Tiểu thuyết Vô đề ( XVII )



16.
Năm tôi học lớp 3, lớp tôi bổ sung thêm mấy bạn học mới. Nghe nói, cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ ra miền Bắc ác liệt quá, khi ấy, Mỹ lại đe dọa sẽ đánh thẳng vào Hà Nội, vì thế, nhiều trường đại học ở Hà Nội phải sơ tán về các vùng nông thôn lân cận. Vùng quê tôi, đón nhận mấy khoa của Trường Đại học Tổng hợp sơ tán về. Trong số mấy học sinh bổ sung vào học cùng lớp với tôi có hai người là anh em ruột, ấy là Bình, người anh và Duyên, em gái. Chú Mạnh, cô Phương, bố mẹ họ là cán bộ của Trưởng Tổng hợp, được phân công theo sinh viên về đây. Cả nhà, gồm 5 người, sau anh em Bình, Duyên, còn có cu cậu út là Tú, học lớp 1. Chẳng hiểu sao, Bình hơn em gái mình  2 tuổi mà anh em lại học cùng niên khóa. Cùng trang lứa vời chúng tôi, nhưng hai anh em nhà này phổng phao hơn, phải chăng người thành phố được chăm sóc và ăn uống tốt hơn. Vì cùng là người từ thành phố về, nên hai anh em Bình, Duyên nhanh chóng thân với tôi, còn có lẽ, khi ấy tôi thuộc diện học giỏi nhất lớp. Về học lực, Duyên khá hơn anh mình, tuy nhiên, khi gặp những bài toán khó, hai anh em vẫn phải nhờ tôi giải giúp. Vì thân và hay qua lại nhà nhau, nên bù lại, tôi lại được anh em họ cho mượn sách truyện. Thật may mắn cho tôi làm sao, và cho đến tận bây giờ, đã nửa thế kỷ trôi qua, kể từ ngày đó, tôi vẫn thầm cảm ơn anh em Bình-Duyên đã cho tôi mượn sách truyện đọc. Không ngần ngại, tôi khẳng định, đấy là những cuốn sách đầu đời tôi được đọc, nhờ đó, tôi sinh lòng say mê sách, lòng ham hiểu biết, và sớm có chút hiểu biết, tri thức từ khi còn nhỏ tuổi. Số là, trưởng sơ tán, về theo có cả bộ phận thư viện, tư liệu, mà cô Phương, mẹ của anh em nhà ấy lại là nhân viên của bộ phận này. Vậy là họ mượn quyển nào là tôi được đọc ké quyển đỏ. Chỉ mỗi tội áp lực, là mỗi quyển tôi mượn, không được quá ba ngày, thậm chí, có quyển chỉ một ngày, phải trả lại đề hoàn về thư viện. Chẳng hiểu anh em nhà ấy đọc sách ra sao, chứ đến tay tôi là tôi ngấu nghiến cho bằng hết. Tôi đọc quên ngày quên đêm, thậm chí phải lỉnh ra một xó nào đó, góc bếp, xó vườn, chân lũy tre, miễn đừng để bố mẹ tôi biết là được. Thực ra, bố mẹ tôi khuyến khích con cái việc đọc sách, nhưng lại lo vì quá say mê mà xao nhãng việc học bài. Giờ đây, tôi không nhớ rõ bao nhiêu quyển đã qua tay tôi, song cuốn sách đầu tiên đã khiến tôi mê mẩn và để lại ấn tương sâu đậm nhất trong tôi thời đi học, ấy là cuốn “Thần thoại Hy Lạp”. Ngày ấy, tôi đã say đắm thế giới của các vị thần, thần Zớt (Zeus), vị thần chúa tể, với cây quyền trượng trong tay và vũ khí sấm chớp, cai quản bầu trời bao la với quần thần trên đỉnh Olanhpơ (Olimpus) rực rỡ; thần Hades cai quản địa ngục tăm tối; thần Poseidon với chiếc đinh ba cai quản biển khơi mênh mông cuộn sóng... rồi đó, là các vị thần, Hera, nữ Hôn nhân và Gia đình, quyền uy, vợ của thần Zớt; Apolon-thần Ánh sáng điển trai có cây cung bạc; Ares-thần Chiến tranh có bộ dạng dữ tợn, Athena-nữ thần Trí tuệ sáng suốt; Aphrodite-nữ thần sắc đẹp quyến rũ. Hermes (Mercury), thần Bách nghệ cực kỳ thông minh, khôn khéo và lanh lợi; Atemix (Diana)- nữ thần săn bắn xinh đẹp,... Rồi nữa, là các vị thần là Iris-thần Cầu vồng, truyền tin như gió; Dionysus- thần Rượu nho, và đặc biệt, Eris-nữ thần Bất hòa và xung đột, người đã thả quả táo vàng “tặng cho người đẹp nhất” vào bàn tiệc trong cưới vua Hy Lạp Peleus và nữ thần biển Thetis, khiến ba nữ thần là Hera, Athena và Aphrodite tranh nhau, và cuối cùng thần Zớt đành phải trao xứ mệnh phân xử bằng cách trao quả táo vàng ấy cho chàng hoàng tử Paris, người nổi tiếng đẹp trai, và kết quả, anh chàng này đã trao quả táo vàng cho nữ thần tình yêu Aphrodite, khi nàng ta hứa sẽ giúp chàng chinh phục người phụ nữ nhan sắc nhất thế giàn, khiến hai nữ thần kia nổi giận, đó là nguyên nhân gây bất hòa giữa các vị thần, dẫn đến cuộc chiến tranh thành Troa tàn khốc, từng được kể trong trường ca Iliat bất hủ... Tôi cũng rất ngưỡng mộ các vị anh hùng của Thần thoại Hy Lạp là Hec-quyn, A-sin, Hec-to, tuy thân hình mình mảnh khảnh, ngại chuyện đụng chân đụng tay, nhưng lại dám mơ ước mình có được tinh thần như các vị anh hùng đó...

Cùng với Thần thoại Hy Lạp, tôi còn được đọc Chiến tranh và Hòa bình của Lev Tolstoi, Những linh hồn chết của Gogol, ... mà sau này, tôi mới biết đấy là những tác phẩm kinh điển của văn học Liên Xô. Trong số sách truyện ngày ấy, tôi nhớ, có một số tác phẩm hiện đại đề tài về chiến tranh thế giới thứ hai như Đội cận vệ thanh niên, Trong chiến hào Stalingrat... Còn văn học Trung Quốc thì chỉ được đọc mấy tập Tây Du ký, Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy hử thôi đã sướng mê li rồi... Cũng nhờ những cuốn sách truyện mượn được từ anh em Bình-Duyên, tôi bắt đầu tích cóp những đồng xu, tiền hào từ tiền ăn quà vặt mẹ cho, dành để mua những cuốn sách đầu tiên cho riêng mình, gây dựng nên tủ sách gia đình tôi với hàng ngàn cuốn sau này. Thực tình, những câu chuyện cổ tích, chuyện thần thoại và lịch sử Trung Hoa mà bố tôi đã từng kể cho nghe mỗi đêm trước khi đi ngủ đã dung dưỡng âm thầm trong tôi lòng yêu văn chương, lịch sử, thì nay, các cuốn sách truyện này, vô tình thổi bùng sự say mê sách vở văn chương tháng ngày thơ ấu, thành ngọn lửa rực sáng trong tôi những khát khao cháy bỏng...
Chưa hết, mấy anh em nhà Bình, Duyên còn đem đến cho bọn trẻ con xóm tôi một niềm đam mê khác nữa, ấy là bóng đá. Trước đấy, lũ trẻ con chúng tôi cũng đã biết đến trò chơi đá bóng, nhưng ở quê thì lấy đâu ra bóng mà đá. Thế là, lũ trẻ đã nghĩ ra một cách, lấy lá chuối khô quấn tròn nhiều lớp thành quả bóng, chằng buộc dây cho chặt rồi đem đá, song chỉ chốc lạt, dây buộc bị tuột, lá xổ bung ra, mất đá. Lại có đứa nghĩ ra cách, lấy quả bưởi xanh, nướng qua lửa cho nẫu bớt, rồi thay bóng mà đá, đá chân đất chứ đâu có giày tất, bưởi nẫu, đá đỡ đau chân hơn, nhưng cũng chóng chán. Đến khi, Bình và cậu em Tú mang ra khoe quả bóng bằng cao su, và rủ chúng tôi cùng đá, thì niềm vui mới thực sự. Tôi còn nhớ, quả bóng cao su màu đỏ nhạt, kích thước vừa chân trẻ con, bóng  căng, đá bay vèo vèo, sướng lắm. Lũ trẻ chúng tôi chạy hùng hục, tranh cướp bóng quyết liệt, nhưng luật lệ thì chẳng biết gì. Có chiều chủ nhật, chú Mạnh, bố của Bình rỗi rãi, ra xem và cổ vũ lũ trẻ chúng tôi chơi bóng. Chú ấy còn giảng giải, làm trọng tài giám sát trận đấu, bắt chúng tôi phải chơi theo luật, dạy thế nào là ném biên, rồi đá coóc-ne (phạt góc), đá phạt pê-nan-ty (phạt 11m) ra sao... Bình lớn phổng phao hơn chúng tôi và đá kỹ thuật lắm, còn thằng Tú bé tí, hay bị chèn ngã, hoặc bóng đá vào người, đau quá khóc nhè. Và thật cáu tiết, mỗi khi thằng Tú như thế, nó thường bỏ đá, đứng chầu rìa, hoặc đe dọa mách bố mẹ, và tệ hơn, nó rình khi bóng ra ngoài sân, liền chạy nhặt bóng rồi ôm bóng chạy thằng về nhà cất biến đi. Không có bóng đá, Bình tức lắm, phồng mang trợn má, trừng mắt dọa, nhưng thằng cu Tú đau có sợ. Bọn trẻ chúng tôi thì châng hẩng, chỉ biết nài nỉ thằng cu Tú, hoặc xúi giục Bình về lấy bóng... Tức thằng Tú phá đám, nhưng nịnh nó, rồi cũng có lần nó lại mang bóng cho đá. Chán nhất là bóng hỏng, bóng cao su, đá trên sân gạch hùng hục như thế, chỉ dăm bữa nửa tháng là bị sạn gạch chọc thủng, hoặc dò kiểu châm kim, bóng xì hơi dần, mềm oặt, lép xuống, đá tậm tịt lắm, đành bỏ đi. Mỗi lần vậy, lại phải chờ hết tuần, thậm chí cả tháng sau, bố mẹ Bình về Hà Nội mới mua được bóng mới. Song dẫu có chiều con đến mấy, thì bố mẹ Bình cũng chỉ đáp ứng việc mua bóng mới dăm ba lần thôi. Vậy là, quả bóng tuổi thơ và niềm vui đá bóng của tôi và lũ trẻ xóm đã ngừng bay...

Về mối quan hệ của tôi với gia đình cô chú Mạnh-Phương và tình bạn với anh em nhà Bình, Duyên, Tú được chừng một năm rưỡi thì bị gián đoạn. Kết thúc năm học lớp 4, khi đó, cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ ra miền Bắc tạm lắng, gia đình cô chú Mạnh, Phương phải theo trường từ nơi sơ tán về lại Hà Nội, thế là tôi đành phải chia tay với hai bạn học là anh em Bình, Duyên. Lưu luyến lắm, mà cũng phải thôi, cùng nỗi nhớ bạn, còn có nỗi nhớ, nỗi thèm khát những cuốn sách truyện và trái bóng cao su màu đỏ... Song chưa hết, chừng mươi năm sau, tôi đã nối lại được mối quan hệ với gia đình này, cùng mấy người bạn cũ ấy, không những thế, câu chuyện còn dài dài mãi về sau, và ít nhiều ảnh hưởng đến bước đường đời và số phận của tôi ...

Nhận xét