Ngày thứ ba tính từ lúc y nhập viện, là thứ 7 cuối
tuần, bệnh viện nghỉ hành chính, chỉ còn các ca trực cấp cứu và điều trị thường
xuyên. Buổi sáng, giờ khám bệnh và làm thuốc muộn hơn thường ngày chút ít. Vậy
là hội trà lá có thêm thời gian tán chuyện. Uống trà, trà vụn cặn, lại chỉ có 3
chén hạt mít, không đủ, các cốc thủy tinh, cốc giấy loại dùng một lần đầu được
huy động hết để phục vụ hội trà. Chuyện trò, y lại biết thêm mấy người nữa.
Bác nam già, bệnh nhân giường 53B.
người quen hôm trước nữa của y, tên H, 76 tuổi, nguyên cán bộ giảng dạy Đại học
Kinh tế quốc dân, quê Thái Bình, bị ép-xe khớp vai phải do tụ cầu vàng; X, cao gày như cán bút, ngoài sáu chục, quê Nam Định,
đi chăm vợ bị gai đôi cột sống; T, ngoài năm chục tuổi, thấp lẳn, cùng vợ đi
chăm mẹ, bà cụ từng bị tai biến mạch máu não, nay thêm chứng đau lưng, chỉ nằm
một chỗ; và một tay đầu trọc, to béo, bị câm điếc bẩm sinh, không rõ tên, nghe
nói nhập viện do đau lưng, đi lại chống gậy.
Trong cái buồng bệnh này, xem ra,
người nhà đi chăm bệnh nhân lại nhiều chuyện hơn. Đương nhiên, người bệnh,
ngoài nỗi đau, sự chịu đựng, lại thêm tinh thần lo lắng, lấy đâu ra mà lắm lời
nhiều chuyện, ngoài thời gian đi chiếu chụp, còn lại là thời gian truyền thuốc
và tranh thủ ngủ bù cho ban đêm mất ngủ. Có chăng, hỏi chuyện nhau là để biết
thêm kiến thức về căn bệnh mình đang mang và kỹ năng chăm sóc bệnh sau này
thôi. Còn người nhà, bảo họ không lo lắng gì thi tội cho họ quá, song bản thân
họ khỏe mạnh, chỉ lo ngày 3 bữa ăn và giúp giập thêm, nên những lúc người bệnh
bận, họ chỉ còn biết tụ họp nhau ngoài ban công chuyện phiếm trên trời dưới
biển cho hết ngày giờ. Rôm rả nhất là Q và T, hai anh chàng này có vẻ hợp cạ. Q
là bộ đội, sĩ quan, từng đi đây đó, biết nhiều chuyện; còn T vốn dân xứ Thanh,
gia đình lên Đại Từ, Thái Nguyên làm kinh tế mới, lại có nghề thuốc nam gia
truyền nên kinh tế khá giả. Tuần trà sáng, T hào hứng khoe mình là Phó Chủ tịch
Hội thuốc nam địa phương, rồi chuyện hội ăn nhậu ở quê, nhậu dài dài mà chẳng
ngại hại tim gan phèo phổi vì biết nghề thuốc. Vậy mà, tuần trà chiều, đã thấy
mặt T rầu rầu, hỏi thì anh chàng phọt ra “Trưa
nay, nhận cú điện thoại từ thằng bạn nhậu ở quê báo tin, thằng V bạn em, là Chủ
tịch hội thuốc nam mới đột tử sáng nay. Bọn nó hỏi em có về đưa đám thằng V
không, ... lại gạ bảo em lên thay thằng V làm chủ tịch hội thuốc nam... Còn lâu
em mới thay nhá”. Rồi T còn bùi ngùi kể, mới hôm mống 6 tết rồi, thằng V
muốn tụ họp hội thuốc nam, đã mổ cả một con dê mời toàn hội đánh chén thỏa thuê
khai xuân mới. Khi Q hỏi thằng V sao đột tử, T bảo, nghe nói viêm gan cấp tính,
men gan cao chót vót, cấp cứu không kịp. Rồi T lầu bầu “Không hiểu sao lại thế, thuốc nam nhà thằng này rất siê, lại chuyên trị
về gan mà lị”. Nghe vậy, y nghĩ bụng, rõ là dao sắc không gọt được chuôi.
Chán chê, cả hội quay sang chuyện gã
Trọc, trong khi gã ngồi riêng một góc với cốc trà loãng trên tay và miệng phì
phèo điếu thuốc lá, chốc chốc lại liếc nhìn miệng mọi người phỏng đoán xem
người ta nói gì, và có nõi xấu mình không. Hồ sơ bệnh án, gã có cái tên khá hay
(B.N.A), bị điếc câm bẩm sinh, tóc húi trọc, nên gọi là gã Trọc cho ấn tượng,
54 tuổi, độc thân, sống một mình trong căn hộ khang trang đầy đủ tiện nghi.
Hoàn cảnh nhân thân gã là do người nhà kể và mọi người thâu tóm lại vậy. Nhà gã
đông anh em, gã là áp út, do tật nguyền vậy nên cha mẹ anh chị em rất thương.
Khi cha mẹ mất, mọi người lo cho gã chỗ ở riêng, lại quy định suất đóng góp để
sao cho mỗi tháng gã có đủ 8 triệu tiêu pha. Mọi chuyện sẽ bình thường nếu như
gã không bị chứng đau lưng và dị ứng ngứa mẩn. Gã đòi đi bệnh viện, và sau vài
lần như thế, gã mắc hội chứng “thích bệnh
viện”. Cứ lý mà suy đoán, thường ngày gã thui thủi một mình, xem tivi thì
cũng chỉ nhìn hình, đi bệnh viện, có đông người, lại được quan tâm săn sóc hơn
bình thường, gã yêu sách gì cùng được thực hiện, gã thích là đương nhiên thôi.
Xuất viện về dăm ngày, gã lại dở chứng nhăn nhó giả bệnh trọng, năn nỉ van lạy
đòi đi viện. Vào viện, cũng khám xét, chiếu chụp đủ kiểu nhưng bệnh chỉ có thế,
nên vài ba ngày, cùng lắm một tuần là phải xuất viện. Nghe nói, gã đã từng
tuyệt thực mấy ngày liền để được đưa đi cấp cứu. Ở viện, bác sĩ thấy mặt gã đã
phát chán, cho uống vài loại thuốc bổ cho xong, nhưng đâu hết chuyện, thấy bệnh
nhân khác được truyền thuốc mà gã chỉ được uống thuốc thôi thì gã cho là không
bình đẳng chút nào, gã hậm hức, bực bội lắm, nên mỗi khi có bác sĩ thăm khám,
gã cố tình nôn khạc, nhăn nhó, rớm nước mắt, ấn tay vào lưng làm hiệu đau
lắm... Còn chuyện ăn của gã cũng khác người, điều này thì y chứng kiến. Gã đòi
ăn hết món này đến món khác, nhưng khi mua về thì gã lắc đầu, ậm ọe chê, thậm
chí ngậm chút vào mồm rồi khạc nhổ hết ra chậu. Khi ăn uống gã toàn nằm, trong
khi đó, gã một tay chống ba-toong đi dạo suốt không sao. Ban đêm, mọi người ngủ
hết, chốc chốc gã lại dậy, đi tua như một bóng ma, rồi trở về, ăn hết cả chùm
nho, cái bánh bao như chơi. Có lần, y nghe người chị gã than thở “Cứ làm trò ra thế, làm tình làm tội mọi
người. lãng phí, mỗi lần nhập viện là cả đống tiền, có biết đâu, mọi người kiếm
được đồng tiền vất vả đến thế nào...”.
Chuyện này còn tái diễn, trước khi y
xuất viện vào ngày, gã Trọc lại nhập viện vào đúng phòng bệnh này, và thật
không may cho y, gã Trọc nằm ở giường 59, ngay sát giường của y, với hiện trạng
bệnh như cũ. Đúng ngày nghỉ cuối tuần, nên để gã nhập viện được, người nhà nghĩ
mẹo là đưa y vào cấp cứu rồi chuyển từ cấp cứu lên khoa này. Nhìn thấy y, gã
Trọc làm hiệu chào người quen cũ. Đầu tuần, khi thăm khám, bác sĩ nhận ra y, chán ngán. bèn gọi người nhà, nói
phải xuất viện ngay. Người nhà năn nỉ xin thêm vài ngày thì nhận được câu trả
lời dứt khoát “Chúng tôi đã làm hết mọi
thứ cần thiết rồi, về nhà uống thuốc theo đơn. Các bác thông cảm, bệnh viện
không phải nhà trọ, ở đây chỉ dành cho những bệnh nhân nặng”...
( còn nữa )
Nhận xét
Đăng nhận xét