Tiểu thuyết Vô đề (XV).





15.
Tôi không được kết nạp vào Đội thiếu niên tiền phong, lòng ấm ức lắm. Chẳng gì, những năm đầu chống xâm lược Mỹ, cái bầu không khí sôi sục ăn vào từng ngõ xóm, mái nhà và trái tim khối óc mọi người. Ai cũng nghĩ, Mỹ có hùng mạnh đến mấy thì cũng không đáng sợ, chỉ là con hổ giấy hù dọa những người yếu bóng vía thôi. Tuy ta bé và nghèo, nhưng ý chí quyết thắng và lòng dũng cảm thì có thừa, lại thêm sức mạnh của người bảo vệ tổ quốc, bảo vệ đất nước giang san, mang sức mạnh của chính nghĩa, dưới sự hỗ trợ của cả phe xã hội chủ nghĩa mà đứng đầu là Liên Xô hùng mạnh, dẫn dắt trong luồng ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Tư tưởng và ý nghĩ ấy thì đến trẻ chúng tôi cũng biết, cũng nhiễm. Thế nên, đã là người Việt Nam, là dân của miền Bắc xã hội chủ nghĩa thì trẻ con phải là Đội viện, lớn lên phải là Đoàn viên, rồi Đảng viên, ấy là lẽ sống của mỗi người. Không được kết nạp đội, thì có nằm mơ cũng không thể là cháu ngoan Bác Hồ. Tôi ngợp đi trong ý nghĩ ấy. Dường như bố tôi cũng đoán được, ông động viên tôi “Không sao con ạ. Cứ học cho thật giỏi đã, rồi biết đâu có ngày…?”. Nghe lời bố, tôi gắng học thật giỏi. 
Tại sao tôi lại có lòng mong mỏi được vào Đội làm vậy, ấy là tôi đã từng chứng kiến và giữ mãi hình ảnh lễ kết nạp Đội của chị Hạnh. Khi còn ở Hà Nội, chị Hạnh học trường tiểu học hữu nghị Việt Nam-Cuba trên phố Nguyễn Trường Tộ. Năm học lớp 3, chị Hạnh được vinh dự kết nạp vào Đội thiếu niên tiền phong tại ngôi trường này, cùng với một số học sinh khác của trường. Tôi nhớ, cả gia đình tôi được mời đến trường dự lễ. Buổi tối hôm ấy, cả nhà đều ăn mặc đẹp, đi sớm, ngồi ở hàng ghế khách mời danh dự. Học sinh tham dự lễ đông lắm. Tôi còn đang mẫu giáo lớn, được bố mẹ cho theo, ngồi trong lòng mẹ, tôi chìm đi trong không khí đám đông buổi lễ. Nghi thức trang trọng, chị Hạnh cùng tất cả các học sinh được kết nạp đều diện sơ-mi trắng, zíp xanh, đầu mũ ca-nô, xếp hàng ngang trang nghiêm, trong tiếng nhạc truyền thống của Đội. Người phụ trách thực hiện nghi thức thắt khăn quàng đỏ lên cổ mỗi người. Tất cả đều lặng đi vì xúc động tự hào, tôi còn bé nhưng cũng cảm nhận được và ngợp đi trong bầu không khí trang trọng đó, vì thế, sau này khi về quê, tôi vẫn mơ thấy một ngày nào đó mình được như chị Hạnh…
Chị Hạnh trở thành đội viên Đội Thiếu niên tiền phong bằng một lễ kết nạp trang trọng đầy xúc động như vậy, hẳn chị phải là người ngoan hiền, song chị là người có cá tính mạnh, bình thường ít nói và đặc biệt nghịch ngầm. Hồi nhà tôi ở ngõ Trúc Lạc, có mấy phi vụ gây ầm ĩ cả khu phố do đám trẻ con gây ra, thì chị Hạnh đều trong nhóm đầu têu. 
Chuyện thứ nhất, ấy là vào dịp tết một năm, tôi không nhớ rõ năm nào. Bố mẹ tôi cho mấy chị em chúng tôi dắt nhau đi chơi phố và dặn đến trưa thì về ăn cơm. Chơi phố chán, dùng tiền mừng tuổi mua quá vặt, gần đến trưa thì chị Ngoan bảo về, chị Hạnh nói chị Ngoan cứ đưa tôi về trước, còn chị tìm mua gì đó, sẽ về sau, Ai dè, cả nhà chờ cơm mãi vẫn không thấy chị Hạnh về. Cả nhà lo lắng bủa đi tìm nhưng qua mấy phố mà chị em chúng rôi chơi ban sáng, không thấy chị Hạnh đâu, sang chiều vẫn không thấy chị Hạnh về, bố mẹ tôi lo chị bị lạc, bèn hỏi xem mấy nhà hàng xóm trong ngõ phố, đám trẻ con có đứa nào biết chị Hạnh đi đâu không. Lúc ấy, các nhà khác mới biết, con họ cũng mất tăm không biết chơi đâu. Thế nhà cả ngõ phố nhốn nháo đổ đi tìm. Mãi chiều muộn, mới thấy chị Hạnh cùng đám trẻ về. Thì ra, chị Hạnh về gặp đám trẻ trong ngõ chơi quanh quẩn ngoài cổng ngõ, bèn rủ cả lũ lên tận Nghi Tàm, Quảng Bá xem người ta đánh cờ người. Tàn cuộc thì đã quá muộn. Cả lũ bị bố mẹ quát mắng, riêng chị Hạnh thì bị bố tôi cho mấy roi vào đít, phạt cái tội đầu têu.
Chuyện nữa, ấy là chuyện chị cầm đầu nhóm trẻ trong ngõ ăn trộm nước đá. Số là, từ ngõ nhà chúng tôi, ra đầu dốc Yên Phụ đổ xuống đường Thanh Niên rất gần, nên ngày ấy, vào những tối trong mùa nghỉ hè, đám trẻ con trong ngõ hay rủ nhau ra chơi đường Thanh Niên chơi, vì ở đây có vườn hoa, ghế đá, gió từ hai hồ Trúc Bạch và Hổ Tây thổi mát rượi, và nhà thuyền Hồ Tây lại có sân rộng. Mấy quầy bánh tôm và giải khát hồ Trúc Bạch, điện sáng chiếu cả một khu vực nên rất tiện cho trẻ con chơi. Nô đùa, chơi trò chán chê nên đứa nào cũng thấy nóng và khát nước. Một đứa nào đó ao ước “Giá có nước đá uống thì sướng biết bao?”. Nghe vậy, chị Hạnh bảo “Chúng mày có muốn uống nước đá không?”. Cả hội đều thích, hỏi lấy tiền đâu mà mua nước giải khát. Chị Hạnh chỉ vào quấy bánh tôm bảo “Ở đây chứ đâu.”. Thế là, sau một hồi bàn bạc, chị Hạnh cùng mấy đứa lẻn vào chỗ để nước đá của quầy, hì hục vần được nguyên cả một cây nước đá vẫn còn dính đầy mùn cưa bảo quản mà không bị phát hiện. Cả bọn để cây nước đá lên ghế đá, gạt mùn cưa, cho chảy bớt nước, sạch sẽ, rồi tìm cách đập ra, thi nhau ăn đá, uống thỏa thuê thì vã lên mặt. Chán chê, bỏ cây nước đá dở lại, kéo nhau về. Hôm sau, mấy đứa bị sốt viêm họng do ngậm nhiều nước đá. Chuyện này, tôi được chị Hạnh cho theo, nhưng bé quá, chỉ nhớ mang máng vậy. May là, người lớn không ai biết, nên chẳng đứa nào bị mắng phạt cả. Ấy là bí mật của lũ trẻ con trong ngõ mãi về sau...
Chuyện thêm, là một chuyện tày đình, cũng là một bí mật của số ít trẻ con trong ngõ. Ấy là, ngõ bên, liền với khu nhà chúng tôi, có một xưởng sản xuất đồ hộp, bao bì các-tông. Trong khu vực ấy, có một gia đình nguyên là cán bộ tập kết, nghe đâu họ người ở mấy tỉnh miền Trung, giọng nói nặng, khó nghe lắm. Nhà này có hai đứa con gái, tính nết cũng thuộc loại ngang bướng, hay gây sự, không hiểu vì sao chúng lại mâu thuẫn với đứa con gái nhà Đàm Quýnh, bạn thân của chị Hạnh. Chuyện đến tai bố mẹ hai đứa kia, nên một lần, con bé nhà Đàm Quýnh bị bố mẹ chị em nhà kia đe nẹt. Nó tức lắm, bèn rủ chị Hạnh giúp nó trả thù nhà kia. Nghĩ mãi, bèn bầy ra một cách tai quái đến mức khó hiểu là tại sao hai đứa trẻ con lại có thể nghĩ ra được. Nguyên tường ngăn giữa hai khu nhà chạy dài ra sát mép hồ, ở đấy có một cây roi rất to, cỡ cây cổ thụ, cành lá sum suê. Liền đấy, bên này là khu nhà bếp chung, bên kia là căn nhà mà gia đình nhà ấy đang ở. Một tối, chị Hạnh và bạn leo lên cây roi, rồi chuyền xuống mái nhà bếp, lại bò sang mái nhà bên. Bọn trẻ con mấy đứa nhóc chúng tôi đứng dưới gốc roi hóng lên, lặng im theo dõi hai chị leo trèo, không rõ việc gì. Một lát sau, nghe thấy tiếng nhà bên hô hoán ầm ĩ gì đó, rồi thấy hai chị chàng vội vàng chuyền xuống, kéo mấy đứa chúng tôi bỏ chạy khỏi gốc roi, im thít, nhanh chóng giải tán ai về nhà nấy. Mấy hôm sau, tôi mới được vỡ lẽ, thì ra, để trả thù, hai bà chị trẻ ranh này đã trèo lên mái nhà kia, lén rút một viên ngói, rồi thay nhau tè xuống qua lỗ hổng. Nghe nói, thoạt đầu nhà họ tưởng trời mưa dột mái, rồi mới phát hiện ra không phải vậy, vì thấy nước có mùi khai, bèn túa ra sân, thấy trời không mưa thật, mới hô hoán lên. Chuyện này được ém nhẹm, nếu không thì hai đứa chết đòn, mà còn phiền toái to. 
Sau này, mỗi lần nhắc lại, chị Hạnh vẫn mủm mỉm cười vì sự tai quái trẻ ranh ngày đó. Nhưng hỏi rằng ai nghĩ ra trò quái này, chị Hạnh vẫn chỉ cười nhẹ, không trả lời,...

Nhận xét