở chỗ mới thì ngày nào y cũng đi về theo tuyến đường Thanh Nhàn-Lạc Trung, ngang qua cổng 2 bệnh viện nữa (TN, UB). Nhà y ở thì gần ngay BM và bệnh viện QT, nhãn tiền thấy bàn dân thiên hạ vào viện nườm mượp như đi trảy hội. Giờ thì đến lần y rồi...
          Nửa nằm nửa ngồi trên giường bệnh, y cứ nghĩ lan man như vậy. Đợi vợ mang ăn sáng vào, lúc này y mới quan sát hết phòng bệnh đặng nhận diện ai là bệnh nhân, ai là người nhà. Đêm qua, y đã nhận thấy, giường bệnh số 59, ngay cạnh y không có bệnh nhân, dù trên giường chăn ga gối và bộ quần áo bệnh nhân có đủ, mà thay vào đó, mấy vị người nhà nằm nhờ. Đang nghĩ ngợi, chợt một người đàn ông mắt kính đen, áo khoác thô, dáng người thấp đậm, gương mặt khó đoán tuổi, đi đến giường 59 ngồi xuống, đặt túi ni-lông trong có vài chiếc bánh mì lên kệ đầu giường bệnh, hất hàm hỏi y “Bệnh nhân mới à? Vào tối qua?”. Y vâng, thì lại bảo “Chiều qua, tớ chuồn, còn chưa thấy cậu mà”.
          Chỉ ít phút sau, chẳng cần phải hỏi nhưng y cũng biết được nhân thân người đàn ông này, là do ông ta tự khai tồng tộc ra hết. Tên Ph (họ tên đầy đủ là UDPh), 74 tuổi, nhà ở phố Lạc Trung gần Đài truyền hình VTC, một vợ ba con, nhập viện do bị Gút, vào đây giữ giường cả tuần nay nhưng tối là về nhà ngủ, sáng sớm lại vào... Bô lô ba la một hồi, ông Ph. bảo “Tớ ra hành lang sau làm điếu thuốc cho đỡ them cái đã”. Vừa lúc ấy, người đàn ông trung tuổi, tóc húi cua, áo bay bộ đội, chăm vợ ốm nằm giường 57, hé cửa kính gọi vào “Bác Ph ơi,... mời cả bác mới nữa, ra ngoài này làm chén trà với chúng em cho vui. Em vừa tráng ấm pha trà mới, nóng giòn đây. Còn chán mới đến giờ truyền thuốc”. Thì ra, ngoài ban công, cả một hội gồm bệnh nhân, người nhà đang trà lá, chuyện phiếm rôm rả. Ai đó đã sáng tạo, cắt khoét mấy chiếc chai, bình nhựa đựng nước, làm thành chiếc điếu cày, chuyền tay nhau hút thuốc lào xì xoẹt, phả khói mù mịt ...
          Sau hai tuần trà sáng và chiều, y biết thêm về anh chàng áo bay bộ đội. Chàng tên Q., 55 tuổi, bộ đội nghỉ hưu với lương hàm tương đương thượng tá, nhà ở Điện Biên, đi chăm vợ bị ốm. Vợ tên Th. giáo viên tiểu học nghĩ hưu, bị bệnh khớp dạng thấp, lại thêm chút tiền sử bệnh tim; họ có duy nhất một cậu con trai hiện đang học Đại học Y khoa Thái Bình năm cuối, đang thực tập tốt ngiệp. Họ đã là người quen thuộc của khoa bệnh này từ vài năm nay. Để chữa căn bệnh này, Th đã qua 8 lần truyền hóa chất sinh học, đỡ đau khớp và có thể đi lại, làm việc nhẹ nhàng. Đây là lần thứ 9 họ nhập viện. Ăn tết Mậu Tuất xong xuôi, họ chọn ngày về Hà Nội, nhập khoa để truyền lần thứ 9 với dự tính chỉ mất có 3 ngày là xong và hy vọng cải thiện thêm các khớp xương. Vậy mà, trước khi truyền, bác sĩ cẩn thận cho khám sàng lọc, chiếu chụp và thử máu, người ta nghi Th bị viêm phổi kẽ, thậm chí mắc lao phổi. Thế là mất cả tuần rồi mà vẫn chữa có kết quả chính xác, còn truyền sinh học thì cũng không được, với lý do, sau khi truyền, hệ miễn dịch cơ thể rất kém nên có thể mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, lây chéo, hoặc khời phát bệnh mới do vi trùng tiềm tàng... Với tổng mức lương hưu cả hai người (chồng > 9 triệu, vợ 6 triệu), nhà có đất trồng rau, hoa quả, nuôi dăm chục gà đẻ trứng, rủng rỉnh ăn không xuể, bán lấy tiền kha khá... nhưng, cứ đi viện thường xuyên thế này thì có núi cũng lở. Lần nay, vượt cả sự tính, lo bệnh tình, lo việc nhà bỏ không bề bộn, nên cứ mỗi lần nghe điện thoại của người quen hỏi thăm, hoặc gọi điện cho ai đó, Th lại rân rấn nước mắt sụt sịt khóc. Những lúc như vậy, Q đang nổ như rang chuyện phiếm đến mấy cũng im bặt, len lén vào an ủi vợ.
          Chiều thứ 6 cuối tuần, độ chừng giờ cơm tối, có 3 bệnh nhân mới chuyến đến phòng 209, thế vào 3 giường trống có bệnh nhân xuát viện lúc chiều. Ấy là một nữ cao tuổi vốn bị tai biến, một nữ cao tuổi khác, bộ dạng người phố quý-xơ-tộc, chân đau nhưng mồm chẳng đau tý nào nên từ lúc nhận giường thì chỉ thấy tiếng bà ta át cả phòng bệnh, và một nam, ấy chính là bác già mà chiều hôm trước y nằm ghé giường để truyền nhờ chai thuốc đầu tiên. Nhận ra nhau, y chào trước, bác già khẽ cười bảo y “Ồ, có duyên ta lại gặp nhau nhỉ”...


( còn nữa )

Nhận xét