Rong chơi với một chữ Tình (XXV) - Ngày xưa, tôi có một người bạn...





Ngày xưa, tôi có một bạn, anh tên là Lê Kim Liên. Một cái tên đẹp, nhưng đọc lên, người ta ngỡ là con gái. Khi được hỏi, tại sao là con trai mà lại mang cái tên đầy nữ tính thế, anh giải thích, đơn giản, mang họ Lê, người xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cha mẹ anh đặt tên cho anh như vậy, là thể hiện sự tự hào về mảnh đất đã sinh ra Người, vị anh hùng dân tộc, đã sáng lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, danh nhân Văn hóa thế giới...
Anh cỡ tuổi tôi. Học xong Trung cấp nghề cơ khí Máy nông nghiệp ở ngoài Bắc, anh được điều vào công tác tại Ban Nông Lâm nghiệp huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, trước tôi gần 2 năm. Ngày ấy, huyện Tri Tôn có khá nhiều người được điều động từ miền Bắc vào công tác, cắm ở các ngành nghề khác nhau. Chuyên viên tổ chức HTX nông nghiệp, có 2 bác lớn tuổi quê Thái Bình, một nguyên là Chủ nhiệm HTX nông nghiệp, một nguyên là Chủ tịch UBND xã ở ngoài quê; ngành Thủy lợi, có anh S, kỹ sư; ngành Ngân hàng có anh M, tốt nghiệp Cao đẳng Ngân hàng; ngành Giáo dục, có các anh Ph, anh D, anh TA; ngành Nông nghiệp có anh V, Lê Kim Liên, và tôi, cùng anh T (nguyên bộ đội chuyển ngành học trước tôi một khóa ở Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, nay là Học Viện Nông nghiệp Việt Nam). Ngoài ra, còn một vài người nữa ở các ngành nghề khác như Bưu điện, Thương nghiệp, ...
          Mùa mưa bão năm 1981, tôi và anh T, cùng một số anh chị em khác, tốt nghiệp các khóa 20 và 21 của Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, nhận quyết định của Bộ vào nhận công tác ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trên đường vào, chúng tôi gặp trắc trở, mưa bão gây sạt lở nhiều đoạn trên đèo Cù Mông và đèo Cả, khiến tàu Thống Nhất (xe lửa) hành trình Bắc-Nam là 72 giờ, thành một tuần mới đến được Ga Sài Gòn sau mấy lần tăng-bo qua những đoạn sạt lở. Xuống miền Tây, về thị xã Long Xuyên, nộp giấy tờ, đợi thêm mươi ngày nữa, tôi và anh T nhận quyết định của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh điều tiếp xuống công tác tại Ban Nông Lâm nghiệp huyện Tri Tôn. Khi ấy, huyện này mới được tách ra từ huyện cũ Bảy Núi thành hai huyện là Tịnh Biên và Tri Tôn.




            Lúc đó, thị trấn Tri Tôn là huyện lỵ mới, lại vừa qua cuộc chiến tranh Biên giới năm 1979 với Khơ-me Đỏ, nên hoang tàn và đơn sơ lắm. Ban Nông Lâm nghiệp huyện đóng tại một vườn chùa cũ, không chủ, nhưng nghe đâu, người chủ cũ bỏ ra nước ngoài vào thời điểm Giải phóng miền Nam năm 75. Thế nên, nhà cửa cũ nát xen với nhà dựng tạm, vách và mái đều bằng tôn. Công sở đã vậy nên nhà ở cho cán bộ công nhân viên từ nơi khác đến, nhất là những người thuộc diện đều động từ miền Bắc vào như chúng tôi, rất khó khăn. Tôi và anh T được xếp ở chung một phòng cũ, diện tích chừng mươi mét vuông. Vậy là còn khá, chứ Lê Kim Liên, dù vào trước, vẫn không có chỗ ở, nên anh phải ở nhờ nhà anh V, khi đó là Trạm trưởng Trạm Thú y huyện, quê ngoài Quảng Bình, tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp II Hà Bắc, vào công tác từ ngay những năm đầu sau giải phóng. Anh V đã đưa vợ con từ quê vào sinh sống. Vì có gia đình riềng, nên anh V được huyện cho mượn tạm chút đất vườn trống gần cơ quan, cất mấy gian nhà lá thưng vách lá dừa, mái tôn, để ở. Vì là người miền Trung với nhau, dễ thông cảm và giúp đỡ nhau, Liên ở nhờ đấy, góp tiền ăn cơm chung với gia đình anh V cũng tiện đôi đường.
          Cả huyện có hơn chục người miền Bắc vào công tác, cùng hoàn cảnh nên mọi người biết nhau cả, và cũng nhanh chóng làm quen, chơi với nhau. Tiếng là vậy, song còn hợp tính hợp nết thì mới thân nhau được. Những ngày đầu, tôi và anh T ăn bếp ăn tập thể cơ quan, còn Liên cơm gia đình, lại thêm, mỗi vụ máy cày xuống đồng, anh đi liền cả tháng chỉ đạo cày bừa ở địa bàn, thi thoảng đáo về cơ quan, nên quan hệ bạn bè chỉ sơ sơ vậy thôi. Sau hơn nửa năm, anh T chán chường, xin về phép dài, khi trở vào, làm thủ tục thôi việc. Tôi thông cảm với hoàn cảnh anh T, là bộ đội chuyển ngành, đã có vợ và hai con, nhà ở ngoại thành Hà Nội, nên không chấp nhận cuộc sống xa nhà đằng đặc như thế này. Anh T về Bắc, tôi chống chếnh một thời gian, chỉ trông chờ vào chủ nhật, lập nhóm nhậu nhẹt với M, cán bộ Ngân hàng và D, giáo viên trường THPT huyện mà thôi. May mà, khi ấy Liên thấy ở nhờ nhà anh V lâu ngày cũng sinh bất tiện, nên thôi, sang kê giường ỏ ngay khu nhà để máy kéo của Ban Nông Lâm, và ăn cơm bếp tập thể như tôi. Vậy là cùng hoàn cảnh, tôi và Liên thân nhau hơn.
          Tên thì như con gái, nhưng Liên là người khá đẹp trai và đầy nam tính. Anh cao gần mét bảy, thân thể khỏe mạnh, cơ bắp săn chắc, mặt vuông chữ điền, cái nhìn lại khá mơ mộng. Cái quý ở anh, tính tình cởi mở, xuề xòa, hay cười, hàm răng trắng đều và mỗi khi cười là tít hết cả mắt. Thêm nữa, anh hay giúp đỡ người khác, nhất là những việc nặng nhọc. Sau này, bếp ăn tập thể tan, tôi và Liên, hai thằng người Bắc, tự chợ búa, nấu cơm chung với nhau. Tôi chúa ngại việc chợ búa, nên Liên đảm nhiệm việc đi chợ, xách nước, chẻ củi, còn tôi thì nấu ăn. Thỉnh thoảng Liên nhày vào bếp, tranh phần nấu nướng, nhất là chế các món ăn đặc trưng xứ Nghệ quê mình.
          Sau này, cơ quan làm thêm một ngôi nhà mới, mấy gian giữa là nơi làm việc chung, hai phòng đầu hồi, một dành làm Kho thuốc Thú y, một dành cho tôi ở. Tôi rủ Liên dọn vào đấy ở chung, bởi nơi ở tạm của anh tại Nhà để máy kéo trống huếch trống hoác, mái tôn rất nóng, lại nặng mùi xăng dầu máy, rất khổ. Khổ nỗi, ngay phía sau ngôi nhà mới, cách một hàng rào là gò đất cao trội hẳn lên, dân trong khu vực dành làm nghĩa địa, vì đồng ruộng quanh năm ngập nươc, mộ mới mộ cũ lẫn lộn, kinh lắm. Những ngày Liên ở nhà, đêm ngủ, chúng tôi mở cửa sổ sau để gió đồng lùa cho mát, còn những ngày anh vào vụ cày, đi địa bàn, một mình tôi ở nhà, thì ban đêm, dù nóng mấy, tôi đều đóng tịt của sổ sau vì sợ bóng sợ vía cái nghĩa địa liền kề đó, nhất là mỗi khi có mộ mới chôn. Ngày ấy, chưa có điện lưới, điện chạy máy phát, đèn đỏ quạch, và cũng chỉ có tử chập tối đến chừng mười giờ đêm là tắt hẳn. Đêm ngủ, vẫn phải hãm đèn dầu hỏa bằng hạt đỗ để lấy ánh sáng, đặng biết lối đi và cũng đỡ cô độc, đỡ sợ.
`        Về chuyện gia dình, khi ấy, Liên đã cưới vợ được vài năm rồi, nhưng vì xa xôi cách trở, mỗi năm chỉ đi phép cả đi lần về chừng già nửa tháng, nên vợ chồng Liên vẫn chưa có con. Còn tôi, khi bước chân vô Nam, tôi để lại miền Bắc người mẹ già sống một mình và người bạn gái, người Hà Nội, vốn là bạn học cũ của tôi thời gia đình cô sơ tán về vùng quê tôi, khi ấy được điều động đi dạy ở một trường Trung học phổ thông thuộc vùng xa của Hải Dương. Những buổi tối rỗi rãi, hai thằng hay làm xị đế, mồi nhậu thường đơn giản là ít khô cá đuối nướng, xoài xanh chấm với nước mắm pha đường thốt-nốt, ngà ngà say thì nghêu ngao hát với nhau cho đỡ buồn. Hổi tốt nghiệp xong, chờ quyết định phân công, để đỡ sốt ruột, tôi mượn cây ghi ta của một người quen, bập bùng tập đàn như mèo cào. Khi vào Tri Tôn, đi làm có lương, thiếu thốn nhưng tôi cố tiết kiệm mua một cây ghi ta, tập tành nhiều, tuy chẳng có khiếu thì cũng đàn được vài bài. Liên đàn cũng vậy. Những lúc như thế này, hai thằng thay nhau ôm đàn, chỉ chốc lát là hết mấy bài tủ, thế là vỗ đàn rầm rầm, hát tầm phào, chẳng bài nào ra bài nào cả. Liên hát khá hay, hết nhạc Trịnh lại sang nhạc sến, dòng bolero sầu bi, ảo não. Tôi thì chỉ hát hùa theo chốc lát, chán, lại tự đọc thơ mình. Chốc chốc, Liên kêu to “Vợ ơi, nhớ vợ quá“. Kêu vậy, rồi cười khà khà, mặt đỏ bừng, mắt típ lại, vừa khôi hài, lại có gì đó tội nghiệp. Những tưởng, nhậu cho say, cho quên đi ngày tháng, hát hò cho đỡ buồn, nhưng rồi lại buồn hơn. Mỏi miệng, khản cổ, chẳng ai thèm hát nữa. Rồi Liên mang chuyện vợ mình ra kể. Tôi cũng rỉ rả chuyện về bạn gái của mình... Kể chán thì ngủ. Lại một ngày mới ...
          Ngày đó, tôi biết Liên yêu và nhớ vợ anh lắm. Mà phàm có vợ rồi, lại canh cánh chuyện sinh con đẻ cái, thứ nghĩa vụ không thể coi thường. Liên rất chăm viết thư cho vợ. Chữ anh viết khá đẹp. Đặc biệt, khi viết tên và địa chỉ người nhận trên phong bì thư, anh nắn nót lắm, nên đến giờ nghĩ lại, tôi vẫn nhớ. Nếu không nhầm, vợ Liên tên là Hoài Phương, mang họ gì thì tôi nhớ không chính xác, còn địa chỉ, cô ấy công tác ở Phòng Tài chính của huyện Kỳ Sơn, một huyện miền núi biên giới giáp Lào của tỉnh Nghệ An. Đều chăm viết thư như nhau, nên cả tôi và Liên cùng có chung một nỗi đợi chở và niềm vui mỗi khi nhận được thư từ miền Bắc gửi vào… Lâu lâu, khi có tiền, Liên lại tự đi chợ, lựa mua vải vóc, ra bưu điện huyện, gói kiện gửi cho vợ anh may quần áo.
          Mấy năm đó, nếu năm nào không nghỉ phép ra Bắc, thì tôi lại mò sang tỉnh Minh Hải (khi ấy chưa chia tách lại thành Cà Mau, Bạc Liêu như bây giờ) để thăm mấy người bạn cùng lớp đại học, công tác ở đấy. Song cũng vui là được đón bạn đến chơi. Vui nhất, là một chiều, tôi và Liên đang hì hụi nấu cơm thì nghe có tiếng ai hỏi thăm tên tôi ở phía ngoài, ngẩng nhìn lên, thấy một người trang phục quân đội chỉnh tề, áo có gù vai, mũ sĩ quan, kiểu trang phục như đội danh dự trong các lễ nghi quốc gia. Thì ra, đấy là anh Nguyễn Sĩ Bình, một người bạn học của tôi ở Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Anh Nguyễn Sĩ Bình hơn tôi vài tuổi, là sĩ quan được quân đội cử đi học và học sau tôi vài khóa. Chúng tôi quen và chơi với nhau từ hồi sinh viên, cùng bạn ngày đó còn có Trịnh Bá Ninh, sau này là Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam. Dịp nghỉ phép ra Bắc trước đó, tôi có ghé về trường cũ thăm anh Nguyễn Sĩ Bình, và được anh cho biết, sau tốt nghiệp, anh sẽ xin về là phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Không ngờ là sự thật, anh Nguyễn Sĩ Bình vừa nhiệm sở, làm phóng viên tại Ban Đại diện Báo QĐND tại thành phố Hồ Chí Minh, chuyến công tác đầu, anh chọn đi địa bàn Miền Tây Nam bộ, để có điều kiện đến Tri Tôn, An Giang thăm tôi. Vui và cảm động lắm. Anh, khi ấy có bút danh là Sĩ Bình, được tôi đưa đi thăm thú mấy địa danh nổi tiếng trong vùng, ấy là Ba Chúc, nơi xảy ra vụ thảm sát dân thường của Khơ-me Đỏ trong chiến tranh biên giới Tây Nam, và đồi Tức Dụp, quả đồi được mệnh danh là đồi 2 triệu đô la, bởi trong chiến tranh chống Mỹ, máy bay của Mỹ Ngụy đã bắn phá khu căn cứ du kích cách mạng nơi đây một khối lượng bom đạn giá trị tương đương vậy. Tôi và Liên rất vui, tất bật chợ búa, nấu ăn, đón tiếp anh Sĩ Bình. Liên coi bạn tôi như bạn anh. Sẵn có máy ảnh, anh Sĩ Bình đạo diễn, chụp cho chúng tôi rất nhiều ảnh. Khi về lại thành phố Hồ Chí Minh, anh Sĩ Bình rửa ảnh và gừi lại cho tôi và Liên cả tập ảnh, chia nhau mỗi người giữ một nửa.



          Cứ thế, thấm thoắt, mỗi người một công một việc. Lúc cả hai đều ở văn phòng Ban, lúc người này người kia đi địa bàn công tác. Liên khá quảng giao, anh có nhiều bạn bè chiến hữu người địa phương cùng ở Trạm Máy kéo với anh. Còn tôi, cũng vậy, ngoài mối quan hệ với bạn bè trí thức từ Bắc vào, như anh V, anh Ph, rồi M. D,... tôi còn quý mến, nhở vả mấy người chị gốc Bắc lấy chồng là cán bộ tập kết; và nữa, anh chàng Châu Vôn, người Khơ-me bản địa, là thủ kho Kho thuốc thú y, người hay chuyện trò với tôi mỗi tối, khi Liên đi địa bàn và cả thời gian sau này...
          Chừng năm 1985 gì đó, Liên sau chuyến đi phép về Nghệ An, khi quay trở vào, anh làm thủ tục xin chuyển công tác ra Bắc. Tôi nhớ không nhầm, thì anh xin về làm việc tại một nông trường hay đơn vị nào đó thuộc địa bàn huyện Tân Kỳ, Nghệ An. Thời gian ấy, tôi bận công việc, còn Liên thì bận thủ tục giấy tờ, rồi gặp gỡ chia tay với gia đình người quen và bạn hữu để ra hẳn Bắc, nên cũng chẳng mấy khi hai thằng trò chuyện, tâm sự. Liên có làm một bữa cơm chia tay tôi và mấy anh em trí thức người Bắc. Hôm Liên đi, tôi tiễn anh ra bến xe khách huyện, để anh lên thị xã Long Xuyên, rồi tiếp lên Sài Gòn, đáp tàu ra Vinh... Xe chạy, tôi và Liên đều bùi ngùi. Cùng đàn ông cả với nhau mà mắt rân rấn nước. Liên được về bên gia đình, người thân, còn tôi, rồi sẽ ra sao đây? Trông người lại ngẫm đến ta, người xưa bảo vậy, đến bao giờ thì mình được về gần mẹ, gần người yêu đây? Thấy tương lai xa vời và mờ mịt quá...
          Sự ra đi của Liên, trước đó là anh T, rồi cuộc đến thăm của anh bạn nhà báo Sĩ Bình... tất cả dồn nén trong tôi, khiến tôi cảm thấy nặng nề và cô độc một thời gian. Song đấy, cũng là động lực để tôi quyết định một điều gì đó. Và tôi chọn, ấy là viết báo. Tôi cắm đầu viết báo, kiểu nghiệp dư thôi. Tôi cộng tác với Báo Nhân dân, báo Nông nghiệp, các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN)... Và rồi, sau đó chừng hai năm, với sự cố gắng không ngừng, cùng chút may mắn, tôi được tiếp nhận về làm phóng viên chính thức của Đài TNVN. Một sự thật mà chính bản thân tôi cũng không ngờ,... Một anh chàng kỹ sư nông nghiệp, lại công tác ở một ban nông lâm nghiệp huyện miền núi biên giới xa tít tắp mãi cuối trời Nam, cầm quyết định bước chân vào cổng Trụ sở 58 Quán Sứ lừng danh khi ấy, làm phóng viên nhà Đài,... Thật khó tin!?...
          Khi về công tác tại Đài TNVN ở Hà Nội, tôi và Liên còn giữ mối liên hệ, đã vài lần thư từ cho nhau. Rồi có một lần, khi đó tôi còn chưa lập gia đình, tôi nhận được thư Liên, hình như vẫn từ địa chỉ nơi anh công tác ở huyện Tân Kỳ thì phải? Anh có than thở với tôi về chuyện khó khăn trong đường con cái... Tôi có thư hồi đáp, cũng chỉ biết an ủi, sẻ chia với Liên mà thôi. Sau đó thì bặn tin. Đến nay, gần ba mươi năm trôi qua rồi. thi thoảng, tôi vẫn nhớ đến Liên giữa bộn bề công việc. Ngày trước, phương tiện thông tin chỉ qua thư từ và cấp lắm mới có điện thoại cố định, chứ đâu tiện lợi và nhanh chóng như bây giờ, nên trên đường đời gian khó, sơ sảy, lơ đãng một chút là mất tin nhau ngay. Và thế là, con người ta mất hút đâu đó nơi chân trời góc biển...
          Tôi đã nghỉ hưu, dù vẫn đang làm chuyên môn cho một cơ quan báo chí, thì điều quan trọng bây giờ vẫn là sự an nhàn của người cao tuổi, sau ngót bốn chục năm công tác. Và nếu còn làm việc công, thì giờ đây, Liên cũng đến tuổi nghỉ hưu. Như nhiều người cao tuổi khác, tôi cũng hay nghĩ xa xôi, hồi tưởng lại thời tuổi trẻ long đong của mình. May mà, nhờ sự tiện lợi của mạng xã hội, tôi có được thông tin, thậm chí gặp lại được nhiều người quen cũ, bạn học cũ từ thời phổ thông, đại học của mình. Tôi nhớ đến những người quen ở Tri Tôn, và cũng đã dăm ba lần trở lại mảnh đất ấy. Anh V, anh Ph vẫn sống ở Tri Tôn, còn M và D đều lập nghiệp và định cư ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhóm ba người, tôi-M và D cũng hay gặp nhau, mỗi khi tôi vào trong ấy, hay các vị ấy ra Hà Nội. Duy chỉ có Liên là mất tăm, anh bạn người xứ Nghệ của tôi ơi, chúng ta đã một thời đồng cam cộng khổ với nhau ở mảnh đất Tri Tôn xa ngút ngàn cuối đất, trong khoảng 5 năm (1981-1985)...
          Mới gần đây, tôi lục tìm các tập tài liệu cũ, lật giở Album, thấy còn mấy tấm ảnh do nhà báo Sĩ Bình chụp cho trong chuyến anh thăm tôi ở Tri Tôn, có mấy tấm ảnh chung, tôi với Liên, và ảnh chung với nhiều người khác nữa. Tự nhủ, chọn một vài tấm có ảnh Liên ngày ấy, đưa lên mạng xã hội, cùng với bài viết này, hy vọng, Liên đang ở đâu đó, biết được, mà phản hồi...
Hay ai đó, biết anh, mà mách giùm cho!?...
Ngày xưa, tôi có một người bạn !... Anh là Lê Kim Liên...

Nhận xét