Rong chơi với một chữ Tình ( XIX ) : Bệnh viện ký sự 5/




5.
Khi phần đông người là vạn bất đắc dĩ, là khổ sở, tốn kém, thì lại có người nhập viện tưng bừng như đi hội, người ra vào thăm nom sáng chiều tối tấp nập. Nói như vậy, không có nghĩa là người đó thích nhập viện, bởi đã là bệnh tật thì nặng hay nhẹ đều khổ rồi.
Bà Phg là một trong số đó. Năm nay bảy chục cái xuân xanh, vóc người nhỏ nhắn trắng trẻo, gương mặt cho thấy hồi trẻ là người có nhan sắc, nhưng cũng thể hiện sự sắc sảo, ghê gớm, và kiểu cách thì ra vẻ quý-xờ-tộc, người kẻ chợ. Từ lúc bà Phg nhập viện, bà điều khiển cả phòng bệnh như nhà của bà vậy. Nghe đâu, bà ta có con gái làm bác sĩ ở khoa nào đó của bệnh viện này, nên mỗi khi phải chiếu chụp gì đó, cô con gái bác sĩ điện thoại nhờ và trước, nên bà không phải xếp thứ tự như các bệnh nhân khác, chỉ đi một loáng là xong ngay. Rõ là “nhất thân, nhì quen”. Bà Phg nói liên tục, chỉ đạo này nọ, từ chuyện khép cửa, đến để ghế vào đâu, tắt mở tivi thế nào, tắt quạt bật quạ ra saot, tóm lại, là tất tần tật la cứ phải theo ý muốn của bà hết. Ngoài việc chỉ đạo, bà hỏi thăm bệnh và tranh luận với tất cả mọi người, tiếp đó là kể chuyện gia đình bà, khoe con này, cháu nọ khôn ngoan, giàu có. Chưa đủ, nhà bà thuê cho bà chị C, một người đàn bà nông thôn nạ dòng chuyên nghề chăm bệnh nhân để chăm sóc bà, và bà luôn miệng sai vặt (đương nhiên, cho bõ tiền công thuê mướn), giáo dục, nhắc nhở, phê phán chị C vì chưa làm bà vừa ý. Có lúc, bà nổi cáu, mắng mỏ, dọa đuổi, hoặc dọa không trả tiền công cho chị C. Tóm lại, chỉ trừ lúc bà Phg ngủ là người ta không thấy tiếng bà, và mỗi tối, cứ tầm 9 giờ là đòi tắt tivi, tắt hết đèn để bà ngủ... Khách khứa, người nhà bà vào thăm đông và nói chuyện ồn ào thì không sao, nhưng khách của người khác là bà tỏ vẻ khó chịu ra mặt. Cánh đàn ông nhăn mặt rỉ tai nhau “ thôi thì nhịn như nhịn cơm sống vậy” ...
Người nữa, ấy là anh chàng D, ngoài bốn chục tuổi, trắng trẻo đẹp giai ra mặt, ít nói và hầu như không giao tiếp với ai, kể cả người ở giường bệnh kế bên là bà Phg lắm lời, D được người nhà và đồng nghiệp thăm hỏi khá đông. Qua câu chuyện của khách thăm, đồ đoán, D có chút chức vị trong một doanh nghiệp nào đó. Lúc chuyện phiếm, Q ghé tai y thì thầm “Bác ạ, em nghe vợ chồng tay này bảo nhau, phong bì của khách thăm hỏi lên đến bốn, năm mươi triệu đấy. Chắc tay này là lãnh đạo doanh  nghiệp nên phong bì mới nhiều vậy”. D không chuyện trò với ai, và chỉ có mỗi một niềm vui, ấy là nghịch chiếc điện thoại đắt tiền, bất kể ngày hay đêm. Nhiều đêm, y trở dậy đi vệ sinh, vẫn thấy D ngồi ghế ngoài hành lang, cắm mặt vào chiếc điện thoại. Nghe nói, D bị bệnh gì đó, đau khớp và cơ, nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, hễ không dùng thuốc là sốt cao, có lần, D tỏ ra lo lắng sợ mình bị K...
Đầu tuần, khi đôi vợ chồng trẻ ranh xuất viện, giường bệnh đó có ngay bệnh nhân mới tiếp quản. Ông này ngót sáu chục, tên V, người thấp đậm, to béo, trán hói, chân sưng húp không đi được mà phải ngồi xe lăn, từ phòng bệnh khác chuyển sang. Lúc mới nhập phòng, con trai đưa vào, nhưng ở lại chăm sóc lại là một người đàn bà nạ dòng to béo, gương mặt hao hao ông V, nên mọi người đồ đoán là em gái chi đấy. Ông V ít nói, nhưng hễ nói là cáu gắt với người theo chăm mình. Ông ta sốt liên miên, được chăm sóc đặc biệt hơn, suốt ngày truyền dịch. Nhưng lúc tỉnh táo, ông V điện thoại liên miên, mời mọc, chỉ đạo này nọ người ở nhà chuẩn bị cho đám giỗ đầu mẹ đẻ ông ta ở quê. Một buổi, có mấy người vào thăm, trong đó có một bà già, và khi vừa nhìn thấy ông V, bà này đã ngào ngào khóc, lớn tiếng bảo ”Sao cháu tôi lại đến nông nỗi này... Thế mấy đứa con mày đâu, sao không trông bố mà lại để cái nhà cô này trông?” ý ám chỉ người đàn bà đang chăm bệnh ông V.  Người đàn bà nạ dòng chào bà già, lấy ghế để bà ngồi rồi với vẻ sợ sệt, len lén ra khỏi phòng bệnh, đi đâu mất cho đến khi khách về hết mới thấy quay trở lại. Khi ông V nói là ông cho đám con về quê lo việc giỗ thì bà già mắng “Thì ít nhất cũng phải có một đứa ở lại trông mày chứ, sao lại phó thác hết vào con mụ này... Cháu bà mà mệnh hệ gì thì con này, mày chết với bà”. Sau một hồi khóc lóc và lớn lối, bà già dúi cho ông cháu ít tiền rồi đi. Người đàn bà kia trở lại, làu nhàu “Chỉ được cái to mồm, tiếng là thương xót lắm nhưng ngồi với cháu được mấy phút. Cứ thử một đêm chăm cháu rồi xem...”.
Sau mọi người vỡ lẽ ra, ông V có mấy con với người vợ trước, chẳng hiểu bỏ vợ hay chết vợ, hiện tại V đang chung sống như vợ chồng với người đàn bà đang chăm bệnh ông ta đây. Người đàn bà này cũng đã có 2 mặt con với người chồng đã mất của cô ta. Ông V chuyển bệnh sau khi đi làm ca đêm về, lại phong phanh quần áo cộc đi tập thể dục rồi tắm. Chắc là cảm lạnh, cảm nhập tâm, sốt cao rồi chuyển bệnh nặng. Điều trị tích cực mà vài ngày sau thì bệnh ông V nặng hơn, khó thở, phải thở máy và sau một đêm trợ lực mọi nhẽ tại phòng bệnh, ông V phải chuyển sang phòng cấp cứu của khoa và sau đó chuyển tiếp sang A9 với tình trạng mười phần chết bảy. Mọi người bảo, ông bị tiểu đường nặng nay phá lung tung, nhưng bác sĩ lại chẩn, ông V ăn kiêng quá dẫn đến tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng. Nghe vậy, cả phòng bệnh lại có cớ bàn tán sôi nổi rằng, bị tiểu đường thì có nên ăn kiêng hay không và nếu ăn kiêng thì ở mức độ nào cho phải ?...
( còn nữa )

Nhận xét