6.
Sáng đầu tuần, sau dăm ngày truyền kháng sinh, như bác
sĩ khoa ngoại hội chẩn, y phải làm thêm mấy xét nghiệm máu như kiểm tra HIV,
tốc độ đông máu và siêu âm tim, rồi y được chỉ định sang phòng Tiểu phẫu của
khoa khác để là thủ thuật mổ ổ ép-xe. Mặc dù có tiêm thuốc tê nhưng y cũng phải
mấy bận đau cong người khi bác sĩ phẩu thuật ép dịch mủ trảo ra. Y tỉnh táo đủ
nghe hết trong khi phẫu thuật, mấy phẫu thuật viên nói chuyện với nhau về tình
trạng bệnh của y, kể cả việc họ gọi điện xin ý kiến chuyên môn của bác sĩ trưởng
khoa, và những câu tán đùa nhau. Y cũng cảm giác được đầu ống hút khua khoắng
và chạy sè sè tạo lực hút trên màng khung xương ngực phải để hút chất dịch mủ
trong ổ viêm, giống như người ta hút bùn loãng khi nạo vét ao hồ vậy. Người ta
khâu vết mổ lại, không quên việc đặt một cái ống dẫn lưu để dịch mủ ra tiếp
thời gian hậu phẫu. Lúc ấy, vừa 12 giờ trưa, mấy cậu bác sĩ trẻ, vừa đỡ ý ngồi
dậy, vừa thở như trút ra gánh nặng, bảo nhau “Rồi cũng xong việc. Được ăn trưa rồi đây”. Nghe vậy, y hiểu, ca bệnh của y phức tạp hơn so
với những gì mấy cậu bác sĩ này nghĩ. May mà, cũng ổn. Với chiếc áo bệnh nhân
loang lổ bởi dịch ổ viêm làm bẩn, y tự cầm cái túi bóng đựng chất dịch cùng dây
dợ lòng thòng với sự áp tải của vợ đi xuyên mấy dãy hành lang dài dặc để trở về
phòng bệnh cũ.
Thay áo sạch, rửa tay, y đói meo, ăn ngấu nghiến chiếc
bánh bao nóng hổi vợ y kịp mua cho. Trưa ấy, như trút được gánh nặng, mặc dù
bụng y còn vơi bởi chiếc bánh bao quá nhỏ so với cái dạ dày rỗng kiệt sau khi
chịu đựng ca phẫu thuật, y ngủ một giấc ngon lành cho đến 2 giờ chiều. Tỉnh ngủ,
y nằm trên giường, lắng lại, cảm giác như người khỏi hẳn bệnh, quên cả chiếc
ống dẫn lưu như cái vòi lòng thòng từ ngực y trồi ra với chiếc túi treo móc
lủng lẳng dưới gầm giường chứa đến vài trăm li dịch ổ viêm...
Trong số đàn ông ở phòng bệnh này, y hợp chuyện và hay
nói chuyện với 2 người, ấy là Q. và bác H. Nếu Q xuề xòa, thoải mái bao nhiêu
thì bác H lại kỹ càng câu chữ và khá hóm ngầm. Q hay động chân tay giúp người
bày đỡ người khác, thì bác H lại giữ mình để không phiền toái đến bất cứ ai. Q
thích chuyện đời sống dân dã và vui đâu chầu đấy, những chuyện vui ngoài xã hội,
thì bác H lại thích chuyện chính trị, chuyện thâm cung bí sử xưa nay. Với cả
hai người này, y đều vui chuyện được và cũng không cần phải ý tứ gì lắm. Có
tối, y và bác H kéo nhau ra ghế hành lang ngồi chuyện trò đến khuya những câu
chuyện triều chính ẩn khúc, chuyện nhiều nghi vấn... Dù bác ta khá kín tiếng, rồi
y cũng biết được nhân thân của bác H... Với chiều cao 1m75, xống mũi cao, gương
mặt có nét châu Âu, nên lúc trẻ nhiều cô gái say đắm. Là sinh viên, rồi nhập
ngũ, bị thương xuất ngũ, học tiếp đại học và trở thành giảng viên đại học. Bác
H từng được cho sang Nga làm nghiên cứu sinh nhưng lại từ chối, cưới vợ quê (giữ lời hứa của hai người cha gả con cho
nhau). Trước khi nghỉ hưu, bác H bị tai nạn xe máy, vỡ xương vai, đúng vết
thương cũ thời chiến tranh, kết quả phải thay khớp vai bằng hợp kim, kỹ thuật y
khoa tiên tiến ở thời điểm ấy. Hai chục năm sau, ổ khớp ấy thành ổ viêm do tụ
cầu vàng gây ra. Trừ mấy ngày nghỉ tết Mậu Tuất, bác đã có cả tháng truyền
kháng sinh. Ở tuổi này, gia đình yên ấm tại thành phố TB, hai con gái đầu
trưởng thành cả, riêng cậu út thì tuy học đại học “hơi lâu mới tốt nghiệp”, có lúc chơi bời tưởng hỏng nhưng rồi mọi
chuyện cũng qua, hiện đã có việc làm và yên bề gia thất. Bác H bảo “Tớ 76 rồi, trời cho được mươi năm nữa cũng
tốt, còn không, cũng chẳng có gì phải ân hận cả” .
Cái tâm sự kiểu này, hóa ra không phải riêng bác H, mà
còn là ý nghĩ của ông Ph, bệnh nhân giường 59. Bị gút nặng và cứ mỗi tối là
chuồn vê nhà ngủ, sau hơn tuần uống thuốc, ông Ph bớt đau chân, những tưởng
xuất viện đến nơi thì trong một lần chụp cắt lớp CT, người ta phát hiện ra một
khối u ở dưới thùy phổi phải. Bác sĩ điều trị khuyên ông nên sinh thiết tế bào
để kiểm tra u lành hay ác, đặng còn chữa trị kịp thời. Ông Ph kiên quyết không
chịu và chỉ một mực đòi xuất viện. Người ta mời anh con trai ông Ph gặp riêng
nhằm thuyết phục ông. Sau vài ngày, ông Ph không nghe, cuối cùng đành cho ông
xuất viện với tờ giấy cam đoan tự nguyện lưu trong hồ sơ bệnh án, là để tránh
việc đổ lỗi cho bệnh viện sau này. Lúc thu dọn đồ đạc, thu chăn ga trang phục
trả lại viện, ông Ph bảo y “Bác à, iem
năm nay 74 tuổi rồi, ba con đều phương trưởng, cháu nội ngoại dăm đứa, iem cần
gì nữa đâu. Thây kệ cái u, iem là iem nhất định không có chọc ngoáy, dao kéo gì
sất. Sống chết nó có số cả, thêm được bao nhiêu hay chừng ấy. Động vào, có khi
củ tỏi sớm cũng nên, bác nhỉ”. Mặc dù hơn y cả chục tuổi, song ông vẫn xưng
hô “iem iem” theo kiểu người nhà quê
như vậy. Ông Ph chào hết lượt mọi người trong phòng bệnh, xách túi đồ đạc, mắt
kính đen, lũn cũn theo chân cậu con trai cao ngồng ra về. Rồi cái khối u trong
phổi ông Ph ra sao, còn bỏ ngỏ, nhưng cũng có cái để người trong phòng bệnh bàn
ra tán vào mãi về quan niệm sống của người già nói chung, về số phận con người,
về cái sống cái chết ...
( còn nũa )
Nhận xét
Đăng nhận xét