Rong chơi với một chữ Tình (XXIV ) - Ngày nào mà chẳng là ngày của Mẹ ?

   
       

            Ngày 13 tháng 5 năm nay (2018), cả thiên hạ um lên, gọi là Ngày của Mẹ. Ngày xưa, ở xứ ta, có thấy ai nói gì về cái ngày này đâu. Thôi thì, thời đại mới, international mà, giao thoa và du nhập văn hóa ngoại lai, là chuyện bình thường, nên có thêm nếm ngày này ngày nọ cũng chả chết ai. Hễ Tây có cái gì thì rồi trước sau, Ta cũng có cái đó. Còn cái Ta có thì chưa chắc Tây nó màng. Ấy là cái lý của kẻ mạnh, kẻ được xem là văn minh mà... 
          Trước hết, tôi phải nói lời xin lỗi, với hết thảy những ai thích và tung hô cái ngày này, tức là cái được gọi là Ngày của Mẹ ấy, bởi thực ra, dù là du nhập, thì nó cũng hữu ích, chí ít là nhắc nhở mỗi con người ta, nghĩ về và biết ơn công lao sinh thành và dưỡng dục của mẹ mình, dù là mẹ còn sống hay đã khuất núi. Vậy là tốt chứ sao?! 
        Song thú thật, cho đến tận bây giờ, tôi mới tò mò tìm hiểu xem, Ngày của Mẹ là như thế nào, khi mà các phương tiện truyền thông phát triển, nhất là mạng xã hội, khi xứ ta cũng bàn nhiều đến ngày này. Rất dễ dàng để biết rõ về ngày này, từ tên gọi, nguồn gốc, xuất xứ và ý nghĩa của nó... 
        "Ngày của Mẹ được tổ chức vào ngày chủ nhật thứ 2 của tháng 5 hằng năm, nhằm tôn vinh những người mẹ trên khắp thế giới, thể hiện tình yêu thương của con với người đã sinh ra mình... Ngày của Mẹ tên tiếng Anh là Mother’s Day, là một ngày lễ truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới...". 
            Đấy, ngắn gọn nhất những gì người ta đã viết về nó...

         
       Với xứ Tây, họ vốn sớm rành mạch kiểu "tiền bạc phân minh, ái tình sòng phẳng", quan hệ vợ-chồng, chaiế mẹ-con cái cũng rất rạch ròi, thì việc có một ngày trong năm được coi là Ngày của Mẹ là rất cần thiết.
      Thì ra, ngày này có nguồn gốc từ thời Hy La cổ đại, trước Công nguyên khá lâu, khi người dân xứ này có tục làm lễ cúng tế các nữ thần, nhất là thần Rhea-mẹ các nhiều vị thần Hy Lạp, La Mã vốn được họ tôn thờ. Điều này thì tôi được biết khi đọc bộ sách Thần thoại Hy Lạp từ ngày còn đi học. Rồi nữa, lại cũng có quan điểm cho là nó có xuất xứ từ nước Anh hồi đầu thế kỷ 17... 
          Mà thôi, cũng chẳng cần phải truy nguyên thêm nữa, khi vấn đề tôi muốn nói ở đây, ấy là vị trí và vai trò của người phụ nữ Phương Đông (cụ thể là hình tượng Người Mẹ) trong mỗi gia đình quan trọng đến mức nào? Với Trung Quốc, một đất nước đông dân nhất thế giới, lại mấy nghìn năm chịu ảnh hưởng của Nho giáo, người phụ nữ không được coi trọng ("Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô"), thì người phụ nữ-người mẹ ở mỗi gia đình trong thực tế rất quan trọng nhưng trong quan niệm lại bị coi nhẹ; Còn với xứ ta, vốn tôn thờ Đạo Mẫu, thì dù có bị Nho giáo chi phối ít nhiều, người mẹ luôn giữ vai trò quan trọng với mỗi gia đình, cả về quan niệm và thực tế đời sống xã hội ...
         Tôi nghĩ, ở xứ sở ta, thì có ngày nào không phải là Ngày của Mẹ cơ chứ?! Trong mỗi mái nhà, chỉ cần vắng bóng người phụ nữ (người mẹ) một ngày thôi, mọi việc sẽ rối tung cả lên... Người mẹ, hiển hiện mọi lúc mọi nơi, người mẹ là biểu hiện của sự sự lo toan, sự ổn định và yên ấm, là trung tâm kết nối của các mối quan hệ riêng chung ... Vậy thì, ngày nào cũng có thể xem là Ngày của Mẹ. Vậy thôi!...
         Với mỗi chúng ta, mẹ mình, mẹ của các con, mẹ của các cháu mình, về cơ bản, đều có thiên chức và thói quen tập nhiễm giống nhau... Cứ thế, nước mắt chảy xuôi ... Lại nghĩ, dân gian từ xa xưa có câu "Mất cha thì ăn cơm với cá, mất mẹ thì liếm lá đầu đường" là gì... Nói như vậy, hẳn phải có cái cơ sở, lý do của nó ... 
         Thôi, cũng chằng cần lý sự nữa mà làm gì. Mỗi người, chỉ cần nhìn và ngẫm nghĩ về bà nội, bà ngoại của mình, rồi mẹ mình, và mẹ của các con mình, là đủ thấu hiểu, ở cái xứ sở này, một năm 365 ngày: Ngày nào cũng là ngày của Mẹ !...
         Vinh hạnh thay !
         Và cũng nhọc nhằn lắm thay!!!...

Cảm tác ngày 13 tháng 5 năm 2018

Nhận xét